Nhà của mẹ - Ngôi nhà 150m2 mang thiết kế truyền thống, là lòng hiếu thảo của người con trai dành tặng mẹ

    19/08/2021 08:0032.033 lượt xem

    Công trình mang tên “Nhà của mẹ” là món quà của anh Nguyễn Quang Tâm dành tặng cho người mẹ của mình. Không chỉ được thiết kế rất đẹp, ngôi nhà còn là tấm lòng hiếu thảo của người con trai đã trưởng thành, mong muốn được báo đáp công sinh thành với mẹ sau 10 năm xa quê lập nghiệp.

    Bài liên quan:

    1. Nhà chóp nón 8x20m - không gian sống “thảnh thơi” của gia chủ tại Nghệ An

    2. Nhà 1 tầng thiết kế như cánh diều, gợi nhớ đến tuổi thơ tươi đẹp của gia chủ, hoàn thiện với chi phí 860 triệu đồng

    3. Nhà phố mát mẻ, thoáng đãng của gia đình nhiếp ảnh gia yêu cây xanh và vật liệu thô mộc

    Câu chuyện cảm động, khơi gợi cảm hứng thiết kế "Nhà của mẹ"

    Anh Nguyễn Quang Tâm - chủ nhà, là một đạo diễn và nhiếp ảnh gia, đã có những tâm sự mang nhiều cảm xúc về gia đình: “Bố tôi mắc bệnh hiểm nghèo từ lúc tôi 3 tuổi, mẹ vừa lo chạy chữa cho bố vừa nuôi tôi ăn học. Ngày bố mất, gia đình cũng không còn gì, mọi thứ bán hết để lo chạy chữa cho bố. Để duy trì cuộc sống và hy vọng, mẹ con tôi thuê một căn phòng 10m2 ở Hà Nội, mẹ đi làm nhiều việc từ sáng đến tối. Không muốn mẹ phải vất vả thêm nữa, năm 17 tuổi tôi vào Sài Gòn, mẹ vẫn tiếp tục làm việc ở Hà Nội vì còn phải về quê chăm lo việc gia đình.

    Sau 10 năm hai mẹ con sống xa nhau, tôi cũng dành dụm kiếm đủ tiền, tôi nói mẹ nghỉ làm, giờ con có thể lo cho mẹ được rồi và sẽ đón mẹ vào Sài Gòn. Nhưng mẹ muốn về quê gần chị gần em, gần mộ bố. Do vậy tôi đã quyết định mua miếng đất ở quê, nhìn ra cánh đồng mà mẹ thích và xây Nhà của mẹ”.

    "Nhà của mẹ" là một dự án có ý nghĩa đặc biệt đối với cả gia chủ lẫn KTS

    Những chia sẻ xúc động của anh Tâm đã khơi gợi nguồn cảm hứng để nhóm KTS thiết kế nên “Nhà của mẹ”. Thật may mắn là đơn vị thiết kế đồng hành hoàn toàn hiểu tâm nguyện, suy nghĩ và ước muốn của mẹ anh Tâm. KTS đã dùng ngôn ngữ của kiến trúc, tinh tế, tỉ mỉ đến từng chi tiết để kể lại những câu chuyện mang đầy kỷ niệm, thể hiện tấm lòng hiếu thảo và tình cảm sâu sắc của người con trai dành cho người mẹ thân yêu.

    Ngôi nhà được hoàn thành với niềm vui, hạnh phúc và sự hài lòng của hai mẹ con gia chủ. Anh Tâm nhớ lại giây phút khi chứng kiến ngôi nhà hoàn thiện, mẹ có nói với anh rằng: “Ngôi nhà là ước mơ cả đời của mẹ, không đâu thoải mái bằng nhà mình con à”. Anh thấy được trong ánh mắt mẹ đã bớt nhiều âu lo, và mong ước lớn nhất của anh là mẹ được an dưỡng tuổi già, sáng uống trà tưới cây, chiều chiều mẹ làm bánh và nấu những món yêu thích tại ngôi nhà này.

