Để sở hữu không gian sống xanh không nhất định phải xây mới tổ ấm, chúng ta vẫn có thể cải tạo. Thế nhưng, không phải công trình nào cũng đủ điều kiện để cải tạo và “lột xác”, trở thành công trình xanh mơ ước.
Khi chất lượng môi trường sống không còn đảm bảo, chúng ta đều muốn có một không gian sống tốt đẹp hơn, đảm bảo hơn cho sức khỏe và sinh hoạt gia đình mình và “sống xanh” đang là xu hướng được đông đảo công chúng công nhận. Hãy cùng lắng nghe lời khuyên bổ ích từ các chuyên gia để tìm được phương hướng cải tạo và sở hữu nhà ở xanh cho gia đình mình.
Sở hữu môi trường sống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe là nhu cầu của đông đảo công chúng. (Công trình nhà Bình Dương)
Vấn đề tồn tại của những căn nhà thiếu xanh
Hiện nay vẫn chưa có bảng tiêu chí chính thức để đánh giá công trình nhà ở xanh đạt tiêu chuẩn tại Việt Nam nhưng chắt lọc thông tin từ các hệ thống đánh giá uy tín vẫn có thể cho ra một bảng tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá công trình nhà ở xanh. Có 3 yếu tố mà gia chủ có thể ưu tiên cân nhắc và căn cứ vào thực trạng ngôi nhà để cải tạo khi không thể đáp ứng tất cả các yếu tố khác là:
- Hòa hợp với thiên nhiên, tận dụng hiệu quả nguồn năng lượng tự nhiên.
- Không gian sinh hoạt phân bố hợp lý.
- Vật liệu xây dựng xanh.
Các công trình nhà ở hiện nay thường rất thiếu xanh một phần do quy hoạch nói chung và tâm lý chưa coi trọng việc thêm yếu tố xanh vào nhà ở của các chủ nhà
Nhà chung cư
Quỹ đất đô thị ngày càng hạn hẹp trong khi nhu cầu “an cư” của người dân trong các đô thị lớn không ngừng tăng cao. Nắm bắt tâm lý khách hàng, các dự án chung cư cao tầng mọc lên như nấm sau mưa. Và để phù hợp với mức thu nhập bình quân của xã hội, chủ đầu tư cũng không ngại cung cấp những căn hộ với mức giá “rất phải chăng”.
Tuy nhiên “tiền nào của nấy”, những hàng loạt những vấn đề bất cập kéo theo: hành lang, cầu thang thiếu ánh sáng tự nhiên, trần nhà thấp, khó cải tạo…
Không gian sống ngột ngạt, bí bít bên trong những căn hộ chung cư giá rẻ và tầm trung tại đô thị lớn
Không phải là chủ đầu tư không biết tới lợi ích lâu dài từ công trình xanh đem lại nhưng muốn thu hồi vốn từ những chung cư xanh họ sẽ phải chờ tới 20 năm. Vì lợi nhuận, nhiều nhà đầu tư đã không chọn giải pháp “Xanh”, còn khách hàng cũng buộc phải lựa chọn những căn hộ như thế vì điều kiện kinh tế không cho phép.
Nhà nước đã có quy định chặt chẽ về việc sử dụng gạch không nung cho các công trình từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn. Tuy nhiên những chung cư giá rẻ hay tư nhân dưới chiều cao 9 tầng vẫn “lách luật” để không phải sử dụng vật liệu không nung. Vật liệu nung không chỉ phát thải ra môi trường lượng khí thải lớn mà khả năng cản nhiệt của loại vật liệu này thấp, hấp thu nhiệt cao. Kết cấu nhà không ở hướng thoáng gió, ít cửa sổ lưu thông lại thêm cảnh quan ở những khu chung cư này không có nhiều cây xanh nên vào mùa hè phòng ở thường nóng nực, người dân lại phải tốn một khoản không nhỏ để dùng điều hòa, quạt điện làm mát không gian sống.
Nhà mặt phố
Nhà mặt phố đích thực có lợi cho gia chủ kinh doanh nhưng cũng vì thế mà chất lượng sống của gia chủ không được đảm bảo.
Bụi bẩn dày đặc là tình trạng chung mà các căn nhà phố đang phải đối mặt
Không có những giải pháp che chắn thông minh, các ngôi nhà phố phải chịu lượng khói bụi khổng lồ từ môi trường. Vì sợ bụi bẩn, nhiều nhà quyết định đóng kín cửa sổ, cửa ra vào các tầng trên nhưng lại chưa có giải pháp làm thông thoáng không gian sống hay các vật liệu xây dựng giúp điều hòa không khí nên trong nhà luôn có cảm giác bức bối, chật trội.
Nhà tập thể, nhà trong ngõ
Không phải chịu lượng khói bụi lớn như nhà mặt đường nhưng vì dân cư đông đúc, các căn nhà tập thể hay nhà tầng nhưng trong ngõ phải xây kề sát nhau nên không có cửa sổ hai bên nhà, chỉ có cửa sổ trước và sau mà thôi. Không có quy hoạch xây dựng, không có giải pháp xanh trong xây dựng, nhà trước nhà sau chen nhau cao tầng nên gây ra tình trạng có nhà không được hưởng ánh nắng mặt trời, có nhà lại ngày ngày bị mặt trời soi nóng tạo cảm giác ngột ngạt cho không gian sống.
