Những yếu tố gây mất an toàn của nhà ống đối với gia đình có người cao tuổi

    Cập nhật ngày 26/08/2021, lúc 08:004.331 lượt xem

    Tại các đô thị lớn “đất chật người đông”, nhà ống hẹp ngang dài sâu là một trong những loại nhà được thiết kế phổ biến, nếu không tính toán cẩn thận trong quá trình thiết kế xây dựng sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an toàn cho các thành viên trong gia đình đặc biệt là người cao tuổi.

    Bài liên quan:

    1. [Happynest Thông báo] Chiến dịch “Nhà cho người cao tuổi”

    2. Cải tạo nhà: Những điều cần lưu ý đối với gia đình có người cao tuổi

    3. Thông tin thể lệ và quà tặng chiến dịch truyền cảm hứng “BA MẸ LÀ NHÀ” trên group Happynest

    Nhà ống chỉ một lối thoát hiểm

    Dạng nhà ống trong đô thị hiện nay thường chỉ có một lối ra vào đồng thời cũng đảm nhận vai trò là lối thoát hiểm duy nhất trong nhà. Thiết kế này vô tình khiến những người trong gia đình, đặc biệt là người cao tuổi dễ rơi vào tình thế nguy hiểm khi xảy ra sự cố.

    Cụ thể, khi chỉ có duy nhất một mặt tiền, ba mặt còn lại liền kề với các nhà kế bên, nhưng mặt tiền ấy cũng chỉ có duy nhất cửa ra vào để làm lối thoát hiểm thì khi xảy ra cháy nổ, quá trình thoát nạn và cứu hộ trở nên vô cùng khó khăn, nội bất xuất ngoại bất nhập. Ngoài ra, những tình huống nguy hiểm như có người lạ đột nhập vào nhà, nếu chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất cũng rất khó để người trong nhà chạy thoát ra ngoài nhanh chóng cũng như báo hiệu để hàng xóm xung quanh biết và hỗ trợ.

    Nhà ống có ban công bịt kín bằng lồng sắt, lưới sắt là hình ảnh quen thuộc tại các khu đô thị đông dân cư

    Bởi vậy, để đảm bảo an toàn cho người cao tuổi và các thành viên trong gia đình khi sinh sống trong nhà ống, gia chủ nên chủ động đặt vấn đề với đơn vị thiết kế để tính toán, sắp xếp nhiều lối thoát hiểm khác nhau ở những vị trí như ban công, cửa sổ, sân thượng, cửa chính, cửa phụ... để người cao tuổi dễ dàng di chuyển, thoát nạn. Trường hợp nhà ống có cấu kiện bằng hoa sắt hoặc lồng sắt, gia chủ nên trổ thêm các cửa có bản lề và khoá để có thể chủ động đóng mở từ bên trong.

    Nhà ống thiết kế quá tận dụng diện tích

    Vì diện tích hạn chế nên khi thiết kế và xây dựng nhà ống, mọi người thường có tâm lý muốn tận dụng từng cm đất. Nhiều gia chủ không nghĩ đến chuyện thiết kế ban công, lô gia mà xây hết để tăng diện tích phòng ở, trong khi những ô cửa sổ cũng thiết kế quá nhỏ và ít, không đảm bảo việc lưu thông không khí, đưa ánh sáng tự nhiên vào nhà, hạn chế sự kết nối giữa con người và thiên nhiên. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người cao tuổi, những người có thể chất yếu. Ngoài ra, người già thường có tâm lý nhạy cảm, dễ cảm thấy bức bối dẫn đến nóng nảy, nếu sinh hoạt trong môi trường khép kín, gò bó, ít sự kết nối với môi trường tự nhiên bên ngoài sẽ cảm thấy tù túng, không thoải mái, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm nhẹ

    Nhà ống sát vách, tận dụng diện tích là hình ảnh quen thuộc tại các khu đô thị đông dân cư

    Bên cạnh đó, diện tích nhà nhỏ nhưng thiết kế quá nhiều khu vực công năng, sắp xếp quá nhiều nội thất sẽ gây trở ngại trong quá trình sinh hoạt của người cao tuổi. Giao thông chật hẹp, dễ khiến người cao tuổi bị va vấp vào các đồ nội thất, bị ngã dẫn đến các chấn thương thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Việc cân đối lựa chọn ưu tiên những phòng công năng chính và công năng phụ rất quan trọng. Không nên thu hẹp diện tích các phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, để có được phòng tập gym, phòng đọc sách,... trong khi diện tích nhà rất khiêm tốn. Nên lựa chọn phong cách thiết kế hiện đại, tối giản, hạn chế những đồ nội thất, trang trí không cần thiết để đảm bảo đủ diện tích giúp việc sinh hoạt thoải mái, thuận tiện. Nên khai thác diện tích ngôi nhà một cách hợp lý, không quá tận dụng cũng không quá lãng phí để đảm bảo chất lượng không gian sống cho các thành viên, đặc biệt là người cao tuổi.

    Nhà ống xây quá kín

    Nhà ống ở đô thị thường ít mặt thoáng, thậm chí chỉ có duy nhất một mặt thoáng phía trước. Bên cạnh đó, vì lo ngại vấn đề an ninh và sự riêng tư nên nhiều gia chủ chọn bịt kín các khoảng hở, ban công, hoặc quây các vị trí này bằng lồng sắt. Nhiều nhà ống thậm chí không có khoảng thông tầng hay giếng trời, hoặc thiết kế rất nhỏ hẹp. Nhà ống vốn có đặc điểm chiều dài dài gấp nhiều lần chiều ngang, nếu không bố trí giếng trời, khoảng thông tầng hay các khoảng hở khác hợp lý thì ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông không khí, gió trời và ánh sáng tự nhiên trong nhà, khiến ngôi nhà trở nên bức bí, không đảm bảo điều kiện sống cho các thành viên. Ngoài ra, trong trường hợp hỏa hoạn, khói và nhiệt không thể thoát nhanh ra bên ngoài, tích tụ trong nhà gây sốc, choáng cho người ở, người cao tuổi dễ bị tổn thương nhất khi hít phải lượng khói này.

