Khí thải carbon từ các công trình bê tông cốt thép là tác nhân chính dần bóp nghẹt lá phổi của chúng ta. Ngay khi các tòa nhà mọc lên càng nhiều, đô thị hóa càng nhanh chóng thì túi khí oxy của chúng ta ngày càng bị thu hẹp.
“Sống xanh” là cụm từ được nhắc lại khá nhiều lần trong thời gian gần đây. Dường như con người ta đang bị cô lập bởi quá nhiều yếu tố điện tử, nhân tạo và khói bụi. Dường như con người ta ngày càng muốn níu giữ những khoảng xanh của cây cỏ trong từng góc nhỏ và biến tổ ấm thành một ốc đảo của riêng mình. Vậy nhưng liệu sống xanh có đơn thuần là đặt vài chậu cây hay thiết lập cả một hệ thống vườn cây tại gia? Đâu mới thực sự là một công trình nhà ở xanh và những tiêu chí để đạt được nó là gì?
Công trình 25 Green tại Turin với 150 cây xanh bao quanh mặt ngoài, cách nhiệt chuyển tiếp, bảo vệ tránh bức xạ mặt trời, sử dụng hệ thống sưởi ấm và làm mát dựa trên năng lượng địa nhiệt kết hợp cùng bơm nhiệt, tái sử dụng nước mưa phục vụ cho tưới tiêu.
Kiến trúc xanh có phải là mang cây xanh vào không gian sống?
Có một sự bó hẹp trong lối suy nghĩ về những công trình nhà ở xanh đó là việc mang cây xanh vào trong không gian sống. Trên thực tế, yếu tố xanh trong xây dựng các công trình nhà ở mang hàm ý rộng hơn thế.
Đầu tiên có lẽ cần phải hiểu được cơ chế phát thải khí độc hại từ các công trình nhà ở. Khái niệm này dường như hơi xa lạ vời với chúng ta. Bởi ít ai biết được hàm lượng carbon thải vào không khí từ những công trình nhà ở hiện đại lớn đến dường nào cho đến khi được chuyên gia đo đếm. Chúng tồn tại một cách vô hình bởi chúng không thể nhìn thấy, cảm thấy hay gây nên những hậu quả tức thời tới cuộc sống.
Theo một thống kê từ các chuyên gia, các công trình xây dựng đóng góp tới 1/3 tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Và đó là một trong những nguyên nhân gây nên hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. Chúng tạo ra sóng thần, động đất, ung thư, bệnh tật…
Ngôi nhà được cải tạo từ xưởng làm việc cũ tại Bắc Tribeca, New York, căn hộ mới sau khi được cải tạo sở hữu khoảng không gian sinh hoạt chung rộng rãi, ngập tràn ánh sáng và kết nối hài hòa giữa bên trong và ngoài công trình.
Ngôi nhà có nguồn sáng và hệ thống thông gió tối ưu giảm thiểu tiêu thụ năng lượng sinh hoạt hàng ngày
Điều thứ hai cần được nhận thức là cây xanh có trong không gian sống có ít tác dụng giúp hạn chế lượng phát khí thải của các công trình nhà ở.
Bởi sự xuất hiện của nó rất hạn chế và nhỏ bé cũng như những loại cây thực sự có thể sống được trong nhà lại chiếm số lượng ít ỏi. Hãy làm một phép toán như thế này: Ngôi nhà của bạn có tường bê tông cốt thép, có những tấm cửa kính lớn, có hệ thống mành rèm che nắng, có đường điều hòa tổng chạy khắp căn nhà, có hệ thống đèn chiếu sáng “công phu”... Tất cả những thứ ấy đều phát khí thải carbon ra ngoài môi trường. Và bạn có nghĩ rằng những chậu cây xương rồng, lưỡi hổ, hoa mười giờ, hoa lan, hoa giấy có thể tạo ra lượng khí tích cực để bù lại sự phát thải khí carbon của tòa nhà ấy.
Đó là lý do vì sao yếu tố “xanh” trong xây dựng cần phải được hiểu đủ và rộng hơn. Nó bao gồm 5 yếu tố dưới đây:
5 Tiêu chí cho một công trình kiến trúc xanh
Tiêu chí 1: Địa điểm bền vừng
Được coi là tiêu chí đầu tiên trong 5 tiêu chí cho một công trình xanh bởi nền tảng ban đầu của một công trình kiến trúc là địa điểm xây dựng. Giống như một cái cây cần đất tốt, khí hậu thuận hòa mới vững chắc thì một công trình xanh cần phải có được một địa thế phù hợp cho chính mình.
