Để việc nấu nướng được thuận tiện và an toàn, nhất là khi trong nhà có người cao tuổi, phòng bếp cần được bố trí hợp lý và khoa học. Dưới đây là những lưu ý giúp bố trí phòng bếp hợp lý, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống.
Bài liên quan:
1. Cải tạo nhà: Những điều cần lưu ý đối với gia đình có người cao tuổi
2. Cải tạo nhà phố 3 tầng bí khí thành không gian sống thoáng sáng cho gia đình có người cao tuổi
3. Những yếu tố gây mất an toàn của nhà ống đối với gia đình có người cao tuổi
Vì sao những gia đình có người cao tuổi cần chú trọng đến thiết kế phòng bếp?
Với những gia đình có người lớn tuổi sức khỏe yếu, cần sự hỗ trợ từ người khác khi sinh hoạt thì yêu cầu thiết kế bếp phù hợp với người già có thể không cần quá chú trọng, vì với điều kiện sức khỏe như vậy họ sẽ rất ít khi sử dụng, sinh hoạt trong phòng bếp một mình. Tuy nhiên, đối với những gia đình mà ông bà, bố mẹ lớn tuổi vẫn khỏe mạnh, có khả năng tự sinh hoạt, vẫn thường xuyên nấu nướng, đặc biệt khi những người cao tuổi sống riêng, không sống cùng con cháu, họ cần phải tự nấu ăn hàng ngày thì việc thiết kế bếp sao cho phù hợp với điều kiện sức khỏe, thói quen sinh hoạt và đảm bảo an toàn rất quan trọng.
Ngoài ra, với tâm lý người cao tuổi, nấu nướng là một trong những niềm vui trong cuộc sống thường ngày, giúp họ bớt cảm thấy cô đơn, buồn tẻ và không tự ti. Bên cạnh làm vườn, chăm cây, chơi cờ, trò chuyện với bạn bè thì nấu ăn cũng là cách giúp tinh thần người cao tuổi thêm phấn chấn và thấy yêu đời hơn. Bên cạnh đó, nấu ăn còn là cách để người cao tuổi bày tỏ tình cảm, sự quan tâm của mình đến con cháu. Nấu cho con những bữa cơm đủ đầy, nấu cho cháu những món cháu thích tưởng chừng là những hành động đơn giản nhưng với người cao tuổi nó mang ý nghĩa vô cùng lớn. Như vậy, phòng bếp trở thành một không gian quan trọng, có tần suất sử dụng lớn trong nhà đối với người cao tuổi bởi vậy, không thể bỏ qua thiết kế phòng bếp.
Không những thế, trong những gia đình đa thế hệ, nhiều khi ông bà, bố mẹ cũng sẽ có dịp cùng con cháu nấu nướng, sử dụng không gian phòng bếp, điều này cũng cần được lường trước trong kế hoạch thiết kế ban đầu để có sự bố trí không gian hợp lý với sinh hoạt của gia đình.
Việc bếp núc là thú vui và là niềm hạnh phúc của nhiều người cao tuổi khi được tự tay chăm sóc con cháu (Ảnh: Nhà gia đình 3 thế hệ)
Mặc dù người cao tuổi vẫn có nhu cầu sử dụng phòng bếp khá nhiều trong sinh hoạt hàng ngày như thế nhưng không phải gia đình nào cũng chú trọng đến yếu tố phù hợp, an toàn cho họ khi thiết kế phòng bếp. Hiện nay, rất nhiều người cao tuổi đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm tiềm ẩn trong căn bếp nhà mình. Nền nhà ốp gạch không chống trơn trượt, hoặc chống trơn trượt kém, trong khi bếp là nơi tiếp xúc với nước, làm người cao tuổi bị ngã, gãy xương thậm chí còn để lại các hậu quả khác nghiêm trọng hơn. Hay độ cao các ngăn tủ cao quá tầm với của người già, khiến họ khó khăn trong việc lấy, cất đồ hàng ngày, dễ ảnh hưởng đến xương khớp. Thiết kế không đảm bảo an toàn dẫn đến cháy nổ làm người già bị bỏng nặng. Và rất nhiều sự nguy hiểm khác ảnh hưởng đến sức khỏe của người cao tuổi khi căn bếp không được tính toán cẩn thận trước khi thiết kế, nhất là khi họ sống một mình hoặc khi con cháu vắng nhà. Do vậy, việc quan tâm đến thiết kế bếp phù hợp với người cao tuổi rất quan trọng, đây chính cũng là cách để các thành viên trong gia đình thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe và cuộc sống của ông bà, bố mẹ lớn tuổi của mình.
