The Boundaryless: Dỡ bỏ khoảng cách thế hệ trong ngôi nhà 100 tuổi lưu giữ ký ức tại Quảng Châu, Trung Quốc

    Cập nhật ngày 01/06/2018, lúc 03:422.391 lượt xem

    Người Á Đông đã từ lâu quen với nếp sinh hoạt ông bà, cha mẹ, con cái cùng sống quây quần trong một ngôi nhà. Tuy nhiên, những bước ngoặt của thời đại lại dần sinh ra khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình. Cải tạo lại ngôi nhà 100 tuổi không phải để xóa bỏ những hoài niệm, ký ức cũ, mà để hàn gắn hơn mỗi thành viên trong từng lớp thế hệ.

    Những nỗ lực cải tạo ngôi nhà trăm tuổi

    Được xây dựng từ năm 1919, ngôi nhà 100 tuổi ở Quảng Châu, Trung Quốc là nơi sinh sống của gia đình bà Phong gồm có bốn người: bà Phong, vợ chồng người con trai thứ tư và cháu nội nhỏ tuổi nhất. Vào những ngày lễ, các cháu sẽ về chơi quây quần bên bà. Tuy nhiên, vào những ngày thường, những bức tường ngăn cách lại vô tình đẩy bốn thành viên rời xa nhau. Ngôi nhà được 100 tuổi và bà Phong đã sống ở đây gần hết cả đời người.


    Ngôi nhà 100 tuổi được cải tạo với những nỗ lực dỡ bỏ mọi bức tường ngăn cách trong sinh hoạt

    Ngôi nhà cao ba tầng nằm ngay mặt đường trong một khu trung tâm cũ của thành phố Quảng Châu. Cấu trúc nhà cũ bố trí cửa sổ không phù hợp dẫn đến việc gió và ánh sáng tự nhiên không thể dễ dàng đi vào nhà, gây ra vấn đề nghiêm trọng về bóng tối, độ ẩm và mối mọt. Cùng với vấn đề về cấu trúc, thời gian gây ra các mức độ hư hỏng cho căn nhà. Tất cả những vấn đề này đã trở thành rắc rối trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình.


    Bề ngoài ngôi nhà trăm tuổi sau khi được cải tạo. Nhìn bề ngoài trông như hai tầng nhưng thực chất không gian sử dụng bên trong có ba tầng

    Phương án cải tạo là dỡ bỏ tường chịu lực và xây lại kết cấu thép để thay đổi toàn bộ mặt bằng sàn. Ngôi nhà mới được xây dựng cao ba tầng, hệ thống kết cấu lõi (Core Tube) bao gồm thang bộ và thang máy sẽ điều hướng chuyển động trong ngôi nhà, giúp kết nối lại các không gian phân tán như phòng sinh hoạt, phòng ngủ, phòng làm việc, phòng học,... Dù sinh hoạt ở các không gian chức năng khác nhau nhưng các thành viên trong gia đình có thể dễ dàng nhìn thấy nhau, di chuyển và kết nối.


    Hệ thống kết cấu lõi (Core Tube) với vai trò điều hướng di chuyển các khu vực không gian chức năng trong ngôi nhà

    Mảnh sân ngoài trời được mở rộng ở cả mặt trước và mặt sau ngôi nhà giúp đưa ánh sáng lan tỏa nhiều hơn vào không gian bên trong. Việc lắp đặt toàn bộ cửa kính cho một mặt ngôi nhà ở tầng hai và ba, cùng với mảnh sân phía sau nhà tạo thành một giếng trời thu ánh sáng triệt để. Như vậy, mọi vấn đề về ánh sáng và thông gió đều đã được giải quyết.


    Mảnh sân ở phía trước nhà, nằm sau cánh cổng


    Mảnh sân phía sau nhà cùng với cửa kính tạo thành một giếng trời đưa sáng và thông gió


    Các phòng chức năng như phòng khách, bếp, bàn ăn được bố trí thông nhau, không sử dụng các bức tường ngăn cách


    Đứng ở góc nào trong tầng một, các thành viên trong gia đình cũng có thể nhìn thấy nhau

    Ngôi nhà lưu giữ kỷ niệm và xóa bỏ khoảng cách thế hệ

    Ngoài những không gian mang tính chất cá nhân như phòng ngủ, workshop làm việc của người con trai thứ tư của bà Phong, căn nhà ưu tiên dành nhiều diện tích cho các phòng sinh hoạt chung, đặc biệt phải kể đến phòng vui chơi ở tầng một và phòng lưu giữ ký ức ở tầng hai và ba.

