Thiết kế xây dựng là một trong các hoạt động xây dựng, diễn ra trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng?
Trải nghiệm bài viết và hình ảnh mượt mà hơn với ứng dụng Happynest tại đây. |
-
1. Thiết kế xây dựng là gì?
Thiết kế xây dựng (Construction design) là sự triển khai sáng tạo các công trình xây dựng dựa trên một mục đích cụ thể. Việc thiết kế xây dựng giúp cho các ý tưởng, ước muốn trở thành hiện thực, góp phần tạo nên một tổng thể kiến trúc đẹp cho cuộc sống trọn vẹn, đầy đủ.
-
2. Thiết kế xây dựng gồm những nội dung gì?
Dưới đây là những nội dung chủ yếu mà thiết kế xây dựng sẽ phải làm khi nhận tư vấn thiết kế:
-
Phương án công nghệ trong thiết kế xây dựng
Nhà tư vấn thiết kế xây dựng sẽ phải đưa ra giải pháp sử dụng những công nghệ khi nhận dự án. Tùy theo công trình mà bạn muốn xây dựng để chọn công nghệ phù hợp, mỗi công trình sẽ phải sử dụng công nghệ khác nhau. Nhà tư vấn thiết kế sẽ đưa ra những phương án phù hợp nhất cho từng đối tượng khách hàng lựa chọn.
-
Nhu cầu sử dụng trong thiết kế xây dựng
Tùy thuộc vào nhu cầu xây dựng của từng khách hàng để nhà tư vấn thiết kế lựa chọn phương án tốt nhất. Ví dụ đối với những người xây nhà để ở sẽ thiết kế khác với những người thiết kế nhà để cho thuê. Người tư vấn thiết kế thi công sẽ phải nắm bắt rõ nhu cầu của khách hàng để từ đó đưa ra được thiết kế phù hợp nhất.
-
Phương án kiến trúc trong thiết kế xây dựng
Khi xây dựng một công trình nào đó, sẽ có rất nhiều phương án kiến trúc khác nhau, ví dụ như kiến trúc cổ điển, kiến trúc tân cổ điển, kiến trúc hiện đại…, và người tư vấn thiết kế sẽ có trách nhiệm đưa ra phương án tốt nhất và phù hợp nhất cho bạn.
Nhà tư vấn thiết kế nhà sẽ giúp bạn đưa ra phương án để khi xây nhà, với cùng một diện tích như nhau nhưng sẽ có nhiều phương án khác nhau, bản vẽ này có thể làm cho ngôi nhà rộng rãi hơn, bản vẽ kia lại thiết kế ngôi nhà theo kiểu nhỏ gọn và ấm áp.
Tùy vào nhu cầu và sở thích của từng đối tượng khác nhau nhà tư vấn thiết kế sẽ giúp bạn có được công trình xây dựng như mong muốn.
>>> Xem thêm: Hồ sơ thiết kế là gì? Hồ sơ thiết kế có quan trọng trong xây - sửa nhà không?
-
Phương án kết cấu trong thiết kế xây dựng
Người tư vấn thiết kế xây dựng cũng sẽ đưa ra phương án kết cấu phù hợp cho công trình của bạn. Kết cấu xây dựng sẽ bao gồm việc tính toán các lực đỡ, nội lực và biến dạng do tác động của ngoại lực lên một hệ chịu lực của công trình xây dựng và nó là cơ sở cho việc thiết kế công trình trong trạng thái giới hạn độ bền và trạng thái giới hạn sử dụng.
Yêu cầu cơ bản nhưng quan trọng nhất của kết cấu xây dựng là hệ chịu lực phải nằm trong trạng thái cân bằng ổn định và nhà tư vấn thiết kế sẽ giúp bạn đưa ra phương án để giải quyết điều đó.
-
Phương án phòng chống cháy nổ trong thiết kế xây dựng
Như các bạn đã biết, gần đây các vụ cháy nổ lớn thường xảy mà nguyên nhân chính là do chập điện, rò rỉ điện. Vì vậy người thiết kế xây dựng sẽ tư vấn cho người sử dụng những phương án tốt nhất trong việc phòng chống cháy nổ cũng như cần phải trang bị bình cứu hỏa hay sử dụng vật liệu nào trong xây dựng để khó bắt lửa…
Với phương châm luôn đặt tính mạng của khách hàng lên trên hết, những nhà tư vấn thiết kế sẽ giúp bạn đảm bảo được không gian sống an toàn nhất.