Tiêu chuẩn thiết kế phòng bếp trong gia đình có người cao tuổi
Bếp được xem là nơi sum họp ấm cúng của cả gia đình. Vì vậy, việc chú ý đến những tiêu chuẩn thiết kế phòng bếp sao cho hợp lý, tiện nghi, thoải mái nhất cho tất cả mọi người trong nhà đặc biệt là những thành viên lớn tuổi là điều vô cùng quan trọng.
Phân chia bố cục các khu vực trong bếp hợp lý
Điều đầu tiên quan tâm tới khi thiết kế phòng bếp trong gia đình có người cao tuổi đó là phân chia bố cục các khu vực hợp lý. Hiện tại có những cách sắp xếp bếp phổ biến như bếp song song, bếp hình đường thẳng, bếp hình chữ L, bếp hình chữ U… Gia chủ có thể dựa vào không gian, diện tích trong phòng để lựa chọn ra bố cục bếp vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa đầy đủ tiện nghi, phù hợp với đặc điểm và thói quen sinh hoạt của người lớn tuổi trong gia đình.
Bên cạnh đó, dù bố cục bếp theo hình dáng nào thì không gian bếp cần phải có sự thông thoáng và rộng rãi để đảm bảo thuận tiện cho việc di chuyển. Khoảng cách lối đi cần rộng ít nhất là 1.2m giữa các khoảng nội thất được sắp đặt. Khu vực lưu trữ thức ăn – khu chế biến – khu dọn rửa nên được sắp xếp theo mô hình tam giác để đảm bảo sự thuận tiện và tính khoa học trong quá trình sử dụng.
Gian bếp có khu vực lưu trữ thức ăn – khu chế biến – khu dọn rửa được sắp xếp theo mô hình tam giác (ảnh minh họa: Mai Khôi House)
Vị trí đặt các vật dụng làm bếp để tiện dụng và tối ưu không gian
Nhà bếp là nơi chứa nhiều thiết bị và máy móc cũng như thức ăn, gia vị. Việc có quá nhiều đồ đạc không chỉ khiến căn bếp trở nên chật hẹp mà còn gây tốn kém nhiều thời gian, công sức trong quá trình sử dụng. Vì vậy, gia chủ nên dành thời gian sắp xếp nhà bếp khoa học giúp tối ưu hóa không gian cho khu vực này.
Theo gợi ý của kiến trúc sư Nguyễn Duy Dần đến từ công ty Flexfit - công ty thiết kế và thi công nội thất, vị trí đặt các vật dụng làm bếp nên đảm bảo nguyên tắc:
- Bếp nấu nên được đặt cạnh bồn rửa bát để dễ dàng sử dụng
- Vị trí bếp nấu cách chậu rửa bát ít nhất 60cm
- Khoảng cách giữa 2 bếp ít nhất là 30m để tay cầm không đụng nhau
- Đảm bảo ổ điện cách mặt bếp ít nhất 15cm
- Máy rửa bát nên đặt ở gần chậu rửa để tiện sử dụng
- Các vật dụng nhà bếp như lò nướng, dao thớt cần được sắp xếp ở một vị trí cố định
- Đo chiều cao cửa sổ để đồ đạc khớp với không gian bên dưới cửa sổ
- Có thể sử dụng thêm nội thất bếp thông minh như hệ thống ngăn kéo, bộ giá nhiều tầng chứa đồ, hệ ray hộp cho tủ kho… để tăng tiện ích cho căn bếp
Việc tận dụng tủ, hộc, kệ, giá treo tường là cách giúp mở rộng không gian lưu trữ cho căn phòng bếp vô cùng hiệu quả
Đảm bảo ánh sáng, thông gió cho không gian bếp
Ánh sáng có vai trò quan trọng, chính vì vậy khi thiết kế phòng bếp trong gia đình có người cao tuổi, gia chủ nên chú ý đến nguyên tắc nguồn sáng. Tốt nhất ánh sáng trong bếp nên được tận dụng triệt để từ các nguồn sáng tự nhiên. Đây là một trong những giải pháp vừa tiết kiệm điện năng, vừa thân thiện với môi trường. Nếu không gian bếp đủ rộng, hãy thiết kế căn bếp có một cửa sổ ở bồn rửa. Cửa sổ là chi tiết giúp phòng bếp dễ dàng lấy được ánh sáng tự nhiên vào ban ngày, đồng thời giúp không gian bếp luôn sáng sủa, thông thoáng.
