Trong quan niệm của nhiều người, phòng tắm là không gian riêng tư cần được thiết kế một cách kín đáo nhất có thể. Tuy vậy, cùng với sự phát triển của xã hội, tư duy về vấn đề này dần thay đổi. Hiện nay, kiểu nhà tắm với lối thiết kế “mở” đang ngày một trở nên phổ biến và được nhiều gia đình yêu thích chọn lựa.
Thiết kế “mở” có nghĩa là những căn phòng sẽ không còn bị bó buộc trong không gian giữa bốn bức tường chật hẹp mà được mở rộng để tạo sự kết nối với không gian khác xung quanh. Hiện nay, có một số kiểu thiết kế nhà tắm “mở” phổ biến với những ưu điểm cụ thể như sau:
Kiểu phòng tắm “mở” vào trong
Đây là kiểu thiết kế mà nhà tắm và các khu vực khác trong nhà sẽ không có sự ngăn cách một cách rõ ràng, rành mạch. Cụ thể, những căn phòng này sẽ được bố trí liền kề, không tường (hoặc sử dụng tường bằng kính trong suốt) nhằm tạo ra sự kết nối, hoà hợp và thống nhất về không gian giữa các khu vực chức năng trong ngôi nhà.
Thiết kế liền mạch giúp phòng tắm trở nên rộng rãi và thoáng mát hơn
Bố trí các phòng liền kề tạo thành một khu vực phức hợp tiện nghi, đáp ứng tốt mọi nhu cầu nghỉ ngơi, vệ sinh của gia chủ
Phòng tắm thường được bố trí liền sát phòng ngủ giúp cho quá trình hoạt động của gia chủ trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn
Kính trong thường được sử dụng để làm “tường bao” giúp phô bày vẻ đẹp trong từng đường nét thiết kế đẹp mắt của nhà vệ sinh
Kiểu phòng tắm “mở” ra ngoài
Theo quan niệm hiện đại, phòng tắm không còn chỉ là nơi vệ sinh của gia chủ mà hơn thế đó còn là nơi nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Bởi vậy, không ít người, đặc biệt là những người yêu thích những trải nghiệm độc đáo, mới lạ đã lựa chọn cách thiết kế phòng tắm “mở” ra ngoài để gắn kết căn phòng của mình với thiên nhiên, cảnh vật sinh động, phong phú bên ngoài.
Ngâm mình trong bể nước và ngắm nhìn những hàng cây xanh mát phía ngoài là một trải nghiệm thư giãn khá thú vị mà ai cũng nên thử một lần trong đời
Cây cối, ánh sáng, nước và gió sẽ mang đến cho con người cảm giác như đang đắm mình trong thế giới thiên nhiên, nhẹ nhàng, tươi mát và thảnh thơi
Tường kính trong giúp tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên soi sáng cho cả căn phòng
Không gian mở rộng giúp căn phòng luôn rộng rãi, thông thoáng và mát mẻ vào mọi thời điểm trong ngày
Kiểu phòng tắm “mở” ra giếng trời
Giếng trời đã và đang trở nên phổ biến trong những thiết kế kiến trúc hiện đại bởi những tiện ích mà nó mang lại cho cuộc sống con người. Cũng bởi vậy, không ít gia đình đã lựa chọn lối thiết kế nhà tắm "mở" ra giếng trời để tận dụng khả năng thông khí và hút ánh sáng mà nó mang lại.
Không gian phòng tắm như cao thêm cả chục mét nhờ giếng trời được bố trí ngay phía trên
Kính trong giúp cung cấp đủ lượng ánh sáng cần thiết cho cả căn phòng trong những ngày thiếu nắng
Giếng trời lớn mở ra góc nhìn "có một không hai", mang đến trải nghiệm thư giãn bình yên, thoải mái cho gia chủ
Dù mang đến khá nhiều ưu điểm cho cuộc sống con người nhưng lối thiết kế nhà tắm theo hướng "mở" cũng xuất hiện khá nhiều những nhược điểm, cụ thể như:
- Ảnh hưởng đến sự riêng tư, kín đáo của con người trong quá trình sử dụng.
- Đòi hỏi nhà tắm phải được đầu tư thiết một cách đẹp mắt, tỉ mỉ để đảm bảo tính thẩm mĩ và sự phù hợp với nội thất chung ngôi nhà.
- Quá trình sử dụng có thể chịu sự ảnh hưởng của thời tiết cũng như sự "xâm lấn" của các loại côn trùng.
Thiết kế nhà tắm "mở" là một ý tưởng không tồi cho những người yêu thích trải nghiệm mới mẻ và độc đáo. Dù vẫn tồn tại một vài nhược điểm, tuy nhiên, đây có thể coi là một lối thiết kế tốt, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của một bộ phận không nhỏ người dùng hiện nay. Vậy bạn còn chần chừ gì mà chưa lên ý tưởng cho một căn phòng tắm "mở" của riêng mình?
Bài viết: Lê Hiếu
Xem thêm:
- 1. "Sạch và mát": 2 yếu tố làm nên căn phòng tắm đẹp và khiến bạn luôn thấy thư giãn
- 2. Nhà thiết kế thời trang ra đề bài để kiến trúc sư thổi hồn vào tổ ấm với gu độc đáo riêng
- 3. Biến căn nhà lỗi thời thành không gian sống đáng mơ ước nhờ ứng dụng giếng trời lưu thông ánh sáng và khí tươi
- 4. Biến phòng ngủ 28m2 thành căn hộ thông tầng, nâng diện tích sử dụng lên 38m2
- 5. Bạn sẽ thấy những thiết kế phòng tắm này ngày càng phổ biến hơn trong năm 2020