Cải tạo là biện pháp phù hợp để nâng cấp không gian sống khi gia chủ chưa có đủ kinh phí để xây nhà mới. Tuy nhiên, để căn nhà được cải tạo đúng mục đích mà không phát sinh những khoản chi vượt quá hạn mức dự trù, các gia chủ Việt nên tham khảo trước những khoản nên và không nên cắt giảm khi cải tạo nhà theo kinh nghiệm từ KTS và gia chủ Việt sau đây.
Tham gia ngay Group Happynest Săn Ưu Đãi để được nhận chính sách mua hàng với giá tốt nhất nhé. Mọi thắc mắc về sản phẩm và cách đặt hàng, vui lòng liên hệ fanpage Happynest Shop / hotline 093 468 06 36 để được hỗ trợ kịp thời. |
Chia sẻ với Happynest, anh Nhật Minh (N&M House) cho biết chi phí cắt giảm trong cải tạo nhà sẽ phụ thuộc vào kinh phí và mục đích sử dụng ngôi nhà sau cải tạo của gia chủ. Gia chủ cải tạo nhà để ở hay để cho thuê, kinh doanh dịch vụ? Những thông tin dưới đây được trích dẫn theo ý kiến cá nhân của anh Nhật Minh qua những kinh nghiệm thực tế sau khi đã cải tạo nhà.
“Nếu để ở, mình sẽ có thể giảm bớt một số chi phí về nội thất theo nhu cầu sử dụng ưu tiên của gia chủ; còn để kinh doanh dịch vụ thì khó có thể cắt giảm các chi phí khi cải tạo vì mình phải cải tạo theo nhu cầu cần thiết nhất và phải đặt tâm lý của khách hàng vào căn hộ nên rất khó cắt giảm các chi phí…
Nếu vì lý do kinh phí đầu tư, có thể giảm chi phí thiết kế nếu gia chủ có mắt thẩm mỹ, thay vào đó, gia chủ có thể tham khảo một số kênh nhà đẹp như Happynest để có thể tự decor cho căn nhà cũng như căn phòng của mình. Bên cạnh đó, nên hạn chế bớt một số vật dụng trang trí không cần thiết hoặc có thể đầu tư trang trí bằng những vật tư rẻ mà đẹp và chất lượng. Ví dụ như sàn có thể làm sàn nhựa giả gỗ đẹp tinh tế và bền không thấm nước, chống cháy, giá cả rất bình dân. Sàn cũng là 1 trong những yếu tố quan trọng quyết định giá trị của căn phòng.
Những khoản không nên cắt bỏ là phải đầu tư mạnh và chi tiết vào nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh không được làm qua loa đại khái, phải thật sạch sẽ, và thoáng khí đặc biệt là phải riêng biệt. Kế đến là giường ngủ chăn ga gối đệm phải trang bị đồ mới 100% sạch sẽ thơm tho gọn gàng ngăn nắp…
Đặc biệt, cần lưu ý và không nên cắt giảm chi phí nếu cần cải tạo hệ thống điện và nước. Đa số nhà cải tạo là nhà cũ, vì vậy phải kiểm tra kết cấu nhà trước khi cải tạo, chống thấm và xem xét nền móng có đảm bảo hay không, không nên tiết kiệm chi phí trong các hạng mục này. Sau khi nhà đã hoàn thiện xong, phần còn lại nên cắt giảm là hạn chế thuê nhân công vận chuyển, dọn dẹp và sắp xếp đồ nội thất theo thiết kế ban đầu, phần này chúng ta có thể tự làm để hạn chế bớt một số chi phí”.
>>> Xem thêm: Chi 4,6 tỷ mua và cải tạo nhà 50m2, gia chủ 32 tuổi chia sẻ 5 lưu ý không thể bỏ qua khi sửa nhà
Căn nhà cải tạo của anh Nhật Minh (Ảnh: Nhà 17m2)
Bàn về vấn đề này, KTS Đào Xuân Quang cho biết hiện nay, việc lên kế hoạch cải tạo nhà ở vẫn khiến nhiều khách hàng lăn tăn, do dự bởi còn liên quan trực tiếp đến phong thủy, nội thất, ngoại thất,… của căn nhà. Quan trọng nhất là kinh phí đầu tư, các khoản nên và không nên cắt giảm khi cải tạo nhà luôn khiến các gia chủ đau đầu và khó đưa ra quyết định chính xác.
