KTS Hoàng Long chỉ ra các vấn đề gia chủ Việt thường mắc khi thiết kế nhà có người cao tuổi

    03/01/2023 08:004.995 lượt xem

    Với kinh nghiệm thiết kế nhiều công trình, KTS Nguyễn Hoàng Long đến từ Dim Studio đã đưa ra những vấn đề mà gia chủ thường gặp khi xây nhà riêng cho ông bà, bố mẹ lớn tuổi hoặc nhà của gia đình đa thế hệ. Từ đó, đưa ra những giải pháp thiết kế giúp việc sinh hoạt của ông bà, cha mẹ được đảm bảo an toàn, thuận tiện nhất.

    Nhà cho người cao tuổi cần hướng tới không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh và ánh sáng

    Vấn đề 1: Đưa ra yêu cầu chung, không mang tính đặc thù phù hợp với người cao tuổi 

    Theo kinh nghiệm của mình, KTS Hoàng Long cho biết, lỗi đầu tiên mà các gia chủ thường mắc khi thiết kế nhà có ông bà, bố mẹ lớn tuổi là không để ý đến nhu cầu, thói quen sinh hoạt của họ khác với người trẻ như thế nào. Người lớn tuổi cần gì, thích gì, không cần gì, không thích gì, dường như những câu hỏi này bị bỏ quên. Vì thế, các gia chủ hay đưa ra yêu cầu chung, không mang tính đặc thù, không phù hợp với sinh hoạt của ông bà, bố mẹ. 

    Mỗi thế hệ, mỗi cá nhân có những cá tính, lối sinh hoạt khác nhau, nhất là ở người cao tuổi. Bởi thế, trước khi xây sửa nhà cửa, chúng ta cần trao đổi cụ thể và tìm hiểu thật kỹ về nhu cầu, thói quen và sở thích của ông bà, bố mẹ. Từ đó, KTS sẽ tư vấn, đưa ra các giải pháp thiết kế, bố trí công năng phù hợp vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người lớn tuổi, vừa cân bằng được với lối sống của các thành viên trẻ trong gia đình.

    Thiết kế tôn trọng sở thích của người cao tuổi, như trong ảnh là hình ảnh chiếc phản gỗ đậm chất truyền thống Nam Bộ được sử dụng 

    Vấn đề 2: Thiết kế quá tận dụng diện tích

    Những căn nhà thiếu cửa sổ, ban công hay lô gia, bị bao bọc kín bởi những bức tường thường gây cảm giác chật chội, bí bách, khó chịu cho người ở, nhất là đối với người cao tuổi. Tuy nhiên, vì diện tích hạn chế, nhất là với những ngôi nhà ở thành phố, nên khi thiết kế và xây dựng, gia chủ thường có tâm lý muốn tận dụng từng mét vuông đất. Điều này làm hạn chế việc lưu thông không khí, thiếu ánh sáng tự nhiên và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần của người lớn tuổi.

    Để cải thiện độ thông thoáng của ngôi nhà, KTS Hoàng Long đưa ra một số phương án sau đây để các gia chủ tham khảo:

    - Mở giếng trời: Vị trí phổ biến để đặt giếng trời là ở cầu thang, khoảng giữa nhà hoặc cuối nhà kết hợp với sân sau. Nhưng tốt nhất nên đặt giếng trời chính tại khu vực cầu thang trung tâm để ánh sáng và không khí dễ dàng đến được nhiều không gian nhất.

    - Thêm khoảng thông tầng: Việc ưu tiên dành ít nhất 1-2m để thiết kế khoảng thông tầng giúp ích rất nhiều cho việc đối lưu không khí, tạo môi trường sống thoáng đãng, sảng khoái tinh thần cho người cao tuổi, đồng thời không cản trở giao tiếp của các thành viên giữa các tầng. 

    - Bố trí cửa sổ ở các phòng, nhất là phòng ngủ của người lớn tuổi.