    Thiết kế của ngôi nhà chứa đựng đầy sự bình yên, gợi lại miền ký ức thời thơ ấu

    "Nhà của mẹ" được xây dựng trên mảnh đất có diện tích 150m2, nhìn ra cánh đồng ở quê hương mẹ anh Tâm. KTS chia sẻ rằng đây là một công trình rất đặc biệt, là một ngôi nhà tặng mẹ nên chủ nhà mong muốn ngôi nhà phải mang dáng dấp dịu dàng, gần gũi của một ngôi nhà truyền thống, gợi nhớ về ngôi nhà thời thơ ấu của gia chủ ngày xưa. Gia chủ có nghề nghiệp là đạo diễn đồng thời cũng là một nhiếp ảnh gia, nên mong muốn ngôi nhà có chút chất nghệ, không gian phóng khoáng, tránh sa đà quá nhiều vào trang trí, đặc biệt sẽ là phiên bản duy nhất, không thể lỗi thời. Bên cạnh đó, thiết kế phải phù hợp, hài hoà với người sử dụng chính là mẹ anh Tâm, vậy nên ngôi nhà phải thực sự tiện nghi, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lớn tuổi. KTS trải lòng: “Kết hợp giữa yêu cầu nghệ thuật và tư duy logic giống như việc sử dụng cả 2 bán cầu não cùng một lúc vậy. Chúng tôi đã phải “hội chẩn” rất nhiều lần để đưa ra được phương án, và trong một giây phút khi chúng tôi quay trở lại khu đất để xem xét, ý tưởng về ngôi nhà ra đời”.

    "Nhà của mẹ" nằm trong một khu tái định cư ở Đồ Sơn, Hải Phòng, đây cũng là quê hương của mẹ gia chủ

    "Nhà của mẹ" được thiết kế 1,5 tầng, lấy cảm hứng từ nếp nhà nông thôn truyền thống, gợi nhắc về căn nhà thời thơ ấu chứa đầy kỷ niệm mà đã phải bán đi khi xưa của anh Tâm. Công trình có điểm nhấn là mái nhà dốc xoè rộng, mái được đổ bê tông, chống nóng cẩn thận và lát đá, góc mái “vén” lên để đón hướng gió mát thổi vào nhà.

    Phần mái “vén” có chức năng đón gió vào nhà được chống đỡ bằng một cây cột ốp gỗ - hình ảnh cột nhà quen thuộc trong kiến trúc truyền thống Việt Nam

    Các vật liệu sử dụng trong công trình đều là vật liệu kiểu cũ, vừa quen vừa lạ. Ngói mũi hài ốp dọc tường như cánh chim hạc, tường rào nhốt đá suối để cây cỏ có thể sinh trưởng qua thời gian, gạch ốp từ làng cổ Bát Tràng, gạch họa tiết hoa sen thời Lý,... Hệ thực vật cũng được lựa chọn cẩn thận, là những loại cây quen thuộc với văn hoá người Việt như cây bưởi, cây chuối,...để mẹ cảm thấy gần gũi, gắn bó trong ngôi nhà của mình. Cách thiết kế vừa giản dị, vừa tạo nên điểm nhấn thẩm mỹ cho ngôi nhà.

    Cổng ra vào mộc mạc và gần gũi, sử dụng gam màu đen - ghi phảng phất nét hiện đại

    Điểm nhấn ở cổng ra vào là tường rào nhốt đá suối, vừa mộc mạc vừa tạo nên hiệu quả thẩm mỹ

    Ngôi nhà có thiết kế nhằm tối ưu hướng đi của gió vào và ra, giúp trong nhà luôn thoáng mát để mang đến cho mẹ không gian sống tự nhiên, thoải mái. Hệ cửa linh hoạt có thể mở thoáng vào mùa hè, đóng kín chắn gió vào mùa đông mà vẫn đảm bảo góc nhìn lãng mạn ra vườn cùng ánh sáng tự nhiên. Tất cả các phòng đều có thông gió đối lưu để đảm bảo khí tươi liên tục, ánh sáng tự nhiên, giúp hạn chế sử dụng điện năng vào ban ngày.

