Lấy ý tưởng từ ngôi nhà mái ngói truyền thống của người dân Bắc Bộ, văn phòng kiến trúc AHL đã thêm vào đó những chi tiết hiện đại để gửi tới gia chủ Hopper House nói riêng và công chúng nói chung một không gian kết hợp Đông - Tây tinh tế, như một bản giao hưởng kiến trúc giàu cảm xúc.
Hopper House được xây dựng trên mảnh đất Quảng An – Tây Hồ, nơi nổi tiếng với không gian trong lành, an tĩnh, có nhiều ngôi chùa và các di tích tâm linh được nhiều người biết đến. Có lẽ đó cũng là điểm khởi đầu cho ý tưởng về một không gian sống độc đáo mang âm hưởng của gian nhà ngói Bắc Bộ. Thông qua dáng vẻ hoàn thiện của công trình, ta cảm nhận được sự trân trọng của gia chủ, KTS dành cho những gì xưa cũ, những gì đã cùng mảnh đất tồn tại bao đời, và biến nó thành điểm nhấn quan trọng, là hồn của Hopper House.
Hopper House tọa lạc trên mảnh đất an bình gần chùa Kim Liên, chùa Hoằng Ân, phủ Tây Hồ
Giải pháp về phân lớp không gian sáng tạo giúp ngôi nhà luôn trong lành, thoáng đãng
Hopper House gồm có 3 lớp không gian chính: Sân nhà – Không gian sinh hoạt chung – Không gian sinh hoạt riêng.
Thiết kế chiều cao tăng dần qua từng lớp, mỗi không gian của Hopper House đều tận dụng tối đa và hiệu quả lượng ánh sáng và gió tự nhiên, giúp không gian thoáng đãng và tràn đầy sức sống
Vốn gắn bó cùng mảnh đất này hàng chục năm, từng gốc cây, từng thước đất đã trở thành một phần không thể thiếu đối với gia đình chủ nhà. Cũng bởi thế, khi căn nhà được tiến hành xây mới, gia chủ và KTS đã thống nhất giữ lại những “người bạn” này, tạo nên một góc vừa quen vừa lạ và rất giàu cảm xúc.
Sân trước với phần thềm dẫn lối vào không gian bên trong
Khu vực sinh hoạt chung được KTS bố trí thành một tổ hợp không gian liên hoàn gồm phòng khách, phòng bếp và phòng ăn. Những khoảng mở thông minh giúp lớp không gian này luôn sáng, thoáng, tạo cảm giác thư thái và thoải mái cho gia chủ nói riêng và cả khách đến chơi nhà. Trong khi đó, không gian riêng được bố trí theo chiều thẳng đứng, khá đồng bộ về kết cấu giữa các phòng. Cửa sổ được KTS tận dụng triệt để, là giải pháp chính để lấy sáng hiệu quả cho mỗi phòng.
Không gian chung và riêng được dù tách biệt về lớp không gian nhưng mỗi chi tiết thiết kế lại luôn được tính toán tỉ mỉ để tạo sự liên kết hình khối vô cùng hòa hợp
Căn nhà như bản giao hưởng du dương của hai nền văn hóa Đông – Tây
KTS chia sẻ, sự xuất hiện của Hopper House đã khơi gợi sự tò mò cho người dân địa phương. Và khi ngôi nhà hoàn thiện, những người hàng xóm được mời vào thăm nhà và nói lên cảm nhận của mình. Và họ nói rằng, ngôi nhà khiến họ có cảm giác thân thuộc, rất quê hương.
Thật vậy, không thân quen sao được khi vừa bước vào sân, chúng ta đã có thể cảm nhận ngay những nét đặc trưng của một ngôi nhà ngói ba gian truyền thống của người dân xứ Bắc với thềm nhà, mái ngói, rui mè… KTS cũng khéo léo ứng dụng gỗ vào những chi tiết đắt giá trong nhà để khơi gợi cảm nhận người xem về nét kiến trúc truyền thống xưa.
