Những lưu ý khi lựa chọn đồ nội thất cho gia đình có người cao tuổi

    23/09/2021 08:003.879 lượt xem

    Văn hoá chung sống từ 3-4 thế hệ, “tứ đại đồng đường” rất phổ biến tại các gia đình Việt Nam, tuy nhiên khoảng cách giữa các thế hệ thường tạo ra nhiều vấn đề. Một trong số đó là việc lựa chọn đồ nội thất sao cho phù hợp với sinh hoạt của bậc lão niên trong nhà. Bài viết dưới đây sẽ liệt kê những lưu ý khi các gia chủ lựa chọn đồ nội thất cho gia đình có người cao tuổi.

    Bài liên quan:

    1. Những yếu tố gây mất an toàn của nhà ống đối với gia đình có người cao tuổi

    2. Cải tạo nhà phố 3 tầng bí khí thành không gian sống thoáng sáng cho gia đình có người cao tuổi

    3. Thay đổi thiết kế phòng vệ sinh để người cao tuổi không cảm thấy bất tiện

    Lựa chọn đồ nội thất phù hợp với người cao tuổi là rất cần thiết

    Hiện nay nhiều gia đình trẻ vẫn đang sinh sống cùng với ông bà, bố mẹ lớn tuổi. Tuy nhiên, đôi khi vì bận rộn công việc mà những người trẻ không để ý hoặc dành ít thời gian để quan tâm, chăm sóc ông bà, bố mẹ của mình, do đó mà họ không biết những người cao tuổi cần gì để phục vụ hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cũng như đảm bảo an toàn cho người cao tuổi. Bởi vậy, nhiều ngôi nhà được thiết kế không phù hợp với thể trạng sức khỏe, tâm lý và sở thích của người cao tuổi, dẫn đến bố mẹ, ông bà khó khăn trong sinh hoạt và cảm thấy không thoải mái khi sống cùng con cháu.

    Các đồ dùng trong nhà ngày càng hiện đại, tích hợp nhiều tính năng điện tử, thông minh, trang bị nhiều đồ dùng này trong nhà khiến người cao tuổi khó nhớ thao tác, khó sử dụng. Hay đơn giản là việc bố trí vị trí của những món đồ cao quá tầm với cũng là cản trở lớn để người già cất, lấy đồ, rất nhiều người đã bị đau xương khớp thậm chí là gãy xương khi với lấy đồ dùng trong nhà. Việc lựa chọn đồ nội thất tưởng chừng đơn giản nhưng nó có ý nghĩa quan trọng, cần thiết để người cao tuổi dễ dàng sinh hoạt, chủ động trong cuộc sống của mình, từ đó họ sẽ không cảm thấy tự ti, mặc cảm về bản thân.

    Việc chung sống nhiều thế hệ một nhà là một nét văn hóa đáng trân quý của Việt Nam, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều vấn đề nội tại (Nguồn ảnh: Nhà Hóc Môn)

    Theo KS. Ngô Ngọc Mỹ Phương (Nguồn: Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp - số tháng 04.2016), đa số bản vẽ thiết kế đều ghi “phòng người già, phòng ông bà” với vị trí chủ yếu nằm ở tầng thấp, diện tích vừa phải, có phòng vệ sinh riêng bên trong hoặc dùng chung bên ngoài, nội thất đơn giản và đa phần là hay dùng đồ cũ đã qua nhiều năm sử dụng kê vào… Tuy nhiên, thực tế có phần khác khi nhiều gia chủ có lập luận rằng: ông bà cũng yếu rồi, không có nhiều nhu cầu hoặc làm phòng dự trù để lâu lâu ông bà ghé chơi,... dẫn đến không gian cho người cao tuổi luôn bị sơ sài hoặc bừa bộn, thiếu sự đầu tư.

