Nằm trong khu dân cư đông đúc của Sài Gòn, giống như nhiều ngôi nhà ống khác, Floating Nest (Nhà tổ chim) có diện tích với chiều dài gấp 3 lần chiều rộng và 3 mặt bị chắn bởi các công trình lân cận. Để giải quyết những hạn chế trên, nhóm KTS cùng gia chủ đã quyết định tăng cường ánh sáng và thông gió tự nhiên, mang lại một không gian sống thoáng đãng, trong lành.
Mặt tiền độc đáo của Floating Nest khiến nhiều người đi qua phải ngoái lại để ngắm nhìn
Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại
Nhờ việc sử dụng vật liệu khéo léo, đan xen giữa truyền thống và hiện đại, thiết kế của Floating Nest mang đến nét độc đáo, cá tính riêng, không giống bất cứ đâu. Trước hết phải kể đến sự xuất hiện dày đặc của tre, vật liệu tự nhiên thân thiện với môi trường, đồng thời tạo cảm giác gần gũi, thân quen như đang ở một làng quê nào đó.
Thay vì sử dụng bức tường bê tông nặng nề, lớp màn tre chạy dọc theo chiều dài mặt tiền vừa tạo sự riêng tư, vừa đem lại hiệu quả cao về mặt thẩm mỹ
Vật liệu tre còn có tác dụng giảm nhiệt độ đáng kể và che chắn cho công trình khỏi ánh nắng phía Tây gay gắt
Có thể nói, căn nhà là sự kết hợp giữa các vật liệu tự nhiên, tiêu biểu là tre, gỗ và các vật liệu hiện đại như kính, sắt. Ngay từ mặt tiền, ngoài các nan tre cho phép thông gió tự nhiên, sắt CNC cũng là một điểm nhấn vô cùng thú vị.
Vật liệu sắt được làm cách điệu thành những chiếc lá nhẹ nhàng, bay bổng
Những chiếc lá bằng sắt như đồng điệu, hòa cùng những chiếc lá cây tươi xanh mơn mởn
Mặt tiền nhà gây ấn tượng với vỏ tre và cổng sắt cắt hình lá cây
Khi cánh cổng mở ra, một lần nữa hình ảnh lá cây lại xuất hiện thông qua cửa gỗ
Sự đan xen, bổ trợ lẫn nhau của các vật liệu tạo nên tổng thể hài hòa, xuyên suốt cho Floating Nest
Không chỉ ở mặt tiền, không gian bên trong của ngôi nhà cũng là sự kết hợp không thể nào khéo léo hơn giữa vật liệu tự nhiên và vật liệu hiện đại. Ở đó, trần bằng tre dùng để làm sân sau. Sắt tấm mỏng được sử dụng làm cầu thang, chậu cây, ban công, mang đến sự nhẹ nhàng cho công trình.
Khu vườn trên sân thượng với mái tre và vòm sắt
Trần tre ở giếng trời sân sau, được làm từ những thanh tre treo dọc
Không gian tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ
Ánh sáng lọt qua những thanh tre mang đến hiệu ứng đổ bóng thú vị
Khi có gió thổi, những thanh tre khẽ chạm vào nhau như những chiếc chuông gió ngân nga hát vang
Hệ lam sắt hình chiếc lá xuất hiện ở khắp mọi không gian, từ phòng làm việc…
...phòng vệ sinh...
...phòng khách…
...phòng ngủ…
… đến nơi trang nghiêm nhất của ngôi nhà là bàn thờ
Bàn thờ được đặt ở tầng cao nhất, ngay dưới giếng trời và có “tường” đỡ là hệ lam sắt
Sử dụng cây xanh và khoảng trống để phân định các không gian chức năng
Nữ gia chủ là một người đam mê làm vườn. Hơn ai hết, chị mong muốn nhà là không gian thoáng đãng, thư thái sau một ngày làm việc mệt mỏi. Ở đó, những mảng xanh tràn ngập, không còn sự nặng nề của những khối bê tông dày đặc. Để hiện thực hóa giấc mơ này, nhóm KTS đã đề xuất bỏ tường ngăn trong nhà, sử dụng "cây xanh" và "khoảng trống" để phân tách các không gian chức năng cũng như đưa ánh sáng tự nhiên vào trong nhà nhiều nhất có thể.
Những mảnh vườn “lơ lửng” trên không từ bên ngoài nhà
Floating Nest sở hữu diện tích 4x12 có ba khoảng trống lớn, gồm hai khu vườn trước và sau, cùng một giếng trời giữa nhà. Hai khu vườn lớn trải dài toàn bộ ba tầng nhà, ngăn cách đường và nhà. Giếng trời được thiết kế xuyên suốt hai tầng trên, ngăn cách phòng làm việc và phòng ngủ, sân vườn với nơi thờ tự. Những khu vườn nhỏ được sử dụng tương tự để ngăn cách nội thất và ngoại thất; phòng vệ sinh và phòng ngủ hoặc phòng bếp; các phòng ngủ và cầu thang. Nhờ đó, tất cả các không gian chức năng đều tiếp xúc với thiên nhiên một cách trọn vẹn nhất.
Nhóm KTS không sử dụng tường ngăn để không gian luôn được xuyên suốt, gắn kết
Thiết kế tối giản, không sử dụng nhiều đồ đạc để mang đến không gian khoáng đạt, thoáng mát
Những tấm vòm bằng sắt được uốn cong tạo sự mềm mại, uyển chuyển
Các khoảng trống và mảng xanh phân cách không gian thay cho tường ngăn
Góc nào của ngôi nhà cũng thật nhiều cây xanh và ánh sáng
Những tia nắng và gió len qua các khe hở nhỏ giúp phòng ngủ thoáng sáng hơn
Vách ngăn lớn kéo dài hai tầng nhà có tác dụng đối lưu không khí và lấy sáng hiệu quả
Hệ giếng trời góp phần gia tăng ánh sáng cho toàn bộ không gian
Giống như các không gian khác trong nhà, phòng vệ sinh cũng không hề có tường ngăn
Cây xanh như tấm rèm bảo vệ sự riêng tư cho gia chủ
Cầu thang gỗ dẫn lên sân thượng
Khu vườn trên mái với nhiều loại cây cho bóng mát
Không gian buổi tối lung linh dưới ánh đèn vàng
Không sở hữu diện tích quá lớn nhưng nhờ biết cách tạo điểm nhấn, phân chia không gian và sử dụng cây xanh hiệu quá, Floating Nest đã mang đến một tổ ấm đúng như mong đợi dành cho gia chủ. Đây cũng là một ví dụ hay về thiết kế nhà ống xanh, thoáng, sáng mà mọi người có thể tham khảo và học tập.
Bản vẽ kỹ thuật của công trình
Thông tin công trình:
Tên công trình: Floating Nest
Địa điểm: Tp.Hồ Chí Minh
Diện tích đất: 48m2
Tổng diện tích xây dựng: 192m2
Đơn vị thiết kế: atelier NgNg
Năm hoàn thành: 2020
Ảnh: Quang Trần
Bài viết: Minh Trang
Xem thêm:
- 2. Nhà phố, nhà ống có xây được tầng hầm không?
- 3. Nhà 38m2 thấm dột xuống cấp, chi phí chỉ từ 300 triệu đến 320 triệu đồng, nên cải tạo sao cho đẹp?
- 4. Nhà bao nhiêu m2 nên xây lệch tầng?
- 5. Tổ ấm 52m2 với các phòng ở được “xáo trộn” độc đáo, là nơi sinh sống của cặp vợ chồng trẻ đầy năng động