Hiên nhà với mái ngói dốc tối màu hòa hợp cùng nâu gỗ
Mẫu cửa thượng song hạ bản được thiết kế đơn giản nhưng với những thanh gỗ xếp liền, tạo sự thông thoáng cho không gian
Kết cấu “nhà trong nhà” với căn nhà gỗ nhỏ kề bên khu bếp giúp tái hiện ngôi nhà tranh đơn sơ từ thời ông bà ta
Nội thất kết hợp giữa gỗ và đồ mây đan thủ công mang đậm bản sắc văn hóa
Bên cạnh những yếu tố truyền thống, nét hiện đại, Tây hóa cũng được ứng dụng, hòa hợp với không gian chung để tạo nên vẻ đẹp rất riêng cho Hopper House.
Mái nhà và mặt tiền được ốp đá slate (loại đá ngói đất sét được sản xuất theo công nghệ mới) mang hơi hướng hiện đại cho ngôi nhà
Hiên nhà được nâng cao, láng xi măng, kết hợp cùng chất liệu đá cubic của mặt sân để gợi cảm giác thô mộc
Tổng thể không gian với chất liệu truyền thống kết hợp với thiết kế hiện đại một cách sáng tạo
Mẫu đèn đứng trong nhà vừa mang nét hiện đại nhưng cũng đậm chất văn hóa với thiết kế hình nơm, hình nón
Gạch bông được sử dụng ở một số mảng tường nhấn cho không gian
Cầu thang gỗ treo cũng là giải pháp để ánh sáng và gió được lưu chuyển dễ dàng
Mẫu ban công console trên tầng 2 và tầng 3 thu hút với khung kim loại và dây treo thả, gợi ta nghĩ đến hình ảnh cầu treo ở các nước u Mỹ
Cái tài của đội ngũ kiến trúc sư chính là thành công trong việc pha trộn giữa chất liệu Đông – Tây, cũ – mới với tỉ lệ thích hợp: Mỗi yếu tố đều có sự nổi bật dù đứng độc lập hay cùng sắp đặt trong một không gian. Hiệu ứng từ sự kết hợp hoàn hảo này, chính là diện mạo đầy cuốn hút của Hopper House.
Thiết kế thông minh của chiếc “phễu” xanh bên trong Hopper House
Được đặt ở vị trí trung tâm của không gian chung, “phễu” xanh gây chú ý bởi một khung kính lớn bao bọc lấy cây bàng Đài Loan và một số chậu cây bên trong như một khu vườn nhỏ. Không giống như hầu hết các công trình đem cây xanh vào nhà là để thanh lọc không khí, “phễu” xanh của Hopper House thiên về giải pháp lấy sáng và phân chia không gian sinh hoạt này.
Ánh sáng từ độ dốc mái xuyên qua vách kính để phân bổ khắp không gian
Khối kính giúp phân chia khu vực, tạo hành lang nhỏ để thiết lập trật tự cho không gian mở nơi đây
Được lấy cảm hứng từ mái nhà cong cong của mẫu nhà ngói truyền thống, phần mái của “phễu” được thiết kế có độ dốc phù hợp để tập trung nước mưa, ánh sáng để tưới tắm cho cây. Một sự liên tưởng thực sự thú vị.
Có thể thấy, “phễu” xanh không chỉ đóng vai trò thẩm mỹ, đó còn là sự thăng hoa trong kiến trúc của gia chủ và cả KTS
Mái phễu được tách khỏi hệ mái chính tạo thành khe lấy sáng lớn cho không gian chung
Với góc nhìn trên cao từ ban công, khu vực này cũng đem lại trải nghiệm khá thú vị về thị giác cho người xem
Trải qua ngàn năm lịch sử, những giá trị tốt đẹp về văn hóa, kiến trúc được đúc kết chính là nguồn vốn quý báu cho thế hệ sau phát triển, sáng tạo. Và Hopper House chính là một minh chứng khi vừa khiến người xem như lạc về một miền thân thương từng quen thuộc, vừa là chuyến trải nghiệm thú vị về thị giác, khơi gợi cảm giác từ cách kết hợp chất liệu tài tình và sự tính toán sáng tạo qua kết cấu không gian.
Thông tin công trình:
Địa điểm: Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội
Diện tích: 240m2
Năm hoàn thiện: 2017
Đơn vị thiết kế: AHL Architects
Photo: HoangLe Photography
Nguồn ảnh: Archdaily
Bài viết: Thu Thủy