Với những căn bếp lớn, thiết kế bàn đảo bếp ngày càng được ưa chuộng nhờ đem lại nhiều công dụng và là điểm nhấn cho không gian thêm sang trọng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tổng hợp những điều cần biết về bàn đảo bếp và một số xu hướng thiết kế bàn đảo bếp 2024 đẹp và tối ưu công năng.
*Tham khảo Hướng dẫn đăng bài trên website Happynest tại đây để kết nối với cộng đồng Happynest nhé.
1. Bàn đảo bếp là gì?
Đảo bếp còn được biết đến với tên gọi khác là bàn đảo, là một phần nội thất trong căn bếp. Nó thường được đi kèm với tủ bếp nhưng có thể tách rời, không dựa vào tường và thường đặt ở vị trí chính giữa không gian bếp. Bàn đảo bếp có tác dụng giúp người nấu ăn có thể làm việc ở mọi hướng, trong không gian thoải mái và rộng rãi hơn. Đây còn là điểm nhấn quan trọng trong trang trí bếp được nhiều gia đình lựa chọn.
Với thiết kế bàn đảo bếp, không gian nấu nướng như được mở rộng ra mọi hướng
Bàn đảo bếp ngày càng được ưa chuộng trong thiết kế nội thất phòng bếp bởi sự tiện dụng và tính thẩm mỹ của nó. Mỗi bàn đảo bếp đều được thiết kế riêng để phù hợp với thói quen sử dụng của gia chủ. Trong một số thiết kế, chúng được tích hợp thêm bồn rửa để thuận tiện cho việc sơ chế thực phẩm. Đây cũng là nơi lý tưởng để đặt những thực phẩm chưa sử dụng đến trong quá trình nấu nướng. Bên trong đảo bếp còn là nơi cất đồ lý tưởng cho những vật dụng nhà bếp như chén bát, xoong nồi… khi chưa cần sử dụng tới.
2. Ưu - nhược điểm của bàn đảo bếp
2.1. Ưu điểm của bàn đảo bếp
Bàn đảo bếp không chỉ là điểm nhấn, thiết bị trang trí trong phòng bếp mà nó còn có rất nhiều ưu điểm, công dụng tuyệt vời sau đây:
- Bàn đảo bếp tạo ra một không gian rộng rãi, thoải mái cho người làm bếp trong quá trình nấu nướng và trang trí thức ăn. Với bàn đảo bếp, bạn có thể đứng bếp ở 4 hướng khác nhau, tạo sự linh hoạt khi di chuyển, nấu nướng giữa các khu vực. Trên bàn đảo bếp, bạn cũng có thể lắp thêm chậu rửa với kích thước vừa phải để thuận tiện cho việc rửa rau củ quả.
Bàn đảo bếp tạo sự linh hoạt khi di chuyển, nấu nướng giữa các khu vực
- Bàn đảo bếp tạo thêm không gian lưu trữ đồ đạc trong bếp nếu như tủ bếp của bạn nhỏ và không đủ diện tích. Bàn đảo bếp với nhiều ngăn kéo, hộc tủ có kích thước lớn nhỏ xen kẽ và có diện tích bề mặt rộng rãi sẽ giúp bạn nới rộng thêm không gian lưu trữ và nấu nướng hiện tại.
- Ngoài ra, bàn đảo bếp còn có thể sử dụng như một quầy bar mini, một bàn ăn nơi cả gia đình có thể dùng bữa sáng nhanh gọn hoặc nơi bày món ăn trong các buổi tiệc đứng tại gia. Đặc biệt, một số bà nội trợ còn tận dụng bàn đảo bếp làm nơi học tập cho con khi đang bận nấu nướng.
- Ở những căn hộ chung cư, nơi phòng bếp và phòng khách thường chung nhau, bàn đảo bếp còn có thể được dùng như một vách ngăn, phân tách không gian riêng biệt, giúp những người nội trợ nấu ăn thuận tiện.
Thiết kế bàn đảo bếp giống như một “vách ngăn” giúp phân tách không gian chung và khu vực nấu nướng. Ảnh: Apartment in Vila Clementino)
2.2. Nhược điểm của bàn đảo bếp
Bên cạnh những công dụng và ưu điểm tuyệt vời trên, bàn đảo bếp cũng có một vài nhược điểm nhất định:
- Với những gia đình có diện tích nhỏ, không gian bếp quá chật hẹp thì thiết kế bàn đảo bếp là không phù hợp. Chúng sẽ làm cho không gian bếp thêm bí bách, khó chịu.
- Thiết kế bàn đảo bếp sẽ tốn thêm một khoản chi phí không nhỏ. Tùy từng loại vật liệu mà mỗi bàn đảo bếp sẽ có giá khác nhau. Song nhìn chung, mức chi phí tối thiểu để có một chiếc bàn đảo bếp rơi vào khoảng 4-5 triệu đồng. Đây là một khoản ngân sách mà bạn cần cân nhắc trước khi quyết định thiết kế bàn đảo bếp.
