Giữa môi trường sống bộn bề là một "khoảng trống"yên bình và xanh mát mang đậm tính nhân văn.
Chốn bình yên là nơi sự an toàn được bảo đảm và mọi giác quan được nới lỏng. Đó có thể là nhà, là một pháo đài, hay bất cứ nơi trú ngự nào mà bản năng ta vẫn luôn kiếm tìm. Bên cạnh bản năng sinh tồn, bản năng tìm kiếm sự an toàn xuất hiện từ rất xưa, ngay khi con người bắt đầu biết ý thức được về hiểm nguy, họ tìm cho mình một chốn ẩn náu kiên cố: hang động.
Việt Nam hiện có tốc độ đô thị hoá chóng mặt. Như một hệ luỵ tất yếu, người dân phải đối điện với nhiều mặt trái như cuộc sống mất cân bằng và tệ nạn xã hội gia tăng. Ngoài ra, mật độ dân số cao còn đẩy những ngườivốn quen với khoảng không bao la, với ruộng vườn sông nước vào những ô vuông chật hẹp tù túng. Trước hiện trạng đó, nhóm kiến trúc sư trẻ đến từ 23o5 Studio đã đưa ra một giải pháp rất riêng: The Longcave
Trong "khoảng trống" bình yên.
Bắt nguồn từ ý tưởng về cuộc sống trong hang động của người tiền sử, cùng với nguồn cảm hứng từ hang Sơn Đoòng – hang động tại Quảng Bình được công nhận là lớn nhất thế giới, đây là một công trình nhà ở được thực hiện tại Trà Ôn, Vĩnh Long trên một diện tích khá đặc biệt: 5x40m.
Câu hỏi được đặt ra: làm sao để biến một khoảng không gian như thế thành một ốc đảo yên bình và biệt lập với sự náo nhiệt bên ngoài nhưng vẫn có độ “mở” và “thoáng” bên trong? Trả lời cho điều đó, kiến trúc sư đã loại bỏ hoàn toàn những bức tường trong nhà, chỉ để lại những vách ngăn ở nơi riêng tư nhất được đặt phía sau cùng: phòng ngủ. Nhờ vậy, ngay khi bước qua cửa chính, ta thấy mình lọt vào một hang động xanh mát với một khoảng không liền mạch. Tuy toàn bộ không gian sống của ngôi nhà được mở ra hoàn toàn sau cánh cửa, mọi sinh hoạt, bố trí bên trong vẫn được tế nhị “giấu” sau tấm bình phong tại cửa chính – một chi tiết thông minh, vừa đủ cho một garage mini, vừa thêm vào cảm giác kín đáo cho gia chủ.
Ranh giới trong –ngoài được thiết lập tinh tế
Cửa chính, ngày và đêm
Không gian sinh hoạt khác nhau được phân định rõ rệt bằng khoảng vườn hay ao súng nhỏ xinh và sự thay đổi chiều cao của trần nhà.
Những form dáng linh hoạt của trần nhà tại mỗi khu vực giúp giảm đi sự lặp lại nhàm chán.
Khoảng vườn nhỏ hay giếng trời vừa khiến không gian thêm ‘mở’vừa tăng sự tươi mát cho ‘ốc đảo’.
Như để nhấn mạnh hơn nữa cảm hứng “hang động” của dự án, không gian buồng tắm cũng được để gần như mở. Đây là một nét táo bạo đáng yêu, rất hợp với gia chủ yêu thích tính thiên nhiên trong ngôi nhà của mình. Tuy thế, một bức rèm mỏng ngăn cách khu vực tắm biết đâu sẽ trở nên có ích nếu một lúc nào đấy ta bỗng cần đến chút riêng tư?
Buồng tắm “Tiên Dung”
Cùng với bố cục chung, sự tiết chế về màu sắc cũng làm đẩy mạnh nét tối giản của thiết kế. Màu ghi trung tính chủ đạo của bê tông, màu xanh mát của cây lá, màu nâu trầm ấm của gỗ không chỉ giúp cân bằng giữa các màu ấm, lạnh mà còn đưa chất Thiền vào không gian. Bên cạnh đó, tính hiện đại trong thiết kế cũng được đẩy mạnh nhờ vào việc vận dụng ánh sáng tự nhiên một cách hết sức uyển chuyển. Ánh sáng được để lọt vào vừa đủ từ nhiều nguồn khác nhau làm ngôi nhà không bị âm u, nhưng cũng không quá chói chang khiến vẻ thâm trầm yên ả bị tan đi mất.
Sẽ không quá khi gọi đây là một “cuộc chơi” về ánh sáng khi kiến trúc sư dùng sự đối lập sáng-tối, hay những vệt nắng trời đổ xuống để tạo ra những đường nét, sắc tố làm sinh động thêm cho ngôi nhà.
Những vệt nắng di chuyển theo từng thời điểm
Một tổng hoà về màu sắc và ánh sáng
Một chi tiết có thể coi là khá “đắt”: vệt nắng tròn hắt lên hình cây thánh giá trên tường. Hình ảnh này gợi nhớ đến thiết kế kinh điển của kiến trúc sư người Nhật Tadao Ando: Church of the Light. Phải chăng gia chủ muốn ẩn dụ về “chốn linh thiêng” trong chính ngôi nhà của mình, nhưng vẫn đủ tinh tế để tạo cảm giác nhẹ nhàng gần gũi.
Nhàvừa là chốn linh thiêng vừa là nơi gần gũi
Song song với nguồn cảm hứng hiện đại, những yếu tố cơ bản của một ngôi nhà truyền thống Việt vẫn được bảo lưu trong tổng thể của thiết kế. Đó là sự tôn trọng một môi trường sống cân bằng về sinh thái với vườn cây, mặt nước.
Bao quát tổng thể công trình
Như kiến trúc sư bộc lộ: dự án không chỉ nhằm xây nên một ngôi nhà, mà còn hướng đến tạo ra một nơi chốn, ở đó mọi lo âu được rũ bỏ, chỉ còn sự an yên. Thực vậy, The Longcave quả là “chốn ẩn náu” bình yên.
Thông tin dự án
Địa điểm : Trà Ôn, Vĩnh Long
Văn phòng : 23o5 studio
KTS chủ trì : Ngô Việt Khánh Duy
Năm thực hiện: 2015
Xây dựng : Thầu Đông Trà Ôn
Hình ảnh : KingKien Photography
Bài viết: Hà Đăng