    Một căn phòng kín điển hình thường xuất hiện ở nhà ống. Không có cửa sổ, không có ban công, gây cảm giác bí bách, không tốt cho sức khỏe của người cao tuổi

    Thiết kế quá kín ảnh hưởng nhiều đến chất lượng không gian sống và sự an toàn trong những tình huống không mong muốn đối với người cao tuổi. Vì vậy, dù khu đất xây dựng có nhiều nhược điểm nhưng các gia chủ nên ưu tiên, tìm kiếm các giải pháp để thiết kế giếng trời, khoảng thông tầng và các khoảng hở khác để đảm bảo sự cân bằng và kết nối giữa môi trường thiên nhiên và không gian bên trong nhà.

    Nhà ống thiếu các thiết bị an ninh, an toàn

    Trang bị các thiết bị an ninh, an toàn cho nhà cửa là vấn đề quan trọng trong thiết kế nhà ở nói chung và nhà ống nói riêng. Với những gia đình có người cao tuổi thì việc đảm bảo an ninh, an toàn trong sinh hoạt càng cần chú trọng. Sẽ có lúc bố mẹ lớn tuổi, ông bà ở nhà một mình, do vậy, để bảo vệ và đề phòng những bất trắc, các gia chủ nên lắp đặt hệ thống camera an ninh ở những khu vực bên ngoài nhà như cổng nhà, sân, hành lang,..., sử dụng hệ thống khóa an toàn. Ngoài ra, với những nhà ống, nhất là những nhà thiết kế ở kết hợp kinh doanh cần lắp đặt hệ thống báo cháy, bình chữa cháy để kịp thời xử lý khi có sự cố hỏa hoạn.

    Người cao tuổi sẽ không thể tự mình xử lý nhanh gọn khi có các tình huống nguy hiểm bất ngờ xảy ra. Nếu các thành viên trong gia đình không chủ động tính toán và bố trí các thiết bị an ninh, an toàn hợp lý sẽ khiến người cao tuổi dễ gặp chấn thương về cả tâm lý và thể chất, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

    Nên trang bị thiết bị báo cháy thông minh, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy trong nhà ống để đảm bảo an toàn khi có sự cố xảy ra

    Bên cạnh những yếu tố kể trên thì hệ thống điện trong nhà ống cũng cần được lưu ý, nên thiết kế đủ tải, thi công đúng theo quy chuẩn và sử dụng thiết bị (dây dẫn, aptomat, ổ cắm, công tắc) đảm bảo chất lượng, thường xuyên kiểm tra hệ thống dây dẫn và thiết bị điện trong nhà để hạn chế xảy ra sự cố về điện. Hướng dẫn người cao tuổi cẩn trọng và chú ý đến những hoạt động liên quan đến lửa như nấu ăn, thắp hương, hóa vàng mã, hút thuốc…; để tránh xảy ra các sự cố ngoài ý muốn.

    Mong rằng bài viết là nguồn tham khảo thông tin hữu ích để các gia chủ lường trước những yếu tố có nguy cơ gây mất an toàn của nhà ống đối với ông bà, bố mẹ lớn tuổi của mình. Từ đó có được những giải pháp xây sửa, khắc phục kịp thời cho không gian sống để đem đến sự an toàn, thoải mái cho ông bà, bố mẹ khi sinh hoạt và các con cháu yên tâm hơn khi phụng dưỡng và chăm sóc ông bà, bố mẹ lớn tuổi tại nhà.

    Bài viết: Nguyễn Huyền

    "Nhà cho người cao tuổi” là chiến dịch được tổ chức bởi Happynest - Cộng đồng yêu nhà đẹp nhằm đánh thức sự chủ động quan tâm, thấu hiểu của con cái đối với bố mẹ và cộng đồng đối với những người cao tuổi. Chiến dịch “Nhà cho người cao tuổi” bao gồm chuỗi các hoạt động dự kiến diễn ra trong thời gian 2 tháng bắt đầu từ ngày 22/08/2021 đến ngày 22/10/2021 và thường xuyên được cập nhật trên các kênh truyền thông của Happynest: fanpage Happynest, group Happynestwebsite Happynest.

    Xin cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chiến dịch ý nghĩa này của Happynest:

    Vĩnh Tường - Nippon Paint - LG - Prime - An Cường - Flexfit

    Xem thêm:

    1. 1. Cải tạo nhà phố 3 tầng bí khí thành không gian sống thoáng sáng cho gia đình có người cao tuổi
    2. 2. Nhà phố 3 tầng của đôi vợ chồng trung niên hoàn thiện với chi phí 1,3 tỷ đồng
    3. 3. Walden House - Ngôi nhà mơ ước của cặp vợ chồng trung niên “luôn muốn nhìn thấy nhau ở mọi nơi trong nhà”
    4. 4. HP2 House - Ngôi nhà gói ghém bình yên của cặp vợ chồng trung niên
    5. 5. Căn “Nhà Gỗ” mang hơi thở Bắc Bộ là chốn ở thanh tịnh và bình yên của cặp vợ chồng trung niên nơi phố biển Nha Trang

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0