Thay vì để giếng trời thông thoáng xuyên suốt từ tầng 1 đến mái, các kiến trúc sư đã đề xuất giải pháp sử dụng sàn kính. Điều này vừa giúp ánh sáng lan tỏa khắp các phòng vừa tiết kiệm được diện tích sử dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ can đảm sử dụng giải pháp này trong không gian sống.
House W - ngôi nhà dung hòa giữa 2 yếu tố: Thô mộc và hiện đại
Ngôi nhà cũ trước khi cải tạo đã có tuổi đời 50 năm tuổi, nằm trong một khu nhà ở có mật độ cao ở Đài Bắc với kết cấu 3 tầng điển hình của một ngôi nhà phố. Bài toán đặt ra cho kiến trúc sư đó chính là: ánh sáng ban ngày kém, không có sự riêng tư và an ninh chưa được đảm bảo. Ngoài ra, tiếng ốn từ các điểm tham quan du lịch gần đó và chợ đêm là một sự phiền toái đáng kể.
Sơ đồ bố trí không gian nhà ngôi sau cải tạo
Xem xét từ các vấn đề trên, kiến trúc sư đã quyết định cải tạo ngôi nhà từ bên trong và từ phía trên của ngôi nhà, giữ lại những kết cấu cũ vẫn còn tốt. Các căn phòng của ngôi nhà được thiết kế lùi vào phía bên trong để tạo ra ban công, khoảng đệm giữa khu vực bên ngoài ồn ào và không gian sinh hoạt bên trong.
Mặt tiền sử dụng lưới thép àn toàn
House W giống như một căn nhà ống trong đô thị Việt Nam vậy. Khi quyết định cải tạo ngôi nhà, gia chủ đã đặt ra bài toán về an ninh khu vực với kiến trúc sư. Gia chủ mong muốn ngôi nhà vừa là nơi trú ngụ, vừa là nơi mà mọi thành viên trong gia đình được bảo vệ tốt nhất.
Những tấm thép lớn bảo vệ ngôi nhà khỏi những tác động từ bên ngoài
Dựa vào yêu cầu này, kiến trúc sư đã quyết định sử dụng những tấm thép lớn ở khu vực mặt tiền. Những tấm thép được cắt CNC tỉ mỉ, nguyên tấm nên thời gian lắp đặt nhanh hơn và đảm bảo an toàn.
Sẽ có nhiều người cho rằng, việc sử dụng những tấm thép lớn ở ngay mặt tiền sẽ khiến căn nhà trở nên nặng nề, khô cứng nhưng thực tế lại không như vậy. Ngược lại, căn nhà còn mang đậm tính nghệ thuật và thể hiện được ngôn ngữ kiến trúc mà kiến trúc sư muốn truyền tải. Ban ngày, ánh nắng mặt trời len lỏi qua những tấm thép tạo nên khung cảnh huyền ảo, vui đùa cùng cây xanh bên trong. Vào ban đêm, gia chủ có thể đứng ở đây để tận hưởng cảnh đêm đầy mê hoặc.
Những tấm thép rỗng cũng cung cấp ánh nắng mặt trời, gió để nuôi dưỡng không gian xanh phía trong
Việc sử dụng tông màu trắng cho lưới thép khiến ngôi nhà dễ dàng hòa mình vào “bộ mặt” chung của khu phố.
Đây cũng là giải pháp tuyệt vời khi biến cả ngôi nhà trở thành một chiếc máy lọc không khí khổng lồ. Luồng không khí khi đi qua tầng lưới thép, qua lớp cây xanh và cuối cùng là không gian nhà. Khi qua mỗi tầng “lọc” đó, không khí lại trở nên trong lành và an toàn hơn.
Chỉ 40m2 thôi nhưng vẫn có chỗ cho cây xanh
Gia chủ xác định, nhà là nơi để sống một cách thoải mái và an toàn nhất, vì lẽ đó, họ chẳng cố gắng tạo không gian phòng lớn nhất có thể mà lại chấp nhận “trừ” đi một phần không gian cho cây xanh. Các căn phòng được thiết kế lùi hẳn vào phía trong, dành khoảng không cho cây xanh.
