Vườn trên mái: Giải pháp giúp gia chủ vừa có góc thư giãn giữa thành phố vừa là nguồn cung cấp rau sạch hàng ngày

    20/05/2022 09:007.279 lượt xem

    Làm vườn trên mái là xu hướng thiết kế của nhiều gia đình, đặc biệt là ở thành thị. Vậy làm vườn trên mái có ưu nhược điểm gì và cần lưu ý những gì khi thiết kế để không ảnh hưởng đến chất lượng ngôi nhà? Hãy tham khảo bài viết dưới đây.

    Trải nghiệm bài viết và hình ảnh mượt mà hơn với ứng dụng Happynest tại đây.

    Ưu điểm của vườn trên mái

    Làm mát nhà, bảo vệ kết cấu mái

    Với những khu vực có thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, vườn trên mái sẽ đóng vai trò như một lớp cách nhiệt, hấp thụ ánh nắng giúp không gian bên dưới luôn mát mẻ. Ngoài ra, lớp đất ẩm cùng cây xanh sẽ giúp giảm thiểu bức xạ nhiệt xuống trần bê tông, từ đó hạn chế tình trạng co ngót trần gây nứt bề mặt, thấm dột.

    Khu vườn trên mái giúp làm mát các không gian bên dưới

    Cung cấp nguồn thực phẩm sạch

    Làm vườn trên mái trở thành xu hướng của nhiều căn nhà phố hiện nay. Những người nông dân thành phố trồng rau và các loại cây ăn quả trên mái để cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho gia đình, đồng thời giúp tiết kiệm được một nguồn chi phí không hề nhỏ.

    Trồng rau trên mái giúp gia đình luôn có sẵn một nguồn thực phẩm sạch

    Làm vườn là thú vui mới của nhiều người hiện nay

    Tận hưởng không gian xanh, thư giãn

    Sau một ngày làm việc mệt mỏi, khoảnh khắc chúng ta thấy thư giãn nhất là khi được kết nối với thiên nhiên trong lành. Không gian rộng rãi trên sân thượng là nơi lý tưởng để tạo vườn cây xanh đúng nghĩa. Hơn nữa, làm vườn trên mái sẽ giúp bạn hình thành thói quen chăm sóc cây cối, sống gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, đặc biệt là tăng tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong gia đình.

    Khu vườn là nơi trú ẩn hoàn hảo sau một ngày mệt mỏi

    Các khoảng xanh giúp giảm căng thẳng và mang đến tinh thần thư thái hơn

    Thanh lọc không khí, giảm tiếng ồn

    Khu vườn trên mái giống như lá phổi của ngôi nhà bởi nó giúp làm sạch không khí, hấp thụ các khí độc hại trong quá trình sinh hoạt của con người. Ngoài ra, so với các bức tường gạch, bê tông truyền thống, khu vườn này có khả năng cản âm thanh, tiếng ồn vượt trội hơn.

    Làm vườn trên mái giúp không khí trong khu vực trở nên trong lành hơn

    Thậm chí bạn có thể làm cả 1 hồ cá trên tầng thượng

    Nhược điểm của vườn trên mái

    Trong quá trình thi công vườn trên mái, nếu bạn không đảm bảo đúng kỹ thuật thì có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề như đọng nước, thoát nước kém gây thấm, dột, hoặc thậm chí nứt trần gây ảnh hưởng đến cả nhà ở.

    Lưu ý khi thiết kế vườn trên mái

    Xác định khả năng chịu tải và chống thấm của mái nhà

    Muốn xem sân thượng nhà mình có phù hợp để làm vườn trên mái hay không, bạn cần đánh giá cấu trúc của ngôi nhà và khả năng chịu lực của trần, bao gồm tải trọng của cây, chậu cây, thùng trồng cây, lượng đất trồng, nước tưới, các thiết bị tưới tiêu… Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2737:1995 về tải trọng và tác động - tiêu chuẩn thiết kế, tải trọng mái và sàn sân thượng khi đã hoàn thiện được tính khoảng 150kg/m2. Bạn có thể dựa vào tiêu chuẩn này để tính toán hợp lý, hoặc liên hệ với đơn vị thi công, kiến trúc sư để bàn bạc cụ thể hơn về khả năng thi công vườn trên mái. Ngoài ra, bạn cũng nên tuân thủ các quy định về xây dựng như chiều cao công trình, phòng cháy chữa cháy để tránh gặp sự cố phát sinh sau này.