    Toàn bộ kết cấu không gian xốp của ngôi nhà như hàng hiên, sân trong, vườn sau nhà hay lệch tầng đều góp phần tạo nên hiệu quả thông gió, tối ưu ánh sáng tự nhiên, đồng thời tạo nên sự ấm cúng, gần gũi cho không gian đậm kiến trúc truyền thống. Nhờ cách thiết kế như vậy, các thành viên trong nhà có sự kết nối với nhau ở bất kỳ vị trí nào, mà vẫn đảm bảo sự riêng tư.

    Sân trước nhà trồng cỏ, kết hợp với lối đi tạo thành những ô kẻ bắt mắt. Sân trước và gian nhà chính phân chia bằng bậc tam cấp

    Hiên nhà rộng rãi của công trình. Nhờ phần mái dốc mà ánh nắng chiếu vào hiên nhà được điều tiết hiệu quả

    Hiên nhà rộng rãi cũng là nơi thư giãn, đọc sách lý tưởng

    Phòng khách là không gian đầu tiên khi bước vào nhà. Để tạo nên vẻ gần gũi, thân thuộc, KTS đã bố trí một bộ bàn trà, ghế ngồi bằng gỗ, kết hợp với đệm mềm bằng vải

    Thay cho những tấm thảm bằng vải, bằng nhung, KTS đã tìm và đặt tấm chiếu tròn cho phòng khách

    Tại phòng khách, mẹ có thể ngắm nhìn hai khoảng xanh - sân hiên và sân trong thoáng đãng và tràn ngập ánh sáng tự nhiên

    Hệ cửa sổ bằng gỗ đóng mở linh hoạt, tạo đối lưu không khí trước - sau hiệu quả

    Ngăn cách giữa sân trong và phòng khách là hệ cửa kính trượt

    Khoảng sân vườn ở trung tâm nhà làm tốt nhiệm vụ lấy sáng và khí tươi cho công trình, cũng là nơi mà mẹ gia chủ có thể trồng, chăm sóc cây cối xanh mướt

    Từ sân thượng tầng lửng có thể dễ dàng quan sát không gian bên dưới qua khoảng thông tầng sân vườn

    Phòng bếp - ăn là không gian nối tiếp với sân trong của công trình, bởi vậy khu vực này cũng tràn ngập ánh sáng và khí tươi

    Khu vực bếp nấu được đặt sát với sân trong, khi nấu nướng gia chủ chỉ cần mở cửa trượt sân trong giúp mùi đồ ăn được phân tán hiệu quả

    Đồ nội thất phòng bếp sử dụng vật liệu gỗ tối màu làm chủ đạo, được thiết kế “đo ni đóng giày” cho đồ gia dụng phòng bếp giúp không gian thêm gọn gàng

    Ở tầng lửng là phòng ngủ master rộng rãi, thiết kế tối giản, với chiếc giường hình tròn dạng phản bằng gỗ là điểm nhấn

    Phòng được bố trí ban công và cửa sổ 2 bên, giúp cho không khí được đối lưu hiệu quả trong phòng

    Phòng ngủ có tầm nhìn cảnh quan ra cánh đồng lúa rất đẹp

    Phòng tắm bên trong phòng ngủ master sử dụng nhiều ô kính cỡ lớn để mẹ gia chủ lúc nào cũng có thể ngắm nhìn cánh đồng lúa của quê hương

    Bồn tắm được làm thủ công từ tay của những người thợ lành nghề

    Từ phòng ngủ có một lối dẫn trực tiếp lên sân thượng của công trình

    Khoảng sân thượng nhỏ, là nơi để gia chủ có thể ngắm nhìn cảnh quan thành phố

    Phần hở của mái đã giúp công trình có thêm “đất” để tạo nên phần sân thượng này. Khi trời mưa, phần mái dốc sẽ đưa nước mưa chảy xuống khoảng sân trong, tạo thành một thác nước ngẫu nhiên ngay trong nhà

