Nhà ở xã hội thường xuyên xảy ra tình trạng người mua có đủ điều kiện vẫn không thể mua, trong khi có những khu nhà rao bán hàng chục đợt vẫn chưa bán hết… Vậy nhà ở xã hội là gì? Gia chủ cần lưu ý những gì nếu muốn sở hữu một căn nhà thuộc kiểu nhà ở xã hội?
Định nghĩa nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của luật nhà ở. Điều này có nghĩa là nhà nước sẽ hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội, người mua nhà sẽ được hưởng mức giá ưu đãi hơn so với những căn hộ thuộc diện thương mại.
Nhà ở xã hội có mức giá rất ưu đãi, chỉ từ 8 triệu đồng/m2
Nhà ở xã hội thường có 2 loại: loại do nhà nước đầu tư và xây dựng, và loại do các doanh nghiệp tư nhân xây dựng.
Những đối tượng được mua nhà ở xã hội
Theo quy định tại Luật Nhà ở 2014, những đối tượng mua nhà ở xã hội bao gồm:
- Cán bộ công chức, viên chức, sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
- Công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
- Các đối tượng trả lại nhà công vụ mà gặp khó khăn về nhà ở.
Điều kiện để mua nhà ở xã hội
Những đối tượng được mua nhà ở xã hội cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Chưa có sở hữu nhà ở và chưa thuê hoặc chưa thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
- Đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích bình quân đầu người trong gia đình dưới 8m² sàn/người hoặc nhà ở tạm, hư hỏng, dột nát
- Có mức thu nhập bình quân hằng tháng của hộ gia đình không vượt quá 5 lần tổng số tiền thuê nhà ở xã hội phải trả hàng tháng (đối với căn hộ có diện tích tối đa 70 m² sàn) và không thấp hơn 4 lần số tiền thuê nhà phải trả hằng tháng (đối với diện tích căn hộ có diện tích tối thiểu là 30 m²) tính theo mức giá thuê do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
- - Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội. Trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội.
Không phải ai cũng được mua và sở hữu một căn nhà ở xã hội
Lưu ý: Không yêu cầu đáp ứng điều kiện về thu nhập bao gồm các đối tượng sau:
- Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng
- Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ mà không thuộc diện bị thu hồi nhà ở do có hành vi vi phạm quy định của pháp luật và chưa có nhà ở tại nơi sinh sống sau khi trả lại nhà công vụ
- Hộ gia đình cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Thời gian sở hữu nhà ở xã hội
Theo Điều 7 Luật Nhà ở năm 2014 nếu người mua là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì mua nhà ở xã hội sẽ được sở hữu ổn định, lâu dài. Còn nếu gia chủ không thuộc một trong các trường hợp nêu trên, là người nước ngoài thì chỉ được sở hữu nhà ở trong thời hạn luật định là 50 năm và có thể gia hạn nhưng sẽ không được sở hữu lâu dài, vĩnh viễn.
Có được thế chấp nhà ở xã hội không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có quy định:
- Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua; chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Kể từ thời điểm người mua, thuê mua nhà ở xã hội được phép bán nhà ở xã hội cho các đối tượng có nhu cầu thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà ở theo quy định của pháp luật, bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó; trường hợp bán nhà ở xã hội thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất, tính theo giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm bán nhà ở.
- - Trong thời hạn chưa đủ 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho nhà nước (trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội do nhà nước đầu tư) hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội (trong trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách) hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở, với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, bạn không được phép thế chấp nhà ở xã hội (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó).
Hiện nay nhu cầu về nhà ở xã hội ngày càng tăng cao
Nhà ở xã hội với mức giá hợp lý nhưng không phải ai cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ để có thể mua. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp gia chủ giải đáp phần nào về những quy định mua nhà ở xã hội hiện hành.
Nguồn: Tổng hợp
Xem thêm:
- 1. Nhờ người quen làm nhà: Người thì vui, người thì khóc. Tại sao lại như thế?
- 2. Kinh nghiệm xây nhà: Hoàn thiện nhà gồm những hạng mục nào?
- 3. Tại sao nhà xây 2 giếng trời rồi mà vẫn bí?
- 4. Tại sao không xây luôn thêm một tầng mà lại chỉ xây tum?
- 5. Cách bố trí khe thoáng để nhà ống không còn bí bách và thiếu sáng