Khi quyết định xây dựng ngôi nhà, anh Nakajima đã tưởng tượng rất lâu về không gian sống sau này dành cho những đứa con. Ngôi nhà ra đời trong sự khao khát tạo nên một thế giới sống tươi đẹp, thành bình như ở một vùng quê.
Ngôi nhà nhỏ hạnh phúc của gia đình Nakajima
Ý tưởng bắt đầu bằng việc anh muốn mang thiên nhiên vào trong ngôi nhà. Không gian sống đan xen trong không gian xanh nhưng ở đó cũng vẫn tồn tại những ranh giới nhất định. Anh không muốn tạo nên một cảm giác sống “hoang dại” giữa thiên nhiên mà là cảm giác có một ngôi nhà quê với vườn cây nhỏ giữa Thủ đô Tokyo đông đúc, nhộn nhịp.
Thiết kế độc đáo với ý tưởng tạo nên một không gian “nhà” và “sân vườn” bên trong ngôi nhà
Ngôi nhà được hình thành với ba tầng lầu trên mảnh đất 43m2. Nhờ kiến trúc sư, toàn bộ ngôi nhà được chia thành hai nửa theo ý niệm: “không gian bên trong” hay được coi là “nhà trong nhà”, “không gian bên ngoài” hay được coi là “sân vườn trong nhà”. Ở đó không gian “nhà trong nhà” và “sân vườn trong nhà” chỉ là cách gọi. Thực tế, hai phần không gian ấy đều là những phần không gian nằm bên trong một ngôi nhà phố thông thường.
Một góc nhỏ gọi nắng bên “sân vườn”
Nhìn từ bên ngoài, căn nhà Nakajima không mấy khác biệt với các ngôi nhà xung quanh ngoại trừ khung cửa sổ lớn đón sáng. Chỉ cho đến khi bước chân vào bên trong, bạn mới biết được căn nhà phố thị hoàn toàn biến mất thay vào đó là một ngôi nhà quê với những khoảng râm mát dưới bóng cây, khoảng trống chơi đùa, nghịch ngợm của con trẻ, không gian trà đạo ngắm trăng thanh. Tuy tất cả chỉ là tái hiện lại nhưng nó lại tạo nên sự mới mẻ, cảm giác yên bình đến nao người.
Ngôi nhà Nakajima nhìn từ phía bên ngoài không khác với những ngôi nhà thông thường. Điều khác biệt ẩn chứa bên trong khí nó chứa cả một không gian “gọi là nhà” và một không gian “gọi là sân vườn”.
Tầng một của ngôi nhà được dùng làm không gian làm việc tại nhà. Tầng hai tầng ba là không gian sinh hoạt chính của gia chủ. Không gian “nhà trong nhà” được thiết kế kín đáo với những ô cửa kéo đặc trưng của người Nhật. Những không gian ấy là không gian của phòng ngủ, phòng bếp, phòng tắm. Còn phần “sân vườn trong nhà” được mở rộng, thông gió, đón sáng bằng lối thiết kế phá vỡ các vách ngăn. Trong không gian “sân vườn trong nhà”, phòng khách, phòng ăn và một không gian vui chơi cho những đứa trẻ được phơi bày. Chúng liên hoàn, nối tiếp nhau khiến người ta tạm quên đi công năng thực sự của từng căn phòng.
Tầng một phần “sân vườn” được đặt làm không gian làm việc tại nhà
Một không gian thoáng rộng hơn diện tích 43m2
Cách thiết kế khiến người ta mường tượng ra không gian của một căn nhà quê với nhà và sân bao quanh
Tầng hai gồm phòng ngủ chính của khối “nhà trong nhà” và khoảng “sân vườn” bao quanh được dành làm nơi vui chơi cho trẻ nhỏ
Không gian vui chơi dành cho những đứa trẻ trong “sân vườn”, đó cũng là miền tuổi thơ cho con
Phòng khách, phòng ăn nằm ở tầng ba trong không gian “sân vườn”
Phòng bếp tầng ba thuộc phần “nhà trong nhà” được thiết kế mộc mạc, kín đáo nhưng vẫn đầy ánh sáng
Cửa trượt kính là cánh cửa kết nối giữa phần bếp và “sân vườn”
Phòng tắm kín đáo được đặt trong phần “nhà”
Riêng khoảng phần “sân vườn” được thông tầng mở ra một không gian rộng lớn
Nakajima House có cấu trúc đặc biêt hơn khi được làm bằng khung gỗ. Có một sự khác biệt nhỏ giữa phần “nhà trong nhà” và “sân vườn trong nhà”. Nếu như phần “nhà” được làm bằng gỗ thường thì phần “sân vườn” được làm bằng gỗ tuyết tùng có độ dày thích hợp. Gỗ cây tuyết tùng còn được sử dụng để làm đồ nội thất và lát sàn nhà. Ngôi nhà tự nhiên từ trong kết cấu xây dựng cho đến cách bài trí nhẹ nhàng bên trong. Cây xanh được đặt vừa đủ trong các khoảng trống tạo nên sự thư thái cho cuộc sống thường nhật. Cùng với tông màu trắng muốt của sơn tường, căn nhà như khung cảnh thần tiên, thoát túc giữa bận rộn, xô bồ của thực tại.
Gỗ cây tuyết tùng có độ mềm dẻo, hương thơm nhẹ và vân gỗ đẹp mắt được lựa chọn cho phần “sân vườn”
Hoàn toàn khung và tường nhà được làm bằng gỗ
Không gian ban công trên tầng thượng khiêm tốn nhưng lại là nơi uống trà ngắm trăng thanh vô cùng thi vị
Có nhiều cách để tạo nên những không gian sống bình dị và những ngôi nhà Nhật Bản luôn thể hiện được sự giản đơn, tiện lợi trong cách thiết kế của mình. Dường như phong cách tối giản và thanh khiết đã trở thành một nét đặc trưng, khác biết của phong cách thiết kế nhà ở Nhật Bản. Điều mà người ta đang tìm kiếm: một cảm giác nhẹ buông trong không gian sống chật hẹp.
Thông tin dự án
Nakajima House
Thiết kế: Tomoka Hagino Architectural Design Office
Địa điểm: Nerima-ku, Tokyo
Cấu trúc gỗ
3 tầng
Tổng diện tích sử dụng: 129.36 m²
Bài viết: Phạm Anh