Đây là bài viết của Thạc sĩ - Kiến trúc sư Trần Công Danh, Kiến trúc sư trưởng của văn phòng Tư vấn Thiết kế Space+. Anh muốn chia sẻ với cộng đồng Happynest, hy vọng bài viết sẽ giúp ích được phần nào các gia chủ trong việc xây nhà trong tương lai.
Đại dịch COVID-19 tác động lên mọi mặt của cuộc sống và kiến trúc cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của nó. Đặc biệt kiến trúc nhà ở cần được quan tâm nhiều hơn nữa khi con người bị bắt buộc phải tự cách ly, giãn cách hoặc cần phải sinh sống và làm việc từ xa trong không gian nhà ở.
Vấn đề đặt ra là làm sao để tìm được các giải pháp thiết kế phù hợp nhằm giúp con người có thể tồn tại và phát triển bền vững không phải chỉ trong dịch bệnh hiện nay mà còn là các biến cố có thể xảy ra và tác động trực tiếp đến cuộc sống con người trong tương lai.
Ngược dòng thời gian để tìm hiểu về sự biến đổi và phát triển của Kiến trúc do ảnh hưởng của dịch bệnh. Viện điều dưỡng Paimio là một cơ sở điều trị bệnh lao ở Phần Lan, được thiết kế và hoàn thành vào năm 1933 bởi KTS. Hugo Alvar Henrik Aalto. Tòa nhà có hình khối đơn giản với những bức tường dài có cửa sổ rộng, bên trong các phòng được sơn màu sáng. Các cấu trúc này là một phần của phương pháp chữa bệnh, ánh sáng ban ngày từ các cửa sổ được xem như một giải pháp điều trị, vì mặt trời đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn lao.
Viện điều trị Lao Paimio (Ảnh: Federico Covre)
Sự khởi đầu của kiến trúc Hiện đại có thể được cho là hệ quả của nỗi sợ hãi bệnh tật, muốn loại bỏ các không gian tối tăm, những góc khuất ẩm ướt, bụi bặm nơi vi khuẩn ẩn nấp. Có thể thấy một số công trình điển hình về Nhà ở như các tác phẩm của KTS. Le Corbusier, ông đã nâng những ngôi nhà của mình lên khỏi mặt đất ẩm ướt để tránh ô nhiễm hay như biệt thự Muller của KTS. Adolf Loos ở Prague, từ năm 1930, đã có một không gian riêng để cách ly những đứa trẻ bị bệnh.
Biệt thự Müller - KTS Adolf Loos (Ảnh: Wikipedia)
“Bệnh lao đã giúp kiến trúc hiện đại trở nên hiện đại” giáo sư Beatriz Colomina (trường Đại học Princeton) đã viết trong cuốn sách “Kiến trúc X-Ray” của ông.
Nhận diện vấn đề
Đại dịch Covid-19 hiện nay cùng với nỗi lo sợ về sự nhiễm bệnh do lây lan một lần nữa giúp chúng ta nhìn lại những không gian chúng ta đang ở. Cũng giống như bệnh lao đã định hình kiến trúc hiện đại, dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến tương lai gần của kiến trúc đương đại mà cụ thể là trong không gian nhà ở.
Do những yêu cầu cần thiết để hạn chế sự lây lan, người dân thường được yêu cầu ở trong nhà và đây gần như là không gian duy nhất mà họ cảm thấy an toàn khi mà mầm bệnh có thể xuất hiện bất cứ đâu ở bên ngoài ở các không gian công cộng, đường phố…
Việc bị cách ly làm cho con người quen thuộc hơn với sự “giam giữ” trong chính ngôi nhà của mình. Chúng ta có thêm nhiều thời gian để thấy và hiểu được mọi thứ trong ngôi nhà, đặc biệt là những khuyết điểm như: thiếu ánh sáng tự nhiên, phòng tắm ẩm ướt, nhu cầu có thêm phòng làm việc…
Không gian là tất cả những gì mà chúng ta phải nghĩ đến, đặc biệt đối với kiến trúc sư, nhà thiết kế, đó còn là một thử thách trong việc tìm kiếm giải pháp kiến trúc phù hợp cho gia chủ.
