Có nên vay mượn hơn 1 tỷ đồng để mua căn nhà thứ 2 hay đợi khi tài chính tốt hơn?

01/01/2024 20:00283 lượt xem

Gia chủ ở ngoại thành Hà Nội đang rất băn khoăn liệu có nên vay 1 tỷ đồng và mua căn nhà thứ hai để có không gian sống chất lượng hơn không?

*Theo dõi Happynest thường xuyên để cập nhật những thông tin hữu ích về nhà ở nhé.

Vợ chồng gia chủ ngoài 40 tuổi, có hai con. Nhà đang ở gồm 2 tầng diện tích sàn 50m2 ở ngoại thành Hà Nội. Nhà mới khá thoáng mát, tuy nhiên không có sân trước cũng như môi trường chung quanh hơi ồn ào, hàng xóm không được vệ sinh và thân thiện.

Ngôi nhà định mua có diện tích 70m2, bao gồm sân trước rộng 16m2, nằm trong một con hẻm lớn, yên tĩnh và văn minh, khắc phục nhược điểm môi trường ồn ào và không thân thiện của nơi sống hiện tại. Điều này có thể giúp tăng chất lượng cuộc sống của gia đình.

Tuy nhiên, quyết định này không chỉ đơn giản là về việc vay mượn, mà còn đòi hỏi sự lập kế hoạch cẩn thận và xem xét kỹ lưỡng về khả năng tài chính và mục tiêu dài hạn. Hiện tại, khả năng thanh toán của gia đình có vẻ ổn định, với số dư hàng tháng từ 15-18 triệu đồng sau khi chi tiêu.

Nếu gia đình quyết định mua nhà mới, có thể đưa ra một số xem xét theo tư vấn của chuyên gia Nguyễn Thu Giang (Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân -Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT) như sau:

“Thông qua cách bạn mô tả, tôi thấy bạn khá thích ngôi nhà thứ hai. Đứng trước mỗi quyết định tài chính, không chỉ đơn thuần chúng ta muốn thông qua đó để đạt được mục tiêu tài chính, quan trọng hơn là đạt được mục tiêu cuộc đời, trong đó chất lượng cuộc sống là tiêu chí rất quan trọng với mọi người. Vì thế, trong điều kiện tài chính thuận lợi, tôi ủng hộ quyết định vay mượn để có thể sở hữu căn nhà sớm hơn.

    >>> Xem thêm: Có nên mua nhà ở thời điểm hiện tại? Tư vấn của chuyên gia đầu ngành

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích điều kiện tài chính của bạn có thuận lợi cho việc vay mượn hơn 1 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại hay không và trong trường hợp quyết định vay mượn, bạn cần làm gì để quản trị rủi ro cho khoản nợ này. Ngoài ra, pháp lý cũng là một yếu tố để bạn cân nhắc.

Đầu tiên, chúng ta hãy điểm lại các thông tin quan trọng: ngôi nhà trị giá hơn 2 tỷ đồng, khoản tiết kiệm và vay mượn tiền nhàn rỗi trong gia đình chưa đến 50% giá căn nhà này, cần phải sửa chữa để có thêm phòng ngủ. Bạn có tổng kết số tiền vay mượn hơn 1 tỷ đồng, tuy nhiên chưa rõ chi phí sửa chữa có tính trong số tiền này hay chưa, tôi giả định tổng số tiền vay mượn lên đến 1,2 tỷ đồng.

Hàng tháng sau chi tiêu, gia đình bạn dư khoảng 15-18 triệu đồng, nếu dọn đến đây ở nhà mới, căn nhà hiện tại có thể cho thuê 5-6 triệu đồng. Như vậy, số tiền dư ra hàng tháng trung bình khoảng 22 triệu đồng. Nếu mức chi tiêu của gia đình không thay đổi, mức trả nợ nên vào khoảng 17,5 triệu đồng một tháng sẽ hợp lý và không tạo ra nhiều áp lực. Phần còn lại bạn có thể để dự phòng hoặc đầu tư nếu muốn.

Bạn cho biết nếu chưa đủ tiền, chủ nhà đồng ý đưa trước một phần, còn lại có thể trả dần và tính lãi theo ngân hàng. Điểm chưa rõ ràng ở đây là lãi tính theo tiền ngân hàng huy động hay cho vay. Nếu tính theo lãi gửi tiết kiệm thì tuyệt vời vì mặt bằng chung đang rất thấp. Nhưng kể cả khi tính theo lãi cho vay của ngân hàng, mức này cũng đang thấp kỷ lục trong chu kỳ 10 năm.

Tôi giả sử lấy mức trung bình của lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng lớn như Vietcombank và BIDV ở thời điểm này vào khoảng 7,5%. Nếu vay số tiền 1,2 tỷ và mỗi tháng trả nợ 17,5 triệu đồng, bạn sẽ mất 7,5 năm để trả hết khoản này. Bù lại, bạn sẽ có được chất lượng cuộc sống tăng lên đáng kể khi sinh hoạt trong không gian yêu thích và sở hữu một bất động sản với phần tăng giá của nó tối thiểu đủ để bù đắp lạm phát, chưa tính đến giá trị sử dụng 3 triệu đồng mỗi tháng ngay tại thời điểm này, khi ngôi nhà còn chưa sửa chữa.

