Lựa chọn vật liệu lợp mái nhà phù hợp không chỉ góp phần đảm bảo tính an toàn, thẩm mỹ cho công trình mà còn tiết kiệm chi phí bảo trì, sửa chữa về lâu dài. Vậy, nên chọn vật liệu lợp mái nhà nào? Cùng theo dõi bài viết ngay sau đây để biết 8 vật liệu lợp mái nhà phổ biến năm 2023 nhé.
Trải nghiệm bài viết và hình ảnh mượt mà hơn với ứng dụng Happynest tại đây. |
-
1. Mái ngói
Ngói là loại vật liệu lợp mái nhà được sử dụng lâu đời. Hiện nay, mái ngói chia thành nhiều loại như ngói đất nung, ngói bê tông, ngói xi măng, ngói composite, ngói ceramic… Trong đó, ngói đất nung được ưa chuộng hơn hẳn. Loại ngói này được làm từ đất sét, kết cấu đặc, khối lượng khá nặng. Do đó, nếu nhà bạn muốn lợp mái ngói thì hệ thống xà gồ, cột kèo phải đảm bảo điều kiện chịu lực.
Ưu điểm của mái ngói là rất phù hợp với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam. Đất sét sau khi nung ở nhiệt độ cao trở nên cứng cáp, không thấm nước. Ngoài ra, không gian bên dưới luôn mát mẻ nhờ không khí dễ dàng lưu thông qua khe hở của các đường ượn sóng.
Ngói đất nung là vật liệu lợp mái nhà tương đối nặng nên sẽ không phù hợp với những cấu trúc mái có độ dốc thấp (Ảnh minh họa: Diên Khánh House)
>>> Xem thêm: 30+ thiết kế mái ngói được các gia chủ ứng dụng từ nhà ở quê đến nhà trên phố (P2)
-
2. Mái tôn
Tôn là loại vật liệu lợp mái nhà có độ bền cao, trọng lượng nhẹ và dễ dàng thi công so với những loại vật liệu khác. Khi di chuyển lên cao hay đi quãng đường xa, bạn cũng không cần quá lo lắng về tình trạng bể vỡ, hư hại. Chi phí phù hợp, tuổi thọ lâu bền cũng là hai ưu điểm khác giúp mái tôn được nhiều gia đình ưu ái.
Bạn có thể sử dụng tôn lõi xốp để hạn chế nắng nóng cho không gian trong nhà (Ảnh minh họa: Nhà Hai Mái Tôn)
-
3. Mái kính
Với ưu điểm lấy sáng và giúp mở rộng không gian, kính là loại vật liệu lợp mái nhà thường được ứng dụng cho mái giếng trời, mái tum, mái sảnh. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt mái kính khá tốn kém và nếu không tính toán kỹ lưỡng, không gian bên dưới sẽ thừa nhiệt, thừa sáng, ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi, thư giãn của cả nhà.
Mái kính thường được sử dụng để làm vật liệu lợp mái nhà, nhưng cần tính toán vị trí lắp đặt mái kính hợp lý để thuận tiện cho sinh hoạt gia đình (Ảnh minh họa: The Signal House)
>>> Xem thêm: 25 ý tưởng thiết kế mái kính lối đi cho nhà phố, không cần sân vườn vẫn thấy gần thiên nhiên
-
4. Mái bê tông cốt thép
Mái bê tông cốt thép thường được ứng dụng ở những công trình quy mô lớn như biệt phủ, biệt thự, bệnh viện, tòa nhà cao tầng. Nhờ khả năng chống cháy, tạo khuôn tốt và tính ổn định cao mà vật liệu lớp mái nhà này rất chắc chắn. Tuy nhiên, quá trình thi công mái bê tông cốt thép dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Mái cũng có thể bị nứt vỡ trong quá trình sử dụng và việc bảo dưỡng, sửa chữa sau này rất khó khăn.
Mái bê tông cốt thép thường được kết hợp với các loại mái ngói, tấm lợp, mái nhựa... để tăng độ thẩm mỹ (Ảnh minh họa: Ground House)
-
5. Mái nhựa trong suốt
Mái nhựa là vật liệu lợp mái nhà có nhiều ưu điểm vượt trội: cách điện, cách nhiệt, cách âm hiệu quả, lấy sáng tốt và đa dạng màu sắc. Mái nhựa còn có trọng lượng nhẹ thuận tiện cho việc di chuyển, thi công và chi phí lắp đặt rẻ hơn mái kính. Tuy nhiên, độ bền của mái nhựa chỉ ở mức trung bình nên thường được sử dụng cho hạng mục mái che giếng trời.
