Người cao tuổi sức khỏe giảm sút thường có những dấu hiệu lão hóa rõ rệt như mất ngủ, đau xương khớp, khó đi lại, giảm thị lực… Chính bởi vậy một không gian phòng ngủ được thiết kế đầy đủ công năng, an toàn, yên tĩnh là điều quan trọng để mang tới sự thoải mái và giấc ngủ ngon cho người già.
Bài liên quan:
1. Những khu vực trong nhà dễ khiến người cao tuổi té ngã mà các gia đình không ngờ tới
3. Những yếu tố gây mất an toàn của nhà ống đối với gia đình có người cao tuổi
Với những đặc điểm tâm sinh lý và sức khỏe, việc bố trí, sắp xếp, thiết kế phòng ngủ cho người cao tuổi có nhiều điểm khác so với người trẻ tuổi, dưới đây là 5 điều mà bạn cần lưu ý.
Căn phòng có gam trung tính hơi hướng trầm, mộc mạc phù hợp với người lớn tuổi (Ảnh: TT House)
1. Vị trí phòng ngủ
Tuổi già sụn khớp lão hóa dễ dẫn đến đau nhức, đi lại khó khăn, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc các bệnh về xương khớp càng tăng. Do đó, vị trí phòng ngủ của người cao tuổi nên đặt ở tầng thấp, tốt nhất là tầng 1 để hạn chế phải leo cầu thang. Trong các thiết kế nhà ở thông thường, các không gian sinh hoạt chung như phòng khách, phòng bếp ăn sẽ đặt ở tầng 1, đây là những khu vực thường có nhiều tiếng ồn. Bởi vậy các gia đình nên lưu ý bố trí phòng ngủ của người già ở tầng 1 nhưng cần đảm bảo độ yên tĩnh, có sự phân tách nhất định với các không gian sinh hoạt chung để giảm tiếng ồn.
Nếu đặt ở trên các tầng cao hơn, thiết kế cầu thang rất cần phải chú trọng, độ dốc và độ cao của bậc thang nên thiết kế thấp, có chiếu nghỉ hoặc sử dụng thang máy để đảm bảo an toàn cho người già. Không nên bố trí phòng ngủ của người cao tuổi ở những tầng quá cao, sẽ gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt, nếu diện tích tầng 1 không đủ rộng thì bố trí phòng ngủ ở tầng 2 cho người cao tuổi là hợp lý.
Ngoài ra, người cao tuổi thường quan tâm đến phong thủy như vị trí hướng phòng, hướng giường ngủ, các gia đình cũng có thể cân nhắc thêm vấn đề này. Theo một số lời khuyên về phong thủy, phòng ngủ của người già có thể chọn hướng Nam hoặc Đông Nam, đây là những hướng thường đón được gió ấm, ánh sáng tốt, tạo sinh khí cho phòng ngủ, giúp tinh thần của người cao tuổi tốt hơn.
Phòng ngủ cho người cao tuổi nên được đặt ở tầng thấp, rộng, thoáng, luôn đảm bảo không khí tươi mới (Ảnh: TROPIC House)
2. Diện tích phòng ngủ
Người cao tuổi thường hay mất ngủ do dễ bị thức giấc, bên cạnh đó, họ cũng thường lo nghĩ nhiều và cảm thấy bất an khi ở một mình. Để ông bà, bố mẹ an tâm, tinh thần thoải mái khi đi ngủ thì diện tích phòng ngủ không cần quá lớn, đủ để tạo sự ấm cúng, gần gũi và an toàn, đảm bảo chất lượng cho giấc ngủ của người cao tuổi. Diện tích tối thiểu của phòng ngủ để đảm bảo bố trí nội thất, đủ thoáng đãng và phù hợp với sinh hoạt của người cao tuổi là 12m2. Với diện tích này, phòng ngủ của người cao tuổi có thể sắp xếp các nội thất cơ bản như giường ngủ, tủ quần áo, kết hợp thiết kế cửa sổ để lấy sáng, đón gió. Tuy nhiên, nếu thiết kế nhà vệ sinh trong phòng ngủ thì diện tích cần lớn hơn sao cho phù hợp với điều kiện diện tích của ngôi nhà.
