Tất tần tật những điều cần biết về xây tường gạch trần

    21/02/2022 06:002.858 lượt xem

    Những năm gần đây, xu hướng sử dụng tường gạch trần trong trang trí nội thất đang ngày càng phổ biến. Tường gạch trần không chỉ mang đến cảm giác thân thuộc mà còn dễ kết hợp với nhiều phong cách nhà ở. Để phát huy tối đa lợi thế của tường gạch trần và ứng dụng trong không gian sống, các gia chủ tham khảo những điều sau đây nhé.

    Bài liên quan:

    1. Xu hướng lựa chọn trang trí nhà bằng gạch mộc và những điều gia chủ cần lưu ý

    2. Kai House - Ngôi nhà phố 72m2 ở Hải Dương ghi điểm với nét đẹp thô mộc hòa quyện từ gạch trần, lam gỗ và cây xanh

    3. NDC House - Viên gạch mộc nối liền yêu thương

    Tường gạch trần mang đến vẻ đẹp bình dị cho tổng thể không gian Nhà V3 (Ảnh: Triệu Chiến)

    1. Tường gạch trần là gì?

    Tường gạch trần được xây dựng bằng cách gắn kết các viên gạch trần thiết kế theo hình khối nhất định, có các cạnh vuông vắn ở phía mặt gạch và không có họa tiết trang trí.

    Về bản chất, tường gạch nói chung và tường gạch trần nói riêng được hình thành trên cơ sở liên kết các thành phần nhỏ (viên gạch) với nhau bằng các chất kết dính như vữa, xi măng… thông qua việc xây và trát của người thợ. Điểm khác biệt nằm ở phần gạch nguyên liệu. Hiện nay, có 2 loại gạch trần được sử dụng phổ biến:

    - Gạch tuynel: Cấu thành từ chất liệu đất sét được ngâm, ủ kỹ lưỡng theo một khung thời gian nghiêm ngặt trước khi đưa vào sản xuất. Có hai loại gạch tuynel cơ bản là gạch tuynel đặc và gạch tuynel lỗ (2 lỗ, 4 lỗ, 6 lỗ). Gạch có khả năng chống ẩm, chống cháy, cách âm tốt. Màu gạch đỏ tự nhiên giúp tăng tính thẩm mỹ cho không gian và tiết kiệm chi phí sơn.

    - Gạch block: Là gạch xi măng cốt liệu được sản xuất bằng các nguyên liệu chính là đá mi, tro bay, xỉ than kết hợp với cát, xi măng, chất kết dính cường độ cao như sika. Gạch có độ bền cao, khả năng cách âm, cách nhiệt tốt, tiết kiệm năng lượng, và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Bởi vậy, gạch block thường được sử dụng để xây tường rào, khoảng sân, giếng trời.

    2. Những ưu điểm nổi bật giúp tường gạch trần trở thành xu hướng thiết kế hiện nay

    Độ bền cao 

    Quá trình lựa chọn nguyên vật liệu và thi công nghiêm ngặt giúp tường gạch trần đạt các chỉ tiêu về chất lượng, có khả năng chịu lực cao, góp phần tạo nên độ bền chắc cho tổng thể kết cấu của công trình. Thêm nữa, khả năng cách âm, cách nhiệt hiệu quả của tường gạch trần đặc biệt phù hợp với điều kiện khí hậu nắng nóng và hạn chế tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ở đô thị.

    Mang lại giá trị thẩm mỹ cho công trình

    Đơn giản mà gần gũi, mộc mạc mà tinh tế là những cảm nhận rõ rệt khi đứng trước một không gian được tạo nên từ tường gạch trần. Tuy không gây ấn tượng mạnh ngay từ lần đầu tiên, nhưng vẻ tự nhiên, thô sơ của tường gạch trần lại trường tồn với thời gian. Càng về lâu dài, tường càng cổ kính, phong trần, tạo nên điểm nhấn độc đáo cho không gian sống.

    Tiết kiệm chi phí xây dựng

    Do tích hợp công đoạn xây và trát nên khi xây tường gạch trần, gia chủ có thể tiết kiệm đáng kể chi phí cho các bước trát vữa, sơn tường hay ốp lát, cũng như rút ngắn thời gian thi công. Bên cạnh đó, giá gạch trần thường rẻ hơn nhiều so với các loại gạch ốp lát khác. Gia chủ có thể cân nhắc nhiều lựa chọn gạch trần vừa túi tiền mà vẫn đáp ứng nhu cầu và mục đích sử dụng.