Dịch Covid-19 thường có xu hướng bộc phát nghiêm trọng ở các đại đô thị nơi mà mật độ dân cư tập trung cao và phần lớn người dân ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội,… phải sinh sống trong các không gian có diện tích nhỏ và rất nhỏ. Sự ảnh hưởng dễ nhận thấy đầu tiên khi ở nhà thường là về mặt tâm lý, khi chúng ta bị “giam giữ” trong một không gian chật hẹp quá lâu sẽ có thể dẫn đến sự nhàm chán, đôi khi là sự phản ứng thái quá và điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề khác như năng suất làm việc từ xa, sức khỏe, stress…
Sự căng thẳng, stress, mệt mỏi, lo âu do hệ quả của dịch bệnh (Nguồn: Internet)
Nhu cầu về sự riêng tư cũng là một trong các mối bận tâm hàng đầu. Chúng ta cần thêm không gian cho mỗi cá nhân. Đối với những người làm việc ở nhà, chúng ta cần không gian thích hợp cho các việc giảng dạy hoặc hội họp trực tuyến. Trẻ con cần không gian cho việc học, việc chơi, người lớn tuổi cần không gian nghỉ ngơi…
Ăn uống là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, các biện pháp phong tỏa dẫn đến nguồn cung lương thực, thực phẩm có thể bị gián đoạn hoặc rất hạn chế. Việc thiếu các loại thực phẩm cần thiết như rau xanh trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe.
Nhu cầu vận động thể dục thể thao tăng cường bảo vệ sức khỏe cũng bị ảnh hưởng rất lớn trong giai đoạn này. Chúng ta gần như không thể ra bên ngoài đường phố hay công viên nên việc tìm một không gian trong nhà cho việc tập luyện thực sự không đơn giản.
Khi số đông thành viên tập trung sinh sống và làm việc ở nhà trong một thời gian dài dẫn đến các chi phí sinh hoạt như điện, nước, khí đốt,… theo đó cũng tăng lên rất nhanh. Đối với các gia đình có thu nhập trung bình thấp thì đây cũng là một vấn đề lớn cần được quan tâm và giải quyết.
Trước đại dịch các vấn đề nêu trên chưa được chú ý nhiều do chúng ta đã có khá nhiều sự lựa chọn từ các dịch vụ được cung cấp ở bên ngoài.
Đi tìm giải pháp tối ưu cho không gian ở trong thời kỳ dịch bệnh
Kiến trúc tối giản với các không gian mở đang là xu thế tuy nhiên xu hướng này đang gặp phải các thách thức trong thời kỳ đại dịch. Các không gian mở này gặp phải các hạn chế khi mà không giải quyết được các vấn đề về sự riêng tư, tiếng ồn... Do đó việc tạo ra các không gian linh hoạt là cần thiết, có thể bố trí các vách ngăn di động có thể đóng mở, tùy biến thành các không gian nhỏ và phù hợp với mỗi yêu cầu của từng cá nhân trong ngôi nhà.
Vách ngăn di động kiến tạo các không gian linh hoạt (Nguồn: Internet)
Việc tận dụng chiều cao tầng cho việc bố trí thêm gác lửng (nếu có thể) cũng giải quyết được phần nào về không gian riêng tư.
Tận dụng chiều cao nhà, thêm gác lửng, tăng không gian sử dụng cho ngôi nhà (Nguồn: Internet)
Các không gian phụ như gầm cầu thang, không gian phía trên nhà vệ sinh, nhà kho, tầng áp mái… cần được tận dụng cũng giúp cho việc sắp xếp lưu trữ các đồ dùng không cần thiết, hoặc cải tạo thành các không gian đa năng, góp phần tăng thêm diện tích hữu dụng trong ngôi nhà.
Tận dụng tối đa các không gian phụ như gầm cầu thang (Ảnh: Nhà 3become1)
Sự linh hoạt trong các không gian ở cũng có tác dụng về tâm lý, sự thay đổi màu sắc, chất liệu, công năng, sẽ làm cho người sử dụng cảm thấy có được sự mới mẻ, gia tăng sự hứng thú và thúc đẩy quá trình sáng tạo khi phải làm việc ở nhà.
Sự linh hoạt trong không gian nhỏ (Nguồn: Internet)
Các vật dụng đa năng như giường xếp, bàn xếp, bàn đa năng,… ngày càng phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi công năng của các phòng (ví dụ có thể chuyển đổi ngay lập tức từ phòng ngủ thành phòng khách hoặc phòng thư giãn chỉ bằng một chiếc giường xếp).
Các thiết bị điện tử thông minh như Tivi, điện thoại thông minh,… cũng có thể được sử dụng linh hoạt cho các cuộc hội họp, học trực tuyến ở các không gian khác nhau trong nhà.
Giường ngủ xếp có thể chuyển thành sofa (Nguồn: Internet)
Các nhà thiết kế nội thất cũng có thể đề xuất các thiết kế linh hoạt để tạo ra các không gian đa năng kích thích sự khám phá hoặc đơn giản là phá bỏ sự nhàm chán trong ngôi nhà.