Phòng ngủ của người già không cần quá rộng mà ưu tiên sự thoải mái, thoáng đãng (Ảnh: Hachi Lily House)
3. Điều kiện ánh sáng, không khí của phòng ngủ
Ánh sáng và không khí ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người cao tuổi. Nếu để phòng thiếu sáng, tối tăm sẽ khiến người già có cảm giác cô đơn, trầm cảm cũng như dẫn đến việc mất an toàn trong sinh hoạt bởi thị lực của người già không còn tốt và tinh tường. Do đó, phòng ngủ nên có ánh sáng tự nhiên vừa đủ, để có thể chiếu sáng và tránh những bệnh phát sinh như gãy xương, trật khớp khi sinh hoạt…Tường của phòng ngủ không nên lắp quá nhiều kính vì dễ gây phản xạ ánh sáng mạnh làm chói mắt và mỏi mắt. Ngoài ra, cần xây dựng một hệ thống chiếu sáng nhân tạo hợp lý để giúp người cao tuổi di chuyển, dễ nhìn mọi thứ hơn.
Phòng có thể đơn giản nhưng phải đầy đủ ánh sáng và không khí (Ảnh: Nhà Bến Tre)
Nhiều người để giảm bớt bụi bẩn nên thường xuyên đóng cửa sổ phòng ngủ, thực ra làm như vậy không tốt cho sức khỏe. Nếu không khí không lưu thông, mùi hôi từ cơ thể và mùi các đồ dùng vật dụng trong phòng sẽ làm ảnh hưởng tới hệ thống hô hấp của con người, nhất là đối với người cao tuổi khi thời gian ở trong phòng ngủ nhiều.
Để hỗ trợ việc tạo không khí trong lành, dễ chịu cho phòng ngủ, gia chủ có thể sử dụng trần thạch cao thanh lọc không khí. Nhờ thành phần lõi tấm được chế tạo bằng công thức đặc biệt từ châu Âu, khi khí hại Formaldehyde chạm vào bề mặt trần/tường sẽ được nhận diện, hấp thụ và chuyển hóa thành khí trơ không độc hại và trả lại môi trường. Từ đó, giúp không khí trong phòng ngủ của người cao tuổi đảm bảo an toàn, hạn chế khí hại không tốt cho sức khỏe.
Tấm thạch cao siêu bảo vệ của Vĩnh Tường Saint-Gobain gồm 5 lớp: siêu chống võng, siêu chống nồm ẩm, siêu chống cháy, siêu chống nứt và siêu thanh lọc không khí, có khả năng thanh lọc không khí lên đến 85%, được chứng nhận bởi Eurofins – Tổ chức kiểm nghiệm môi trường hàng đầu thế giới (Ảnh minh họa)
4. Thiết kế phòng ngủ
Khi thiết kế phòng ngủ của người cao tuổi phải đặc biệt chú ý giao thông trong phòng cần đơn giản, mạch lạc, không nên giật cấp để dễ dàng di chuyển cũng như đảm bảo an toàn.
Phòng vệ sinh khép kín cũng nên được đặt trong phòng ngủ để những sinh hoạt cá nhân có thể được tiến hành một cách tiện lợi, thoải mái nhất, nhất là khi người già thường có nhu cầu đi vào ban đêm. Tuy nhiên nếu diện tích phòng ngủ quá nhỏ thì không nên đặt phòng vệ sinh khép kín, sẽ dẫn tới việc không gian không được thông thoáng và vi khuẩn dễ sinh sôi. Thay vào đó, hãy bố trí phòng ngủ gần phòng vệ sinh và đảm bảo ánh sáng, công tắc đèn hợp lý.
Không gian được bố trí khoa học, gọn gàng và dễ dàng di chuyển (Ảnh: Dist.4 House)
Người lớn tuổi thường rất khó ngủ nên chỉ cần có âm thanh nhỏ là khiến họ bị tỉnh giấc. Do đó, yêu cầu về cách âm cho phòng ngủ là điều hết sức cần thiết khi thiết kế phòng ngủ cho người cao tuổi. Hãy sử dụng hệ thống cách âm, tiêu âm từ tường, trần, cửa sổ… để mang tới giấc ngủ trọn vẹn cho ông bà, cha mẹ.
