Nhà phố trong đô thị hiện đại luôn phải đối mặt với những vấn đề về thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Điều này khiến cho không gian nhà ở thường bị tối và trở nên ngột ngạt, làm giảm chất lượng cuộc sống. Nếu đang sở hữu một căn nhà phố như thế, đừng lo lắng, các kiến trúc sư đã áp dụng giải pháp lấy sáng này rất thành công, bạn cũng có thể áp dụng.
Xây dựng giếng trời để lấy sáng là một giải pháp vô cùng quen thuộc để lấy sáng cho nhà phố hoặc nhà ống. Nhưng, nếu diện tích quá nhỏ, hẹp thì phương án này hoàn toàn không khả thi. Vì thế, thay vì tạo nên một giếng trời, các kiến trúc sư đã nghĩ ra cách tạo nên những “ô sáng” trên trần và sàn nhà để lấy sáng. Những “ô sáng” với những kích thước khác nhau và vị trí khác nhau đem đến hiệu quả không ngờ khiến cho căn nhà trở nên bừng sáng. Thậm chí, cách làm này còn có thể áp dụng cho nhà xây mới hoặc cải tạo nhà cũ, nhà phố nhỏ hoặc cả những căn nhà có diện tích lớn. Một phương án tối ưu và đang là xu hướng được nhiều kiến trúc sư áp dụng.
1. Vị trí tạo nên những “ô sáng”
Những “ô sáng” trong nhà được thiết kế khá linh hoạt
Nếu cả ba phía nhà bị bịt kín bởi các nhà khác, mà diện tích nhà nhỏ hẹp thì giải pháp tốt nhất mà bạn có thể áp dụng là tạo nên những “ô sáng” cho nhà. Vị trí mà bạn có thể áp dụng gồm: trần và sàn nhà.
* Trần nhà
Trước nay, vị trí này thường được đổ bằng với bê tông để tạo nên những không gian vuông vức. Thực tế, khu vực này bạn có thể tạo nên những “ô sáng” trên trần nhà ứng với những không gian chức năng phía dưới để lấy sáng. Giải pháp này không hề ảnh hưởng tới chất lượng của ngôi nhà mà còn cung cấp đủ nguồn sáng tự nhiên cho từng không gian.
* Sàn nhà
Sàn nhà cũng là một vị trí mà bạn có thể tận dụng tối đa để lấy sáng. Tất nhiên, bạn sẽ phải chọn vị trí phù hợp và vật liệu che phủ “ô sáng” có khả năng chịu lực.
Ngoài trần, bạn có thể trổ những “ô sáng” từ sàn nhà nhưng yếu tố an toàn vẫn được đặt lên hàng đầu
2. Vật liệu sử dụng ở “ô sáng”
Khi tạo nên những “ô sáng” thì một việc làm không thể thiếu là lựa chọn vật liệu cho những vị trí đó để đảm bảo an toàn và ngăn chặn tác động của không gian bên ngoài. Vì thế, vật liệu là một điều đáng được quan tâm.
Kính chịu lực là vật liệu được sử dụng khá phổ biến không chỉ cho tường mà còn cả mái nhà
* Kính chịu lực
Kính chịu lực là kính được xử lý ở nhiệt độ cao và làm nguội nhanh bằng khí nén nên có khả năng chịu lực cao, chống lực va đập, chịu được trọng tải lớn và chống bể vỡ. Những lợi ích này khiến kính chịu lực được đánh giá cao và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Kính chịu lực có độ bền cao nên có thể đảm bảo an toàn cho các thành viên khi sử dụng
* Gạch kính
Xu hướng sử dụng gạch kính trong thiết kế không quá mới nhưng sử dụng gạch kính để che phủ những “ô sáng” trên trần và sàn nhà thì còn khá mới mẻ. Gạch kính là một sản phẩm gạch ốp đặc biệt với mục đích chính là lấy sáng. Gạch kính được làm từ những khối thủy tinh rỗng ở giữa. Loại vật liệu này có độ bền khá cao, khả năng cách âm, cách nhiệt tốt và đặc biệt, độ chịu lực rất tốt.
Nếu sử dụng gạch kính khéo léo ở sàn nhà có thể tạo nên những hiệu ứng ánh sáng đẹp mắt như thế này
Hiện nay, gạch kính được các kiến trúc sư Việt ứng dụng phổ biến trong việc lấy sáng từ mái nhà, còn sàn nhà thì ít hơn. Tuy nhiên, xu hướng này chắc chắn sẽ được nghiên cứu và áp dụng sớm với sàn nhà.
