Các góc chết trong nhà dù đến từ nguyên nhân khách quan hay chủ quan đều làm giảm tính thẩm mỹ và gây bất tiện cho sinh hoạt hàng ngày. Nhưng nếu biết cách xử lý, bạn có thể biến những không gian trống này thành khu vực chức năng tiện ích hay một góc trang trí mới mẻ.
Tham gia ngay Group Happynest Săn Ưu Đãi để được nhận chính sách mua hàng với giá tốt nhất nhé. Mọi thắc mắc về sản phẩm và cách đặt hàng, vui lòng liên hệ fanpage Happynest / Happynest Shop / hotline 093 468 06 36 để được hỗ trợ kịp thời. |
1. Góc chết trong nhà là gì?
Hiểu một cách đơn giản, góc chết trong nhà là những góc phụ, những khoảng trống ít có khả năng khai thác và tận dụng, đôi khi còn gây khó khăn trong việc sắp xếp công năng hay bài trí nội thất.
Những góc chết trong nhà nếu không được tận dụng đúng cách sẽ làm giảm tính thẩm mỹ của tổng thể (Ảnh minh họa: House Sampada)
Thiết kế nhà ở dù tỉ mỉ đến đâu thì những góc chết vẫn có thể xuất hiện, từ khi công trình hoàn thành hay phát sinh trong quá trình sử dụng. Những khoảng trống này không chỉ gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của công trình mà trong nhiều trường hợp còn mang đến nhiều bất tiện cho sinh hoạt của gia đình.
2. Góc chết trong nhà đến từ đâu?
Sự tồn tại của góc chết trong nhà có thể đến từ hình thế khu đất méo mó, khuyết góc. Trong nhiều trường hợp, góc chết trong nhà được tạo ra bởi kết cấu do tiết diện cột, dầm và tường nhiều khi không bằng nhau; hay ở các căn hộ chung cư cao tầng, cột chịu lực thường lớn hơn nhiều so với độ dày tường nên không phẳng cùng tường.
Hệ thống dầm, cột không được xử lý đúng cách có thể tạo ra những góc vụn vặt trong nhà (Ảnh minh họa: Renovation of a Minka)
Trong quá trình thi công, các góc chết hình thành có thể là hệ quả của những góc xoay theo yêu cầu hướng phong thủy của gia chủ. Hoặc đơn giản, góc chết trong nhà chỉ là những góc phụ hiển nhiên tồn tại trong quá trình thiết kế nhà nhưng chưa có phương án xử lý thích hợp như gầm cầu thang, ban công, khe hẹp cửa sau, trần kỹ thuật…
Bên cạnh đó, thiết bị liên quan đến công trình thường có những kích thước cố định của nhà sản xuất. Tuy người sử dụng có thể có nhiều lựa chọn khi mua sản phẩm thiết bị, song cũng không thể “đo ni đóng giày” theo kiểu đóng đồ nội thất bằng gỗ. Vì vậy khi lắp đặt thiết bị vào cũng luôn có những khoảng hở, góc chết với trần, với tường, hoặc với đồ nội thất khác.
Việc không tính toán kích thước nội thất kỹ càng vô tình tạo ra nhiều khoảng trống bất hợp lý trong nhà
3. Xử lý góc chết trong nhà có khó không?
Việc loại bỏ các góc chết trong nhà sẽ thuận tiện và nhanh chóng hơn nếu bạn lên phương án kỹ càng ngay từ khâu thiết kế và thi công nhà. Còn với trường hợp góc chết phát sinh sau khi thi công hoàn thiện thì việc hóa giải không gian “thừa thãi” này có thể xử lý bằng nhiều cách khác nhau.
Đối với trường hợp góc chết trong nhà phát sinh từ kết cấu dầm, cột lộ ra ngoài, có rất nhiều giải pháp xử lý, làm đẹp như giấu góc chết bằng một kết cấu bao che khác kết hợp trang trí hoặc kết hợp với đồ đạc nội thất “làm phẳng” góc này.
Góc chết từ dầm, cột được “giấu” một cách hoàn toàn khéo léo, và được khai thác tốt công năng đến mức khó nhận biết (Ảnh minh họa: Cross Stitch House)
Trường hợp lắp đặt thiết bị và bài trí nội thất chưa tối ưu, cách xử lý là chọn trước thiết bị với kích thước cố định và thiết kế hệ thống nội thất liên quan theo kích thước thiết bị đó. Hệ thống nội thất liên quan cũng có thể chủ động hơn về kiểu dáng, màu sắc để tương đồng.