5. Nội thất phòng ngủ
Nội thất phòng ngủ của người cao tuổi không cần quá nhiều và phải được bố trí gọn gàng, ngăn nắp. Giường tủ cần kê sát tường để tạo ra lối đi lớn nhất có thể, đồ nội thất nên có chiều cao vừa phải để tránh việc kiễng chân, với tay lấy đồ, dễ ảnh hưởng đến xương khớp của người già.
Phòng ngủ của ông bà sử dụng hệ vách gỗ đóng mở linh hoạt, mang đến không gian vừa riêng tư vừa đa dạng (Ảnh: Quang House)
Người già thường hoài niệm về những chuyện trong quá khứ. Vì vậy, khi chọn màu sơn cho phòng ngủ, gia chủ nên ưu tiên các gam màu trầm, ấm, ôn hòa cũng như các loại sơn an toàn, không chứa chất độc hại. Mắt của người lớn tuổi đã giảm đi độ nhạy cảm với màu sắc, nên nếu sơn tường hoặc sử dụng nội thất màu sắc sặc sỡ sẽ dễ khiến họ sinh ra cảm giác mơ hồ, nhìn vật thể kém chuẩn xác. Do đó, các màu nhóm màu trắng off-whites (không phải trắng tinh) hoặc nhóm màu pastel nhẹ nhàng tạo cảm giác dịu mắt, ấm áp là sự lựa chọn hợp lý.
Những màu sơn off-whites, màu pastel nhẹ nhàng của thương hiệu Sơn Nippon khi kết hợp cùng nội thất màu trung tính tạo sự hài hoà cho không gian, đem đến cho người cao tuổi sự thoải mái, gần gũi trong phòng riêng của mình (ảnh minh họa)
Không gian phòng ngủ màu sắc trầm ấm rất hợp sở thích của nhiều người lớn tuổi (Ảnh: Hachi Lily House)
Ngoài 5 yếu tố nêu trên, khi thiết kế phòng ngủ cho ông bà, bố mẹ, người cao tuổi, các gia chủ nên lưu ý đến việc lắp đặt hệ thống báo động để trong những tình huống cần thiết, người cao tuổi có thể báo hiệu, liên lạc với các thành viên khác trong gia đình.
Bài viết: Minh Trang
"Nhà cho người cao tuổi” là chiến dịch được tổ chức bởi Happynest - Cộng đồng yêu nhà đẹp nhằm đánh thức sự chủ động quan tâm, thấu hiểu của con cái đối với bố mẹ và cộng đồng đối với những người cao tuổi. Chiến dịch “Nhà cho người cao tuổi” bao gồm chuỗi các hoạt động dự kiến diễn ra trong thời gian 2 tháng bắt đầu từ ngày 22/08/2021 đến ngày 22/10/2021 và thường xuyên được cập nhật trên các kênh truyền thông của Happynest: fanpage Happynest, group Happynest và website Happynest. Xin cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chiến dịch ý nghĩa này của Happynest: Vĩnh Tường - Nippon Paint - LG - Prime - An Cường - Flexfit |
Xem thêm:
- 1. Nhà 1 tầng 90m2 thiết kế mái nghiêng sáng tạo, mang đến không gian sống thoáng đãng, trong lành bên hồ
- 2. Bố mẹ trẻ thiết kế cả một sân leo núi ngay trong căn hộ hơn 100m2 để con có nhiều không gian vui chơi
- 3. Nhà ống 2 tầng hẹp với thiết kế tối giản cùng ngân sách tiết kiệm
- 4. Biến 5 container thành biệt thự 446m2 để tận hưởng cuộc sống nhàn nhã giữa thiên nhiên
- 5. Căn hộ 70m2 của đôi vợ chồng trung niên, chi phí hoàn thiện hết 350 triệu đồng