Mái nhựa là vật liệu lợp mái giếng trời phù hợp cho những ai muốn tiết kiệm chi phí mà vẫn tận dụng tốt nguồn sáng tự nhiên (Ảnh minh họa: House in Sonobe)
-
6. Mái ngói xi măng
Ngói xi măng cũng có dạng tấm phẳng, dạng hình chữ S giống ngói đất nung. Nhưng loại ngói này không làm từ đất sét truyền thống mà làm từ hỗn hợp xi măng, cát và một số nguyên liệu, phụ gia khác. Sau khi các loại nguyên liệu trộn theo tỷ lệ sẽ được dập khuôn kim loại qua máy nén khí. Cuối cùng chờ một thời gian bảo dưỡng mới tạo thành hình dáng ổn định và chắc chắn.
Ngói xi măng là loại vật liệu lợp mái nhà được những vùng khí hậu lạnh ưa chuộng bởi khả năng chịu sương giá và cách nhiệt tốt (Ảnh minh họa: Siwak House)
-
7. Tấm lợp sinh thái
Tấm lợp sinh thái là loại vật liệu lợp mái nhà giả ngói, được sản xuất từ nguyên liệu tái sinh thân thiện môi trường. Vật liệu này chủ yếu ứng dụng trong các công trình xây dựng như công trình dân sinh, công trình công cộng với nhiều ưu điểm: trọng lượng nhẹ, đa dạng màu sắc và kiểu dáng sóng, không bị ăn mòn bởi muối biển, hóa chất, kiềm, amoniac và có khả năng chống ồn, cách âm rất tốt.
Tấm lợp sinh thái trọng lượng nhẹ nên dễ dàng di chuyển đến các công trình ở xa
-
8. Mái lợp từ tranh, tre, cọ, rơm
Gỗ, tre, nứa, rơm, tranh… là những vật liệu lợp mái nhà được các công trình nghỉ dưỡng, dự án du lịch, nhà vườn, homestay… sử dụng để tạo cảm giác thôn quê bình yên cho không gian. Những vật liệu này cũng góp phần giảm ồn, giảm nắng nóng, giúp không gian mát mẻ hơn.
Tuy nhiên, các loại vật liệu này có tính bền thấp, khó chống chịu trước điều kiện bất thường của thời tiết, đặc biệt là mưa bão. Chúng cũng dễ cháy và chi phí thi công cao nên cần cân nhắc, tính toán cẩn thận trước khi thi công và có phương án bảo dưỡng đều đặn.
Người ta thường kết hợp mái từ thực vật với các loại mái khác để đảm bảo độ bền, tính an toàn cho công trình (Ảnh minh họa: Mirlo)
>>> Xem thêm: Con trai muốn tái hiện ký ức tuổi thơ bên cha mẹ, xây nhà lợp mái tranh cùng khoảng vườn xanh mướt
Hi vọng những thông tin về 8 loại vật liệu lợp mái nhà trong bài viết hôm nay sẽ giúp bạn dễ dàng quyết định lựa chọn loại mái phù hợp cho dự án sắp tới của mình. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của kiến trúc sư, đơn vị thầu thi công để lựa chọn được loại vật liệu lợp mái nhà thích ứng tốt nhất với điều kiện khí hậu địa phương, phong cách công trình và ngân sách xây dựng.
Nguồn: Cafeland
Chia sẻ ngay câu chuyện của bạn tại đây để kết nối với cộng đồng yêu nhà đẹp trên nền tảng Happynest nhé. Nếu đây là lần đầu bạn đăng bài, hãy tham khảo trước tài liệu này để hiểu rõ hơn về các thể loại bài đăng, tips giúp bài đăng được duyệt nhanh và thu hút sự chú ý nhất từ cộng đồng. Mọi thắc mắc về việc đăng bài hoặc chỉnh sửa bài, xin vui lòng liên hệ địa chỉ email info@happynest.vn, hoặc phản hồi trực tiếp qua fanpage Happynest để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời. |