Ngôi nhà “mọc” nương theo rừng cây - tại Thái Lan
Địa điểm đó cần nằm trong tổng thể quy hoạch và bảo vệ thiên nhiên, môi trường xung quanh. Thay vì chặt cây lấy địa điểm xây dựng, công trình xanh sẽ cần nương theo địa thế thiên nhiên, tận dụng ưu nhược điểm của vùng để tạo nên những công trình sống xen lẫn mà không “dẫm đạp” lên cảnh quan.
Một sự thật hiển nhiên là môi trường khung cảnh bao quanh tạo nên sự thơ mộng trong công trình và biến một thứ nhân tạo của con người trở thành một phần của tự nhiên.
Ý tưởng biến công trình nhà ở thành một “viên sỏi” nằm trên triền đồi của Farming Architect - Công trình được thiết kế dựa trên đặc điểm địa hình.
Song song với việc hòa nhập với cảnh quan, công trình xanh được kì vọng nhiều hơn vào vai trò phục hồi, nâng cấp môi trường đang bị tàn phá, mất cân bằng.
Sự đưa đẩy hai chiều, tác động qua của một công trình xanh và bối cảnh của nó là việc quan trọng để thiết lập nên một môi trường sống cân bằng hơn.
Tiêu chí 2: Khai thác và sử dụng năng lượng tự nhiên hiệu quả
Một trong những yếu tố tiếp theo được coi là tiêu chí quan trọng của công trình xanh là cách thiết lập một không gian sống thông minh hơn, thân thiện với môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
Lợi ích của một công trình xanh là chất lượng mang lại cho cuộc sống
Những công trình xanh cần đảm bảo các yếu tố về khai thác, sử dụng hiệu quả không khí và ánh sáng tự nhiên. Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện, sử dụng hợp lý đất đai và áp dụng công nghệ xanh trong xây dựng. Điều này sẽ giúp tiết kiệm năng lượng tiêu thụ hiệu quả hơn.
Vật liệu xanh như gạch không nung, gạch đất nện, tre, gỗ là những loại vật liệu có hàm lượng phát khí thải carbon vào môi trường bằng 0.
Tiêu chí này được ứng dụng vào công trình thông qua những tính toán sắp đăt khéo léo của người làm kiến trúc. Cách lấy sáng tự nhiên, thông gió trời tối đa, phù hợp với địa thế công trình chính là một giải pháp quen thuộc mà nhiều người dùng đang hướng đến. Việc này giúp giảm thiểu ánh sáng nhân tạo và hệ thống làm mát trong công trình.
Hệ thống xử lý nước thải và tái sử dụng nguồn nước thải trong gia đình giúp tiết kiệm nguồn nước
Bên cạnh đó giải pháp tiết kiệm nguồn nước cũng cần được tính toán. Các công trình xanh sẽ phải có hệ thống tái chế nước thải và sử dụng thiết bị tiết kiệm nước. Đó là những yêu cầu tối thiểu bên cạnh nhiều công nghệ quản lý nguồn nước thông minh và hiệu quả mà các KTS có thể áp dụng hiện nay.
Tiêu chí 3: Chất lượng môi trường trong nhà
Với công trình xanh, con người sẽ không sống trong bốn bức tường mà chúng ta sẽ sống trong một “tiểu môi trường” nhỏ mang nét đặc trưng riêng của từng cá tính chủ nhà. Tuy nhiên chất lượng môi trường trong nhà cần đảm bảo sự phân bố không gian sống hợp lý, vỏ bao che chắn cho ngôi nhà chống giảm thiểu tác động của môi trường, cách ly được tiếng ồn bên ngoài và đảm bảo chiếu sáng cho ngôi nhà.
Không gian được thiết kế hợp lý, rút ngắn các mối quan hệ giữa các thành viên cũng như giữa khoảng sống và thiên nhiên
Bên cạnh đó, yếu tố nội thất cũng được chú ý đặc biệt hơn khi sử dụng những loại vật liệu đơn giản, tự nhiên, không phải thải ra khí độc ảnh hưởng đến cuộc sống của con người bên trong.
Tại tiêu chí thứ 3, cây xanh được sử dụng và thiết lập như một giải pháp làm cân bằng bối cảnh sống cho gia chủ. Và ngày nay sử dụng cây xanh trong nhà đang trở thành một trào lưu và được nhiều người yêu thích.
Tiêu chí 4: Kiến trúc tiên tiến, bản sắc
Yếu tố văn hóa, bản sắc luôn luôn được đề cao trong các công trình nhà ở. Trong xã hội hội nhập, mọi thứ đều có thể trở nên giống nhau thì việc tạo ra nét riêng hoặc giữ lại nét đẹp văn hóa bản địa trở thành tiêu chí quan trọng. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa có thể được biểu hiện qua cách thiết kế, cách phân chia không gian, cách bài trí nhà cửa và nguyên vật liệu sử dụng.
