Những lưu ý chủ hộ cần biết khi mua nhà

    13/02/2023 14:00922 lượt xem

    Sở hữu một căn nhà là khoản đầu tư lớn nhất trong cuộc đời của mỗi người. Tuy nhiên, việc mua nhà thường đi kèm với các thủ tục rườm rà, phức tạp mà không phải chủ hộ nào cũng có đủ kinh nghiệm và am hiểu về luật để xác minh tính chân thực. Dưới đây là 6 lưu ý hữu ích sẽ phần nào giúp các chủ hộ hạn chế tối đa rủi ro đáng tiếc khi mua nhà và có thêm cơ sở để quyết định đầu tư đúng đắn.

    1. Kiểm tra giấy tờ pháp lý

    Phần lớn rủi ro trong quá trình mua nhà đều đến từ các vấn đề pháp lý. Bởi vậy, trước khi quyết định giao dịch bất động sản, người mua cần kiểm tra đầy đủ hồ sơ pháp lý tài sản. Về cơ bản, các loại giấy tờ cần thiết để xác nhận tính pháp lý của nhà đất bao gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác liên quan; hợp đồng chuyển nhượng/tặng cho/thừa kế… (nếu có); thông báo nộp lệ phí trước bạ, biên lai nộp lệ phí trước bạ; giấy tờ hoàn công; hồ sơ đóng thuế đất hàng năm.

    Sổ đỏ, sổ hồng là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để xác định tính hợp pháp của nhà, đất

    Cần lưu ý, thay vì xem giấy tờ qua ảnh chụp, gia chủ nên cầm trực tiếp giấy tờ trên tay, xem xét bề mặt giấy, số seri, mã vạch… để tránh tình trạng lừa đảo hay làm giả giấy tờ. Nếu chưa có đủ kiến thức trong vấn đề này, gia chủ nên tìm đến các chuyên gia pháp lý để được hỗ trợ tư vấn và kiểm định.

    2. Kiểm tra tình trạng nhà 

    Gia chủ cần tìm hiểu xem bất động sản định mua có thuộc diện đất quy hoạch hay thuộc dự án nào không. Một số trường hợp người bán không cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực về tình trạng pháp lý nhà đất, hoặc đất nằm trong quy hoạch treo đã quá lâu nên chính người bán cũng không nắm rõ.

    Việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp cũng có thể bị gián đoạn nếu bất động sản có tranh chấp. Đây là vấn đề khá phức tạp khi có nhiều tranh chấp nhỏ, ngầm và khó nắm bắt như tranh chấp lối đi, hàng rào, đường thoát nước. Vì vậy, gia chủ nên hỏi thông tin từ hàng xóm xung quanh nhà, đất định mua và UBND phường, xã để tìm hiểu các thông tin về tranh chấp.

    Một căn nhà hay khu đất tồn tại quá nhiều tranh chấp “ngầm” sẽ gây gián đoạn quá trình mua bán nhà và ảnh hưởng đến giá trị sử dụng sau này

    Bên cạnh đó, người mua nhà cũng cần kiểm tra xem bất động sản tiềm năng có đang thuộc diện bị thế chấp hay không? Nếu có thì việc thế chấp này được thực hiện tại ngân hàng hay ở tổ chức nào? Trong trường hợp tài sản được thế chấp tại ngân hàng, việc yêu cầu đặt cọc nên thực hiện ở đâu và cần chuẩn bị những thủ tục gì?

    Để biết nhà đất có thuộc quy hoạch, thế chấp hoặc tranh chấp hay không, gia chủ có thể kiểm tra bằng cách: 

    - Xem quy hoạch sử dụng đất trực tiếp tại trụ sở UBND cấp huyện, cấp xã. 

    - Xem trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện biết đất có thuộc quy hoạch hay không. 

    - Hỏi ý kiến công chức địa chính cấp xã hoặc người dân tại khu vực có thửa đất để có thêm thông tin. 

    - Xin thông tin tại Văn phòng đăng ký đất đai.

    3. Kiểm tra giá trị căn nhà

    Trên thị trường luôn tồn tại song song hai loại giá trị bất động sản là giá nhà nước và giá bất động sản thị trường. Giá nhà nước là mức giá được UBND tỉnh - thành phố ban hành, thay đổi theo từng năm, dùng làm cơ sở tính thuế trong việc chuyển nhượng nhà đất, đất đai. Còn giá thị trường lại được hình thành và thay đổi dựa trên những biến động của thị trường và các yếu tố quản lý của Nhà nước. Giá thị trường thường có sự thỏa thuận nhất định giữa người mua và người bán.