Để cung cấp các thông tin cơ bản và giảm bớt gánh nặng cho gia chủ, KTS Đào Xuân Quang liệt kê khái quát các hạng mục nên và không nên cắt giảm khi cải tạo nhà như sau:
“Nên cắt giảm:
- Hạn chế các vật dụng nội thất mới, tận dụng các vật dụng nội thất cũ, lưu ý kiểm tra tình trạng vật dụng (mối, mọt,…) trước khi đưa vào sử dụng lại.
- Hạn chế các thiết kế nội thất treo, với kích thước lớn làm ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của tường.
- Hạn chế phá bỏ tường, ngoại trừ trường hợp bắt buộc phải tháo dỡ để việc cải tạo có hiệu quả.
- Lựa chọn vật liệu phù hợp với nhu cầu và hiện trạng công trình.
Không nên cắt giảm:
- Lựa chọn đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công đảm bảo năng lực chuyên môn, tránh phát sinh trong quá trình thi công.
- Đầu tư hạng mục chống thấm, xử lý chống thấm tại các vị trí wc, ban công,… (nếu có trong thiết kế cải tạo mới), ngay cả khi không có trong cải tạo mới vẫn nên kiểm tra lại các vị trí cũ.
- Sơn tường nội - ngoại thất, trước khi sơn cần phải đảm bảo tường cũ được xử lý cẩn thận, xử lý các vết nứt, thấm,… Khi sơn phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật sơn của hãng.
- Xây trát và ốp lát tại các vị trí mới, xử lý bề mặt trước khi ốp lát, sử dụng keo dán gạch tùy vào từng khu vực.
- Kiểm tra hệ thống điện nước hiện hữu. Nếu phát hiện hệ thống điện nước của ngôi nhà đã quá cũ và có vấn đề nên sửa chữa hoặc thay mới.
- Kiểm tra hệ thống trần thạch cao hiện hữu, hệ khung và trần có thể xuống cấp nhưng bên ngoài không phát hiện. Tiến hành thay mới trần khi thấy có vấn đề.
- Việc cải tạo, cơi nới các không gian bên trong cần lựa chọn giải pháp phù hợp, chấp nhận đầu tư các giải pháp kết cấu mới tránh ảnh hưởng đến hệ kết cấu cũ.
- Trong quá trình thi công, phải che chắn xung quanh nhà để hạn chế bụi bẩn gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, đảm bảo an toàn khi thi công, vấn đề này tùy vào đơn vị thi công nhưng tốt nhất bàn bạc cụ thể, triển khai thực hiện khả thi.”
Công trình Huong’s House của KTS Đào Xuân Quang (Ảnh: Nhà cấp 4 ở quê)
>>> Xem thêm: 6 cách giúp bạn tiết kiệm chi phí khi cải tạo nhà
Cặp đôi nhà thiết kế Trung Trương - Hoàng Trầm cũng đưa ra quan điểm về những khoản không nên cắt giảm khi cải tạo nhà như sau:
- Không nên cắt phí thiết kế.
- Không nên tự làm nhà.
- Phần thi công thô không nên cắt giảm. Bởi nếu là thợ tốt có chuyên môn, tay nghề và trình độ thi công sẽ cao hơn.
- Không nên cắt giảm xi măng - cốt thép.
- Những khoản thi công điện nước không nên cắt giảm chi phí.
- Nếu không đủ chi phí, chỉ nên làm phần công năng và có thể cắt giảm chi phí trang trí.
- Nếu thích màu sàn gỗ nhưng không đủ chi phí thì có thể cắt giảm làm sàn nhựa dán, hoặc gạch giả gỗ.
- Tay vịn cầu thang có thể làm sắt tay gỗ, sẽ rẻ hơn làm kính tay gỗ…
Căn hộ rộng 80m2 của cặp đôi nhà thiết kế Trung Trương - Hoàng Trầm (Ảnh: Căn hộ 80m2)
>>> Xem thêm: Tổng hợp những ngôi nhà thay đổi 'một trời một vực' sau cải tạo
Trên đây là quan điểm của 3 gia chủ Việt, KTS khi bàn luận về vấn đề những khoản nên và không nên cắt giảm khi cải tạo nhà. Mong rằng những thông tin trên sẽ hữu ích và giúp các gia chủ đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất cho tổ ấm.
*Bài viết được biên soạn bởi đội ngũ Happynest. Xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.