    Cấu trúc của ngôi nhà và khả năng chịu lực của trần là hai yếu tố quan trọng khi thiết kế vườn trên mái

    Xác định hướng nắng

    Để khu vườn trên mái phát triển tốt, bạn cần xác định xem sân thượng có đủ thoáng rộng, nhiều ánh sáng hay không. Nếu quá ít ánh nắng cây sẽ còi cọc, kém phát triển, còn tiếp xúc với cường độ ánh nắng cao lại khiến cây bị héo, cháy. Lượng ánh sáng lý tưởng để cây sinh sôi, phát triển là khoảng 6 đến 8 giờ mỗi ngày tuỳ thuộc vào lượng cây trồng. Ngoài ra, bạn nên quan sát xem sân thượng có bị các công trình xung quanh chắn ánh sáng hay không, đồng thời theo dõi lượng ánh sáng ở các thời điểm khác nhau trong ngày để có tính toán chính xác nhất.

    Tầng thượng cần có lượng nắng vừa đủ cho sự phát triển của cây

    Cường độ gió

    Gió quá mạnh có thể táp vào vườn, khiến cây nghiêng, đổ, bật gốc. Để khắc phục, bạn có thể căng 4 góc bạt ở phía hướng gió thổi mạnh, nhớ để lại 1 khoảng trống nhỏ để gió có thể lưu thông. Thêm vào đó, vào những ngày gió thổi mạnh, càng phải tưới nhiều nước vì khi đó độ ẩm giảm, nước dễ bốc hơi.

    Cường độ gió cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng

    Các giải pháp khi thi công vườn trên mái

    7 lớp vật liệu cho khu vườn trên mái

    – Lớp bê tông sàn (mái công trình): Lớp bê tông này cần có độ cứng, vững chắc để chịu lực, sức nặng của kết cấu vườn trên mái

    – Lớn sơn chống thấm: Đóng vai trò chống thấm chính cho phần sàn bê tông. Trước khi thi công vườn trên mái, bạn có thể thêm 1 lớp vữa lót ngay bên trên lớp sơn chống thấm để tránh các vi sinh vật trong đất tàn phá và hạn chế rễ cây lớn làm hỏng trần nhà.

    – Lớp vỉ thoát nước: Là những tấm thoát nước thông minh, thay thế cho lớp sỏi, đá giúp thoát nước tốt hơn, giảm tải trọng và hỗ trợ cách âm.

    – Lớp vải địa: Với sức chịu kéo và độ bền cao, nó có thể phân cách lớp cát với vỉ thoát nước và ngăn không cho cát lọt xuống gây tắc nghẽn đường ống.

    – Lớp cát: Cát nên dày khoảng 3 đến 5cm giúp đất trồng phía trên tươi tốt hơn và thúc đẩy quá trình thoát nước diễn ra nhanh hơn.

    – Lớp đất trồng: Có vai trò cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, thường được trộn gồm 2 phần đất, 2 phần cát sông và 1 phần hỗn hợp tro trấu, xơ dừa đã hoại mục.

    – Lớp thực vật: Đây là tầng trên cùng của vườn trên mái. Bạn có thể trồng các loại cây, cỏ, hoa, cây phù hợp với sở thích và cả điều kiện khí hậu, nhiệt độ, ánh sáng của khu vực.

    Cuối cùng, đừng quên trang bị hệ thống ống dẫn và thoát nước để quá trình tưới tiêu dễ dàng, thuận lợi hơn.

    Khu vườn trên mái gồm 7 lớp vật liệu cần lưu ý

    Lựa chọn loại cây trồng trên mái

    Hầu như các gia đình làm vườn trên mái đều dành một diện tích đáng kể để trồng rau. Những loại rau dễ trồng, ít sâu bệnh và cho năng suất tốt như: rau muống, rau dền, rau cải, rau ngót, cà rốt, củ dền, củ cải, bầu, bí đỏ, dưa leo, cà chua, ớt, đỗ, hành lá, tía tô, thì là, diếp cá…

    Các loại cây ăn quả được nhiều người ưa chuộng như dưa mỹ, dưa hấu, dâu tây, khế, ổi, chanh, xoài…

    Khu vườn xanh cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình

    Kết hợp phong phú các loại thực vật giúp bạn có 1 khu vườn đậm chất nhiệt đới

    Ngoài ra, bạn cũng có thể trồng thêm các chậu cây leo để tăng phần lãng mạn cho góc chill như thanh tú, thường xuân, phong lữ, tigon… Một vài cây cảnh có độ cao vừa phải cũng rất đáng trồng như trúc Nhật, cau Hawai, cọ, hoa giấy, si, đa…

    Để tối ưu diện tích của khu vườn, bạn có thể trồng cây, rau, hoa bên dưới và làm giàn cho các loại cây leo phía trên.

    Nguồn: Tổng hợp

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0