Chuyên gia khuyên trong điều kiện tài chính thuận lợi, việc vay mượn để sở hữu nơi ở có chất lượng cuộc sống cao hơn là điều nên làm

Vợ chồng bạn ngoài 40 tuổi, theo thời gian trả nợ như trên, gia đình có thể trả hết khoản này trước tuổi 50. Thậm chí ở tuổi 50, các ngân hàng vẫn sẵn sàng cho vay với các khách hàng có vị thế tài chính tốt. Dựa trên thông tin ngôi nhà muốn mua có thể cho thuê với giá 3 triệu, còn ngôi nhà hiện tại có thể cho thuê 5-6 triệu đồng một tháng, tôi giả định ngôi nhà hiện tại có định giá cao gấp đôi, khoảng 4 tỷ đồng. Nếu cộng thêm 1 tỷ đồng sẵn có, tỷ lệ nợ trên tài sản của bạn khoảng 1/6, tỷ lệ an toàn khá cao ở độ tuổi của bạn.

Sau đây, chúng ta sẽ phân tích thêm về quản trị rủi ro. Đây là việc cần tính đến và chuẩn bị trước khi quyết định vay nợ, chứ không phải đến khi phát sinh các tình huống ngoài dự kiến mới tìm cách đối phó.

Mọi người đều cần có bảo hiểm và có quỹ dự phòng nhưng khi có vay nợ, bảo hiểm và quỹ dự phòng càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu trước đây bạn đã có bảo hiểm, khi vay nợ bạn nên mua thêm bảo hiểm nhân thọ hoặc ít nhất là bảo hiểm khoản vay với số tiền bảo hiểm bằng số tiền vay. Mục đích là để đảm bảo trường hợp mất thu nhập và không trả được nợ sẽ không ảnh hưởng đến sinh hoạt thiết yếu của gia đình.

    >>> Xem thêm: Thuê nhà hay mua nhà, lựa chọn nào "lời" hơn, chia sẻ từ gia chủ kinh nghiệm 10 năm thuê nhà

Về quỹ dự phòng, khi có bảo hiểm và không có nợ, quỹ dự phòng cần tối thiểu 3 tháng chi tiêu của gia đình. Nhưng khi có nợ, khoản này phải tính bằng 3 tháng chi tiêu và trả nợ. Bạn cũng cần nghiên cứu việc trong quá trình trả nợ mà bị sụt giảm thu nhập hoặc lãi suất tăng dẫn đến việc trả nợ khó khăn thì cần xử lý theo phương án nào. Tôi xin gợi ý 4 bước để xử lý khoản nợ, áp dụng theo thứ tự ưu tiên: dùng quỹ dự phòng, tìm kiếm hỗ trợ từ người thân, tìm cách tái cơ cấu khoản nợ và tái cấu trúc tài chính cá nhân, cuối cùng là cân nhắc bán tài sản để xử lý nợ.

Nếu mua thêm căn nhà thứ hai, có một điểm quan trọng cần lưu ý là gần như 100% tài sản của bạn nằm trong bất động sản. Đây không phải là một tỷ trọng tốt vì thiếu tính đa dạng và cân bằng về thanh khoản. Ngoài ra, cơ cấu tài sản này cũng tăng rủi ro vì khi cần tiền cho bất kỳ lý do gì ví dụ như sức khỏe của các thành viên trong gia đình hay các việc khác cần chi tiền cho tới khi trả hết nợ, bạn sẽ không có tài sản mang tính thanh khoản cao để giải quyết. Đó chính là lý do tôi gợi ý nên bổ sung bảo hiểm sức khỏe. Ngoài ra, bạn chỉ nên dành tối đa 80% khoản tiền dư hàng tháng để trả nợ. Còn dư 4-5 triệu đồng nên giữ ở những kênh thanh khoản cao như tiền gửi ngân hàng, vàng, chứng chỉ quỹ...

Một điều cần lưu ý khác là việc mua bán căn nhà này hiện tại chỉ có thể làm vi bằng, chỉ có giá trị ghi nhận hành vi giao dịch giữa các cá nhân, chưa bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu về mặt pháp lý của vợ chồng bạn với căn nhà này. Nên nếu coi đây là tài sản đầu tư, bạn hầu như không có khả năng bán được cho tới khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

    >>> Xem thêm: Những lưu ý chủ hộ cần biết khi mua nhà

Cuối cùng, mọi kế hoạch tài chính cá nhân cần phải linh hoạt và điều chỉnh theo thời gian, tùy theo sự thay đổi của gia đình hoặc của môi trường kinh tế xã hội xung quanh. Khi nào bạn thấy cần thiết, có thể tìm đến các tư vấn tài chính để được hỗ trợ. Chúc bạn đạt được các mục tiêu tài chính và cả các mục tiêu cuộc đời của mình”.

Mọi kế hoạch tài chính cá nhân cần phải linh hoạt và điều chỉnh theo thời gian, tùy theo sự thay đổi của gia đình hoặc của môi trường kinh tế xã hội xung quanh

Quyết định vay mượn hơn 1 tỷ đồng để mua nhà mới hay đợi khi tài chính tốt hơn nên dựa trên sự đánh giá kỹ lưỡng và sự hiểu biết sâu sắc về tình hình tài chính và mục tiêu dài hạn của gia đình.

Nguồn: VNE

Anh TaTheo dõi

Bình luận

Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

Bài đăng liên quan

Chuyện nhà

Xem tất cả

Kho kiến thức

Xem tất cả

Sự kiện

Xem tất cả

HappynestTV

Xem tất cả

Thảo luận

Xem tất cả

Ăn - Chơi

Xem tất cả
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0