    3. Xây tường gạch trần cần lưu ý gì?

    Quá trình xây tường gạch trần cần đảm bảo tính chuẩn xác, sao cho những viên gạch được liên kết vuông vắn, hài hòa nhất. Trước khi bắt đầu thi công tường gạch trần, các gia chủ cần chú ý những vấn đề sau:

    Lựa chọn loại gạch chất lượng 

    Đây là công đoạn đầu tiên và đặc biệt quan trọng. Chất lượng gạch tốt sẽ quyết định đến vẻ đẹp và độ bền vững của công trình. Bởi vậy, trước khi lựa chọn gạch để xây tường gạch trần, gia chủ cần xác định không gian chức năng nào trong nhà sẽ thiết kế loại tường này. Nếu cảm thấy chưa chắc chắn, gia chủ nên tham khảo ý kiến của đơn vị cung cấp hoặc chuyên gia, người có chuyên môn để được hỗ trợ, tư vấn.

    Đảm bảo tính hài hòa của tổng thể

    Sự hài hòa với tổng thể không gian là điều vô cùng quan trọng đối với việc thiết kế, thi công tường gạch trần. Về cơ bản, tường gạch trần có thể kết hợp với hầu hết các kiểu đồ nội thất khác nhau, từ hiện đại đến truyền thống. Thậm chí, sự tương phản giữa tông màu ấm áp của tường gạch trần với đồ kim loại sáng bóng và lạnh có thể tạo độ cân bằng cho không gian. Với những mảng tường còn lại, gia chủ nên cân nhắc sơn màu vàng, nâu hoặc kem để tôn lên phần tường gạch trần, tạo điểm nhấn hút mắt.

    Cần lưu ý thêm, ánh sáng trắng sẽ phá vỡ bầu không khí ấm áp, cổ điển của không gian xây tường gạch trần. Thế nên, hãy chọn đèn có ánh sáng vàng để căn phòng trở nên ấm cúng và gần gũi hơn.

    Lựa chọn đơn vị thi công uy tín

    Các công đoạn thi công tường gạch trần không quá khác biệt so với xây tường gạch thông thường, nhưng nếu trong quá trình xây dựng có sai sót thì tổng thể của căn nhà sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí trở nên thô kệch, thiếu hài hòa. Bởi vậy, trước khi tiến hành thi công xây tường gạch trần, đội thợ phải dùng thước đo căn các góc thật chuẩn xác, để tránh hiện tượng méo, lệch tường, ảnh hưởng tới cấu trúc của ngôi nhà. Sau khi hoàn thiện tất cả các bước, thợ thi công cũng phải tiến hành kiểm tra lại toàn bộ phần gạch đã xây đã đáp ứng các tiêu chí chưa. Cùng với đó, phải lấy cán bay xử lý phần vữa thừa và để tường gạch khô tự nhiên. 

    Bởi yêu cầu sự chính xác và tỉ mẩn như vậy, gia chủ cần lựa chọn đơn vị thi công uy tín để bắt trúng mạch vữa, đảm bảo công trình sau hoàn thiện chất lượng, đẹp mắt.

    Chống thấm cho tường gạch trần

    Đặc tính của tường gạch trần là bề mặt gồ ghề, không phẳng, dẫn tới khả năng thoát nước bề mặt không tốt. Nếu tường gạch trần tiếp xúc lâu với nước sẽ gây ra tình trạng ẩm bề mặt tường. Để xử lý chống thấm cho tường gạch trần, gia chủ có thể tham khảo các cách như sau: 

    - Không để nước có cơ hội tiếp xúc với tường gạch. Gia chủ có thể xây tường gạch trần trang trí trong nhà. Nếu xây tường gạch trần ở những vị trí tiếp giáp với không gian ngoài trời, gia chủ nên sử dụng mái hiên, mái vẩy… để hạn chế nước mưa gây ẩm, thấm cho tường gạch. 

    - Nên lựa chọn gạch chất lượng tốt, gạch có cường độ cao, độ xốp nhỏ.

    - Sử dụng chất chống thấm, ngăn thấm nước từ bên ngoài. Đơn giản nhất là trát vữa và sơn phủ bề mặt. 

    - Chấp nhận hiệu ứng thấm nước của tường gạch trần. Gia chủ có thể biến điều này thành ưu điểm thẩm mỹ bằng cách: tăng độ ẩm không khí ở những chỗ nóng, tạo môi trường cho các loại cây xanh phát triển như: cây leo, cây vẩy ốc…

    4. Ứng dụng tường gạch trần cho từng không gian chức năng

    Đơn giản, mộc mạc là những ưu điểm của tường gạch trần khiến cho nhiều người không thể bỏ lỡ vật liệu này trong thiết kế và trang trí nhà cửa, phòng ốc. Việc sử dụng tường gạch trần mang đến một không gian giản dị nhưng không kém phần thu hút, tạo điểm nhấn nổi bật cho cả ngôi nhà.

