Từ trước tới nay, bê tông thường được dùng để thi công trần, móng nhà, cột… là chủ yếu, rất ít công trình dùng cho mục đích trang trí nội thất. Vì vậy, khi bê tông mành tre ra đời, nó được xem là một sản phẩm khá triển vọng trong việc nâng cao tính ứng dụng của bê tông khi không chỉ là vật liệu xây thô mà còn góp phần tạo tính thẩm mỹ cho công trình.
Được ứng dụng và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong suốt 35 năm qua, bê tông đã đồng hành cùng hàng nghìn công trình lớn nhỏ để đáp ứng nhu cầu người dùng. Tùy đặc điểm của vị trí, khu vực thi công, bê tông cũng có những biến hóa sao cho phù hợp. Trong khi đó, mành tre là vật liệu truyền thống, dùng làm chiếu, vách ngăn hay rây sàng. Sự tương phản từ vẻ mỏng manh của mành tre với nét thô ráp của bê tông tạo cho bề mặt một vẻ đẹp tinh tế.
Khu vực giếng trời đầy cảm xúc với vách tường uốn cong tinh tế của công trình // House, do Time Architects thi công và được áp dụng bê tông cốt pha mành tre
Chia sẻ bí quyết để có những tấm bê tông với vẻ thanh mảnh, tự nhiên chính là sự tỉ mỉ của người thợ thi công
Về mặt kỹ thuật, bê tông mành tre không đòi hỏi người thợ phải có kiến thức chuyên môn, tay nghề quá cao, chỉ cần có kinh nghiệm nghề và có sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong từng khâu, từng bước thi công để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Khác với thi công bê tông thông thường, quá trình thi công bê tông mành tre được cho là thân thiện với môi trường hơn do lượng khí phát thải thấp, chủ yếu là làm thủ công
Đầu tiên, để chuẩn bị đổ, khuôn dùng phải được đúc bằng dầm gỗ và trợ lực bởi hệ cầu phong kim loại. Bề mặt mành tre được lót bên trên lớp tôn kim loại và họa tiết được tạo ra nhờ vào sức nặng bề mặt của bê tông. Việc xử lý chi tiết từng phần để đạt họa tiết và hiệu quả như ý khiến công trường có thể kéo dài thêm ba ngày so với bê tông thông thường.
Tính dẻo của bê tông cho phép sự đa dạng của khuôn mẫu nhưng cũng vì thế mà bê tông lại không thể cắt ghép gọn gàng như gỗ. Do đó, tại các mối nối nếu không xử lý kĩ sẽ dễ xảy ra trường hợp rò rỉ hay rạn nứt. Để xử lý thoát nước, mái không làm gờ mà dẫn nước chìm bên trong độ dày mái và thoát nước bên trong ngôi nhà để không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Cốt thép lớp tôn kim loại được lót trước khi đặt mành tre
Mành tre được rải trên bề mặt mái và được cố định bằng mối nối đinh một cách khéo léo sao cho các lớp chống thấm chồng khít lên nhau
Để đảm bảo độ nét của chi tiết, thợ phải tỉ mỉ tỉa lại gờ của từng bức mành đảm bảo sự liên tục của mành.
Trong quá trình thi công, chúng ta cần tránh làm lộ khung sườn cốt thép trên bề mặt bê tông, mành được phết một lớp nhớt trước khi bọc bạt nilon lên bề mặt.
Bạt nilon giúp bê tông giữ nước tốt hơn
Để lớp bê tông hoàn thiện được chắc chắn, thợ thi công cần đổ tới hai lần và lớp thứ hai được pha đặc để đảm bảo độ cứng của mái che
Khi tháo khuôn, chúng ta sẽ tháo theo chiều từ dưới lên, từng lớp một từ khuôn gỗ, lớp tôn kim loại, tấm mành tre bọc nilon
Với những công trình có mái dạng cong khá phức tạp, khâu uốn cốt pha cần phải theo độ cong được tính toán sẵn để tránh trường hợp ứ đọng nước hay rạn nứt của tấm bê tông tốn đến một phần ba thời gian. Tỉ lệ khi trộn bê tông cũng cần tuân theo định mức nhất định và khi đổ cần rung khuôn đều tay để đảm bảo dàn trải toàn bộ bê tông.
