Móng nhà là yếu tố quyết định sự kiên cố, vững chắc của công trình. Vậy, có những loại móng nhà nào? Nên xây móng nhà loại nào tốt? Đừng bỏ lỡ bài viết với các thông tin hữu ích về móng nhà ngay sau đây nhé.
Trải nghiệm bài viết và hình ảnh mượt mà hơn với ứng dụng Happynest tại đây. |
1. Móng nhà là gì?
Móng nhà (móng nền) là phần kết cấu kỹ thuật được xây dựng nằm dưới cùng của mỗi công trình. Móng nhà đảm nhận nhiệm vụ chống đỡ trực tiếp tải trọng, đảm bảo sự chắc chắn và an toàn cho toàn bộ công trình.
Móng nhà đảm bảo sự ổn định, chắc chắn thì công trình bên trên mới bền vững, an toàn
2. Các loại móng nhà cơ bản
Móng đơn
Móng đơn là loại móng hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tròn nằm độc lập, được sử dụng để chống đỡ một cột hoặc cụm cột đứng sát nhau. Loại móng nhà này phù hợp với nền đất dưới móng là đất cứng như đất cát, đá tổ ong và quy mô nhà thấp tầng, chủ yếu là nhà cấp 4, nhà một trệt một lầu.
Móng đơn còn được biết đến với các tên gọi khác như móng trụ, móng độc lập, móng cốc…
>>> Xem thêm: Vì sao có hiện tượng nhà bị nghiêng và cách xử lý tình trạng bị nghiêng sao cho an toàn
Móng băng
Là loại móng có dạng dải dài, có thể độc lập hoặc giao nhau theo hình chữ nhật để đỡ toàn bộ kết cấu ngôi nhà. Tùy vào loại đất, hiện trạng nhà lân cận mà nhà thầu quyết định loại móng băng phù hợp.
- Móng băng không gia cố cừ tràm: Phù hợp với nền đất cứng, hiện trạng nhà liền kề kiên cố và quy mô nhà ở từ 4 tầng trở xuống.
- Móng băng gia cố cừ tràm: Thường được lựa chọn khi nền đất xây dựng yếu, có độ lún cao và hiện trạng nhà lân cận dễ tổn thương.
Móng băng thuộc nhóm móng nông xây trên các hố đào trần, sau đó lấp đất lại. Chân móng thường được chôn sâu khoảng 2 - 2,5m
Móng bè
Móng bè (tên gọi khác là móng toàn diện) thuộc nhóm móng nông, được sử dụng cho nền đất yếu hoặc kết cấu công trình có tầng hầm, kho, bể vệ sinh, bồn chứa, hồ bơi. Móng bè phân bổ đều về trọng lượng nên hạn chế tình trạng sụt lún. Tuy nhiên, móng bè chỉ thích hợp cho nhà ở dưới 3 tầng hoặc nhà cấp 4, nền đất thuộc khu vực mật độ xây dựng thấp, ít chịu tác động 2 chiều.
Thời gian thi công móng bè nhanh, chi phí tiết kiệm
Móng cọc
Khi xây nhà quy mô cao tầng trên nền đất yếu, móng cọc là giải pháp móng nhà được lựa chọn để đảm bảo tính chịu lực. Hiện nay có 2 loại móng cọc là móng ép cọc bê tông gia cố và móng khoan cọc nhồi bê tông gia cố. Cả 2 loại đều áp dụng cho nhà quy mô lớn, nền đất yếu, hiện trạng nhà lân cận dễ tổn thương. Nhưng móng khoan cọc nhồi bê tông gia cố có lợi thế hơn khi có thể sử dụng cho cả những ngôi nhà không thể ép cọc gia cố hoặc đất nửa cứng không dùng móng băng được mà cọc ép cũng không thể xuống sâu.
Móng cọc là loại móng nhà có thời gian thi công lâu và tốn kém chi phí nhất nhưng đổi lại độ an toàn cao
>>> Xem thêm: KTS tư vấn: Nền đất yếu có xây nhà cao tầng được không?
3. Ưu - nhược điểm của các loại móng nhà
Nhóm móng nông bao gồm móng đơn, móng bè, móng băng:
- Ưu điểm: Giải pháp thi công dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, cần ít nhân công nên tiết kiệm chi phí.