    Tường gạch trần tạo nên mặt tiền ấn tượng cho ngôi nhà

    Đây là giải pháp thông minh để nhà phố, nhà ống nhỏ hẹp trở nên độc đáo so với các công trình xung quanh. Những viên gạch trần xếp đặt lên nhau tạo ra những khoảng hở vừa đủ lấy gió, đón sáng tự nhiên cho không gian sinh hoạt bên trong nhà, mà vẫn đảm bảo tính riêng tư cần thiết. Ngoài ra, gia chủ có thể sử dụng gạch trần để ốp trang trí một khoảng tường xen giữa các vật liệu hoàn thiện khác như sơn, kính, kim loại.

    Tường gạch trần sáng tạo của mặt tiền nhà 6x12m (Ảnh: NVCC)

    Tạo điểm nhấn cho phòng khách

    Một bức tường gạch trần trong phòng khách sẽ trở thành tiêu điểm thu hút mọi ánh nhìn, khiến căn phòng trở nên ấn tượng hơn. Tường gạch trần thường được đặt sau tivi hoặc ghế sofa để tạo sự cân bằng cho tổng thể. Nếu phòng khách có diện tích khiêm tốn, bạn nên sử dụng màu sáng cho toàn bộ các bức tường còn lại, giúp tường gạch trần thêm phần nổi bật, không bị tối hay tạo cảm giác bí bách.

    Phòng khách xây tường gạch trần kết hợp với cửa kính lớn giúp không gian Vi House trở nên sáng sủa, ấm áp (Ảnh: Nguyễn Phi)

    Không gian bếp ấm cúng hơn nhờ tường gạch trần

    Màu nguyên bản của tường gạch trần mang lại cảm giác ấm áp, gắn kết, đặc biệt phù hợp với không gian bếp mang phong cách Scandinavian, Retro, tân cổ điển. Thông thường, tường gạch trần sẽ được bố trí ở phía sau bồn rửa và bếp nấu để làm điểm nhấn cho những khu vực này

    Nội thất gỗ kết hợp với tường bếp gạch trần tạo nên một không gian bếp ấm cúng cho Phan Thiết House (Ảnh: Hiroyuki Oki)

    Phòng ngủ vừa đơn giản vừa độc đáo với tường gạch trần

    Phòng ngủ là không gian chức năng vô cùng quan trọng, nơi tái tạo năng lượng sau một ngày làm việc vất vả. Thiết kế một bức tường gạch trần trong phòng ngủ không chỉ kích thích năng lượng tốt cho chủ nhân căn phòng, mà còn dễ phối hợp hài hòa với những vật dụng khác như thảm trải sàn, chăn, ga gối, rèm cửa. Gia chủ có thể trang trí thêm khung ảnh nhỏ xinh, tranh treo tường nghệ thuật hay chậu cây nhỏ để tô điểm cho góc phòng ngủ độc đáo của mình.

    Tường gạch trần trở thành điểm nhấn nhẹ nhàng trong không gian phòng ngủ của Uncle’s House (Ảnh: Quang Dam)

    Tường gạch trần tô điểm thêm cho mặt sau của ngôi nhà

    Cũng giống như mặt tiền, mặt sau của ngôi nhà và tường rào có thể được thiết kế hoàn toàn bằng tường gạch trần. Điều này sẽ mang lại vẻ đẹp bình dị, an yên cho ngoại thất công trình. Tuy vậy, gia chủ nên xem xét hiện trạng khu đất, bối cảnh xung quanh để quyết định có nên xây tường gạch trần cho mặt sau, tường rào hay không.

    Tường gạch trần thêm vẻ yên bình cho khoảng sân sau của công trình “Dưới hiên nhà (Ảnh: Dconcept)

    Thông qua bài viết, hy vọng các gia chủ sẽ có thêm nhiều ý tưởng trong quá trình thiết kế và xây dựng tường gạch trần, để lưu giữ những nét đẹp bình dị, góp phần tô điểm cho ngôi nhà của mình.

    Tổng hợp

    Xem thêm:

    1. Nhà hơn 900m2 bên ngoài được bao quanh bởi gạch mộc, bên trong hiện đại tiện nghi như một khu nghỉ dưỡng

    2. Gạch đất nung: Vật liệu thô mộc được người dùng chọn lựa để tạo không gian an yên giữa cuộc sống vội vàng

    3. Nhà mái hiên, gạch nung mộc mạc mà bình yên đến lạ của gia đình 2 thế hệ tại Tây Ninh

    4. Được cải tạo vì mục đích thương mại nhưng Silk House khiến gia chủ cũng phải lưu luyến vì quá đẹp, không nỡ bán

    5. Ngôi nhà Sài Gòn ngăn cách mọi ánh nhìn bằng bức tường gạch thông gió

    Mời bạn đọc trải nghiệm ứng dụng Happynest tại đây để ngắm nhà đẹp, tìm kiếm ý tưởng, tìm kiếm chuyên gia và mua sắm nội thất nhanh chóng và tiện lợi.

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0