Không gian sống hiện đại, ngập tràn ánh nắng nhưng thuần Việt khi sử dụng hình ảnh những cánh cửa lùa và đồ nội thất gỗ mang dáng vẻ của những năm 80
Biết cách áp dụng công nghệ khoa học tiên tiến vào các công trình để chúng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là một trong những tiêu chuẩn trong tiêu chí thứ tư áp dụng cho một công trình kiến trúc xanh đúng nghĩa.
Trên tất cả, kiến trúc sinh ra để phục vụ nhu cầu đời sống con người nên việc hợp lý hóa không gian kiến trúc để phù hợp với lối sống, thói quen của con người trong xã hội tương lai là một việc làm khó nhưng cần thiết.
Tiêu chí 5: Tính xã hội nhân văn, bền vững
Tiêu chí cuối cùng là tính xã hội, nhân văn, bền vững của công trình xanh. Đây là một tiêu chí vĩ mô và khi ứng dụng vào các công trình nhà ở thực sự thì cần hiểu là tạo ra một sự phát triển bền vững cho cuộc sống con người bên trong ngôi nhà bằng cách liên kết mọi thành viên trong gia đình, hướng đến cuộc sống gắn kết với cảnh quan xanh bao quanh và tạo ra một ngôi nhà có khả năng thích hợp với thời đại ngày nay, vừa không ảnh hưởng tới việc thỏa mãn của con cháu đời sau.
Ngôi nhà The Memory House với thiết kế tạo nên sự chuyển tiếp giữa hiện tại và quá khứ, mở rộng không gian cho các mối quan hệ và gìn giữ được nét đẹp xa xưa
Tiêu chí 5 nếu nói trên diện rộng là câu chuyện của quy hoạch nhưng nếu nói trên diện hẹp thì chính từng cá thể công trình phải đảm bảo được các liên kết. Ở không gian đó cần có sự liên kết gắn bó con người với con người, trẻ nhỏ có khoảng thở để vui đùa, bê tông với những khoảng xanh, có không gian trong và ngoài một cách đầy đủ.
Bỏ 1 lãi 30 - câu chuyện kinh tế thông minh của những công trình xanh
Công trình năng lượng tích cực ưu tiên nhất phần thiết kế thụ động tức là sử dụng nhiều nhất các yếu tố tự nhiên: ánh sáng, không khí, nước… từ đó sẽ làm giảm mức tiêu thụ năng lượng từ hệ thống cơ điện trong công trình, từ đó giảm đáng kể chi phí vận hành.
Theo PGS TS Hoàng Mạnh Quân, CEO Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh, công trình xanh đòi hỏi tăng vốn đầu tư 3 - 8% so với đầu tư thông thường, nhưng sẽ tiết kiệm được từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng, 50 - 70% chi phí xử lý chất thải. Tuy đầu tư ban đầu có tăng hơn so với chi phí xây dựng thông thường nhưng chi phí sinh hoạt lâu dài lại giảm đi đáng kể. Có thể hiểu một cách tương đối là với 1% tăng lên của tiền đầu tư, chi phí sinh hoạt trong tương lai sẽ giảm xuống 30% so với công trình thông thường. Và quan trọng nhất là môi trường sống được đảm bảo, sự biến đổi khí hậu chậm lại và hiệu ứng nhà kính sẽ không còn.
Stone House - Ngôi nhà Việt được báo chí thế giới đánh giá cao về giải pháp xanh
Khi phải đối mặt với quá nhiều thiên tai, địch họa, bệnh tật và nguy cơ diệt vong của hành tinh, con người sẽ ngày càng quan tâm đến những điều có lợi cho môi trường sống của mình nên công trình xanh sẽ trở thành một xu thế phát triển của tương lai. Những tiêu chí xây dựng công trình xanh cần được phổ biến rộng rãi hơn để chúng ta có thể chung tay tạo nên một thành phố xanh, một đất nước xanh, một hành tinh xanh thực thụ.
Bài viết: Phạm Anh
[Xanh là Chất lượng - Green is quality] là khái niệm được Ashui.com (Trang thông tin điện tử của Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam) sáng tạo nên để định hướng là mục tiêu trong xây dựng công trình kiến trúc xanh.
Happynest cùng Ashui.com liên kết phát triển các chủ đề nội dung để truyền đi thông điệp "Xanh là chất lượng" giúp xây dựng và cải thiện chất lượng cuộc sống tại Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng nhận thức chung của cả cộng đồng với những vấn đề về chất lượng cuộc sống sẽ giúp mỗi người đều có ý thức tìm kiếm những giải pháp để đem lại một cuộc sống tốt hơn trong tương lai, bằng chính hành động và kêu gọi hành động từ hôm nay. Đó không chỉ là trách nhiệm của một người mà là sự chung tay của cả cộng đồng để hướng đến những giá trị chung.