Làm nhà bằng container là một trong những xu hướng đang thịnh hành và được quan tâm không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam. Xây nhà bằng container mang lại nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, đa năng, sạch sẽ, bền vững và bảo vệ môi trường nhờ việc tái chế, tái sử dụng container bỏ đi. Tuy vậy, trước khi làm nhà bằng container các gia chủ cũng cần phải lưu tâm những điều dưới đây.
Bài liên quan:
1. Giữa thủ đô đông đúc có “ngôi nhà container” thiết kế độc lạ và kết nối với thiên nhiên
2. Độc đáo với cách thiết kế nhà ở từ 4 chiếc Container
3. Hướng dẫn cách làm bể bơi từ container
1. Lớp cách nhiệt của nhà container
Đối với một ngôi nhà được làm bằng container, lớp cách nhiệt là rất quan trọng. Bất kể những lợi ích về mặt kinh tế và công năng, nhiệt độ cao, nóng và bí là những nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người e ngại việc sử dụng container làm nhà. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam.
Sơ đồ bố trí lớp cách nhiệt cho nhà container
Bởi vậy, nếu bạn đang lên kế hoạch làm nhà container, đừng quên xử lý lớp cách nhiệt cẩn thận. Hệ mái cùng lớp tường vách tiếp xúc trực tiếp với bức xạ mặt trời cần được chú trọng xử lý lớp cách nhiệt hơn cả. Bạn cần tính toán hướng nhà, hướng khu đất để tìm ra hướng nắng và cách đặt container phù hợp.
Bên cạnh đó, cây xanh cũng có tác dụng giảm nhiệt, cản bức xạ mặt trời, tạo bóng mát. Nếu có thể, bạn hãy xây dựng nhà container bao quanh bởi vườn cây xum xuê. Nếu không có điều kiện về diện tích thì tận dụng pallet gỗ làm vườn đứng, che lớp vỏ ngoài container cũng là một ý tưởng tốt.
Ngoài ra, có 2 cách để thông gió và điều hoà không khí trong không gian container là thông gió cơ khí như sử dụng quạt, điều hoà nhiệt độ và thông gió tự nhiên bằng cách đục khoét vách container làm cửa sổ, hoặc tận dụng chính cửa đi của container làm cửa thông thoáng.
2. Nắm rõ kích thước, quy mô, chức năng từng loại container
Container có rất nhiều loại, được sử dụng với mục đích chuyên dụng khác nhau. Nếu phân loại theo chức năng, container bao gồm 7 loại chính:
- Container khô (chở hàng khô, bách hoá)
- Container hàng rời (có cửa trên mái)
- Container chuyên dụng (chở động vật, gia súc, ô tô,... có thiết kế đặc thù)
- Container lạnh (container có sẵn lớp cách nhiệt, chuyên chở các loại hàng hóa cần kiểm soát nhiệt độ như đồ đông lạnh)
- Container hở mái
- Container mặt bằng (không có vách)
- Container bồn (chở hàng hoá chất lỏng)
Ngoài ra, container còn được phân loại theo kích thước. Dựa trên tiêu chuẩn ISO, container được chia làm 4 nhóm chính:
- Container 20': dài 6,058m x rộng 2,438m x cao 2,591m (kích thước thực bên trong: 5,867m x 2,352m x 2,385m)
- Container 40': dài 12,192m x rộng 2,438m x cao 2,591m (kích thước thực bên trong: 12,032m x 2,352m x 2,385m)
- Container 40' cao: dài 12,192m x rộng 2,438m x cao 2,896m (kích thước thực bên trong: 12,032m x 2,352m x 2,650m)
- Container 45' cao: dài 13,716m x rộng 2,438m x cao 2,896m (kích thước thực bên trong: 13,556m x 2,352m x 2,698m)
Dựa theo nhu cầu và kinh phí đầu tư mà bạn có thể chọn cho mình loại container phù hợp.
3. Tìm hiểu kỹ về luật xây dựng, các quy định về tiêu chuẩn quy hoạch và kiến trúc nhà ở
Nhà container thuộc dạng công trình đặc biệt, có rất nhiều tranh cãi về việc có nên coi nó là dạng công trình xây dựng đơn thuần hay không. Hiện nay cũng chưa có điều khoản cụ thể nào trong việc quản lý nhà container trong bộ luật xây dựng. Vì vậy, để tránh rắc rối trong pháp lý cũng như thoải mái xây dựng, sử dụng nhà container, các bạn nên có giấy tờ sử dụng đất ở nơi bạn đặt công trình container, giấy phép xây dựng, hoặc giấy phép xây dựng, đặt công trình tạm. Bạn cũng cần phải đăng ký với chính quyền địa phương rõ ràng, đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường đô thị.
