Nhà 4,8x22m trong ngõ, thiết kế phòng khách lùi về sau để tránh nắng hướng Tây

    Cập nhật ngày 06/01/2024, lúc 15:008.604 lượt xem
    • Tên ngôi nhà
      Nhà Thủ Đức
    • Kích thước
      4.8m ngang22m dọc
    • Năm hoàn thành
      2022
    • Thiết kế
      DQV Architects
    • Chụp ảnh
      DQV Architects

    Nhà Thủ Đức là ngôi nhà phố thuộc dạng nhà ống “hẹp ngang dài sâu” điển hình. Gia chủ mong mỏi có được một không gian sống bình yên, trong lành, có thể cảm nhận chút nắng gió giữa lòng Sài Gòn hối hả và tấp nập. Và thiết kế của ngôi nhà ống - nhà Thủ Đức hoàn toàn đã làm hài lòng chủ nhà.

    *Theo dõi Happynest thường xuyên để cập nhật những thông tin hữu ích về nhà ở nhé.

    Người Sài Gòn cảm nhận được thành phố này ngày càng đông đúc hơn vì sức nóng của phát triển kinh tế và đô thị. Điều này vô tình làm việc tận hưởng nắng sớm, hay một cơn gió mát lành dần trở nên xa xỉ. Vì vậy, một chốn bình yên, trong lành, gần hơn với thiên nhiên, cảm nhận ánh nắng và gió là điều mong mỏi của nhiều gia chủ. Nó đặt ra bài toán cho người thiết kế cần phải cân đo đong đếm kỹ lưỡng trong 1 điều kiện cho phép của mỗi miếng đất, vị trí xây dựng, ngữ cảnh về đô thị và môi trường khác nhau. 

    Ngôi nhà ống có mặt chính hướng Tây. Đây là một trở ngại đáng kể nếu mở quá nhiều trên mặt này vì sự tác động lớn của ánh nắng và bức xạ mặt trời gay gắt, nhất là khi Sài Gòn vào hè. Mục tiêu thiết kế của ngôi nhà ống vẫn được đặt trong mối quan hệ của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm bản địa, nhằm đảm bảo công trình đạt sự thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên, môi trường tiện nghi bên trong, và cảm nhận sự thay đổi của thiên nhiên.

    Nhà Thủ Đức là dạng nhà ống với kích thước hẹp ngang dài sâu điển hình

    Bên ngoài ngôi nhà ống được thiết kế vuông vắn và đơn giản 

    Không thể thiếu sự xuất hiện của những khoảng xanh tại ngôi nhà ống 

    >>> Xem thêm: Nhà ống chưa đến 50m2 nhưng vẫn thoáng đẹp nhờ chọn vật liệu xây dựng hợp lý, chi phí 1.5 tỷ đồng

    Ngôi nhà ống có kích thước chiếu rộng là 4,8m, chiều dài là 22m, với cấu trúc 1 trệt, 2 lầu + 1 sân thượng. Công năng bên trong ngôi nhà ống gồm 1 phòng khách, 1 phòng bếp - ăn, 1 khu làm việc, 1 phòng ngủ khép kín và 2 phòng ngủ nhỏ, sân phơi và vườn trên mái. Thay vì nguyên tắc thông thường là đặt phòng khách ở phía trước, giáp đường hoặc hẻm, tiếp đến là phòng bếp - ăn cùng không gian phụ trợ, KTS đã sắp đặt ngược lại. 

    Khu vực phòng khách và sinh hoạt chính của gia đình được đặt ở phía sau ngôi nhà ống, quay về hướng Đông và có khoảng sân sau như một khoảng xanh quý giá và vùng đệm tuyệt vời để điều tiết môi trường. Trong khi đó, nhà xe ở tầng trệt và bếp ở lầu 1 được sắp xếp về hướng Tây. Không gian phòng ăn cũng quay về hướng đông, nối kết mở một cách thú vị qua phòng khách, sau đó ra sân sau. 

    Phòng khách nằm ở tầng lửng, được đẩy về cuối ngôi nhà ống, tách biệt với gara để ô tô

    Khoảng đệm hoàn hảo là sân vườn cuối nhà ống, như một chiếc “bẫy” ánh sáng và gió tươi cho không gian

    Để tối ưu ánh sáng và gió tươi, KTS đã sử dụng hệ cửa vách kính sát trần 

    Từ khoảng sân ngoài trời có thể thấy rõ phòng khách và bếp - ăn phân cách nhau bằng cầu thang lớn 

    Phòng khách - bếp được đẩy ra phía mặt tiền của ngôi nhà ống

    Thiết kế phòng bếp - ăn của nhà Thủ Đức gọn gàng và đơn giản, không sử dụng quá nhiều đèn điện vào ban ngày bởi hệ cửa sổ kính trải dài ở phần mặt tiền

    Vị trí của phòng làm việc nằm ở lầu 1 cũng quay vào sân sau, “giao tiếp” với phòng khách bên dưới thông qua khoảng thông tầng rộng. Sự sắp đặt các không gian chính của ngôi nhà một cách có chủ đích theo tác động của mặt trời giúp cho không khí bên trong trở nên mát mẻ vì đón nắng sáng và gió mát từ phía Đông.