* Lưới sắt
Lưới sắt lấy sáng hiệu quả, tuy nhiên giải pháp này không phải ai cũng đủ dũng cảm để áp dụng
Lưới sắt được tạo nên bởi những thanh sắt mảnh được hàn với nhau thành một dạng hình lưới. Lưới sắt khá chắc chắn. Với đặc tính có nhiều mắt lưới nên sẽ giúp lấy sáng cho ngôi nhà của bạn cực kì hiệu quả. Tuy nhiên, khi sử dụng lưới sắt cho mái nhà, bạn sẽ cần phủ thêm tấm kính bằng thủy tinh bên ngoài để bảo vệ ngôi nhà trong những ngày mưa.
3. Một số công trình Việt sử dụng “ô sáng” để lấy sáng
Đây là một căn nhà liền kề có khoảng cách với ngôi nhà bên cạnh rất hạn chế chỉ khoảng 3m. Vì vậy, với khoảng cách hẹp này, cửa sổ rất khó để có thể mở rộng để lấy sáng. Đồng thời, căn nhà có 3 mặt nhận ánh sáng nhưng thực tế chỉ có 2 hướng tiếp cận chính là phía trước và phía sau nhà.
Vì thế, các kiến trúc sư văn phòng AHL Architects đã quyết định nâng cao trung tâm nhà, tạo nên những “ô sáng” trên sàn nhà và tường nhà để lấy sáng khiến ngôi nhà trở nên bừng sáng mà và tươi mới mà vẫn có được sự riêng tư cần thiết.
Những ô kính lấy sáng trên sàn nhà HP6 House
Vừa để lấy sáng, vừa tạo nên những hiệu ứng đặc biệt cho không gian phía dưới
Ngôi nhà nằm trong một con hẻm nhỏ ở Nha Trang. Nơi đây có mật độ xây dựng dày đặc cùng hình thái kiến trúc tự phát lộn xộn khiến ngôi nhà trở nên “mờ nhạt” và thiếu sức sống.
Để tạo nên sự đặc biệt, kiến trúc sư đã tạo nên những “ô sáng” trên mái và sàn nhà, đồng thời sử dụng những tấm lưới thép lớn ở mặt tiền để lấy sáng, xóa nhòa đi ranh giới giữa không gian bên trong và bên ngoài, đồng thời vẫn tạo được sự riêng tư cần thiết. Đặc biệt, kiến trúc sư đã chọn gạch kính để lấp đầy “ô sáng” trên sàn nhà tạo nên hiệu ứng sống động mỗi khi ánh nắng xuyên qua. Khi đêm về, căn nhà bừng sáng giống như một chiếc đèn lồng giữa phố thị vậy.
Small House có diện tích 73m2 tại Nha Trang là một căn nhà phố điển hình của đô thị hiện nay
Những “ô sáng” được lấp đầy bằng gạch kính ở khu vực hành lang của Small House
Ngôi nhà trở nên bừng sáng mỗi khi đêm về với giải pháp hữu ích...
Ngôi nhà được xây dựng dựa trên những thiết kế cơ bản về một mẫu nhà ba tầng phổ biến. Điểm đặc biệt duy nhất ở dáng vẻ bên ngoài là càng lên cao diện tích các tầng càng thu nhỏ, trả lại một khoảng không rộng, thoáng đãng. Ngoài ra, để lấy sáng và tạo nên điểm thu hút cho ngôi nhà, kiến trúc sư đã tạo nên một “ô sáng” lớn trên mái nhà và biến điểm đặc biệt đó thành một khu vực nghỉ ngơi, thư giãn.
Ngay cả những căn nhà có diện tích lớn như Thủ Đức House, kiến trúc sư vẫn sử dụng giải pháp này để lấy sáng
Khu vực “ô sáng” được biến thành một chiếc bàn xuyên thấu là nơi nghỉ ngơi, thư giãn lí tưởng giúp gia chủ thỏa thích ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng của sông Sài Gòn.
Thông thường, kích thước của “ô sáng” sẽ phụ thuộc vào vị trí, nhu cầu sử dụng của gia chủ. Giải pháp này cũng vô cùng đơn giản và dễ thực hiện, đặc biệt phù hợp với nhà phố. Bạn hãy áp dụng ngay cách làm này để có được một không gian sống thoải mái và chất lượng hơn.
Bài viết: Quỳnh Nga