    Trong quá trình xây dựng "Nhà của mẹ", đội ngũ thi công cũng gặp một số khó khăn vì ở vùng quê, những vật liệu xây dựng không có đúng như bản thiết kế. Gia chủ cùng KTS đã phải thu thập vật liệu hoàn thiện từ nhiều nơi khác nhau như gạch mua ở làng Bát Tràng, ngói mũi hài ở Quảng Ninh, thậm chí về vùng ngoại ô của Hà Nội để tìm đến xưởng làm thủ công bồn tắm. Một số đồ đạc cũng được đặt từ TP. Hồ Chí Minh chuyển ra nên mất nhiều thời gian và công sức.

    Cầu thang bay với độ hoàn thiện cao, tỉ mỉ, bậc cầu thang bằng gỗ kết hợp với khung sắt rất chắc chắn

    Gạch ốp trong nhà được lựa chọn tỉ mỉ từ làng cổ Bát Tràng

    Ngói mũi hài tạo nên vẻ thẩm mỹ đậm chất Việt, dùng để trang trí cho khoảng tường ở sân trong của công trình

    KTS của công trình "Nhà của mẹ" cũng có những chia sẻ sau khi hoàn thiện công trình: “Với tôi, không có mẫu số chung cho kiến trúc ở miền quê nông thôn. Bởi vì tôi nghĩ, mỗi công trình là một sáng tạo duy nhất. Nhiều yếu tố tác động từ điều kiện tự nhiên, văn hóa vùng miền, cá tính của chủ nhà….sẽ cho ra những đáp án khác nhau. Kiến trúc cổ truyền của Việt Nam rất đẹp. Tuy nhiên nhu cầu nhà ở hiện nay ngoài dáng dấp làng quê, còn cần có sự tiện nghi của khoa học kỹ thuật thời đại mới. Do đó tôi muốn tạo ra những ngôi nhà vừa mang hồn Việt dung dị, hiền lành, vừa kết hợp với lối sống tối giản, hiện đại, tiện nghi cho người sử dụng. Đó là sự an yên mà tôi hướng tới”.

    "Nhà của mẹ" là công trình Việt mang thiết kế đặc biệt, được khơi gợi cảm hứng từ chính câu chuyện cảm động của mẹ con gia chủ, đồng thời là món quà, là sự báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của con trai đã lớn dành cho mẹ. Từ đó, KTS đã kể lại câu chuyện cảm động bằng ngôn ngữ kiến trúc, cố gắng truyền tải những tâm tình, lòng hiếu thảo vào từng đường nét của ngôi nhà.

    Thông tin công trình:

    Tên công trình: Nhà của mẹ

    Địa điểm: Khu tái định cư đường Thanh Niên, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng

    Diện tích: 150m2

    Đơn vị thiết kế: Kiến trúc Nhà của Gió

    KTS chủ trì: KTS. Nguyễn Minh Thuỷ và KTS. Trịnh Hải Long

    Chi phí hoàn thiện: 2,5 tỷ đồng

    Ảnh: ĐVTK cung cấp

    Bài viết: Khánh Linh

    Xem thêm:

    1. 1. Twin house - chỉ cần trở về nhà là thấy bình yên, dù ở giữa chốn phố thị tấp nập
    2. 2. Nhà cấp 4 cải tạo vừa gần gũi, cởi mở với thiên nhiên vừa phù hợp với cuộc sống hiện đại
    3. 3. Nhà vườn truyền thống bình yên giữa lòng thủ đô của gia chủ Việt luôn mong nhớ về quê hương
    4. 4. Cải tạo nhà cấp 4 ở Sóc Sơn của gia đình 3 thế hệ, chi phí khoảng 300 triệu đồng
    5. 5. Ngôi nhà nằm trên mảnh đất dốc 1,5m, thiết kế lệch tầng để xử lý nhược điểm mà vẫn đảm bảo công năng

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 1