Dù lượng công trình được nhận chứng chỉ xanh bền vững còn ở mức khiêm tốn nhưng kiến trúc Việt cũng kịp gặt hái được những thành công nhất định và gây tiếng vang với bạn bè quốc tế qua những sân chơi lớn trong những năm gần đây.
Xu hướng “công trình xanh” xuất hiện như một giải pháp thiết thực để con người sửa chữa sai lầm đã gây ra với tự nhiên, cũng là cách thức để chúng ta bảo vệ môi trường sống, sức khỏe của mình
Như đã đề cập trong chuyên đề “Xanh là chất lượng”, 5 tiêu chí mà một công trình “Xanh” cần hướng đến là:
Địa điểm bền vững: Thay vì phá vỡ môi trường tự nhiên tại địa điểm thi công, công trình xanh sẽ hòa mình vào không gian sống.
Khai thác và sử dụng năng lượng tự nhiên hiệu quả: Công trình xanh tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên như gió, ánh sáng, năng lượng mặt trời, tài nguyên nước... chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào điện hay xăng dầu. Năng lượng tiêu thụ được giảm tải, thay thế bằng năng lượng sạch không chỉ giúp chúng ta sống khỏe hơn mà còn tiết kiệm đáng kể chi phí sinh hoạt.
Sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường như gạch không nung, tre, nứa… cũng giúp giảm thiểu được lượng các bon sản sinh ra môi trường bên ngoài.
Chất lượng môi trường trong nhà: Với công trình xanh, con người không sống trong bốn bức tường mà chúng ta sẽ sống trong một “tiểu môi trường”. Không gian sống thoáng đãng, phân bổ hợp lý, hài hòa với tính cách, nhu cầu sống của gia chủ, nội thất chủ yếu sử dụng những vật liệu đơn giản, không phát thải khí độc ảnh hưởng tới cuộc sống của người trong nhà.
Kiến trúc tiên tiến, bản sắc: Mỗi vùng miền, khu vực đều có nét bản sắc riêng. Kiến trúc cần hợp lý hóa để phù hợp với lối sống, thói quen của con người. Áp dụng công nghệ khoa học tiên tiến nhưng đồng thời vẫn cần giữ gìn bản sắc văn hóa thể hiện qua cách thiết kế, cách phân chia không gian, cách bài trí nhà cửa và nguyên vật liệu sử dụng.
Tính xã hội nhân văn, bền vững: Để đảm bảo tính bền vững, công trình xanh giúp liên kết mọi thành viên trong gia đình, hướng đến cuộc sống gắn kết với cảnh quan xanh bao quanh và tạo ra một ngôi nhà có khả năng thích hợp với thời đại ngày nay, vừa không ảnh hưởng tới việc thỏa mãn của con cháu đời sau.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc từ biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng bắt nhịp nhanh chóng với xu thế “Xanh” của toàn cầu với những công trình xanh độc đáo:
Trường mẫu giáo Farming Kindergarten – Đồng Nai
Kiến trúc độc đáo, tiết kiệm năng lượng hiệu quả là điểm nổi bật của trường mẫu giáo Farming
Được xây dựng để phục vụ cho nhu cầu học tập, vui chơi cho con em của 23.000 công nhân tại khu công nghiệp có mức thu nhập thấp tại Đồng Nai, kiến trúc của trường hướng tới tính bền vững và không gian xanh trong lành.
Hệ thống cây xanh quanh khuôn viên trường và trên mái đóng vai trò như hệ thống cách nhiệt thiên nhiên cho không gian toàn trường. Dù trong thời tiết nóng nực, nhà trẻ cũng gần như không phải sử dụng điều hòa trong phòng học. Sau khi vận hành 10 tháng, tòa nhà tiết kiệm được 25% năng lượng và 40% lượng nước ngọt so với các trường học trong khu vực.
Vườn cây xanh được bố trí trên mái vòm của trường vừa là nơi vui chơi, trải nghiệm nông nghiệp vừa là nơi cung cấp lượng rau sạch cho cô và trò nơi đây
Trung tâm thương mại BigC Dĩ An
Không gây ấn tượng bởi kiến trúc độc đáo, những giá trị tích hợp mang tính bền vững và thân thiện với môi trường mới là điểm giúp trung tâm thương mại BigC Dĩ An nhận được chứng LOTUS và LEED của Hoa Kỳ về kiến trúc xanh năn 2013.
Bãi đỗ xe với hệ thống mái che được lắp đặt với 1450 m2 tấm pin mặt trời, sản sinh ra 231.430 kWh điện tái tạo trong năm vận hành đầu tiên. Sử dụng bê tông tiêu thấm nước giúp giảm chảy tràn nước mưa và tái nạp nước ngầm cũng là giải pháp tái chế nước hiệu quả của công trình. Hệ thống cây xanh trong khuôn viên và các tiện ích xã hội như ổ sạch công cộng cho xe điện, không gian vui chơi ngoài trời cho trẻ cũng là yếu tố giúp BigC Dĩ An ghi điểm về giá trị cộng đồng.
