Lấy cảm hứng từ lối kiến trúc đặc trưng của đất nước mặt trời mọc, KTS Julius Taminiau đã thiết kế một ngôi nhà vô cùng thân thiện với môi trường, nhưng vẫn đảm bảo sự tiện nghi và tính thẩm mỹ chỉ với nguồn kinh phí hạn chế tại khu vực “nhà nổi” gần thủ đô Amsterdam.
Hình ảnh “ngôi nhà nổi” Tatami Home nhìn từ bên ngoài.
“Nhà nổi” không còn là một khái niệm mới với cộng đồng yêu thích kiến trúc nói chung và cuộc sống của người dân Hà Lan nói riêng, khi quốc gia này đang đối mặt với việc diện tích đất ở giảm mạnh. Trong khi đó, mặt nước hoàn toàn là một môi trường đáng tận dụng với diện tích vô cùng lớn. Những “quận nhà nổi” ra đời cùng với đó là sự xuất hiện của những công trình độc đáo vừa đảm bảo sự tiện nghi cho cuộc sống, vừa thể hiện được sự sáng tạo không giới hạn của các kiến trúc sư. Tatami Home là một công trình kết hợp hoàn hảo phong cách kiến trúc Nhật Bản và mô hình nhà đặc trưng ở Hà Lan.
“Quận nhà nổi” ở Amsterdam nơi Tatami Home được hoàn thiện và sử dụng.
Sử dụng chiếu tatami để thiết kế ngôi nhà theo đúng tỉ lệ đặc trưng của kiến trúc Nhật Bản.
Tatami được biết đến là loại chiếu truyền thống của người Nhật. Chúng phổ biến đến mức được sử dụng như đơn vị đo lường cho căn nhà với kích thước tiêu chuẩn. Một căn nhà truyền thống sử dụng tatami sẽ có diện tích vừa đúng với số lượng tấm tatami, điển hình như một căn phòng truyền thống ở Nhật Bản sẽ trải vừa đủ 6 tấm tatami.
Căn phòng 6 tấm tatami truyền thống ở Nhật Bản.
Với Tatami Home, đúng như tên gọi, KTS Taminiau sử dụng tatami như một đơn vị tỉ lệ để tạo hệ lưới quy chiếu cho toàn bộ căn nhà. Vì tỷ lệ kích thước của một tấm tatami tương đương tỷ lệ của một tấm ván gỗ tiêu chuẩn, việc bố trí không gian theo hệ thống này giúp cân đối tỉ lệ các phòng và giảm thiểu tối đa vật liệu cũng như chi phí xây dựng.
Lớp phủ trang trí bên ngoài các tấm ván cũng được tham khảo màu sắc và hoa văn của tấm tatami truyền thống.
Một đặc trưng điển hình của lối kiến trúc Nhật Bản được KTS mang vào chính không gian sống của mình: Ưu tiên không gian thoáng đãng và chất liệu tự nhiên. Những đồ đạc trong ngôi nhà Nhật Bản truyền thống đều có thể gập lại và cất gọn đi trong chiếc tủ oshiire – tủ có cùng màu với tường và không quá nổi bật. Còn ở Tatami Home, những khu vực lưu trữ đồ được thiết kế thành các bức tường và tận dụng không gian bên dưới cầu thang. Chất liệu chủ yếu được sử dụng trong ngôi nhà là gỗ giúp tăng cường cảm giác tiếp xúc với thiên nhiên.
Đảo bếp với ghế ngồi được sắp xếp vừa vặn theo hình khối giúp tiết kiệm diện tích.
Nhằm hạn chế tối đa mức ngân sách cho ngôi nhà, Taminiau đã đưa ra những giải pháp tiết kiệm không gian đầy sáng tạo và thiết thực.
Ngôi nhà nổi được thiết kế hai tầng, bố trí theo cấu trúc vốn có từ chiếc thuyền cũ mà KTS Taminiau đã mua và chế tạo ở Hardenberg. Khu vực sinh hoạt riêng gồm một phòng ngủ chính với phòng tắm riêng và 2 phòng ngủ nhỏ được bố trí ở tầng dưới - khu vực nằm dưới nước một phần. Phòng khách, bếp và không gian làm việc được bố trí ở phía trên nơi đón được nhiều ánh sáng hơn.
