Thang máy chung cư là một hạng mục đặc biệt quan trọng trong các dự án căn hộ cao tầng vì cần phải thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy chuẩn an toàn xây dựng, để bảo đảm được khả năng ngăn ngừa mất an toàn xảy ra với cộng đồng cư dân sinh sống.
- Tiêu chuẩn an toàn thang máy chung cư do Bộ Xây Dựng quy định
Thông tư 21/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư, trong đó có nêu rõ các điều luật về tiêu chuẩn thang máy ở chung cư.
Cụ thể như sau:
“Điều 2.4. Yêu cầu về thang máy:
2.4.1. Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp từ 5 tầng trở lên phải có tối thiểu 1 thang máy, từ 10 tầng trở lên phải có tối thiểu 2 thang máy và đảm bảo lưu lượng người sử dụng theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng.
CHÚ THÍCH: Trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp có thang máy, tối thiểu phải có 1 thang máy chuyên dụng có kích thước thông thủy của cabin đảm bảo vận chuyển bằng ca cấp cứu.
2.4.2. Cần bố trí tối thiểu 1 thang máy cho 200 người cư trú trong tòa nhà không kể số người ở tầng 1 (tầng trệt). Trường hợp tính toán theo số căn hộ thì cần bố trí tối thiểu 1 thang máy cho 70 căn hộ. Tải trọng nâng của một thang máy phải không nhỏ hơn 400 kg. Trong trường hợp nhà có một thang máy, tải trọng nâng tối thiểu của thang máy không nhỏ 600 kg.
2.4.3. Đối với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp có chiều cao PCCC lớn hơn 50m, mỗi khoang cháy của nhà phải có tối thiểu một thang máy đáp ứng yêu cầu vận chuyển lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo TCVN 6396-72:2010 và TCVN 6396-73:2010.
2.4.4. Chiều rộng sảnh thang máy chở người phải bố trí phù hợp theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng.
2.4.5. Thang máy phải có thiết bị bảo vệ chống kẹt cửa, bộ cứu hộ tự động và hệ thống điện thoại nội bộ từ cabin ra ngoài. Thang máy chỉ được hoạt động khi tất cả các cửa thang đều đóng.
2.4.6. Tải trọng nâng, tốc độ của thang máy phải đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng.
2.4.7. Thang máy phải đảm bảo an toàn theo QCVN 02:2011/BLĐTBXH và được kiểm định an toàn trước khi đưa vào sử dụng trong trường hợp sau:
– Sau khi lắp đặt;
– Sau khi tiến hành sửa chữa lớn;
– Sau khi xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng và đã khắc phục xong;
– Hết hạn kiểm định hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn lao động.”
- Chung cư mini nên lắp đặt loại thang máy nào
Do sự phát triển không ngừng về số lượng các công ty thang máy trong nước tập trung ở các thành phố lớn, nên mức giá lắp đặt trọn gói cho loại thang máy này rất cạnh tranh để người dùng tham khảo và lựa chọn. Vì thế, loại thang máy liên doanh (hay còn gọi là thang nội địa trong nước) được ưu tiên lựa chọn vì chất lượng vẫn đảm bảo với giá thành phải chăng, chi phí bảo trì sau thời gian bảo hành thấp hơn nhiều so với thang máy ngoại nhập nguyên chiếc.
Đối với thang máy trong chung cư mini, khi lắp đặt cần chú ý những yếu tố sau:
Về Tải trọng
Thang máy 450kg cho công trình có tổng diện tích dưới 100m2.
Thang máy 550kg – 630kg đối với công trình có diện tích trên 100m2 dưới 200m2
Diện tích lớn hơn thì có thể sử dụng thang máy 750kg hoặc lắp đặt 2 thang máy nhỏ cạnh nhau
Về nguồn điện:
Thang máy dùng cho nhà cho thuê phòng trọ, chung cư mini có tần suất sử dụng lớn hơn loại thang máy dành riêng cho gia đình nên ưu tiên dùng điện 3 pha (phù hợp với yêu cầu của máy kéo thang máy loại này).
- Cần làm gì khi thang máy chung cư gặp sự cố?
Theo khuyến cáo của Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy-Cứu nạn cứu hộ, nếu người dân không may gặp phải trường hợp kẹt thang máy thì trước tiên phải giữ bình tĩnh, không hoảng loạn và la hét, nắm chắc tay vịn, hạ thấp trọng tâm cơ thể. Khi thang máy đã ở trạng thái ổn định, hãy bấm thử nút mở cửa, nếu cửa thang máy mở thì lần lượt thoát ra ngoài. Cần quan sát cẩn thận để tránh trường hợp thang dừng ở vị trí không khớp mặt sàn, nếu bước ra ngoài không chú ý có thể bị hụt xuống giếng thang.