Bàn đảo bếp làm tăng thêm không gian cần lau dọn và không phù hợp với những căn nhà có diện tích bếp nhỏ
- Bàn đảo bếp làm bạn phải dọn dẹp gian bếp nhiều hơn. Có thêm không gian nấu nướng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải lau dọn nhiều hơn trước. Đặc biệt nếu bạn bố trí bếp ở trên bàn đảo bếp thì bạn phải cực kỳ cân nhắc vì đảo bếp thường được kê ở giữa gian bếp nhà bạn. Điều này đồng nghĩa với việc đồ ăn, dầu mỡ dễ bắn lung tung, rơi rớt ra sàn bếp xung quanh nhiều hơn.
>>> Xem thêm: Có nên đặt bếp nấu ở đảo bếp không?
3. Những lưu ý khi thiết kế đảo bếp
3.1. Lưu ý về kích thước bàn đảo bếp
Kích thước ảnh hưởng quan trọng đến thẩm mỹ và công năng của bàn đảo bếp. Một bàn đảo bếp quá lớn sẽ lấn át toàn bộ hệ tủ bếp, kìm hãm luồng di chuyển, hạn chế quy trình nấu nướng và dọn dẹp. Theo đó, chức năng của nhà bếp sẽ bị giảm đi. Ngược lại, một bàn đảo bếp quá nhỏ lại giới hạn nhiều công năng, như khả năng mở rộng quầy bếp, không gian lưu trữ, chỗ lắp đặt thiết bị và ghế ngồi.
Vậy nên, khi thiết kế bàn đảo bếp, nên tính toán khoảng cách giữa đảo bếp với không gian xung quanh khoảng 120cm để đảm bảo đủ chỗ mở thiết bị và di chuyển thoải mái trong bếp.
Nếu bếp nhỏ, đảo bếp phải có chiều dài dưới 60-90cm. Ngoài ra, bếp cần thiết kế theo kiểu mở, vì vậy, một đảo bếp lý tưởng nên rộng tối thiểu 90cm và dài ít nhất 120cm để chứa cả tủ đôi hoặc quầy bar nhô ra. Như vậy, một nhà bếp đủ rộng để chứa bàn đảo bếp nên có chiều dài ít nhất 4m.
Bàn đảo bếp cần có chiều cao tương tự mặt bếp chính và nên có kích thước vừa vặn với không gian. Ảnh: The Cube House
Chiều cao của bàn đảo bếp thường khoảng 90-110cm. Đảo bếp cao 110cm thường có 2 tầng để bố trí không gian cho chỗ ngồi và quầy bếp riêng biệt. Các đảo bếp từ 2 tầng trở lên cho phép bạn có nhiều ý tưởng thiết kế sáng tạo hơn, nhưng các đảo bếp có chiều cao tiêu chuẩn sẽ đơn giản hơn và đồng nhất với không gian bếp hơn.
3.2. Lưu ý về bố trí vị trí bàn đảo bếp và phân luồng không gian
Lưu ý này liên quan chặt chẽ đến quy trình làm việc trong nhà bếp. Khi thiết kế bàn đảo bếp, gia chủ cần xem xét các luồng chuyển động cùng thói quen sử dụng các thiết bị trong bếp, rằng vị trí bàn đảo bếp có cản trở việc đi lại hay đóng mở các cửa tủ, thiết bị hay không.
Ví dụ, bồn rửa nên được đặt gần máy rửa bát, thùng rác cũng nên được đặt gần khu vực này. Tương tự, không gian gần bồn rửa hoặc bếp cũng nên được nới rộng để thao tác sơ chế tiện lợi hơn. Trong khi đó, quầy ăn sáng không nên lắp gần bếp nấu nhằm tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa người ngồi với khói và hơi nóng bếp tỏa ra khi nấu nướng.
Việc sắp xếp vị trí bàn đảo bếp và các vật dụng, thiết bị trong bếp cần được tính toán kỹ càng để tối ưu công năng sử dụng
Mỗi không gian làm việc, tức là mặt bếp, bồn rửa, tủ lạnh hoặc lò nướng nên cách nhau từ 120cm đến 270cm để tránh không làm quá tải bàn đảo bếp với các thiết bị. Nhờ đó mà người dùng có thể làm việc thoải mái và hiệu quả nhất trong không gian bếp và tránh bị chạm khuỷu tay vào nhau trong khi ăn.
3.3. Lưu ý về các thiết bị lắp đặt trên bàn đảo bếp
Tùy vào kích thước của phòng bếp và các nhu cầu của gia đình, bàn đảo bếp có thể lắp đặt nhiều thiết bị khác nhau, bao gồm bồn rửa, lò vi sóng, máy rửa bát, hoặc thậm chí cả bếp nấu.