    Phòng giải trí dành cho mọi thành viên trong gia đình ghi dấu ấn đặc biệt bởi một chiếc bàn đa nhiệm. Mặt bàn có thể thay đổi linh hoạt từ một chiếc bàn thông thường dành để uống trà thành một sân chơi đánh bóng bàn. 


    Ở tầng một, cửa chính đi vào phòng giải trí, phía sau là cầu thang dẫn lên phòng lưu giữ ký ức

    Phòng lưu giữ ký ức nằm phía trên phòng giải trí và có độ cao hai tầng lầu. Đây là nơi lưu giữ những hoài niệm về người chồng đã khuất của bà Phong. Dù ông đã ra đi nhưng những ký ức về ông vẫn luôn là động lực tinh thần của mỗi thành viên trong gia đình. Sinh thời, trong thời gian đất nước chiến tranh, ông đã trở về từ nước ngoài để phục vụ Tổ quốc. Ông là một người đạt nhiều thành tích cao trong ngành kỹ thuật và phong cách vẽ Canton trong nghệ thuật. Chính vì thế, thiết kế phòng lưu giữ ký ức được thiết kế đặc biệt với những mảng trần bằng gỗ và thiết kế tường là phong cách vẽ Canton về chân dung của ông Phong. Thiết kế những bậc cầu thang đi lên như một cách trân trọng và tưởng niệm người đã khuất. Tại căn phòng này, gia đình có thể lưu giữ những đồ vật của ông Phong, cùng nhau ngồi quây quần, trò chuyện và xem lại những thước phim về ông.


    Phòng lưu giữ ký ức được thiết kế pha trộn giữa chất liệu truyền thống và hiện đại


    Một chiếc bàn trà gỗ gợi lại cảm giác về một miền ký ức xưa

     

    Phòng lưu giữ kỷ niệm là nơi cả nhà quây quần, cùng nhau trò chuyện, cùng nhau hoài niệm

    Tất cả các phòng ngủ đều nằm trên tầng hai và tầng ba. Sau khi đảm bảo sự riêng tư của từng thành viên trong gia đình, kiến trúc sư đã tạo ra nhiều cảnh tượng giao nhau bằng cách sử dụng khoang, cửa sổ đối diện và các cài đặt cửa phòng đặc biệt. Mục đích thiết kế này để làm giảm cảm đi giác tách biệt trong căn nhà. Ngay cả khi các thành viên gia đình đang ở trong phòng riêng, họ vẫn có thể nhìn thấy những người thân yêu của mình.


    Khoang cửa từ phòng riêng có thể nhìn ra hành lang


    Từ phòng đọc sách, có thể nhìn ra các không gian khác cùng tầng


    Phòng ngủ đảm bảo sự riêng tư nhưng vẫn có tính liên kết

    Khi cháu của bà Phong đến tuổi kết hôn, nhu cầu về không gian cho các thành viên trong gia đình sẽ trở nên nhiều hơn. Không gian riêng của cháu bà Phong nằm trên tầng ba, có phòng tắm riêng và phòng ngủ dành cho khách bên cạnh phòng của mình. Cửa của cả hai phòng có thể được mở theo cả hai hướng để kết hợp chúng với nhau.


    Phòng làm việc (workshop) của con trai bà Phong nằm ở tầng trên cùng, nhìn ra mảnh vườn sân thượng


    Sân thượng là nơi trồng cây xanh và rau trái, đây cũng là khoảng không gian nghỉ ngơi gần gũi với thiên nhiên

    Con người thường ví cuộc sống giống như một chuyến hành trình dài trên biển, trong chuyến hành trình ấy, nhà sẽ luôn là một ốc đảo đón người đi xa trở về trong sự đùm bọc yêu thương. Ngôi nhà 100 tuổi ở Quảng Châu chắc chắn sẽ luôn là nơi tìm về, gợi nhớ tất cả về gia đình và những khoảng thời gian bên nhau. 

    Thông tin công trình:

    Tên công trình: The Boundaryless

    Đơn vị thiết kế/thi công: INSPIRATION GROUP

    Kiến trúc sư: Thomas Xie

    Địa điểm: Quảng Châu, Trung Quốc

    Diện tích: 375 m2

    Năm hoàn thành: 2017

    Hình ảnh: Zhaohui Huang

    Người viết: Tùng Dương

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0