Trong lúc chờ đợi người đến trợ giúp, có thể dùng chìa khóa và các vật dụng lớn khác chèn khe cửa để thông không khí vào thang máy. Ngoài ra, những người bị kẹt trong thang máy không được tìm cách mở cửa trên nóc thang. Việt thoát ra bằng đường này dễ gây trượt ngã xuống giếng thang, nguy hiểm đến tính mạng.
Thực tế, câu chuyện tai nạn thang máy luôn là nỗi lo lắng và ám ảnh của nhiều cư dân khi sống tại các tòa nhà cao tầng. Những vấn đề như thang máy kẹt không mở được cửa, thang máy dừng lơ lửng giữa các tầng, thang máy bị mất điện… cũng đủ để khiến người dân "thót tim" khi chẳng may gặp phải.
Để hạn chế những sự cố của hệ thống thang máy, điều quan trọng nhất là các tòa nhà phải thường xuyên kiểm tra tình trạng, điều kiện hoạt động, và tiến hành bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định đúng kế hoạch và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của hãng sản xuất đã khuyến cáo. Ngoài ra còn một vấn đề quan trọng là việc thay thế các thiết bị của thang máy bị hỏng cần có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và nên được cung cấp từ chính hãng sản xuất.
- Ai là người phải chịu trách nhiệm nếu thang máy chung cư xảy ra sự cố?
Căn cứ Điều 11 Thông tư 02/2016/TT-BXD, người có trách nhiệm bảo trì nhà chung cư được quy định như sau:
Với phần sở hữu riêng
- Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng, đóng góp kinh phí để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
- Hư hỏng phần sở hữu chung trong khu vực thuộc sở hữu riêng: Chủ sở hữu phần sở hữu riêng có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đơn vị: Quản lý vận hành nhà chung cư, thi công sửa chữa các hư hỏng này.
Với phần sở hữu chung
- Khi chưa có tổ chức họp hội nghị nhà chung cư lần đầu:
- Sau khi tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu: Quy trình bảo trì nhà chung cư do chủ đầu tư tổ chức lập, phê duyệt; quy chuẩn bảo trì các thiết bị do nhà cung cấp thiết bị lập và thực hiện theo kế hoạch bảo trì hàng năm do hội nghị nhà chung cư thông qua.
Nếu có hư hỏng đột xuất hoặc do thiên tai, hoả hoạn thì Ban quản trị nhà chung cư quyết định việc bảo trì nhưng phải báo cáo hội nghị nhà chung cư tại cuộc họp gần nhất.
Đặc biệt, chỉ được thuê cá nhân, đơn vị có đủ điều kiện, năng lực để thực hiện bảo trì.
Do đó, có thể thấy, chung cư nói chung và thang máy nói riêng nếu thuộc sở hữu riêng thì sẽ do chủ sở hữu thực hiện bảo trì, nếu thuộc sở hữu chung thì sẽ bảo trì theo quy trình của chủ đầu tư, nhà cung cấp thiết bị hoặc ban quản trị nhà chung cư quyết định.
Về việc bồi thường thiệt hại khi có sự cố rơi thang máy chung cư, theo Điều 605 Bộ luật Dân sự, nếu rơi thang máy làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo thiệt hại thực tế xảy ra.
Nếu lỗi do người thi công thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường.
Do đó, để xác định ai có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại khi thang máy nhà chung cư bị rơi thì phải xem xét thang máy đó là thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng và người nào có trách nhiệm phải bảo trì. Cụ thể:
- Do bên quản lý chung cư phát hiện hỏng hóc nhưng không xử lý, bảo trì: Nếu trách nhiệm bảo trì thang máy thuộc về ban quản lý chung cư (các cư dân đã đóng các khoản phí dịch vụ) thì người phải bồi thường là ban quản lý chung cư.
- Do bên cung cấp dịch vụ sửa chữa thang máy: Bên cung cấp dịch vụ này phải bồi thường thiệt hại.
- Do người bị thiệt hại làm hư hỏng: Do lỗi của người bị thiệt hại trong quá trình sử dụng thang máy nên theo khoản 4 Điều 585 Bộ luật Dân sự, người bị thiệt hại sẽ không nhận được bồi thường về phần do mình gây ra.
- Do việc ngoài ý muốn: Xác định do nhà cửa gây ra thì Điều 605 Bộ luật Dân sự: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý bồi thường thiệt hại.
Nói tóm lại, để xác định ai phải chịu trách nhiệm khi có sự cố rơi thang máy chung cư thì tùy vào đối tượng gây thiệt hại để xác định người có trách nhiệm phải bồi thường.
Tổng hợp