Lớp cây xanh trở thành khoảng đệm phân tách không gian trong - ngoài
Những khóm cây xanh mát vừa góp phần thanh lọc không khí trong nhà, vừa tạo nên khoảng đệm giữa không gian sống ồn ào bên ngoài và không gian sinh hoạt bên trong. Dù tầng nào cũng dành ra một khoảng để trồng cây xanh nhưng kiến trúc sư vẫn thể hiện được sự khéo léo trong cách sắp xếp không gian của mình khi vẫn bố trí đầy đủ không gian sinh hoạt: 1 phòng khách, 1 nhà bếp, 3 phòng ngủ, 2 WC và khu vui chơi cho trẻ.
Cây xanh trong ngôi nhà này còn đóng vai trò là vật trang trí. Trong bảng màu sắc, xanh lá là màu mang lại cho mắt người cảm giác nhẹ nhàng và bình yên nhất. Thế nên, không khó hiểu khi kiến trúc sư lại sắp xếp cây xanh trong 40m2 nhà nhiều đến vậy. Những chậu cây xương rồng hột, lan tim, râu rồng... được bố trí trong giếng trời, phòng ngủ, thậm chí là cả nhà vệ sinh.
Những chậu cây rủ treo thêm mảng xanh cho không gian sống
Thiết kế sàn nhà bằng kính: Kích thích hay mạo hiểm?
Điểm đặc biệt nhất trong ngôi nhà mà có với nhiều người nó lại thể hiện sự không an toàn đó chính là giải pháp lấy sáng. Chỉ với 40m2, diện tích khá nhỏ để đáp ứng đầy đủ sinh hoạt cho gia đình, cộng thêm khoảng không gian chừa ra để trồng cây xanh khiến kiến trúc sư càng gặp khó khăn trong việc đảm bảo không gian sống.
Toàn bộ khu vực giếng trời được lắp đặt bằng sàn kính
Lúc này, kiến trúc sư đã nảy ra ý tưởng tạo một giếng trời lớn ngay khu vực cầu thang và lắp toàn bộ kính cường lực ở khu vực giếng trời. Cách làm này không chỉ đảm bảo không gian sinh hoạt cho cả gia đình mà còn lấy sáng, tạo điểm nhấn thú vị cho cả ngôi nhà.
Ánh sáng từ sàn kính chiếu sáng khu vực nhà bếp, đặc biệt là bàn ăn
Chắc hẳn bạn và thậm chí cả gia chủ cũng lo lắng rằng, sử dụng kính ở khu vực này có mạo hiểm, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng hay không? Nhất là khi, gia đình gia chủ có trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Việc đi lại nhiều có làm giảm chất lượng kính hay không? Xin khẳng định, việc sử dụng kính ở khu vực này hoàn toàn an toàn.
Sàn kính này được làm bằng kính chịu lực được cấu tạo bởi 2 phần: Hệ khung được làm bằng kim loại và kính có độ dày cao. Thêm nữa, kính chịu lực có khả năng chịu lực gấp 4 - 5 lần so với các loại kính khác, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Nhà bếp trở nên sinh động và sáng bừng nhờ cách sử dụng sàn kính
Cách sử dụng sàn kính còn giúp gia chủ có thể quan sát hoạt động của các thành viên trong gia đình một cách dễ dàng. Tuy nhiên, giải pháp này đôi lúc sẽ khiến cho người dùng cảm thấy lo sợ bởi mặc định kính là loại nguyên liệu mong manh, dễ vỡ.
Sàn kính còn được sử dụng ở khoảng đệm cây xanh nhằm tăng thêm ánh sáng cho ngôi nhà
Phòng ngủ sử dụng kính để phân chia không gian
Kính được sử dụng nhiều để thay thế tường và vách khiến không gian rộng và thoáng hơn
House W, ngôi nhà mang lại cho bạn cảm nhận về sự dung hòa giữa nét thô mộc và hiện đại, giữa an toàn và một chút “kích thích” nhưng hơn hết, nó là một tổ ấm chứng minh vai trò của kiến trúc sư trong việc xây dựng nên những không gian sống lí tưởng.
Xem thêm về House W qua video dưới đây:
Thông tin dự án:
Địa điểm: Đài Bắc, Đài Loan
Diện tích: 40m2
Thiết kế: KC Design Studio
Bài viết: Quỳnh Nga