Cuối cùng, nếu không thể đáp ứng những yêu cầu ở trên, bạn nên gắn thêm bánh xe vào container, biến nó thành dạng công trình, nhà ở di động để tránh bị làm phiền bởi cơ quan chức năng. Nếu bị yêu cầu di dời thì cũng dễ di chuyển, hoạt động.
4. Trung thành với thiết kế của bạn
Giống như phương pháp xây dựng truyền thống, việc xây dựng bằng container cũng sẽ tốn rất nhiều thời gian, kinh phí và nhân lực nếu bạn sửa đi sửa lại quá nhiều. Một khi đã tác động, đục khoét vào container thì rất khó để sửa chữa. Để tránh tốn kém tiền vô ích, bạn nên lên kế hoạch xây dựng, thiết lập bản vẽ thiết kế thật kỹ để tránh phải chuyển đổi, sửa chữa phương án.
Nhà container được ứng dụng rộng rãi trên thế giới bởi nhiều ưu điểm của nó (Nguồn ảnh: Nhà container ở Canada)
5. Đừng cắt, khoét quá nhiều
Để biến một thùng container kín mít, bí khí thành một không gian sinh hoạt thoải mái tiện nghi, đương nhiên bạn phải tác động, đục khoét, cắt vách container. Tuy nhiên, cắt khoét nhiều quá cũng không tốt bởi việc tác động quá nhiều vào container sẽ làm phát sinh nhiều chi phí, chưa kể làm giảm độ bền của hệ kết cấu chịu lực vốn có. Bạn nên tính toán kỹ càng và tiết chế việc cắt khoét thùng container để mang lại hiệu quả tối ưu.
6. Kiểm tra chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật của container trước khi đặt mua
Trước khi đặt mua thùng container để làm nhà, bạn hãy kiểm tra kỹ càng tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện bảo quản của container xem nó có đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sinh hoạt cho bản thân và gia đình bạn hay không. Nếu không có kinh nghiệm về vấn đề này, bạn nên đi tìm chuyên gia để xin lời khuyên và có cái cái nhìn toàn diện nhất.
Các thùng container được ứng dụng để xây dựng nên The Factory Ba Vì đầy màu sắc (Nguồn ảnh: The Factory Ba Vì)
7. Tiết kiệm tiền nhờ One-trip container (container chỉ dùng cho 1 chuyến hàng)
Bạn có thể tiết kiệm chi phí mua container nhờ vào việc lựa chọn loại container one-trip, chỉ dùng để chở 1 chuyến hàng rồi bỏ đi. Đây là dạng container thùng hàng rẻ hơn các loại khác.
8. Hiểu rõ kết cấu chịu lực của container
Cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ kết cấu chịu lực của container, đặc biệt là khi bạn muốn thiết kế và xây dựng theo ý mình. Ít nhất hãy nắm rõ bộ khung chịu lực chính để đưa ra được phương án nên đục khoét bao nhiêu là vừa đủ.
9. Bảo vệ môi trường, thiên nhiên
Như đã đề cập, cây xanh có tác dụng giảm nhiệt, tạo bóng, che bức xạ vì vậy rất có lợi cho các công trình container vốn mang nhiều nguy cơ gây nóng bức vào mùa hè. Nếu có điều kiện, bạn hãy trồng nhiều cây xanh, bụi cây, cây bóng mát quanh nhà, không chỉ có lợi cho vi khí hậu mà còn tăng sức sống cho không gian sinh hoạt.
Mac & Ham House là ngôi nhà được xây dựng bằng container nhưng đảm bảo không gian thoáng mát nhờ vườn cây xanh quanh nhà (Nguồn ảnh: Mac & Ham House)
Nguồn: Tổng hợp
Xem thêm:
- 1. Gia chủ Việt chia sẻ cách chống nóng hiệu quả cho căn hộ vách kính hướng Tây
- 2. Tổng hợp 11 sai lầm khi sử dụng điều hoà khiến tiền điện tăng “chóng mặt”
- 3. 4 kỹ thuật giảm nhiệt cho nhà ở đã được áp dụng thành công trong căn nhà nhiệt đới Baan Boon Home
- 4. 4 phương án thiết kế chiều cao tầng nhà ứng dụng với nhà phố, nhà ống
- 5. Mái kính lấy sáng: Nên dùng kính cường lực hay kính dán 2 lớp?