Với những gia chủ ưa chuộng phong cách đơn giản, phương án thiết kế tốt nhất là đặt các ngăn kéo và tủ trên đảo bếp cùng với quầy bar để ăn sáng hoặc đặt thêm ghế ngồi. Với những gia chủ đam mê nấu ăn, muốn có một khu bếp mở rộng hoặc bếp nấu và bồn rửa phụ, việc bổ sung các thiết bị nói trên cần được cân nhắc và tính toán cẩn thận.
Bếp nấu cũng có thể được đặt ngay trên bàn đảo bếp
3.4. Lưu ý về khả năng lưu trữ của bàn đảo bếp
Khả năng lưu trữ của đảo bếp cũng cần phải cân nhắc sao cho đạt được sự cân bằng giữa không gian tổng thể và tối đa hóa sự tiện nghi cho căn bếp. Nếu nhà bếp đã có nhiều tủ và ngăn kéo ở nơi khác thì các gia chủ có thể cân nhắc, ưu tiên bổ sung các thiết bị hoặc mở rộng khu vực quầy bar.
Còn nếu khả năng lưu trữ là mối quan tâm hàng đầu, gia chủ cần phải chấp nhận việc thay đổi thiết kế bàn đảo bếp sao cho tối đa thêm được không gian lưu trữ thay vì lắp thêm các thiết bị.
>>> Xem thêm: 25 mẫu đảo bếp tạo nên những không gian bếp 'trong mơ' của mọi gia chủ
Với gia chủ ưu tiên khả năng lưu trữ, bàn đảo bếp thường được thiết kế nhiều ngăn và hạn chế đặt thiết bị trên mặt bàn. Ảnh: Căn hộ 86m2 của gia đình 4 người
3.5. Lưu ý về các thiết bị chiếu sáng cho bàn đảo bếp
Cuối cùng, ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tính thẩm mỹ cho khu vực bàn đảo bếp cũng như tổng thể không gian. Bên cạnh đó, đối với những đảo bếp có quầy ăn sáng và bếp nấu ăn, ánh sáng đầy đủ là điều cần thiết để người sử dụng có thể nhìn thấy thức ăn cả khi đang chế biến và khi thưởng thức.
Tại khu vực này, gia chủ có thể kết hợp hệ thống chiếu sáng trần cùng đèn chân bếp. Riêng với quầy ăn, bạn có thể lắp thêm đèn chùm hoặc đèn thả trần để tăng hiệu quả chiếu sáng.
Khu vực bàn đảo bếp thường có thiết kế đèn thả để ánh sáng trực tiếp chiếu xuống
4. Xu hướng thiết kế bàn đảo bếp 2024
Dưới đây là một số xu hướng thiết kế bàn đảo bếp 2024, sẽ là những gợi ý hữu ích để bạn tham khảo và ứng dụng cho gian bếp nhà mình:
Thiết kế bàn đảo bếp bằng gỗ
Bàn đảo bếp gỗ sáng là xu hướng kết hợp hài hòa với tủ bếp màu trắng hoặc màu be, tạo ra sự tương phản tuyệt đẹp ngay giữa nhà bếp. Đó là một bản nâng cấp cho màu gỗ trầm theo phong cách những năm 80 - 90 và vẫn còn mãi với thời gian cho đến ngày nay. Thiết kế bàn đảo bếp này phù hợp cả với nhà bếp kiểu nông thôn truyền thống lẫn căn bếp theo phong cách hiện đại.
Đảo bếp bằng gỗ sáng màu trong không gian căn hộ hiện đại
Thiết kế bàn đảo bếp với mặt đá thạch anh
Xu hướng thiết kế bàn đảo bếp bằng đá thạch anh đang trở thành một điểm nhấn nổi bật trong ngành thiết kế nội thất hiện đại. Đá thạch anh, với vẻ đẹp tự nhiên và tính ổn định cao, không chỉ mang lại sự sang trọng mà còn tạo ra một không gian bếp sạch sẽ và hiện đại.
Một trong những ưu điểm lớn của việc sử dụng đá thạch anh trong thiết kế bàn đảo bếp là tính đa dạng về màu sắc và hoa văn. Từ màu trắng tinh khôi đến những gam màu đậm mạnh, từ các hoa văn đơn giản đến những mẫu hoa văn phức tạp, đều có sẵn để lựa chọn, tạo ra sự linh hoạt cho việc thiết kế.
