Bên cạnh tre nứa hay những vật liệu địa phương, gạch đất nung cũng được “tái sinh” đầy mới mẻ qua những công trình ấn tượng nhưng không mất đi chất “thuần Việt” giữa cuộc sống hiện đại.
Có mặt trong kiến trúc Thế giới nói chung và kiến trúc Việt nói riêng, từ hàng ngàn năm nay, gạch đất nung luôn có một chỗ đứng vững chắc cho mình bởi khởi tạo một công trình đều bắt đầu từ một viên gạch. Vốn được ứng dụng chủ yếu trong xây tường để tạo nên lớp khung nhà cơ bản thì nay, gạch đất nung tìm được hướng đi mới độc đáo và sáng tạo hơn: Diện mạo thô mộc tạo nên chất riêng cho mỗi công trình.
Gạch đất nung “trưởng thành” qua từng giai đoạn
Chất liệu chính để làm nên một viên gạch đất nung chính là đất sét. Sau khi đào lên, đất sét được nhồi kỹ với nước và cho vào khuôn tạo hình, phơi khôi và đưa đi nung. Thời xưa chỉ có vua chúa, nhà giàu có hay các công trình chùa miếu mới được sử dụng gạch vì giá thành cao. Nhưng rồi cuộc sống phát triển, gạch nung dần được sản xuất đại trà và là vật liệu chính để xây lên những công trình nhà ở nhưng thường bị che đi bởi một lớp xi măng để người thợ có thể quét sơn trang trí cho căn nhà.
Những gian nhà gạch đỏ khang trang một thời ở làng quê Việt
Cường độ chịu lực nén của gạch đất nung cao (chỉ số Mpa đạt từ 42-70) nên được áp dụng linh hoạt trong mọi công trình trong mọi vị trí từ làm nền, làm tường hay làm sân… Để tới được tay người tiêu dùng, những viên gạch đỏ đã trải qua quá trình nung luyện trong lò hàng giờ với mức nhiệt từ 1000 đến 1050 độ C nên sau khi thành phẩm, khả năng chịu nhiệt từ môi trường tự nhiên là rất tốt.
Khả năng chịu lực và chịu nhiệt tốt nên gạch nung được chọn làm vật liệu chính trong xây dựng hàng chục năm nay
Tuy nhiên điểm hạn chế của gạch đất nung chính là quá trình nung, đúc tạo ra gạch sẽ phát thải một lượng lớn khí CO2 ra môi trường. Trong xu thế khuyến khích các công trình xanh, gạch đất nung dần bị hạn chế. Hiện tại đã có quy định rõ ràng về việc các công trình cao tầng, công trình công buộc phải sử dụng gạch không nung thay thế. Trong khi đó quy trình sử dụng gạch không nung còn chưa hoàn thiện và phổ biến nên các công trình nhà ở, công trình nhỏ vẫn chọn gạch đất nung để xây dựng khung nhà. Bài toán cân bằng cung cầu, cũng như tối ưu ở giới hạn cho phép đối với gạch đất nung còn chưa có lời giải đáp thoả đáng.
Một điều khó có thể phủ nhận rằng, người ta thường thấy ấn tượng và thích thú với những công trình giữ nguyên vẻ thô mộc của viên gạch đỏ. Kết hợp với lối kiến trúc hiện đại và giải pháp sáng tạo từ KTS, gạch nung biến hóa linh hoạt đến bất ngờ và tạo ra những công trình sáng tạo, đầy mới lạ.
Không còn lớp xi măng xám, công trình nổi bật với màu đỏ mộc giản dị nhưng rất đỗi yêu kiều
Sự “tái sinh” của gạch đỏ qua những công trình ấn tượng
Sau khoảng thời gian dài với những lo nghĩ cơm áo gạo tiền, bon chen mưu sinh trên thành phố, gia chủ Uncle’ House mong muốn tìm lại sự an nhiên trong tâm tưởng, muốn hoài niệm về hình ảnh cuộc sống yên ả cùng đại gia đình của mình trước đây. Đó là lí KTS quyết định chọn gạch đỏ, ngói cũ, gỗ mộc để tạo nên diện mạo hiện tại cho công trình này.