    Chính vì vậy, việc định giá bất động sản trước khi quyết định “xuống tiền” vô cùng quan trọng, giúp gia chủ tìm được căn nhà ưng ý với mức chi phí tương ứng giá trị sử dụng. Hiện nay, việc định giá bất động sản không còn quá phức tạp nhờ có sự ra đời của các công cụ định giá bất động sản. Công cụ định giá bất động sản có khả năng tổng hợp dữ liệu và chuyển hóa thành bộ lọc thông minh, sau đó trả về những thông tin chính xác theo đúng nhu cầu tìm kiếm của khách hàng.

    Công cụ định giá sẽ giúp gia chủ lựa chọn căn nhà, khu đất có giá trị sử dụng phù hợp và không bị “hớ” khi thực hiện giao dịch mua bán

    Thông qua công cụ định giá bất động sản, người mua nhà có thể nắm được các thông tin tổng quan về dự án, tiện ích, đánh giá chuyên gia; xem thông tin về chính sách bán hàng của dự án mục tiêu và so sánh với các dự án khác trong cùng khu vực; xem thông tin về vị trí, giá bán của các dự án so sánh quanh khu vực; bảng giá theo loại căn hộ; lịch sử biến động giá, thông tin nhân khẩu học và hạ tầng giao thông của khu vực.

    4. Xem xét tính chính chủ và quyền định đoạt

    Để chắc chắn gia chủ đang giao dịch với đúng người có thẩm quyền, cần kiểm tra nhân thân chủ nhà, đất thông qua đối chiếu giấy tờ tùy thân của người đó với người đứng tên trên giấy tờ chứng minh. Giấy tờ nhân thân của chủ đất bao gồm: chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu.

    Gia chủ cũng cần xác minh tình trạng hôn nhân của chủ sở hữu tài sản đó. Nếu đã kết hôn thì cần có giấy chứng nhận kết hôn. Còn trong trường hợp ly hôn phải có quyết định hoặc bản án ly hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân (độc thân).

    Thêm nữa, việc kiểm tra bên bán đã có đầy đủ chủ sở hữu cùng ký hợp đồng mua bán hay chưa cũng rất quan trọng. Trường hợp chưa có đủ người thì cần có giấy ủy quyền ký thay của người có mặt, hoặc xem xét có cần chờ đợi đủ người đồng sở hữu hay chỉ cần một người đại diện. Hợp đồng cũng phải được bên bán đăng ký tại cơ quan công chứng theo thời gian thỏa thuận.

    5. Kiểm tra thực tế sử dụng

    Ngoài việc xem xét các vấn đề trên giấy tờ, gia chủ cũng cần đến tận nơi quan sát trực tiếp tình trạng của nhà đất định mua. Việc đến kiểm tra, so sánh thửa đất, căn nhà giúp người mua kiểm chứng lại xem tài sản trên thực tế có đúng với thông tin được ghi trên giấy chứng nhận không. Nếu không đúng thì người mua sẽ có cơ sở để đàm phán lại. 

    Bên cạnh đó, để có thông tin cụ thể, chính xác hơn, người mua nên đến các cơ quan chức năng, hoặc thông qua người dân sống lân cận... để xác thực hiện trạng pháp lý của nhà đất tiềm năng.

    Tình trạng thực tế của nhà, đất đúng với thông tin trên giấy tờ pháp lý thể hiện tính minh bạch của người bán

    6. Kiểm tra các tài sản liên quan

    Đi kèm với một căn nhà hay một khu đất thường có tài sản liên quan nhưng dễ bị bỏ qua trong quá trình thỏa thuận mua bán. Bởi vậy, người mua cần kiểm tra xem các vật dụng, thiết bị đính kèm bất động sản có đúng với nội dung thỏa thuận mua bán ban đầu hay không. Tốt nhất là nên lập bảng danh mục tài sản và dựa vào đó để kiểm tra, đối chiếu với thực tế nhà đất định mua.

    Trước khi mua nhà, việc tìm hiểu, kiểm tra thông tin pháp lý và tình trạng căn nhà, khu đất là vô cùng cần thiết. Hy vọng 6 lưu ý cần biết khi mua nhà đã giúp các chủ hộ hiểu thêm về cách kiểm tra tính pháp lý của các loại giấy tờ, tình trạng nhà, đất để có giao dịch mua bán hợp lý, an toàn.

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0