Đá thạch anh đa dạng màu sắc và hoa văn
Ngoài ra, đá thạch anh cũng có khả năng chống chịu cao đối với nhiệt độ, va đập và axit, làm cho nó trở thành vật liệu lý tưởng cho không gian bếp sử dụng hàng ngày. Sự kết hợp giữa đá thạch anh và các vật liệu khác như gỗ, kim loại cũng tạo ra những mẫu thiết kế độc đáo và ấn tượng. Nhờ những ưu điểm này, xu hướng thiết kế bàn đảo bếp bằng đá thạch anh đang được nhiều gia đình và các nhà thiết kế ưa chuộng và lựa chọn.
Thiết kế bàn đảo bếp với gam màu đậm
Bàn đảo bếp có màu đậm sẽ là lựa chọn an toàn và cổ điển, tạo ra không gian không quá choáng ngợp bằng cách sử dụng bộ tủ bếp màu trắng, đơn giản. Để giữ cho đảo bếp màu đậm của bạn được bền lâu, hãy chọn một màu phù hợp với càng nhiều phong cách trang trí càng tốt - ví dụ những màu trung tính như xanh lam và xanh lá đậm.
Bàn đảo bếp màu đậm, tối màu dễ dàng phù hợp với mọi không gian
Thiết kế bàn đảo bếp tích hợp bồn rửa
Đây là xu thế hướng đến sự tiện dụng đang được ưa chuộng. Bạn có thể bố trí trên bàn đảo bếp bồn rửa chính hoặc thậm chí cả một bồn nhỏ hơn để rửa tay. Đảo bếp sẽ trông thật đặc biệt với bồn rửa kiểu trang trại hiện đại. Vòi nước mạ màu vàng hay màu đen cũng trở thành một tâm điểm hấp dẫn khi bạn có một đảo bếp với bồn rửa.
Ngày nay, các gia đình có bàn đảo trong căn bếp thường ưa chuộng kiểu tích hợp bồn rửa vì sự tiện dụng. Ảnh: Ngôi nhà nhỏ
Thiết kế bàn đảo bếp rỗng bên dưới
Nếu lưu trữ không phải là một vấn đề trong nhà bếp, bạn có thể bố trí một bàn đảo bếp mở hoàn toàn bên dưới chỉ với kệ mở, tạo nhiều không gian hơn để trang trí - nơi để bày biện những chiếc bát xinh xắn và những cuốn sách dạy nấu ăn đẹp mắt.
Bàn đảo bếp với không gian lưu trữ mở bên dưới
Thiết kế bàn đảo bếp tròn hoặc có đường cong
Nếu bạn muốn tạo ra một điểm nhấn thú vị cho căn bếp nhà mình thì bàn đảo bếp tròn là một lựa chọn sáng suốt. Bàn đảo bếp tròn đủ không gian để chuẩn bị một bữa tiệc và tổ chức các buổi họp mặt lớn và đặc biệt giúp tăng tính thẩm mỹ cho toàn bộ không gian.
Đảo bếp tròn trở thành là tâm điểm và tạo được sự chú ý cho cả căn bếp
Thiết kế bàn đảo bếp hình chữ L
Nếu gia chủ đam mê nấu nướng thì bàn đảo bếp hình chữ L là sự lựa chọn phù hợp. Với nhiều không gian mặt bàn, bạn có thể dễ dàng chuẩn bị một bữa tiệc ngon cho gia đình và bạn bè. Ngoài ra, hình dạng chữ L cho phép nhiều người có thể tham gia vào quá trình nấu ăn, để họ dễ dàng thực hiện được công việc của mình cùng một lúc.
Đảo bếp hình L giúp hoàn thiện căn bếp cả kiểu dáng lẫn chức năng
Thiết kế bàn đảo bếp tích hợp bàn ăn
Nếu sở hữu không gian bếp lớn, hãy thử kết hợp đảo bếp và bàn ăn. Với thiết kế này, hoạt động ăn uống của gia đình được gói gọn trong không gian bếp. Nhờ đó các thành viên vừa tận hưởng được không khí ấm cúng, vừa tiện để làm nóng đồ ăn, vừa tránh rơi rớt, đổ vỡ khi phải mang đồ ăn qua những khu vực khác trong nhà.
>>> Xem thêm: 30 ý tưởng thiết kế đảo bếp kết hợp làm bàn ăn vừa sang, vừa gọn gàng
Bàn ăn được nối liền với bàn đảo bếp, tạo ra không gian thư giãn, ăn uống ngay tại bếp cho gia đình
Trên đây là những thông tin cơ bản về bàn đảo bếp, những lưu ý khi thiết kế bàn đảo bếp và gợi ý một số xu hướng thiết kế bàn đảo bếp 2024. Mong rằng qua bài viết này, các gia chủ sẽ có thêm ý tưởng hữu ích để thiết kế được căn bếp ưng ý cho ngôi nhà của mình.
*Để lại thông tin trong box dưới đây nếu bạn có nhu cầu tìm kiếm đơn vị thiết kế - thi công nhà ở nhé.