Tủ kịch trần là phương án nội thất được nhiều gia đình lựa chọn, tận dụng triệt để các góc trống trên tường, trần nhà (Ảnh minh họa: Kew Courtyard House)
Với những vị trí sàn nhỏ không thể làm thành phòng hay những điểm giao thông ít có ý nghĩa (ví dụ như cuối hành lang), hoặc những chỗ sàn chênh cốt, bạn có thể cân nhắc bố trí tiểu cảnh nhỏ. Phương án này tận dụng tối đa sự thông thoáng để khai thác yếu tố quan hệ không gian, từ đó biến những góc trống nhỏ thành một điểm nhấn tinh tế.
Tiểu cảnh kết hợp hồ cá nhỏ ở hành lang giúp làm mát luồng gió nóng thổi vào phòng khách (Ảnh minh họa: Nhà Hải Phòng)
Một trong những góc chết phổ biến nhất trong nhà phải kể đến là gầm cầu thang. Gầm cầu thang được coi là nơi xấu nhất, thường tối tăm và khó khai thác. Xử lý cho gầm cầu thang có thể chủ động ngay từ khâu thiết kế hoặc hóa giải sau khi đã xây dựng, giải pháp rất đa dạng tùy từng trường hợp cụ thể.
>>> Xem thêm: Biến hóa sinh động những “góc chết” ngay trong ngôi nhà bạn
Với những cầu thang vế dài, đủ chiều cao, có thể cải tạo thành góc vui chơi cho trẻ em, phòng vệ sinh, kho, vườn tiểu cảnh... Thiết kế theo kiểu này thậm chí có thể nhấn mạnh khối thang như một điểm nhấn của không gian. Song cần lưu ý, nếu làm vườn tại đây, bạn nên tránh chọn cây có tán lá um tùm, tránh tạo cơ hội cho côn trùng trú ẩn.
Thiết kế “khu vườn” nhỏ dưới gầm cầu thang vừa tăng tính thẩm mỹ vừa đem tới nguồn năng lượng tươi mới cho không gian sống (Ảnh minh họa: Son’s House)
Có những trường hợp không thể tận dụng gầm thang bởi mặt bằng thang hay chiều cao không phù hợp. Khi đó, bạn có thể lựa chọn cấu tạo và vật liệu thang phù hợp để triệt tiêu góc chết dưới gầm thang, đồng thời chuẩn bị phương án trang trí, phối hợp như gạch ốp lát hay đường điện chiếu sáng.
Cầu thang xương cá, lan can thép có tiết diện mảnh cùng bậc gỗ là phương án rất hay được sử dụng để làm đẹp góc chết trong nhà (Ảnh minh họa: Lamon House)
4. Gợi ý thiết kế tận dụng góc chết trong nhà hiệu quả
Tùy từng kết cấu nhà và không gian cụ thể, bạn có thể làm đẹp góc chết theo những gợi ý sau đây:
Biến góc chết trong nhà thành góc làm việc
Thay vì để trống góc tường ở gầm cầu thang, trong phòng ngủ hoặc lối hành lang, bạn hoàn toàn có thể bố trí góc làm việc tại các vị trí này. Tuy nhiên, bạn nên chọn thiết kế bàn ghế, giá kệ nhỏ gọn, kiểu dáng đơn giản và gắn trực tiếp lên tường để tiết kiệm diện tích.
Gia chủ có thêm một góc làm việc sáng thoáng, riêng tư nhờ khéo léo tận dụng góc tường nhỏ cạnh cửa phòng (Ảnh minh họa: Salem House)
Chỉ với một bộ bàn ghế nhỏ, góc hành lang cạnh thông tầng đã trở thành nơi làm việc đầy cảm hứng của gia chủ (Ảnh minh họa: Nhà Vĩnh Phú)
Biến góc chết trong nhà thành góc nghỉ ngơi, đọc sách
Nếu không tìm được nơi bố trí góc nghỉ ngơi, đọc sách thoải mái, bạn có thể cân nhắc tận dụng các góc trống trong nhà. Góc trống gần bệ cửa sổ, gầm cầu thang, góc tường nhỏ ở sảnh giữa các tầng, phần diện tích từ phòng nhìn ra ban công… đều có thể trở thành một không gian thư giãn an tĩnh.
Thêm một bệ nghỉ ở cửa sổ, gia chủ không tốn thêm diện tích mà còn vẫn có góc ngắm cảnh cực chill (Ảnh minh họa: Căn hộ 138m2)
Không gian đọc sách rộng thoáng và riêng tư được bố trí ở chiếu nghỉ (Ảnh minh họa: Nhà Anh Tú)
Tận dụng góc chết trong nhà để bố trí giá kệ, tủ lưu trữ
Rất nhiều gia chủ đã khéo léo tận dụng triệt để gầm cầu thang, lan can cầu thang, góc trống cạnh cửa ra vào nhà, khe hở giữa các đồ nội thất... để bố trí giá kệ lưu trữ tiện dụng, giúp ngôi nhà thêm phần gọn gàng, thoáng đãng.