- Nhược điểm: Chỉ phù hợp với tải trọng công trình nhỏ, độ ổn định về lật, trượt thấp; nếu mực nước mặt nằm sâu phải tăng chiều dài cọc ván và các công trình phụ khi thi công, giải pháp móng từ đơn giản trở nên phức tạp hơn
Móng sâu bao gồm móng ép cọc bê tông gia cố và móng khoan cọc nhồi bê tông gia cố:
- Ưu điểm: Chịu được tải trọng lớn, có độ ổn định về trượt, lật kể cả trên nền đất yếu.
- Nhược điểm: Thời gian thi công móng nhà lâu hơn, chi phí cũng cao hơn rất nhiều lần so với móng nông.
Mỗi loại móng có ưu nhược điểm riêng nên xây móng nhà loại nào tốt sẽ được trả lời chính xác sau khi nhà thầu khảo sát hiện trạng
4. Các yếu tố quyết định đến việc lựa chọn móng nhà
Để trả lời được câu hỏi nên xây móng nhà loại nào tốt hay phù hợp, bạn có thể dựa vào các yếu tố sau đây:
- Tải trọng công trình lên móng nhà: Tải trọng công trình là tổ hợp của nhiều tác động như trọng lượng công trình, khối lượng đồ nội thất trong nhà, tải trọng khác như con người, động đất… Đây là yếu tố rất quan trọng cần cân nhắc khi lựa chọn móng nhà. Ví dụ nhà càng nhiều tầng, tải trọng càng lớn hoặc nhà kết cấu bê tông cốt thép sẽ có tải trọng lớn hơn nhà tiền chế.
- Đặc điểm đất nền: Nền đất có thể là đất sét, cát, đất rời… rơi vào nhóm đất cứng, đất yếu với những đặc tính khác nhau. Để chọn được móng nhà, nhà thầu thi công thường phải khảo sát địa chất để tìm hiểu đặc điểm lớp đất nền, mực nước ngầm, loại đất, khả năng chịu tải…
- Kết cấu móng nhà của công trình lân cận: Bạn có thể tham khảo các công trình lân cận để lựa chọn giải pháp thi công móng phù hợp. Vì các công trình cùng một khu vực thường không có quá nhiều sự khác biệt về điều kiện địa chất.
Bạn có thể dựa vào hiện trạng móng nhà lân cận để tham khảo giải pháp móng phù hợp
5. Cách tính chi phí xây dựng móng nhà
Chi phí làm móng nhà phụ thuộc vào:
- Diện tích làm móng: Thông thường, diện tích móng nhà được nhà thầu tính bằng 50 - 70% diện tích sàn tầng 1. Nếu nhà có tầng hầm, diện tích móng tính bằng 200% diện tích xây dựng.
- Đơn giá xây dựng theo khu vực: Tùy từng địa phương mà giá thi công phần thô (bao gồm chi phí làm móng nhà) sẽ dao động từ 3 - 5 triệu đồng. Đây là đơn giá bao gồm vật tư và nhân công.
- Đơn giá thay đổi theo từng loại móng:
Chi phí làm móng băng 1 phương = 50% x diện tích xây dựng x đơn giá xây thô
Chi phí làm móng băng 2 phương = 70% x diện tích xây dựng x đơn giá xây thô
Chi phí làm móng cọc = (250.000đ x số lượng cọc x chiều dài cọc) + (nhân công ép cọc: 15 - 20.000.000đ) + (hệ số đài móng: 0,2 x diện tích xây dựng x đơn giá xây thô)
Mỗi loại móng, mỗi địa phương sẽ có sự chênh lệch về chi phí làm móng nhà
>>> Xem thêm: “Dở khóc dở cười” khi xây nhà không có bản vẽ thiết kế
Như vậy, muốn quyết định nên xây móng nhà loại nào tốt, cần căn cứ vào nền đất, hiện trạng nhà lân cận và quy mô ngôi nhà dự định xây. Để chắc chắn về giải pháp móng nhà an toàn, hiệu quả và phù hợp tài chính, bạn nên tìm đến đơn vị thiết kế, thầu xây dựng uy tín để được tư vấn.
Tổng hợp và viết bài: Thanh Nhàn
Chia sẻ ngay câu chuyện của bạn tại đây để kết nối với cộng đồng yêu nhà đẹp trên nền tảng Happynest nhé. Nếu đây là lần đầu bạn đăng bài, hãy tham khảo trước tài liệu này để hiểu rõ hơn về các thể loại bài đăng, tips giúp bài đăng được duyệt nhanh và thu hút sự chú ý nhất từ cộng đồng. Mọi thắc mắc về việc đăng bài hoặc chỉnh sửa bài, xin vui lòng liên hệ địa chỉ email info@happynest.vn, hoặc phản hồi trực tiếp qua fanpage Happynest để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời. |