Nếu không lắp đúng công tắc trong phòng ngủ, gia chủ sẽ phải dò đường trong bóng tối khi tỉnh dậy lúc nửa đêm. Đó là một trong những bất tiện khi bố trí đèn thiếu hợp lý trong không gian sống. Vậy còn những lỗi nào khác, hãy cùng tham khảo.
Bài liên quan:
1. 4 sai lầm khi sử dụng đèn trang trí thả trần
2. Mẹo chọn đèn tốt cho mắt cần biết
3. Tại sao cột điện trước cửa nhà bị coi là phong thủy xấu. Hóa giải như thế nào?
1. Chỉ có một nguồn ánh sáng duy nhất trong mỗi phòng
Với các không gian chính như phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, nếu gia chủ chỉ bố trí một nguồn ánh sáng thì vô cùng bất tiện. Ở các khu vực này, nên lắp đặt các nguồn sáng phù hợp với thói quen sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Ví dụ như ở phòng bếp ngoài hệ thống đèn chính ở trên trần, gia chủ có thể lắp thêm đèn ở bếp nấu. Với phòng khách, các gia đình có thể bố trí đèn trên tường, kệ tủ vừa cung cấp thêm ánh sáng vừa tạo điểm nhấn cho không gian.
Việc bố trí nhiều nguồn ánh sáng giúp căn phòng sáng đều và tạo cảm giác dễ chịu cho gia chủ (Ảnh minh họa: Căn hộ 70m2)
2. Bố trí ánh sáng không đồng đều
Việc bố trí ánh sáng không đồng đều khiến nhà góc sáng, góc tối thực sự không tốt cho thị giác. Vì thế gia chủ nên chú ý đến khoảng cách của đèn, độ sáng của đèn và vị trí lắp đặt của đèn để phân chia bố cục hợp lý, giúp không gian được chiếu sáng đồng đều, mang lại cảm giác thoải mái.
Lắp đặt hệ thống đèn có bố cục hợp lý giúp căn nhà góc nào cũng đẹp mắt nhờ được chiếu sáng đầy đủ (Ảnh minh họa: Nhà Đà Nẵng)
3. Vị trí công tắc không thuận lợi
Tùy thuộc vào thói quen sinh hoạt và thiết kế nhà, công tắc cần được lắp đặt sao cho phù hợp. Ví dụ như đèn cầu thang dẫn lên tầng 2, gia chủ nên bố trí ở 2 vị trí ở tầng một và tầng 2 với độ cao phù hợp chiều cao của các thành viên gia đình để thuận tiện sử dụng. Tương tự như vậy với phòng ngủ, đèn cũng nên có công tắc bật tắt ở sát cửa ra vào và gần giường ngủ.
Thiết kế vị trí công tắc đèn hợp lý sẽ thuận tiện hơn cho hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí của các thành viên
4. Màu ánh sáng không phù hợp
Màu ánh sáng đèn phổ biến hiện nay có 2 loại màu là trắng và vàng. Nếu chỉ sử dụng một loại, căn phòng sẽ trở nên đơn điệu, thiếu tính thẩm mỹ và khá nhàm chán khi nhìn vào. Chỉ lắp đèn ánh sáng trắng sẽ khiến màu sắc đồ nội thất trong nhà trông nhợt nhạt, thiếu điểm nhấn. Chỉ lắp đèn ánh sáng vàng lại gây cảm giác bức bối vào mùa nóng. Vì vậy, gia chủ cần kết hợp cả hai loại ánh sáng này với nhau.
Ngoài ra, gia chủ không nên dùng ánh sáng màu xanh, đỏ, tím… cho các phòng chức năng thông thường trong nhà vì có thể gây nhức mắt và không phù hợp. Đây là ánh sáng chỉ nên dùng ở các phòng karaoke, phòng giải trí, không nên dùng trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ.
Kết hợp đèn có màu ánh sáng phù hợp sẽ giúp nâng cao đáng kể tính thẩm mỹ cho không gian (Ảnh: Căn hộ Duplex New Skyline)
5. Không đúng loại bóng đèn
Khi mua đèn, việc chọn đèn phù hợp công năng và phong cách thiết kế của từng không gian là yếu tố vô cùng quan trọng. Đèn ngủ cần điều chỉnh độ sáng tối thì nên dùng bóng ánh sáng dịu nhẹ. Việc lắp bóng quá sáng cho phòng ngủ sẽ khiến gia chủ khó đi vào giấc ngủ.
Các vị trí đèn trên lối đi, hành lang nên dùng đèn cảm ứng có khả năng bật tắt tự động để tiết kiệm điện trong quá trình sử dụng. Đèn rọi vào tranh, ảnh, các chi tiết trang trí cần chọn đúng ánh sáng phù hợp, tránh ánh sáng trắng vì có thể khiến tranh sai màu. Ngoài ra, gia chủ cũng cần lựa kiểu đèn phù hợp với phong cách nội thất. Với nội thất hiện đại, đèn chùm kiểu cổ điển không thích hợp. Ngược lại, nội thất tối giản sẽ không phù hợp lắp các mẫu đèn phức tạp.
Đèn trần dáng tròn nhỏ gọn, đơn giản rất phù hợp với phong cách hiện đại (Ảnh: Căn hộ 94m2)
Mong rằng sau khi tham khảo những nội dung trên, gia chủ sẽ tránh được những lỗi gây bất tiện khi bố trí đèn trong nhà. Việc lắp đèn hợp lý không chỉ làm không gian sống trở nên đẹp mắt hơn mà còn mang đến sự tiện nghi quá trình sinh hoạt hàng ngày.
Bài viết: Tổng hợp
Xem thêm:
1. Phải làm gì khi lỡ mua phải nhà kín gió, bí bách?
2. 3 lý do chủ nhà lựa chọn tấm xi măng khi xây sửa - cơi nới nhà ở
3. Cách tính số lượng đèn LED hợp lý nhất để làm sáng không gian nhà bạn
4. Cách biến tấu không gian đơn giản nhờ bóng đèn
5. 6 giải pháp đơn giản giúp lấy sáng cho phòng tối, không cần thiết kế thêm cửa sổ hay giếng trời