     

    Bàn làm việc nằm ở lầu 1, nhìn xuống phòng khách thông qua khoảng thông tầng 

    Khu vực làm việc được thiết kế tối giản giúp gia chủ có thể tập trung làm việc với trạng thái thoải mái nhất

     

    Thay vì sử dụng lan can cầu thang thông thường, KTS dùng lam gỗ cho khu vực này của nhà ống

    Tuy nhiên, phòng ngủ chính của gia chủ lại đặt ở hướng Tây. KTS đã áp dụng giải pháp che nắng bằng khoảng lùi lớn và mái lam che. Ngoài ra, để giảm tác động bức xạ mặt trời lớn từ phía trên thì phần lớn diện tích mái được phủ bóng mát bằng cây xanh. 

    Phòng ngủ master với vệ sinh khép kín, ngập tràn nắng hướng Tây. KTS đã sử dụng ban công làm khoảng đệm, đồng thời cửa kính và rèm che cũng điều tiết ánh sáng hiệu quả

    Phòng ngủ dành cho con của gia chủ kết nối với sân thượng của nhà ống

    Khoảng sân thượng không nằm ở tầng cao nhất của ngôi nhà ống 

    >>> Xem thêm: Tâm House - Nhà ống 3 tầng 4,8 x 22m ở ngoại ô Hà Nội, mái ấm nhiều cây xanh và ánh sáng tự nhiên

    Mọi không gian chức năng bên trong nhà ống được thiết kế mở và bố trí theo hướng lệch tầng. Chúng được xâu chuỗi lại bằng khoảng thông tầng ở phòng khách và thang, sân trước và sau. Điều này không những làm cho sự liên kết và điểm nhìn về mặt không gian trở nên hấp dẫn hơn, mà còn đảm bảo môi trường bên trong tiện nghi tốt hơn. Ánh sáng tự nhiên có thể đi vào các gian phòng qua các lỗ mở trên 2 mặt tiền nhà và khoảng mở đứng.

    Tuy nhiên, ánh sáng sẽ không quá gay gắt bởi sự tham gia của các không gian đệm như thông tầng, sân, và ban công. Ngoài ra, ngôi nhà ống 4,8x22m sẽ đón được gió mát quanh năm từ cả hai hướng đông - tây, len lỏi qua các không gian trước khi thoát ra ở trên mái và cửa mở trên mặt đứng.

    Việc bố trí phòng ngược như vậy không gây bất tiện vì phía dưới các bậc thang là không gian để xe ô tô. Không gian để ô tô vốn có mùi xăng và tiếng ồn nhờ vậy sẽ được tách biệt với phòng khách, không gian sinh hoạt của cả nhà.

     

    Mô hình phối cảnh nhà ống - nhà Thủ Đức 

    Nhóm KTS cũng chia sẻ thêm về việc bố trí ngược rằng: “Do chủ nhà không tiếp khách ở nơi ở, chủ yếu là người thân gia đình hoặc bạn bè thật sự thân thiết, nên việc đi xuyên qua nhà xe (không xuyên qua bếp) tới phòng khách cũng không gây bất tiện, không cần sự trang trọng. Thêm một điều khác biệt nữa so với các nhà phố có gara ô tô, việc làm lệch tầng sẽ làm cho không gian phòng khách thoáng đãng, kết nối với không gian bàn ăn và sử dụng hết chiều dài của khu đất, mà không bị giới hạn bởi khu vực gara”.

    Một điểm đặc biệt nữa là tầng sân thượng được đặt ở lầu 2 (tầng 3) chứ không phải tầng cao nhất. Tầng cao nhất sẽ được bố trí các không gian có tần suất sử dụng thấp như nhà kho, khu giặt phơi. Nhờ đó mà các thành viên trong gia đình có thể tiếp cận không gian sân thượng để sinh hoạt một cách dễ dàng, thuận tiện hơn.

     

     

     

     

    Bản vẽ mặt bằng nhà ống - nhà Thủ Đức

    Mặt cắt phối cảnh của nhà ống - nhà Thủ Đức 

    >>> Xem thêm: Nhà ống Sài Gòn bị “kẹp kín” 2 mặt bên mà không gian bên trong vẫn siêu thoáng nhờ thiết kế mở xuất sắc

    Nhà Thủ Đức là ngôi nhà ống cho thấy nhóm thiết kế đặt sự quan sát và cân nhắc kỹ lưỡng khi sắp đặt không gian. Ngôi nhà ống với không gian được thiết kế theo phương đứng, “vỏ bao che” để che nắng và thông gió, nhằm sáng tạo 1 cấu trúc công trình không chỉ đẹp về không gian, mà có tính gắn kết với thiên nhiên, gắn kết con người với con người, đồng thời đây là môi trường sống thoải mái, yên bình cho gia chủ. 

    Thông tin công trình:

    Tên công trình: Nhà Thủ Đức

    Địa điểm: Thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

    Diện tích đất: 4,8m x 22m

    Đơn vị thiết kế: DQV Architects

    Nhóm thiết kế: KTS. Đào Quốc Việt, KTS. Phạm Minh Hiếu, KTS. Trương Quốc Trọng, KTS. Linh Huỳnh

    Năm dự án: 2022

    Ảnh: ĐVTK cung cấp

    *Để lại thông tin trong box dưới đây nếu bạn có nhu cầu tìm kiếm đơn vị thiết kế - thi công nhà ở nhé.

    Nguyễn Khánh LinhTheo dõi

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0