Thiết kế các ô cửa trong bếp giúp không gian này tận dụng được ánh sáng mặt trời
Ngoài ra, trong gian bếp cũng cần có hệ thống chiếu sáng nhân tạo hợp lý để mang lại nguồn ánh sáng tốt nhất giúp thao tác chuẩn bị đồ ăn được chuẩn xác, an toàn. Đặc biệt với người cao tuổi thị lực giảm sút, việc dùng dao hay các vật sắc nhọn trong quá trình sơ chế dưới ánh sáng yếu rất dễ xảy ra tai nạn. Vì vậy, nên lắp đặt hệ thống đèn ngay dưới hệ thống tủ bếp để người cao tuổi có được nguồn ánh sáng đầy đủ trong quá trình nấu nướng.
Tương tự như ánh sáng, thông gió là một trong những giải pháp giúp cho căn bếp tránh được những mùi thức ăn khó chịu. Gia chủ có thể thiết kế những ô cửa sổ thoáng hoặc sử dụng hệ thống thông gió thông minh. Khi thực hiện điều này, cần chú ý bố trí quạt hút gió, máy hút mùi ở trên tường cao hơn mặt bếp ít nhất 75cm để gian bếp trở nên thông thoáng hơn.
Lắp đặt hệ thống hút mùi hợp lý là yếu tố quan trọng giúp gian bếp luôn thông thoáng, tốt cho sức khỏe của người cao tuổi (Ảnh minh họa: nhà anh Tuấn Anh)
Đề cao quy tắc an toàn
Bếp là nơi dễ xảy ra sự cố và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất trong nhà. Những đồ vật sắc nhọn, xoong chảo đang nóng, sàn nhà ướt dễ trơn trượt… đều có thể trở thành nguyên nhân gây ra những tai nạn bất ngờ cho người già và các thành viên trong gia đình. Để đảm bảo an toàn trong phòng bếp gia chủ nên ưu tiên sử dụng các loại bàn ghế bo góc tròn thay cho bàn ghế góc cạnh. Vệ sinh bếp thường xuyên, tránh làm đổ mỡ hay nước ra sàn bếp để tránh trơn trượt. Đảm bảo hệ thống điện an toàn, phòng tránh cháy nổ, tránh tác động trực tiếp của mặt trời lên các thiết bị điện như nồi cơm điện, lò vi sóng, tủ lạnh,.. Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện để kịp thời thay thế khi những thiết bị này có dấu hiệu hỏng hóc, xuống cấp, cần sửa chữa.
Chi tiết bo góc vừa đảm bảo an toàn cho người cao tuổi vừa làm không gian nhà bếp trở nên mềm mại hơn (ảnh: Nhà Sơn La)
Từ những thông tin trên, mong rằng các gia đình sẽ thiết kế được gian bếp như ý, vừa phù hợp với người cao tuổi, vừa thuận tiện và đảm bảo an toàn, giúp nâng cao tình cảm và gắn kết được tất cả các thành viên trong gia đình.
Bài viết: Nguyễn Huyền
"Nhà cho người cao tuổi” là chiến dịch được tổ chức bởi Happynest - Cộng đồng yêu nhà đẹp nhằm đánh thức sự chủ động quan tâm, thấu hiểu của con cái đối với bố mẹ và cộng đồng đối với những người cao tuổi. Chiến dịch “Nhà cho người cao tuổi” bao gồm chuỗi các hoạt động dự kiến diễn ra trong thời gian 2 tháng bắt đầu từ ngày 22/08/2021 đến ngày 22/10/2021 và thường xuyên được cập nhật trên các kênh truyền thông của Happynest: fanpage Happynest, group Happynest và website Happynest. Xin cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chiến dịch ý nghĩa này của Happynest: Vĩnh Tường - Nippon Paint - LG - Prime - An Cường - Flexfit |
Xem thêm:
- 1. Thiết kế phòng ngủ cho người cao tuổi theo phong thuỷ
- 2. Thiết kế phòng bếp như thế nào để phù hợp với gia đình có người cao tuổi?
- 3. 5 lưu ý quan trọng khi thiết kế nhà ở cho người cao tuổi
- 4. 5 lời khuyên giúp bạn nâng cao tuổi thọ của mái nhà
- 5. Cải tạo căn nhà 88m2 với 2 phòng ngủ cho một gia đình trung niên