Không gian sống lý tưởng không chỉ đáp ứng về mặt thẩm mỹ mà còn cần đảm bảo sự thoải mái, tiện nghi trong quá trình sinh hoạt hàng ngày. Nhiều gia chủ vì quá để ý đến vẻ đẹp mà vô tình bỏ qua những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhưng lại trở thành phiền toái khi sử dụng thường xuyên. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 6 sai lầm thường gặp khi thiết kế nội thất của các gia chủ.
1. Chọn mua đồ dùng gia dụng mà không đo trước kích thước
Một vài người sẽ quên mất bước đo đạc vị trí đặt đồ trước khi mua, một vài người nhớ nhưng lại sử dụng thước đo là... mắt thường để áng chừng kích thước. Cả 2 trường hợp đều là nguyên nhân dẫn đến việc đồ nội thất không vừa vặn với không gian nhà, mất thời gian đổi trả hàng hoặc phải thay đổi vị trí nội thất so với thiết kế ban đầu. Thậm chí nhiều người đã có kích thước nhưng khi đến cửa hàng thấy sản phẩm có mẫu khác đẹp hơn, giá ưu đãi hơn lại thay đổi lựa chọn và nghĩ rằng “mua về rồi đặt ra chỗ kia cũng được, chắc sẽ vừa thôi”.
Việc đo đạc trước khi mua đồ dùng rất quan trọng
Trên thực tế, sẽ có những tình huống phát sinh khiến gia chủ phải “lưỡng lự” rất lâu khi mua đồ nội thất. Cách xử lý tối ưu nhất là: gia chủ nên chuẩn bị thêm một vài “vị trí dự phòng”, những vị trí còn trống và phù hợp để ứng dụng nội thất, tránh trường hợp phải đổi trả. Nếu đã chắc chắn về vị trí để đồ, gia chủ nên đo đạc kích thước sản phẩm cẩn thận. Ngoài ra, nên chú ý thêm đến cách mở các thiết bị như lò vi sóng, tủ đồ trong phòng bếp để đảm bảo việc sử dụng thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
2. Phòng chỉ có một nguồn sáng
Ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng đối với không gian nhà ở, đặc biệt là với những nhà có diện tích hạn chế. Tuy nhiên, một lỗi cơ bản về chiếu sáng mà rất nhiều nhà ở Việt đang gặp phải đó là chỉ sử dụng 1 nguồn chiếu sáng duy nhất.
Theo nghiên cứu, ánh sáng tự nhiên và ánh sáng phát ra từ nhiều phía khác nhau sẽ giúp căn phòng thoáng rộng hơn. Bên cạnh đó, màu sắc của nguồn sáng cũng ảnh hưởng đến cảm giác cho các thành viên khi sinh hoạt. Đèn trắng dịu nhẹ phù hợp với những không gian nhỏ, những không gian sinh hoạt đòi hỏi sự sáng thoáng. Còn ánh vàng ấm sẽ mang đến cảm giác gần gũi, thân mật cho phòng ăn và phòng ngủ.
Sử dụng nhiều nguồn chiếu sáng giúp tăng cảm giác rộng rãi cho căn phòng, đồng thời giúp ích cho sức khỏe thị giác của gia chủ
3. Chiều cao, độ dài rộng của nội thất phòng bếp không hợp lý
Chiều cao, độ dài rộng của bề mặt bếp hay tủ bếp nếu không tính toán cẩn thận ngay từ đầu, rất có thể sẽ phát sinh những tình huống trớ trêu. Chẳng hạn như:
Tầm nhìn của gia chủ vừa bị hạn chế, vừa dễ bị cộc đầu vào tủ, gây khó chịu do phần tủ bếp phía trên quá lớn
Chiều cao của bếp không phù hợp với chiều cao của gia chủ nên dẫn đến tình trạng mỏi vai, đau lưng, đau cổ khi nấu nướng
Để không gặp phải các tình huống trên, các gia đình nên bàn bạc chi tiết với kiến trúc sư (nếu gia chủ thuê thiết kế) hoặc tự bản thân dự tính những trường hợp sử dụng để lựa chọn nội thất phù hợp và thoải mái khi dùng.
4. Các đồ dùng không có vị trí cố định
Việc không cố định vị trí cho các đồ dùng sẽ làm không gian trở nên lộn xộn, khó kiểm soát, đặc biệt là phòng bếp. Việc sắp xếp những đồ hay dùng cạnh nhau và nhóm chúng thành từng nhóm theo mục đích, chẳng hạn như đồ dọn rửa, đồ nấu nướng,.. Sẽ giúp ích rất nhiều khi nấu nướng, nhất là khi khối lượng công việc dồn dập.
Thay vì để mỗi thứ một nơi thì sắp xếp, phân chia nhóm đồ dùng giúp bề mặt bếp trở nên khoa học hơn, tiện dụng hơn
5. Không tận dụng tối đa chiều dọc của bức tường
Với những ngôi nhà sở hữu phòng bếp diện tích nhỏ thì việc tận dụng tối đa chiều dọc của bức tường là một phương án phù hợp để tăng sức chứa của các kệ tủ.
Việc tận dụng diện tích trống phía trên giúp gia chủ thêm không gian lưu trữ đồ dùng một cách gọn gàng
6. Không lập kế hoạch rõ ràng khi thiết kế, gây lãng phí chi phí và mất tính thẩm mỹ
Trong cùng 1 không gian nhỏ nhưng lắp 2 giá treo gây dư thừa
Việc lặp chi tiết trong cùng một không gian thường xảy ra khi gia chủ xây sửa bổ sung từ thiết kế cũ. Chẳng hạn, ban đầu gia chủ chưa có ý định lắp đặt phòng tắm kính để phân chia không gian, nhưng sau một thời gian sử dụng, thấy phòng tắm kính là cần thiết nên đã lắp đặt bổ sung. Khi ấy, dù đã có giá treo khăn nhưng gia chủ vẫn phải thiết kế thêm một cái tại cửa phòng tắm kính để tiện cho việc sử dụng hiện tại. Bởi vậy, mới dẫn đến tình trạng lắp thì thừa, không lắp thì thiếu.
Để tránh gặp phải tình trạng này, các gia chủ cùng KTS nên cố gắng thiết kế tối ưu nhất không gian sống ngay từ ban đầu để tránh phải sửa chữa, lắp đặt phức tạp trong quá trình sử dụng, làm mất đi tính đồng bộ và thẩm mỹ cho ngôi nhà.
Trên đây là 6 sai lầm các gia chủ dễ gặp phải khi thiết kế nội thất. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích được cho các gia chủ đang chuẩn bị xây sửa không gian sống của mình.
Bài viết: Trần Linh
Xem thêm:
- 1. 8 lỗi thường gặp ở thiết bị điện lạnh gia dụng và cách xử lý
- 2. Nhờ người quen làm nhà: Người thì vui, người thì khóc. Tại sao lại như thế?
- 3. Làm gì để trần nhà không bị dột thấm? Nguyên nhân và cách khắc phục khi trần nhà dột thấm
- 4. Xây cột giữa nhà: Có phạm phong thủy không và nên xử lý như thế nào?
- 5. 4 sai lầm rất dễ mắc phải khi cải tạo nhà, gia chủ Việt cần lưu ý kẻo tiền mất tật mang