Công trình BigC Dĩ An là trung tâm thương mại BigC đầu tiên nhận được chứng nhận công trình Xanh của Hoa Kỳ
Nhà cộng đồng & homestay Nậm Đăm – Quản Bạ, Hà Giang
Kiến trúc ấn tượng của nhà cộng đồng Nậm Đăm: tiết kiệm năng lượng, giá thành rẻ, thi công đơn giản, phù hợp với đời sống – văn hóa – xã hội địa phương
Mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, nhà cộng đồng Nậm Đăm có sự đồng bộ và xuyên suốt từ kiến trúc tới vật liệu xây dựng.
Công trình tiết kiệm năng lượng do sử dụng tường đất dày 80 cm, hệ ngói kép cách nhiệt giúp thu nước mưa tái sử dụng. Khoảng thông tầng và ban công giúp không gian bên trong nhà tận dụng được nguồn sáng tự nhiên và thông gió đối lưu.
Quá trình xây dựng thủ công hoàn toàn nhờ sức dân làng nên hạn chế phát thải ra môi trường. Tận dụng vật liệu địa phương và vật liệu tái chế cũng là điểm đặc biệt giúp giảm thiểu đáng kể chi phí xây dựng toàn bộ công trình.
Mặt cắt chiến lược tiết kiệm năng lượng của nhà cộng đồng Nậm Đăm
Trường đại học FPT thành phố Hồ Chí Minh
Đại học FPT thành phố Hồ Chí Minh gây ấn tượng với lượng lớn cây xanh được bố trí xuyên suốt không gian. Không chỉ giảm nhiệt, tạo không gian thoáng đãng trong lành, cây xanh còn đóng vai trò quan trọng đem lại cảnh quan thiên nhiên cho trường khi che đi những khối bê tông đúc sẵn.
Với những khoảng mở lí tưởng, ánh sáng và gió được điều hướng hài hòa, đem tới không gian sinh hoạt thoáng đãng cho hơn 10.000 sinh viên đang theo học tại trường.
Cây xanh được bố trí trước cửa sổ giúp giảm bớt nhiệt độ không khí vào phòng và cho phép ánh sáng tự nhiên lan tỏa rộng khắp không gian
Koi café gây ấn tượng không chỉ bởi lối kiến trúc độc đảo mà còn ở chất “xanh” ẩn trong từng góc nhỏ.
Những tấm pallet gỗ sồi được tái chế, trở thành “nhân vật chính” trong kiến trúc của Koi
Hệ thống thủy sinh thủy canh hoàn toàn hữu cơ, khép kín ngay trên mái công trình: Chất thải cá Koi theo đường dẫn trở thành chất bón chon cây; nước từ hệ thủy sinh lại theo rễ thẩm thấu xuống bể cá
Ngói đỏ xếp theo lớp như vẩy cá vừa gây ấn tượng thị giác vừa giúp không gian bên trong tận dụng được ánh sáng và gió tự nhiên
Thay thế bức tường bê tông là những lớp ngói âm dương thân thiện với môi trường
Tổng thể kiến trúc của Koi là sự tính toán tỉ mỉ để tạo nên khối kiến trúc xanh giảm phát thải ra môi trường.
Hưởng ứng xu hướng sống xanh không chỉ có các công trình mang tính công cộng, cộng đồng mà kiến trúc nhà ở thời gian qua cũng có bước chuyển mình đáng kể.
M House
Giải ba giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2008 là phần thưởng xứng đáng cho kiến trúc “xanh” của M-House
Dùng mành để che nắng vốn là nét quen trong kiến trúc người Việt nhưng thay vì mành tre truyền thống, M House sử dụng những tấm mành bằng nhôm đầy cá tính, hiện đại. Khi nắng lên cao, những mành nhôm này không chỉ giúp cản nắng mà hơi nóng ảnh hưởng vào nhà cũng được giảm rõ rệt.
Dàn mái che dùng pin mặt trời góp phần chiếu sáng cho căn nhà thông qua hệ thống đèn led. Chỉ nhờ bình nước nóng và hệ thống pin mặt trời mà gia đình cũng giảm được 30% tổng điện tiêu thụ so với trước đó. Hoàn thiện từ năm 2008, M House xứng đáng là công trình tiêu biểu cho công trình xanh của Việt trong những giai đoạn đầu.
Không chỉ là không gian sống thoáng đãng, đích đến của cùng của kiến trúc nhà mặt trời là sự tương tác tuyệt vời với thiên nhiên, tiết kiệm triệt để năng lượng, bảo vệ môi trường.
