Ngôi nhà ở Takatsuki, Nhật Bản sẽ đánh lừa thị giác của bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cách phân chia không gian thông minh xen lẫn những yếu tố hình học khiến cho ngôi nhà trở nên kỳ lạ trong mắt người nhìn. Một lần nữa các KTS Nhật Bản cho thấy, nhà không chỉ đơn thuần là nơi ở mà còn để sáng tạo những ý tưởng độc đáo.
Bên ngoài, căn nhà được ốp gỗ đen, diện mạo nổi bật hoàn toàn so với những ngôi nhà bên cạnh
Đan xen yếu tố hình học nhưng không hề khô khan
Nhà ở Takatsuki nằm trên mảnh đất méo mó với chiều rộng 9m và chiều sâu chỉ 5m. Điều này gây khó khăn cho nhóm KTS, làm sao tối ưu phần diện tích sẵn có mà vẫn đảm công năng sử dụng cũng như nét thẩm mỹ của công trình. Để giải quyết bài toán này, các KTS chia ngôi nhà thành những khối chức năng nhỏ với kích thước và mục đích sử dụng riêng biệt.
Có thể dàng nhận ra những hình khối chữ nhật, hình vuông bắt mắt từ thiết kế cửa sổ của ngôi nhà
Không gian tầng trệt rộng được sử dụng làm nơi đọc sách và nghỉ ngơi cho chủ nhà
Việc sử dụng các khối hình học để phân chia không gian bên trong căn nhà giúp nhóm KTS “ăn gian” diện tích đáng kể và tạo ra cảm giác rộng rãi hơn hẳn. Bên cạnh đó, ngôi nhà hạn chế tối đa sử dụng tường ngăn cách, khiến không gian không hề bị bó hẹp mà như được mở rộng thêm.
Các khu vực chức năng của ngôi nhà được phân chia rõ ràng dù không sử dụng vách ngăn, nhưng vẫn giữ được tính liên kết trong tổng thể
Nhà ở Takatsuki là công trình ba tầng nhưng mặt sàn được chia thành 16 độ cao khác nhau
Các tầng được thiết kế theo dạng xoắn ốc giúp cho thành viên trong gia đình dễ dàng di chuyển lên xuống tòa nhà. Điều đặc biệt không thể không nhắc đến chính là ngôi nhà không có cầu thang, thay vào đó là các khối gỗ, kệ gỗ đặt ở lối lên xuống. Nếu quan sát kỹ, có thể nhận thấy, căn nhà được thiết kế với 16 khoảng cao độ khác nhau nhưng thực tế chỉ có 3 tầng mà thôi.
Những khối gỗ, bục gỗ không nhất thiết cố định một chỗ mà có thể di chuyển các vị trí khác nhau
Ngoài ra, các mặt sàn được nâng lên theo hình xoắn ốc, giúp chủ nhà dễ di chuyển hơn
Yếu tố nội thất tạo nên sự khác biệt
Không chỉ có cấu trúc ngôi nhà mang các hình khối cơ bản, nội thất trong ngôi nhà cũng tuân thủ đường nét hình học. Các yếu tố nội thất khác nhau tạo nên những thay đổi trong cấp độ. Ví dụ, một bàn ăn trong nhà bếp thẳng hàng với tầng trên. Tương tự, ở nơi khác cũng vậy. Ngoài ra còn có kho lưu trữ ở dưới sàn nhà, bồn rửa nằm trên sàn và tủ bếp trở thành kệ sách...
Nội thất gỗ màu sắc nhã nhặn mang lại cảm giác yên bình cho chủ nhà
Gia chủ không quên yếu tố xanh bằng đặt ở mỗi tầng nhỏ là bình hoa hoặc chậu cây cảnh
Gian bếp gọn gàng với nội thất gỗ ăn nhập với gam nâu gỗ chủ đạo
Ngôi nhà có tổng diện tích sàn là 96m2, gồm ba phòng ngủ và một phòng tắm. Các món đồ nội thất hầu hết được làm từ gỗ tự nhiên, ít thấy có “bóng dáng” của các nội thất làm bằng kim loại. Thiết kế nội thất đơn giản, không cầu kỳ về hình dáng và màu sắc, thể hiện rõ đặc trưng của phong cách tối giản trong văn hóa sinh hoạt của người Nhật.
Phòng tắm tiện nghi, tông trắng kem tạo cảm giác sạch sẽ và thoáng rộng
Lối nhỏ đi lên sân thượng bằng những bậc thang gỗ
Một phòng tắm nằm trên tầng cao nhất của ngôi nhà với lối thiết kế mở nhờ sử dụng cửa kính trong suốt đón sáng tự nhiên, mang đến phút giây thư giãn cho chủ nhà
Góc ngồi thư giãn lý tưởng trên sân thượng của ngôi nhà
Bản vẽ chi tiết của ngôi nhà
Bản vẽ ngôi nhà ở Takatsuki mặt cắt ngang
Mặt cắt dọc của công trình
Để thiết kế ngôi nhà không bị gò bó về diện tích, tầm nhìn, KTS đã có sự tính toán kỹ càng và gu thẩm mỹ riêng, khiến không gian bên trong căn nhà không chỉ đẹp mà còn hữu ích khi sử dụng. Ngôi nhà ở Takatsuki với yếu tố hình học không hề khô khan mà ngược lại còn hài hòa với cuộc sống thường ngày.
Thông tin công trình:
Tên công trình: House in Takatsuki
Diện tích: 96m2
Địa điểm: Takatsuki, Osaka, Nhật Bản Đơn vị thiết kế: Tato Architects
Thiết kế chính: Yo Shimada, Akira Yasuda
Đơn vị thi công: Takashi Manda Structural Design
Năm hoàn thành: 2019
Bài viết: Hiền Ngôn