    Cuối cùng, nữ kỹ sư đưa ra quan điểm về vấn đề thiết kế nội thất cho nhà có người cao tuổi: “Ai rồi cũng đến lúc già, và khi ấy đa số đều quay về với các giá trị cũ và mong muốn được sống trong không gian gần gũi thiên nhiên, cây cỏ, đồ đạc lưu giữ nhiều kỷ niệm, ký ức. Vì vậy tôi nghĩ nên nhìn lại các đặc trưng không gian thuần Việt của nhà xưa để liên hệ với nhu cầu bài trí hợp với người cao tuổi hiện nay: đó là sự thiết thực, tiết giảm và thân thiện”.

    Con cái lựa chọn sống chung với bố mẹ, ông bà bởi nhiều lý do, song có nhiều người chưa thực sự quan tâm sâu sắc đến không gian sinh hoạt của người cao tuổi (Nguồn ảnh: The Heng House)

    KTS. ThS Thiết kế đô thị Nguyễn Khánh Giang cũng đưa ra quan điểm như sau: “Có lẽ không gian cho người cao tuổi thời hiện đại nơi đô thị đông đúc hiện nay cần có sự tiếp thu tinh thần của nếp nhà truyền thống trong điều kiện đất chật người đông, để định vị, điều chỉnh cho hợp lý hợp tình”.

    Từ những lập luận của các kỹ sư, kiến trúc sư có nhiều năm kinh nghiệm, kết hợp với thực tế chỉ ra rằng không gian sống của người cao tuổi chưa thực sự được đề cao, mặc dù họ là đối tượng cần được chăm sóc và quan tâm. Người trẻ tuổi đôi khi xem nhẹ việc bố trí nội thất phù hợp với sinh hoạt của người cao tuổi, sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường cho bậc cao niên trong nhà. Vậy, nếu đã xác định sống cùng với thế hệ trước hoặc là người xây nhà cho bố mẹ, ông bà thì người trẻ tuổi cần lưu ý những gì khi thiết kế đồ nội thất trong nhà?

    Thiết kế đồ nội thất trong gia đình có người cao tuổi: Tưởng phức tạp nhưng thực tế lại đơn giản

    1. Lựa chọn đồ nội thất đơn giản, dễ sử dụng

    Người càng lớn tuổi thì trí nhớ càng suy giảm, khả năng học cái mới và ghi nhớ kém đi nhiều so với tuổi trẻ. Bởi vậy việc đòi hỏi người cao tuổi phải làm quen và thích nghi với những đồ nội thất thiết kế phức tạp, quá hiện đại sẽ gây trở ngại trong quá trình sinh hoạt.

    Đồ nội thất có chức năng đơn thuần, đơn giản và dễ sử dụng nên được ưu tiên trong gia đình có người cao tuổi. Việc này giúp cho người cao tuổi có thể chủ động hơn trong sinh hoạt cá nhân, cũng giải quyết “trở ngại tâm lý” thường thấy của bậc lão niên là không muốn làm phiền con cháu.

    Không gian phòng khách sang trọng mà vẫn ấm cúng, đồ nội thất với chức năng đơn thuần phù hợp với gia đình có người cao tuổi (Nguồn ảnh: Q House)

    2. Đồ nội thất hạn chế phải dùng sức

    Bên cạnh chức năng ghi nhớ bị suy giảm, khả năng vận động và độ dẻo dai cơ thể của người lớn tuổi cũng kém đi rất nhiều. Nếu các gia chủ lựa chọn đồ nội thất có độ nặng cao, hoặc phải kéo / đẩy dùng nhiều sức sẽ gây ra nhiều vấn đề trong sinh hoạt của người cao tuổi.

    Đồ nội thất quá nặng, cơ chế phải dùng đến nhiều sức như kéo, đẩy sẽ khiến người cao tuổi dễ gặp phải các chấn thương như đau xương, trật khớp,... Nếu kiểu nội thất này có đổ, xô hỏng cũng sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng đến người cao tuổi.