-
Phương án sử dụng năng lượng đạt hiệu suất cao trong thiết kế xây dựng
Ngày nay sử dụng năng lượng thiên nhiên đang là xu hướng trong xây dựng nhiều công trình. Các năng lượng thiên nhiên nhiên như năng lượng mặt trời, gió, nước.. không những đảm bảo được an toàn mà còn giúp tiết kiệm điện năng.
Người tư vấn thiết kế sẽ giúp khách hàng hiểu rõ lợi ích thiết thực của các thiết bị sử dụng năng lượng, qua đó đưa ra những thiết kế phù hợp với công trình mà họ yêu cầu.
-
Giải pháp bảo vệ môi trường trong thiết kế xây dựng
Trái đất ngày càng ô nhiễm và môi trường sống của chúng ta ngày càng bị hủy hoại. Vì vậy ngày nay trong xây dựng cũng sẽ có các giải pháp giúp bảo vệ môi trường. Đó là sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường hay còn gọi là xây dựng xanh nhằm hướng đến một công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, đồng thời hạn chế tác động xấu đến môi trường.
Để làm được điều đó các công trình cần phải được thiết kế, xây dựng theo những tiêu chuẩn nhất định. Người tư vấn thiết kế xây dựng sẽ giúp bạn đưa ra những phương án phù hợp để công trình xây dựng thực sự là công trình xanh có thể ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo ra một môi trường sống đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
-
Tổng dự toán, dự toán chi phí xây dựng phù hợp trong thiết kế xây dựng
Dự toán là sự ước lượng để lập bảng dự toán cho từng công trình trong dự án theo khối lượng của hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, đơn giá và định mức tương ứng.
Đây là căn cứ để lập kế hoạch và quản lý quá trình xây dựng công trình. Nhà tư vấn thiết kế sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát nhất để từ đó có thể theo dõi tiến độ công việc cũng như những chi phí cần thiết cho việc xây dựng.
>>> Xem thêm: Hồ sơ hoàn công là gì? Sửa nhà có cần hồ sơ hoàn công không?
-
3. Các bước thiết kế xây dựng
Tùy theo quy mô, tính chất, loại cũng như cấp công trình xây dựng mà thiết kế xây dựng được thực hiện theo một hoặc nhiều bước. Thiết kế xây dựng công trình sẽ được thực hiện qua trình tự một hoặc nhiều bước sau đây:
- Thiết kế một bước là thiết kế bản vẽ thi công.
- Thiết kế hai bước gồm thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công.
- Thiết kế ba bước gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công.
- Thiết kế theo các bước khác phù hợp.
Các công trình có trình tự thiết kế xây dựng từ hai bước trở lên thì đảm bảo các bước thiết kế sau phải phù hợp với các nội dung, thông số chủ yếu của bước thiết kế trước.
Với trường hợp lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, chủ đầu tư sẽ quyết định việc điều chỉnh thiết kế nhằm mục đích đáp ứng hiệu quả và yêu cầu sử dụng khi không làm thay đổi mục đích, quy mô, công năng cũng như các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc quy hoạch hoặc quyết định hay chấp thuận chủ trương đầu tư được phê duyệt.
-
4. Hồ sơ thiết kế xây dựng gồm những hạng mục nào?
Hồ sơ thiết kế xây dựng được lập cho từng công trình bao gồm: thuyết minh thiết kế, bản tính, các bản vẽ thiết kế, các tài liệu khảo sát xây dựng liên quan, dự toán xây dựng công trình, chỉ dẫn kỹ thuật và quy trình bảo trì công trình xây dựng (nếu có).
Trong đó:
- Bản vẽ thiết kế xây dựng phải có kích cỡ, tỷ lệ, khung tên được thể hiện theo các tiêu chuẩn áp dụng trong hoạt động xây dựng. Trong khung tên từng bản vẽ phải có tên, chữ ký của người trực tiếp thiết kế, người kiểm tra thiết kế, chủ trì thiết kế, chủ nhiệm thiết kế. Người đại diện theo pháp luật của nhà thầu thiết kế xây dựng phải xác nhận vào hồ sơ và đóng dấu của nhà thầu thiết kế xây dựng trong trường hợp nhà thầu thiết kế xây dựng là tổ chức;
- Các bản thuyết minh, bản vẽ thiết kế xây dựng, dự toán phải được đóng thành tập hồ sơ theo khuôn khổ thống nhất, được lập danh mục, đánh số, ký hiệu để tra cứu và bảo quản lâu dài;
>>> Xem thêm: Nghiệm thu công trình sau khi xây - sửa là gì? Hồ sơ nghiệm thu công trình gồm những hạng mục gì?