Thay đổi lực ép có thể điều chỉnh tính săn của bề mặt bê tông
Bê tông mành tre: loại vật liệu vừa lạ vừa quen khi giữ nguyên ưu điểm bê tông cũ nhưng có thiết kế độc đáo và tính năng tiện lợi hơn
Bê tông là vật liệu có nhiều ưu điểm với khả năng chịu lực trội hơn so với các loại khác như gạch đất nung hay gỗ. Trải qua hàng chục năm nghiên cứu và ứng dụng, từ bê tông cơ bản, các nhà nghiên cứu đã phát triển bê tông đa dạng hơn về mặt hình thức, tính ứng dụng để phù hợp hơn với kiến trúc hiện đại, đặc biệt phải kể đến bê tông mành tre.
Để làm tường bao, bên cạnh tường bao bằng gạch thì tường bê tông cũng rất được ưa chuộng vì tính cách nhiệt và cách âm tốt
Với công trình làm mái bằng, bê tông thường là dạng tấm đúc sẵn rồi được vận chuyển lên công trường. Phương pháp này hiệu quả và mang tính cạnh tranh cao do hoạt động chủ yếu bằng máy móc, ít tốn nhân công
Từ một vật liệu đơn giản, mành tre cho chúng ta một phương pháp in lặp lại nhưng không rập khuôn, tạo cho bê tông một vẻ ngoài hoàn toàn mới với họa tiết mang tính liên tục và tạo đường nét kéo dài. Bề mặt nhạy cảm với ánh sáng tạo cho mảng tường điểm nét chấm phá cho không gian và dự báo thời gian trôi qua trong ngày.
Phân biệt không gian chỉ nhờ vào chi tiết nhỏ, bê tông cốt pha mành tre có thể được ứng dụng rộng rãi
Đây là phương pháp thủ công khá mới, không phải chủ đầu tư nào cũng “dám thử”. Những ngày đầu đưa ra phương án, đội ngũ Time Architects gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục gia chủ cho phép tiến hành xây dựng. Chúng tôi tuy rất muốn đưa vật liệu xây dựng như chủ đề chính của ngôi nhà nhưng để lèo lái con thuyền mà không rõ đích đến cũng lắm gian nan. Ngôi nhà đầu tiên sử dụng phương pháp này tốn rất nhiều thời gian để chuẩn bị nhưng lại thất bại. Điều này không làm chúng tôi chùn bước để rồi sau khi hoàn tất hai công trình sau thành công mỹ mãn vượt ngoài mong đợi của kiến trúc sư.
Không những ứng dụng trên mái bằng, chúng tôi đã sử dụng phương pháp đổ sàn bê tông mành tre phần mái xéo vòm cong của nhà anh Hiệp Nhật ở quận Tân Bình. Nếu ngôi nhà đầu tiên là một thử nghiệm liều lĩnh nhưng với thời gian khi mọi thứ đã vào nếp, gò những con chữ trở thành phản xạ tự nhiên của họ. Và khi chứng minh rằng việc thực hiện tấm màng bê tông là việc hoàn toàn trong tầm tay, đội ngũ của Time Architects mong muốn bê tông cốt pha mành tre được đón nhận như một vật liệu xây dựng cốt thiết thực bởi thế hệ kiến trúc sư trẻ sau này.
Chi tiết mành tre in rõ nét trên vách tường của // House
Với xu hướng đổi mới của thị trường, bê tông cốt pha mành tre đã vượt qua khó khăn đầu tiên để khẳng định mình. Dù còn hạn chế về mặt kinh tế vì cần nhiều thời gian để lập khuôn và tháo khuôn theo quy trình thủ công nhưng giá thành phải chăng và tính thẩm mỹ cũng giúp loại vật liệu này thêm phổ biến. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở khi hi vọng về tính ứng dụng của bê tông mành tre trên thị trường vật liệu xây dựng.