    Đồ nội thất có trọng lượng vừa phải, hạn chế phải dùng sức là sự lựa chọn tối ưu nhất dành cho gia đình có người cao tuổi (Nguồn ảnh: An House)

    3. Điều khiển từ xa

    Những thiết bị có điều khiển từ xa cũng nên được trang bị trong nhà có người cao tuổi. Những thiết bị có điều khiển từ xa sẽ hỗ trợ cho sinh hoạt cá nhân của người cao tuổi, giúp họ hạn chế phải đi lại quá nhiều để điều chỉnh thiết bị và là giải pháp đối với các đồ dùng cần dùng sức hoặc nằm ở vị trí cao tầm với của người cao tuổi như rèm cửa, tủ gắn trên tường,...

    Những thiết bị có điều khiển từ xa nên được trang bị nhất trong phòng ngủ của người cao tuổi, tránh trường hợp giữa đêm, ánh sáng không đủ mà bậc lão niên phải rời khỏi giường để điều chỉnh thiết bị như quạt, đèn ngủ,... Ánh sáng không đủ cùng cơ thể mỏi mệt giữa đêm đã dẫn đến nhiều trường hợp té ngã trong phòng ngủ của người cao tuổi.

    Bởi vậy, nếu có điều kiện chúng ta nên bố trí các thiết bị có điều khiển từ xa với bộ điều khiển dễ hiểu, dễ sử dụng, có trang bị tiếng Việt cho ông bà, bố mẹ.

    4. Hạn chế góc cạnh, trơn trượt

    Vấn đề té ngã ở người cao tuổi đã không còn là việc mà bậc con cháu có thể xem nhẹ (Tham khảo: Những khu vực trong nhà dễ khiến người cao tuổi té ngã mà các gia đình không ngờ tới). Té ngã không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người cao tuổi, đôi khi nặng hơn là gặp nguy hiểm tới tính mạng. Bởi vậy, việc thiết kế, bố trí nội thất ra sao để hạn chế được tình huống té ngã của người cao tuổi là vấn đề của những người trẻ cần phải lưu tâm.

    Hạn chế thiết kế nội thất có góc cạnh, kết hợp lát sàn với vật liệu có độ mờ nhám, ít trơn trượt là một trong những cách phổ biến nhất. Đồ nội thất có góc cạnh, tuy có thể đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của ngôi nhà cũng như sở thích cá nhân của con cháu, song vô hình chung sẽ mang đến nguy hiểm cho người cao tuổi khi sinh hoạt trong nhà. Người cao tuổi gặp khó khăn trong việc di chuyển, nếu thiết kế đồ nội thất có góc cạnh sẽ dẫn đến nhiều tình huống va chạm, có thể khiến bậc lão niên bị tẽ ngã, hoặc xước xát, tổn thương đến cơ thể.

    Giường ngủ với thiết kế cạnh bo tròn mềm mại, kết hợp với sàn gỗ chống trơn trượt là không gian phòng ngủ lý tưởng cho bậc lão niên (Nguồn ảnh: TROPIC House)

    Sàn nhà trơn trượt cũng được đánh giá là rất nguy hiểm trong sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi. Những loại vật liệu sàn có độ chống trơn trượt cao các gia chủ có thể tham khảo như gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp, gạch men mờ, gạch ceramic, gạch gốm,...

    5. Lưu ý độ cao: tủ, công tắc điện...

    Độ cao của đồ đạc trong nhà cũng phải phù hợp tầm với người cao tuổi. Người cao tuổi gặp nhiều vấn đề xương khớp hoặc di chứng do chiến tranh, lao động nặng thời trẻ làm cho xương, thắt lưng không được thẳng nên tầm với tay của bậc lão niên có phần hạn chế.

    Chiều cao của đồ đạc trong nhà như tủ gắn tường, công tắc điện nên được đo đạc, tính toán cẩn thận dựa trên tình hình thực tế của gia đình, đặc biệt là những gia đình có người cao tuổi.