Tuy nhiên, so với giá, kệ thì tủ đựng đồ linh hoạt hơn bởi bạn có thể đặt ở bất kỳ góc chết trong nhà nào mà không sợ ảnh hưởng tới tường khi cần thay đổi, sắp xếp lại.
Gầm cầu thang biến thành tủ trưng bày đồ gốm cực sang chảnh ở phòng khách (Ảnh minh họa: Peo House)
Hành lang bài trí kệ trưng bày vật dụng của chủ nhà (Ảnh minh họa: Renovation of a Minka)
Biến góc chết trong nhà thành khu vui chơi cho bé
Nếu biết cách sắp xếp và trang trí khéo léo, góc chết trong nhà sẽ trở thành “thiên đường” vui chơi cho các bé. Đơn giản nhất là bạn hãy thiết kế một góc nhỏ xinh để bé thỏa sức vui đùa, hát hò, đọc sách ở cầu thang, cuối hành lang hay các góc trong phòng ngủ.
Bên cạnh các khu vực sinh hoạt của người lớn, 2 đứa trẻ cũng có nơi vui chơi riêng ngay tại bậc thang tầng trệt (Ảnh minh họa: Villa City)
Góc tường trống trong phòng ngủ có thể trở thành khu vực leo núi đầy màu sắc cho bé
>>> Xem thêm: Lấy sáng cho nhà ống: Mở cửa sổ góc để lấy sáng và tận dụng triệt để góc chết, tại sao không?
Biến góc chết trong nhà thành phòng vệ sinh hoặc phòng kho
Với mẫu cầu thang dài và rộng, bạn có thể sử dụng khoảng trống dưới gầm để làm phòng kho, phòng kỹ thuật hoặc nhà vệ sinh. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo đủ sáng, thông gió cho căn phòng bằng các kiểu đèn phù hợp và lắp quạt hút gió. Đồng thời, cần lưu ý về chiều rộng cũng như độ cao của các thiết bị vệ sinh sao cho vừa vặn với kích thước phòng.
Một kho chứa đồ “bí mật” dưới cầu thang sẽ giúp bạn xếp gọn những đồ vật nhỏ, ít dùng đến trong nhà
Một thiết kế nhà vệ sinh dưới gầm cầu thang với bức tường họa tiết độc đáo (Ảnh minh họa: Nhà Xanh Lơ)
Biến góc chết trong nhà thành nhà cho thú cưng
Góc chết dưới gầm cầu thang khá chật hẹp và thường bị xiên chéo. Thế nhưng, nơi đây có thể là “nơi trú ẩn” lý tưởng cho thú cưng nhà bạn. Để phòng riêng của “người bạn bốn chân” trở nên bắt mắt hơn, bạn có thể trang trí bằng những hình dán ngộ nghĩnh, thêm cánh cửa, một tấm nệm hoặc vải trải êm ái. Tuy nhiên, với ý tưởng này, bạn cần lưu ý tới vấn đề vệ sinh.
Gầm cầu thang có thể trở thành không gian nhỏ xinh dành cho thú cưng
Tạo điểm nhấn trang trí
Nếu không cần thêm không gian chức năng, bạn có thể trang trí bắt mắt cho những góc phụ trống trải trong nhà. Có thể là một tiểu cảnh hồ nước xanh mát, thác nước hay chỉ đơn giản là hệ đèn chiếu đẹp mắt.
Mảng xanh dưới gầm cầu thang góp phần mang đến vẻ tươi mát, trong lành cho ngôi nhà (Ảnh minh họa: Chivi House)
Thiết kế “thang bay” bên trên hồ nước là điểm nhấn độc đáo bên trong ngôi nhà (Ảnh minh họa: BO’s House)
Với những góc trống trong phòng khách, phòng làm việc, bạn có thể treo ảnh trang trí, đặt bình phong hoặc sử dụng vật liệu hài hòa với tổng thể không gian chung. Như vậy thôi cũng đủ để nâng tầm vẻ đẹp cho không gian trong nhà.
Những góc trống trong nhà lại trở thành nét trang trí tinh tế nhờ chất liệu gạch mộc
Có thể thấy, việc tận dụng góc chết trong nhà vừa giúp tăng diện tích sử dụng, tăng tính thẩm mỹ vừa thể hiện tình yêu của gia chủ đối với ngôi nhà của mình. Hy vọng rằng, với những gợi ý chia sẻ trên đây, bạn sẽ có thêm nhiều ý tưởng bài trí không gian sống hợp lý, thoáng đẹp hơn.
Tổng hợp và viết bài: Phương Trang
*Bài viết được biên tập bởi đội ngũ Happynest. Xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.
Bạn đang cần tìm đơn vị thiết kế - thi công? Hãy điền yêu cầu vào form Đăng ký tư vấn. Happynest sẽ giúp bạn kết nối dễ dàng, nhanh chóng với đơn vị phù hợp nhất nhé! |