-
5. Quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng công trình, bản vẽ thi công
Hiện nay, hồ sơ thiết kế xây dựng sẽ được lập cho từng công trình gồm bản thuyết minh thiết kế, bản tính, bản vẽ thiết kế, các tài liệu khảo sát xây dựng liên quan, dự toán xây dựng công trình, các chỉ dẫn kỹ thuật và quy trình bảo trì công trình xây dựng nếu có.
Quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng công trình theo quy định tại Điều 33 Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Cụ thể như sau:
- Phần thuyết minh thiết kế cơ sở:
+ Giới thiệu tóm tắt địa điểm xây dựng và phương án thiết kế, trong đó có vị trí và quy mô xây dựng của các hạng mục công trình.
+ Xây dựng phương án kiến trúc đối với các công trình có yêu cầu kiến trúc.
+ Xây dựng phương án kết cấu chính, hệ thống kỹ thuật cũng như hạ tầng kỹ thuật chủ yếu của công trình.
+ Xây dựng các phương án bảo vệ môi trường, phòng cháy – chữa cháy theo quy định của pháp luật.
- Về bản vẽ thi công:
+ Kích cỡ, tỷ lệ, khung tên của bản vẽ thiết kế được thể hiện theo đúng quy chuẩn được áp dụng trong hoạt động xây dựng.
+ Trong khung tên từng bản vẽ sẽ phải có tên, chữ ký của người thiết kế trực tiếp, người kiểm tra thiết kế, chủ trì thiết kế, chủ nhiệm thiết kế.
+ Sau đó, trong trường hợp nhà thầu thiết kế xây dựng là tổ chức, người đại diện theo pháp luật của nhà thầu thiết kế xây dựng sẽ phải xác nhận vào hồ sơ và tiến hành đóng dấu của nhà thầu thiết kế xây dựng.
+ Các bản thuyết minh, bản vẽ thiết kế xây dựng, dự toán sẽ phải được đóng thành tập hồ sơ theo một khuôn khổ được thống nhất, đánh số thứ tự cũng như ký hiệu, lập danh mục và phải được bảo quản lâu dài.
- Về chỉ dẫn kỹ thuật:
+ Đây được coi là cơ sở để thực hiện việc giám sát thi công công trình xây dựng, thi công và nghiệm thu các công trình xây dựng.
+ Nhà thầu thiết kế xây dựng hoặc nhà thầu tư vấn khác được chủ đầu tư thuê để xây dựng và lập thiết kế xây dựng. Chỉ dẫn kỹ thuật được coi là một trong những thành phần có trong hồ sơ mời thầu thi công xây dựng với mục đích để làm cơ sở quản lý thi công công trình xây dựng, giám sát quá trình thi công xây dựng cũng như nghiệm thu công trình.
+ Chỉ dẫn kỹ thuật sẽ phải bảo đảm phù hợp và đáp ứng với các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được áp dụng cho các công trình xây dựng được phê duyệt và yêu cầu của thiết kế xây dựng.
+ Trường hợp đối với các công trình cấp đặc biệt, cấp I và cấp II sẽ được lập riêng chỉ dẫn thiết kế do chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thiết kế xây dựng hoặc nhà thầu tư vấn khác thực hiện.
+ Chỉ dẫn kỹ thuật còn có thể được lập riêng hoặc được quy định trong thuyết minh về thiết kế đối với các công trình còn lại.
- Hồ sơ thiết kế xây dựng được lập tương ứng với từng bước thiết kế xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng.
>>> Xem thêm: Quy trình - Thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở mới nhất
-
6. Các bước hoàn thiện hồ sơ thiết kế xây dựng
- Phác thảo ý tưởng thiết kế, phác thảo sơ qua mặt bằng được bố trí: Đây là giai đoạn quan trọng để đi đến phần bản vẽ xin giấy phép xây dựng và triển khai kỹ thuật xây dựng về sau này.
Ở phần này chưa cần đi vào chi tiết của các tổng thể ngôi nhà. Phần phác thảo này chủ đầu tư và đơn vị thiết kế sẽ ước tính được khối lượng công việc,…
Các bước tiếp theo sẽ được thực hiện một cách tối ưu và hiệu quả nếu như gia chủ và đơn vị thiết kế phần bản vẽ sơ bộ hạn chế tối đa việc chỉnh sửa nhiều.
Đây cũng là giai đoạn chủ đầu tư có thể tham khảo và làm việc với một số nhà chuyên môn trong nhóm thiết kế (kết cấu, điện, nước…) để cùng với người chủ trì hoàn thiện chi tiết.