Để bảo đảm an ninh, người ta dựng song sắt bao quanh ban công, thường gọi là “chuồng cọp”. Cuộc sống bí bách càng thêm tù túng.
Khung nhà chuồng cọp ngột ngạt, tù túng lại rất phổ biến
Khi nào cần cải tạo, khi nào cần xây mới
Theo KTS.Ths Nguyễn Hoàng Mạnh, CEO của MIA Design Studio: “Một trong những tiêu chí xanh là công trình cần phải xem xét đề cập đến vấn đề này ngay từ lúc thiết kế chứ không phải là xây xong rồi mới đưa “xanh” vào”.
Tuy nhiên công trình nhà ở xanh mới được biết tới và quan tâm trong vài năm trở lại đây, những gia chủ đã xây dựng theo phương pháp cũ trước thời điểm đó, giờ muốn không gian sống tốt hơn nhưng không đủ điều kiện để xây mới thì cải tạo cũng là một cách. Việc cải tạo hay xây mới cũng tùy thuộc vào chất lượng hiện tại của công trình. Nếu chất lượng công trình không còn đảm bảo và có đủ điều kiện kinh tế thì gia chủ nên xây mới để gia đình có môi trường sống chất lượng hơn. Còn nếu kết cấu công trình còn tốt, có độ thông thoáng nhất định và chưa có nhu cầu xây mới thì có thể cải tạo.
Tùy thuộc chất lượng kết cấu công trình và điều kiện kinh tế gia chủ sẽ đưa ra quyết định xây mới hay cải tạo nhà ở
Dù nói có thể cải tạo nhà ở thành “có xanh” nhưng tựu chung cũng chỉ cải tạo được một phần chứ không phải xanh toàn bộ vì vật liệu cốt lõi vẫn còn đó, thêm xanh cũng chỉ là giải pháp sắp xếp lại không gian, giúp công trình tận dụng được năng lượng tự nhiên, không gian sống thoải mái và thoáng đãng hơn. Muốn thay đổi toàn bộ vật liệu thành xanh chỉ có xây mới mà thôi.
“Xanh là chất lượng” vẫn nên là yếu tố cốt lõi và được đề cập ngay từ khi bắt đầu dự án xây nhà
Những điểm cần chú ý khi cải tạo thành nhà có xanh
Hoàn thiện giấy tờ cấp phép xây dựng theo quy định.
Dù là nhà đất hay nhà chung cư thì giấy tờ cấp phép cải tạo cũng rất quan trọng.
Đối với nhà đất, căn cứ khoản 2 điều 89 trong luật xây dựng 2014: nếu công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực; công năng sử dụng; ảnh hưởng đến môi trường, an toàn công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc thì không phải xin giấy phép xây dựng.
Còn với nhà chung cư, gia chủ không chỉ xin cấp phép xây dựng mà còn cần giấy phép từ chủ đầu tư và kí cam kết về việc đảm bảo không gây ảnh hưởng tới kết cấu công trình và cuộc sống của cư dân khu chung cư gia chủ đang sinh sống.
Giấy tờ để được phép cải tạo nhà là rất quan trọng và liên quan tới pháp luật
Thổ nhưỡng và đặc điểm khí hậu mỗi địa phương.
Thầy Phạm Đức Nguyên, giảng viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã chia sẻ tại buổi Hội thảo Giải pháp cho công trình xanh ứng với các vùng khí hậu Việt Nam: "Các yếu tố kiến trúc thụ động như hướng công trình, hình khối kiến trúc, tổ chức không gian… phải phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, giảm bức xạ mặt trời cho công trình, hướng tới các giải pháp thông gió và lấy sáng tự nhiên."
Một công trình bất kì nếu muốn cải tạo hiệu quả, gia chủ và KTS phải hiểu và nắm được đặc điểm tự nhiên như hướng nắng, hướng gió… để điều chỉnh kiến trúc căn nhà sao cho phù hợp, đem lại giá trị lâu dài cho người sử dụng.
Giải pháp lấy sáng, lấy gió từ khung cửa chớp; sân thượng xanh và giếng trời thoáng đãng đem tới diện mạo mới cho Vegan House, căn nhà tầng được xây dựng từ hàng chục năm trước
Phá tường để tạo không gian mở, đem ánh sáng cho toàn bộ không gian sống của Capital Garden House
Không gian sống mở rộng, gần gũi với thiên nhiên của 2LA sau khi cải tạo
Gia chủ chủ động bàn bạc cùng KTS về chất liệu và giải pháp cải tạo.
Trong quá trình cải tạo gia chủ phải là người chủ động và quyết định mọi vấn đề vì đây là không gian sống mà gia đình sẽ sử dụng sau khi hoàn thiện. Gia chủ nên chủ động tìm hiểu về các vật liệu xanh, giá cả, chất lượng và các giải pháp cải tạo phù hợp với không gian nhà mình sau đó bàn bạc và trao đổi cụ thể với KTS. Điều này không chỉ giúp KTS hiểu và nắm được nhu cầu khách hàng một cách dễ dàng mà gia chủ cũng hiểu rõ hơn về không gian sống nhà mình, cũng dễ dàng điều chỉnh chi phí xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.
Căn nhà cấp 4 của cặp vợ chồng trẻ cải tạo hiệu quả nhờ sự thấu hiểu của gia chủ và KTS
Bài viết: Thu Thủy