    Khoảng sân vườn ở trung tâm nhà làm tốt nhiệm vụ lấy sáng và khí tươi cho công trình, cũng là nơi mà cha mẹ có thể trồng, chăm sóc cây cối 

    Vấn đề 3: Lựa chọn, lắp đặt thiết bị thiếu hoặc không hợp lý với người cao tuổi

    Đối với những người cao tuổi ở riêng, việc trang bị các thiết bị an ninh, an toàn rất cần chú trọng. Để bảo vệ an toàn và đề phòng những bất trắc, gia chủ nên lắp đặt hệ thống camera an ninh ở trong và ngoài nhà, sử dụng khóa cửa thông minh,…

    Tại phòng vệ sinh của ông bà, bố mẹ lớn tuổi, gia chủ thường có xu hướng mua thiết bị vệ sinh giống như tất cả các phòng của các thành viên khác, mà chưa tính đến việc ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thiết bị dành riêng cho người cao tuổi, hoặc bố trí ở độ cao, khoảng cách không phù hợp với người già. 

    Giải pháp KTS Hoàng Long đưa ra là sử dụng tường, sàn chống trơn trượt, lắp đặt lavabo, bồn cầu ở độ cao hợp lý. Ngoài ra, nên lựa chọn các thiết bị hỗ trợ người cao tuổi như tay vịn để giữ thăng bằng, làm điểm tựa. Nên thiết kế chuông báo động hoặc nút khẩn cấp để báo hiệu sự cố trong những tình huống không may xảy ra.

    Các thanh vịn này cần chọn chất liệu tốt, chịu lực cao, lắp đặt ở độ cao 1.1 – 1.3m tính từ mặt sàn, để người cao tuổi có thể dễ dàng với tới và tựa vào

    Điểm giống và khác giữa xây nhà cho người cao tuổi ở riêng và xây nhà cho người cao tuổi sống chung với con cháu (gia đình đa thế hệ)

    Bàn về thiết kế nhà cho người cao tuổi, KTS Hoàng Long cho biết thiết kế nhà cho người cao tuổi sống riêng và sống chung với con cháu có những điểm giống và khác nhau, cụ thể như sau.

    Giống nhau:

    Thiết kế cho nhà đa thế hệ hay thiết kế nhà riêng cho người cao tuổi đều cần đáp ứng những nhu cầu công năng cơ bản của một ngôi nhà như phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ…

    Khác nhau:

    Nhà đa thế hệ: Thường có không gian lớn hơn, cấu trúc sử dụng nhiều hơn, tối ưu diện tích cho các phòng công năng. Việc bố trí phòng ngủ cho người cao tuổi thường đặt ở tầng 1 để dễ đi lại và gần phòng khách, phòng bếp. Vấn đề cách âm cũng cần quan tâm nhiều hơn vì người già thường khó ngủ, chỉ cần tiếng động nhỏ cũng dễ làm họ thức giấc.

    Nhà người cao tuổi sống riêng: Nhu cầu sử dụng sẽ giảm và đơn giản hơn. Không gian được thiết kế để ông bà, bố mẹ dễ dàng di chuyển, đặt tính an toàn lên hàng đầu. Tại đây, không gian thoáng, vườn cây, giếng trời được ưu tiên đưa vào rất nhiều.

    Phòng ngủ nên có cửa sổ thông thoáng và được đặt phòng vệ sinh bên trong để thuận tiện cho sinh hoạt

    Thay cho lời kết, KTS Hoàng Long muốn đưa ra lời khuyên tới các gia chủ: “Hãy tìm hiểu kỹ về nhu cầu của bố mẹ để khi thiết kế, KTS sẽ đưa ra giải pháp tối ưu giúp người cao tuổi cảm thấy an toàn, thoải mái và thân quen dù có sống chung hay sống riêng với con cháu”.

    Bài viết: Minh Trang

    Cẩm nang sửa nhà được bảo trợ nội dung bởi HAPPYNEST, đồng hành cùng LÀ NHÀ trên những chuyến chu du "Gõ cửa - Sửa nhà" và được truyền thông trên hệ thống các kênh VCCorp.

    Là Nhà - Chương trình truyền hình thực tế "làm mới" căn nhà thân quen của khán giả, biến từng khoảng không gian sống thành chốn nghỉ ngơi, vỗ về xúc cảm và chứa đựng câu chuyện ý nghĩa của chính gia chủ. Không chỉ là một chương trình về kiến trúc thông thường, Là Nhà lồng ghép kiến thức chuyên môn với câu chuyện cá nhân của mỗi chủ nhà để tạo nên chương trình đầy xúc cảm và nhân văn.

    Là Nhà sẽ phát sóng lúc 15 giờ Chủ Nhật hàng tuần trên VTV3; 20 giờ cùng ngày trên Megalivestream của VCCorp, và Fanpage & Website Happynest.

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0