Thiết kế linh hoạt tạo sự sáng tạo cho trẻ con trong không gian nhỏ (Nguồn: Internet)
Một không gian đọc sách trang trí và cũng làm cho khoảng thời gian ở nhà trở nên thú vị hơn (Nguồn: Internet)
Về nhu cầu thực phẩm thiết yếu như rau xanh, đối với các ngôi nhà ở nông thôn chưa phải là vấn đề lớn, tuy nhiên đối với các căn hộ chung cư hoặc các ngôi nhà phố chật hẹp ở các đô thị lớn cần phải nghĩ đến các giải pháp tận dụng tối đa các không gian cho việc trồng trọt, cải thiện bữa ăn khi mà nguồn cung từ bên ngoài đang bị hạn chế.
Các khu vực như ban công, lô-gia, hàng hiên, sân thượng, sân phơi, cần được xanh hóa, có thể thay thế tạm thời các loại hoa, cây cảnh bằng các loại rau củ ngắn ngày, thu hoạch nhanh giúp cải thiện bữa ăn trong thời gian dịch bệnh.
Các không gian xanh này ngoài ra cũng góp phần làm giảm bớt bức xạ mặt trời, cải thiện vi khí hậu, đồng thời giúp tiết kiệm hiệu quả năng lượng sử dụng hàng ngày.
Trồng rau trên sân thượng đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp (Nguồn: Internet)
Việc thu gom nguồn nước mưa từ mái và tái sử dụng cho việc tưới cây, giặt giũ,… vừa góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí cũng là một giải pháp cần lưu tâm.
Thu gom nước mưa góp phần tiết kiệm nước, giảm chi phí (Nguồn: Internet)
Các giải pháp về chiếu sáng và thông gió tự nhiên, cây xanh, mặt nước, luôn luôn đóng vai trò quan trọng trong thiết kế từ trước đến nay. Nếu đạt được sự tối ưu cho các giải pháp này, không gian ở sẽ luôn được trong lành, hạn chế các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh. Sự tiện nghi về chất lượng môi trường bên trong và ngoài nhà kết hợp với việc sử dụng các loại vật liệu sinh thái, các loại sơn không chứa formaldehyde,… cũng sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe và giúp con người cảm thấy dễ chịu hơn khi phải ở bên trong nhà quá lâu.
Không gian xanh giúp cải thiện sự tiện nghi cho ngôi nhà (Ảnh: K-Villa+)
Kết luận
Kiến trúc hậu đại dịch Covid-19 sẽ đòi hỏi một sự thay đổi lớn hơn trong thái độ và hệ tư tưởng của con người. Đặc biệt kiến trúc nhà ở sẽ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chống lại các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Các người chủ ngôi nhà giờ đây sẽ đặt ra nhiều yêu cầu nhiều hơn cho người thiết kế. Họ biết nhu cầu thực sự của mình là gì, ngôi nhà không chỉ còn đơn thuần là nơi ở, sinh hoạt giải trí hay thư giãn mà nó còn là một không gian an toàn với các biến cố như dịch bệnh, thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trách nhiệm của người thiết kế cũng sẽ ngày càng nặng nề hơn, công việc tư vấn thiết kế cho một ngôi nhà giờ đây ngoài chức năng ở và các yếu tố thẩm mỹ còn bắt buộc phải có các công năng thích ứng, sự biến đổi linh hoạt với các không gian đa năng cho các hoạt động cần thiết trong thời kỳ dịch bệnh, giúp con người không chỉ tồn tại mà còn có thể sinh sống, giải trí và làm việc một cách bền vững và chủ động trong chính ngôi nhà của mình.
Ths.KTS Trần Công Danh - Văn phòng Tư vấn Thiết kế Space+
Tài liệu tham khảo:
1. How the Coronavirus Will Reshape Architecture – The NewYorker;
2. Wikipedia, bách khoa toàn thư mở;
3. Thông tin và hình ảnh tổng hợp từ Internet;
Giới thiệu tác giả:
Thạc sĩ - Kiến trúc sư Trần Công Danh tốt nghiệp bằng Kiến trúc sư Nhà nước tại Trường Kiến trúc quốc gia Paris La Villette, Paris, Pháp và Thạc sĩ Khoa học Kỹ thuật Kiến trúc tại Trường Kiến trúc quốc gia Bordeaux.
Sau một thời gian dài làm việc tại Pháp anh đã trở về Việt Nam và hiện đang giảng dạy, nghiên cứu Kiến trúc Sinh thái tại Khoa Kỹ thuật Xây dựng, trường Đại học Bách Khoa, thuộc Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.
Anh cũng là người sáng lập và là Kiến trúc sư trưởng của văn phòng Tư vấn Thiết kế Space+ với các công trình có xu hướng thiết kế bền vững như:
- K-Villa: công trình đầu tiên tại Cần Thơ có chứng chỉ Xanh hạng Vàng chứng nhận bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam;
- 3Become1 ngôi nhà cải tạo tại Sóc Trăng với thiết kế tiết kiệm hiệu quả năng lượng; Trung tâm Quản lý Nước và Biến đổi khí hậu – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh;
- Và một số công trình trong và ngoài nước khác.