- Giai đoạn phát triển ý tưởng của mình người thiết kế sẽ làm chi tiết hơn các mặt bằng bố trí, các mặt đứng/mặt cắt, phối cảnh công trình…
- Giai đoạn hoàn thiện hồ sơ thiết kế chi tiết như mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, bảng mô tả vật liệu thi công, phối cảnh tổng thể công trình, các chi tiết kiến trúc phục vụ thi công.
-
7. Thiết kế xây dựng cần tuân thủ những yêu cầu gì?
Khi thiết kế xây dựng đảm bảo phải tuân thủ các yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế đưa ra, đảm bảo phù hợp với nội dung của các dự án đầu tư xây dựng được duyệt, quy hoạch xây dựng, cảnh quan kiến trúc, điều kiện tự nhiên, văn hóa – xã hội tại khu vực xây dựng.
Thiết kế xây dựng đảm bảo nội dung phải tuân thủ theo yêu cầu của từng bước thiết kế.
Tuân thủ các tiêu chuẩn được áp dụng, các quy chuẩn kỹ thuật về việc sử dụng vật liệu xây dựng, nếu có công nghệ áp dụng thì phải đáp ứng các yêu cầu về công năng sử dụng.
Khi xây dựng thiết kế cũng phải tính toán đến việc bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác.
Về mặt chi phí xây dựng: tính toán và có giải pháp thiết kế phù hợp với chi phí xây dựng hợp lý.
Từng công trình với các công trình liên quan phải có sự đồng bộ, đảm bảo đầy đủ các tiện nghi trong sinh hoạt chung, vệ sinh cũng như đáp ứng đủ sức khỏe cho người sử dụng công trình; khi xây dựng công trình thiết kế làm sao để cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em sử dụng công trình.
Thiết kế xây dựng cũng nên tính toán đến những lợi thế và hạn chế của điều kiện tự nhiên có tác động gì đến công trình hay không. Ưu tiên sử dụng những vật liệu tại chỗ, những vật liệu không gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe của con người.
Tiến hành thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng (ngoại trừ trường hợp thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ).
Đơn vị có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở phụ thuộc vào đơn vị chủ trì và loại hình dự án xây dựng.
- Đối với những dự án đầu tư xây dựng sẽ phụ thuộc vào từng loại công trình xây dựng sẽ có các cơ quan chủ trì là đơn vị có quyền thẩm định, đánh giá thiết kế.
- Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng, công trình giao thông đô thị: do Bộ Xây dựng thẩm định.
- Đối với công trình nhà máy điện, hầm mỏ, dầu khí… thẩm quyền thẩm định sẽ do Bộ Công Thương.
- Đối với từng loại, cấp công trình và công việc đảm nhiệm cần phải lựa chọn nhà thầu thiết kế xây dựng có đủ điều kiện năng lực đáp ứng phù hợp.
Trường hợp đối với nhà ở riêng lẻ, thiết kế xây dựng phải đảm bảo tuân thủ điều kiện:
- Các tiêu chuẩn được áp dụng, các quy chuẩn kỹ thuật về việc sử dụng vật liệu xây dựng, nếu có công nghệ áp dụng thì phải đáp ứng các yêu cầu về công năng sử dụng.
- Khi xây dựng thiết kế cũng phải tính toán đến việc bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác.
- Đối với trường hợp nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12 mét, hộ gia đình được tự thiết kế sẽ phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.
Trên đây là những thông tin cơ bản về thiết kế xây dựng và quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng để tạo nên một công trình. Hy vọng bài viết đem lại những thông tin hữu ích, làm nền tảng xây dựng nên một ngôi nhà an toàn, bền đẹp cho độc giả.
>>> Xem thêm: Thủ tục, hồ sơ chuyển đất hoa màu sang đất thổ cư
Lưu ý: Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
- Luật Xây dựng năm 2014.
- Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Tổng hợp
Chia sẻ ngay câu chuyện của bạn tại đây để kết nối với cộng đồng yêu nhà đẹp trên nền tảng Happynest nhé. Nếu đây là lần đầu bạn đăng bài, hãy tham khảo trước tài liệu này để hiểu rõ hơn về các thể loại bài đăng, tips giúp bài đăng được duyệt nhanh và thu hút sự chú ý nhất từ cộng đồng. Mọi thắc mắc về việc đăng bài hoặc chỉnh sửa bài, xin vui lòng liên hệ địa chỉ email info@happynest.vn, hoặc phản hồi trực tiếp qua fanpage Happynest để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời. |