    Nếu chiều cao của đồ đạc quá cao sẽ khiến người cao tuổi phải với tay, hoặc trèo lên một thứ gì đó để lấy đồ có thể dẫn đến tình huống té ngã nguy hiểm. Còn nếu chiều cao của đồ đạc quá thấp, người cao tuổi có vấn đề về thắt lưng, xương khớp sẽ không thể cúi, gây ra nhiều trở ngại trong sinh hoạt cá nhân.

    6. Vật liệu thân thiện: gỗ, mây tre,... phù hợp sở thích và không độc hại

    Người cao tuổi thường yêu thích sống trong không gian tĩnh lặng, an yên, hoài niệm đậm chất Việt. Ks. Ngô Ngọc Mỹ Phương cũng đưa quan điểm: “Ngôi nhà dù có hiện đại cỡ nào thì một góc hoài niệm đậm chất Việt cũng không hề làm giảm đi giá trị, nếu như không nói là ngược lại, làm đẹp thêm và rõ nét thêm tính Việt truyền thống trong không gian Việt hiện đại”.

    Không gian đậm chất thuần Việt mang đến môi sinh lý tưởng cho người cao tuổi, sử dụng nhiều vật liệu quen thuộc, mộc mạc như gỗ, mây tre, gạch gốm, mái ngói,... (Nguồn ảnh: An House)

    Nếu chung sống với người già, các gia chủ có thể bố trí nhiều đồ nội thất từ vật liệu thân thiện và không độc hại như gỗ, mây tre, gốm,... Những vật liệu thân thiện có sẵn ở Việt Nam sẽ giúp không gian trong nhà trở nên ấm cúng hơn so với những chất liệu hiện đại, bên cạnh đó cũng thân thuộc và gần gũi với văn hoá người Việt. Nhờ vậy mà người cao tuổi sẽ có những không gian sinh hoạt thực sự thoải mái, có lợi cho sức khỏe tinh thần.

    Tuỳ vào điều kiện của mỗi nhà, các gia chủ có thể cân nhắc việc lựa chọn đồ nội thất được làm từ vật liệu tự nhiên nhiều hay ít, cân đối giữa các không gian sao cho phù hợp, dung hoà được thói quen, sở thích của thế hệ già - trẻ trong gia đình.

    Bài viết trên tổng hợp những lưu ý khi thiết kế đồ nội thất cho gia đình có người cao tuổi. Họ là đối tượng cần được quan tâm và bảo vệ trong gia đình cũng như xã hội, việc thiết kế một không gian sống phù hợp, tiện nghi sẽ có lợi cho sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần của người cao tuổi.

    Bài viết: Khánh Linh

    "Nhà cho người cao tuổi” là chiến dịch được tổ chức bởi Happynest - Cộng đồng yêu nhà đẹp nhằm đánh thức sự chủ động quan tâm, thấu hiểu của con cái đối với bố mẹ và cộng đồng đối với những người cao tuổi. Chiến dịch “Nhà cho người cao tuổi” bao gồm chuỗi các hoạt động dự kiến diễn ra trong thời gian 2 tháng bắt đầu từ ngày 22/08/2021 đến ngày 22/10/2021 và thường xuyên được cập nhật trên các kênh truyền thông của Happynest: fanpage Happynest, group Happynestwebsite Happynest.

    Xin cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chiến dịch ý nghĩa này của Happynest:

    Vĩnh Tường - Nippon Paint - LG - Prime - An Cường - Flexfit

    Xem thêm:

    1. 1. Thay đổi thiết kế phòng vệ sinh để người cao tuổi không cảm thấy bất tiện
    2. 2. Thiết kế phòng bếp như thế nào để phù hợp với gia đình có người cao tuổi?
    3. 3. 5 lưu ý quan trọng khi thiết kế nhà ở cho người cao tuổi
    4. 4. Thiết kế phòng ngủ cho người cao tuổi cần đảm bảo những yếu tố quan trọng nào?
    5. 5. Những khu vực trong nhà dễ khiến người cao tuổi té ngã mà các gia đình không ngờ tới

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0