Cuộc sống sẽ thật nhàm chán nếu sau tám tiếng làm việc, bạn trở về căn nhà với bốn bức tường, cửa để đi, giường để ngủ, bếp để nấu ăn,... Cùng một không gian diện tích đó, nếu xây nhà lơ lửng trên trời có vẻ hơi khó, tại sao không thử xây nhà chìm dưới lòng đất. Nếu không thích chia không gian chức năng riêng biệt, sao không thử gộp tất cả lại thành một phòng đa năng?
Căn nhà có phòng đa năng chìm ⅓ dưới lòng đất
Điểm đặc biệt nhất trong thiết kế của dự án Acute Intervention chính là căn phòng đa năng được xây chìm ⅓ dưới lòng đất. Nhìn từ phía ngoài, có vẻ như đây là một không gian ngủ kết hợp nơi làm việc. Tuy nhiên, trong căn phòng này, bạn vẫn có một gian bếp tiện nghi nhỏ với tủ bếp và bồn rửa. Dĩ nhiên, một căn phòng đa năng không thể thiếu công trình phụ.
Phòng đa năng chìm ⅓ dưới lòng đất với tầm nhìn trọn vẹn hướng ra khu vườn
Phòng làm việc đa năng chìm một phần dưới lòng đất không chỉ giúp tách rời khu vực làm việc để tạo một không gian tập trung riêng mà vẫn đảm bảo được những sinh hoạt tối thiểu. Một chiếc giường êm để ngả lưng một giấc ngủ ngắn giữa trưa hay bồn rửa chén bát sẽ giúp chủ nhân ngôi nhà giữ gìn không gian luôn trong trạng thái gọn gàng, sạch sẽ.
Bàn làm việc và giường ngủ tại phòng đa năng
Quầy bếp nhỏ tại phòng đa năng có bồn rửa, tủ đựng đồ, lò vi sóng, ấm đun nước
Những không gian được xây chìm dưới lòng đất thường có nhiệt độ trong nhà thấp hơn. Và quan trọng là phần không gian xây chìm dưới lòng đất sẽ tạo được cảm giác thích thú, muốn khám phá và sáng tạo. Hãy thử tưởng tượng xem khi bạn đang ở trên mặt đất và được bước xuống những bậc cầu thang dẫn vào một căn hầm hay một lối đi bí mật nào đó có nhiệt độ trung bình mát mẻ hơn hẳn, bạn có thấy hứng thú không?
Bậc cầu thang đi xuống căn phòng đa năng chìm ⅓ dưới lòng đất
Xây nhà là phải xây khép kín?
Nhà khép kín mang lại vô số tiện lợi cho người sử dụng, việc di chuyển giữa các phòng chức năng sẽ không bị ảnh hưởng bởi không gian hay thời tiết. Sân vườn thường được thiết kế ở phía trước hoặc phía sau không gian sinh hoạt. Tuy nhiên, với công trình kiến trúc này, sân vườn lại là khu liên kết giữa không gian sinh hoạt chính và phòng đa năng.
Ngôi nhà không khép kín với mảnh vườn ở giữa gian nhà sinh hoạt chung và phòng đa năng
Khu vườn có trồng một số cây tầm thấp, cỏ, dây leo và cây cảnh. Người sinh hoạt trong ngôi nhà sẽ có cơ hội được hoà mình vào thiên nhiên, tầm nhìn và tâm trí được giải phóng khỏi sự bí bách trong những không gian khép kín. Bên cạnh đó, khu vườn còn tạo một không gian biệt lập, riêng tư dành cho phòng đa năng.
Nhà một tầng vẫn có thể có giếng trời, mà ở ngay tại phòng khách
Giếng trời thường được thiết kế ở phòng bếp để đẩy mùi và tăng sáng cho gian nhà. Tuy nhiên, với dự án này, giếng trời được đặt ngay ở phòng khách.
Giếng trời nằm ở phòng khách
Phòng khách với hai mặt xung quanh là kính
Không chỉ có giếng trời, hai mặt xung quanh gian phòng khách đều được lắp kính để đưa ánh sáng tràn ngập ngôi nhà. Ban đêm, ngồi ở phòng khách, ngẩng mặt lên có thể nhìn thấy một bầu trời đầy trăng và sao lấp lánh.
Gian nhà đầu tiên là phòng ngủ chứ không phải phòng khách
Thông thường, thứ tự sắp xếp các phòng chức năng cho một căn nhà ống là: phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ. Tuy nhiên, với dự án này, cả hai phòng ngủ đều được xây dựng về phía tiền sảnh ngôi nhà. Sự riêng tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi căn nhà có một hành lang riêng dẫn thẳng từ cửa vào bếp.
Phòng ngủ chính dành cho bố mẹ
Phòng ngủ cho trẻ nhỏ với giường tầng
Gian phòng khách được đặt sau bếp và cạnh khu vườn với ý đồ khoe khéo kiến trúc phòng đa năng xây chìm ⅓ dưới lòng đất cũng như tận hưởng không gian xanh mát, cách biệt với sự ồn ào từ không gian đường phố bên ngoài. Sự bố trí này là vô cùng hợp lý khiến cho từng cụm phòng chức năng: phòng ngủ - phòng sinh hoạt chung - phòng đa năng đều không bị xâm phạm không gian của nhau.
Thiết kế nội thất có nhiều điểm mới lạ
Khi bước vào phòng sinh hoạt chung, điểm nổi bật nhất ở đây chính là bàn ăn kết hợp quầy bar với thiết kế góc cạnh khác biệt. Tận dụng hốc bàn ăn, gia chủ có thể để một số vật dụng như đồ chơi của trẻ nhỏ.
Thiết kế ưa độ chéo của bàn ăn đồng bộ với thiết kế trần và tường
Khi bước vào phòng vệ sinh, điểm thú vị lại hiện diện bởi sự kết hợp tiện lợi giữa bồn cầu và bồn rửa. Tường hành lang cũng được trang trí bởi những hoạ tiết giọt nước 3D đơn giản nhưng lạ mắt.
Sự kết hợp tiện lợi giữa bồn rửa và bồn cầu
Chi tiết trang trí hình giọt nước cho không gian công trình phụ
Trong bất cứ không gian nào của ngôi nhà này, giá sách đều tận dụng vị trí trên cao hợp lí. Chủ nhân của ngôi nhà này chắc chắn là một người có thói quen đọc thường xuyên.
Gần như mọi không gian nhà đều có sự xuất hiện có giá sách trên cao
Bản vẽ thiết kế mặt cắt thể hiện phần diện tích được xây chìm dưới lòng đất
Với tổng diện tích 80m2, bạn sẽ khá kinh ngạc khi ngôi nhà được thiết kế với quá nhiều không gian sử dụng chỉ trong một tầng. Ở Việt Nam, không thiếu những mảnh đất xây nhà ống với 80m2, bạn hoàn toàn có thể thiết kế cho mình một không gian sống khác biệt, mới lạ. Đi ngược lại quy chuẩn là một trong những cách sáng tạo và đôi khi đem lại hiệu quả bất ngờ, không chỉ trong kiến trúc mà còn trong mọi lĩnh vực đời sống.
Thông tin công trình:
Tên công trình: Acute Intervention
Đơn vị thiết kế/thi công: David Stanley Architects + Romy Grabosch
KTS thiết kế/thi công: David Stanley Architects + Romy Grabosch
Địa điểm: 99 John Ruskin St, London SE5, Vương Quốc Anh
Diện tích: 80m2
Năm hoàn thành: 2017
Hình ảnh: Juliet Murphy, Adelina Iliev Photography
Người viết: Tùng Dương