Không gian mở với khoảng thông tầng xen kẽ với cây xanh và hồ nước đem lại môi trường sống thoáng đãng, lí tưởng cho Nhà mặt trời
32 tấm pin mặt trời lắp đặt trên mái giúp cung cấp đủ điện năng cho việc chiếu sáng và đun nước nóng trong giờ cao điểm. Hệ thống thông gió cũng giúp giảm lượng điện tiêu thụ hiệu quả
Bộ cảm biến ánh sáng trời giúp tăng giảm độ sáng, điều chỉnh hệ thống rèm cửa sao cho các phòng luôn đủ lượng sáng cần thiết, tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên
Thời gian gần đây, các vật liệu xây dựng truyền thống dần được ưa chuộng trở lại, trong đó có tre nứa. Không chỉ vì đặc tính thân thiện với môi trường, sử dụng tre nứa trong kiến trúc còn giúp công trình nổi bật với không gian đậm nét đẹp văn hóa xưa.
Kiến trúc Gentle House lấy cảm hứng từ nhà ba gian Bắc Bộ
Tre, nứa, gỗ, đất sét… tuy mộc mạc, đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả trong việc ổn định nhiệt độ cho không gian sống trong nhà
Kết cấu mái mở của tầng hai giúp ánh sáng bao trùm căn nhà khi ngày mới lên
Tấm mành tre mộc mạc, bộ cửa “Thượng Song Hạ Bản” – loại cửa cổ được ghép từ những tấm gỗ miếng đã được trạm trổ lại với nhau, kết hợp với lớp cửa kính bên trong giúp ngôi nhà mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông
Độc đáo với kiến trúc tách đôi: một nửa dành cho ông bà với nét trầm mặc hoài cổ, nửa còn lại năng động hiện đại dành cho cặp vợ chồng trẻ và con nhỏ, Memory House là một trong những kiến trúc điển hình về tính xã hội, bền vững của công trình “xanh”.
Thiết kế cửa lùa, mái ngói, hồ nước… là những nét đặc trưng cho kiến trúc truyền thống Việt Nam
Không gian mở với giếng trời, lam chắn… còn giúp căn nhà thông thoáng, tiết kiệm điện năng
Bắt kịp xu hướng công trình xanh với các loại vật liệu thô mộc nhưng mang lại cảm xúc mạnh mẽ, kiến trúc T House được xây dựng với những vật liệu thân thiện với môi trường, kết hợp cùng các khoảng mở ấn tượng và bài trí cây xanh hợp lý để tạo nên không gian sống thoáng đãng, hài hòa với thiên nhiên.
Lam chắn ấn tượng giúp không khí trong nhà được lưu chuyển tốt hơn
Lớp mang cá ở mặt tiền đảm bảo cho cằn nhà tránh được cái nắng, cái gió vốn là “đặc sản” Bình Dương
Khoảng xanh của T House như một công viên tí hon vừa là nơi vui chơi cho con nhỏ vừa là “lá phổi xanh” nho nhỏ cho không gian trong nhà
Những khoảng mở trong không gian giúp các thành viên trong gia đình kết nối với nhau dễ dàng hơn dù đang ở bất cứ nơi đâu trong nhà
Một kiến trúc xanh phải biết nương mình theo môi trường thiên nhiên xung quanh để phát triển và tồn tại bền vững, Blinds House là một công trình như vậy dù sự hòa hợp phải mất tới 2 năm để hoàn thiện.
Quá trình hòa mình vào môi trường sống xung quanh của Blinds House trong suốt 2 năm
Hệ thống rèm và cây xanh xanh độc đáo giúp căn nhà không còn áp lực khi đối mặt với gió Tây bỏng rát
Những khoảng thở được bố trí đan xen xuyên suốt kiến trúc căn nhà giúp căn nhà tận dụng triệt để nguồn ánh sáng tự nhiên và gió trời trong lành
Do các quy định, quy chuẩn về kiến trúc xanh còn chưa được đồng bộ, thắt chặt nên việc quyết định có xây dựng công trình xanh hay không tùy vào mong muốn và nhận thức của chủ đầu tư hay KTS. Nhưng khi nhìn vào hậu quả mà thiên tai để lại do biến đổi khi hậu hay chất lượng môi trường sống ngày càng giảm sút, chắc có lẽ ai cũng đã có lựa chọn cho riêng mình. Đã đến lúc chúng ta nên nhận thức đúng đắn và có hành động cụ thể để được sống xanh đúng nghĩa.
Bài viết: Thu Thủy
[Xanh là Chất lượng - Green is quality] là khái niệm được Ashui.com (Trang thông tin điện tử của Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam) sáng tạo nên để định hướng là mục tiêu trong xây dựng công trình kiến trúc xanh.
Happynest cùng Ashui.com liên kết phát triển các chủ đề nội dung để truyền đi thông điệp "Xanh là chất lượng" giúp xây dựng và cải thiện chất lượng cuộc sống tại Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng nhận thức chung của cả cộng đồng với những vấn đề về chất lượng cuộc sống sẽ giúp mỗi người đều có ý thức tìm kiếm những giải pháp để đem lại một cuộc sống tốt hơn trong tương lai, bằng chính hành động và kêu gọi hành động từ hôm nay. Đó không chỉ là trách nhiệm của một người mà là sự chung tay của cả cộng đồng để hướng đến những giá trị chung.