Căn nhà nhỏ được xây dựng ở mảnh đất thảo nguyên lộng gió
Không gian mở trong nhà mộc mạc pha lẫn lối kiến trúc hiện đại
Khoảng thông tầng ấn tượng kết hợp cùng bức tường gạch mộc với lỗ thông khí giúp không khí trong nhà được luân chuyển
Xi măng láng, lớp ngói cũ phủ rêu phong, gạch đỏ thô sơ và màu xanh của cây lá… sự kết hợp hoàn hảo, tái hiện hồn thiên nhiên bên trong không gian sống của gia chủ.
Khung cảnh bình yên tới lạ mà ta thường bắt gặp ở những miền quê xa
Theo KTS. Ngụ Ngôn, một trong hai KTS chủ trì của công trình này, cho biết: “Tôi thực sự yêu thích vẻ đẹp giản dị mộc mạc của viên gạch, chúng tôi muốn tạo ra nhiều những công trình đẹp chỉ khởi đầu bằng một viên gạch và hình khối đơn giản. Những không gian chúng tôi tạo ra bằng sự liên kết của bức tường gạch kết hợp với ánh sáng không bao giờ nhàm chán và chứa đựng đầy cảm xúc. Tôi cho rằng những đứa trẻ con cần được sống trong một không gian đủ ánh sáng và nhiều cảm xúc để phát triển toàn diện.” Đó là lí do các công trình của chị luôn tiềm ẩn sức sống mãnh liệt giàu cảm xúc ẩn sau bức tường gạch đỏ thô mộc và Long An House cũng không ngoại lệ.
Khung cảnh giản dị, chân chất của Long An House mỗi sớm mai
Lối kiến trúc truyền thống với những mái ngói trải dài được tái hiện sinh động, mới lạ hơn
Bức tường “xốp” đảm nhận vai trò thông gió trong nhà
Khoảng thông tầng ấn tượng với hồ nước nhỏ chính giữa nhà là bí quyết để căn nhà không tốn một chi phí làm mát nào
Không nhất thiết phải ở miền quê thanh bình, giữa thành phố nhộn nhịp ta vẫn bắt gặp vẻ đẹp mộc mạc nhưng không kém phần hiện đại bên trong công trình “Nhà V3”.
Không cầu kì, Nhà V3 đẹp một cách rất riêng và giàu cảm xúc
Gia chủ mong muốn có không gian sống giúp tìm thấy sự cân bằng, để có thể thả lỏng tinh thần sau khi kết thúc công việc trở về nhà nên gạch mộc đã được KTS sử dụng cho phần lớn cấu trúc của ngôi nhà.
Phòng khách đón nắng, tạo cảm giác gần gũi với những chi tiết mộc mạc, thô sơ
Khoảng giếng trời nhỏ giúp căn nhà đón gió
Kiến trúc hiện đại và lối tư duy sáng tạo khiến Nhà V3 có kết cấu như một hang động với những giải pháp lấy sáng hiệu quả
Sực mộc mạc của gạch, sức sống từ cây xanh như hòa vào nhau rồi như tôn vẻ đẹp của nhau để hoàn thiện không gian sống
Bên cạnh những công trình chọn gạch đất nung là vật liệu chính vừa để xây dựng, vừa đóng vai trò thẩm mỹ thì cũng có những công trình chọn gạch đất nung làm yếu tố điểm nhấn cho tổ ấm của mình.
Công trình “Dưới hiên nhà” có phần mái hiên giản dị, đậm chất Việt sau cải tạo
Những bức tường gạch đóng vai trò vách ngăn, đồng thời là giải pháp thông gió cho “Nhà trong nhà”
Trong sự phát triển không ngừng của thời đại, đôi khi ta hoài niệm về những gì đã qua, những giá trị đã từng thân thuộc. Cũng vì thế những công trình mang vẻ đẹp thô sơ, bình dị vẫn được ưa chuộng, bởi ẩn trong đó là cảm giác thư giãn, an bình. Sáng tạo theo cách của mình cũng giống như mong muốn sở hữu một không gian sống hoàn thiện nhất cho bản thân vậy đó.
Bài viết: Thu Thủy