Giai đoạn thi công ban đầu của Tatami Home.
Ngôi nhà nổi bật với thiết kế một khu vực thông tầng đa năng, được KTS sử dụng như phòng làm việc, hoặc dễ dàng sắp xếp để chuyển thành phòng ngủ cho khách hay phòng đa năng cho gia đình.
Nhìn vào bản cắt dọc, khu vực phòng đa năng có chiều cao gấp đôi.
Một cầu thang riêng được bố trí để kết nối với không gian còn lại.
Hành lang mờ ảo bên trong căn phòng.
Bản vẽ chi tiết khu vực tầng một – nơi sinh hoạt riêng của từng thành viên.
Không gian phòng khách được ngăn cách với bếp và phòng ăn bởi một cầu thang mở dẫn thẳng lên sân thượng.
Cầu thang mở giúp phân tách không gian tầng hai thành hai khu vực riêng biệt.
Căn bếp tầng 2 nhiều cửa sổ với ánh sáng tự nhiên.
Bên cạnh đảo bếp là bàn ăn gia đình, kiểu ghế cũ đem lại rất nhiều cảm xúc.
Khu vực tầng thượng 100 m2 là nơi đặt các tấm pin mặt trời được che chắn bởi lan can giúp cung cấp điện năng cho sinh hoạt chung.
Bản vẽ khu vực tầng mái được bố trí các tấm pin năng lượng mặt trời và cây xanh xung quanh. Đây là nơi thích hợp tổ chức những hoạt động thư giãn ngoài trời.
Thiết kế hài hòa và rộng rãi nhờ việc sử dụng chủ yếu tông màu sáng thiên ấm từ trần nhà, sàn gỗ, đồ dùng nội thất, và điểm nhấn chỉ nằm ở họa tiết màu đen ở viền cửa kim loại và toàn bộ khu vực ngoại thất. Điều đó giúp cho ngồi nhà mang lại một ấn tượng thị giác đồng đều, có sự liên kết của tất cả không gian phía trong, mộc mạc và gần gũi với thiên nhiên.
KTS Taminiau giải thích: “Tôi vô cùng ấn tượng bởi văn hóa và kiến trúc Nhật Bản, và gần đây phát hiện ra rằng chủ nghĩa hiện đại được lấy cảm hứng từ kiến trúc Nhật Bản, điển hình như Biệt thự Hoàng gia Katsura”.
Khung cảnh nhìn từ bên trong căn biệt thự Hoàng gia Katsura.
Ở khu vực tầng dưới, sẽ là một điều tuyệt vời khi bạn được thư giãn trong nhà, dưới ánh nắng mặt trời phản chiếu qua những ô cửa sổ nhỏ nhắn và sự di chuyển nhẹ nhàng của những đợt sóng nhẹ nhàng và những cơn gió mạnh.
Không gian kết nối trực tiếp với thiên nhiên mang lại cảm giác thư thái cho tinh thần và cuộc sống.
Những căn “nhà nổi” ở đây đều có hệ thống xử lý rác thải và nấm mốc hiệu quả; xây dựng từ những vật liệu thiên nhiên thân thiện với môi trường và cấu trúc bồn bê tông giúp ngôi nhà đứng vững trên mặt nước, được neo vào hồ bằng cọc thép để tránh bị trôi hoặc va chạm.
Hiện đại, thân thiện với môi trường, tận dụng được năng lượng từ nước và mặt trời, cùng vô vàn ưu điểm bởi không gian trên nước chưa được khai thác tối đa. Thêm vào đó là những thiết kế kiến trúc vô cùng đa dạng, sáng tạo khiến mô hình nhà ở này đang là lựa chọn của rất nhiều người dân Amsterdam.
Thông tin công trình
Kiến trúc sư: Julius Taminiau Architects
Địa điểm: Amsterdam, Hà Lan
Diện tích: 160.0 m2
Năm dự án: 2017
Ảnh: Norbert Wunderling
Cộng tác: Oranje Arkenbouw
Bài viết: Diệu Thủy