Ngắm nhìn căn nhà phố gần gũi, hoài niệm, tân thời mà không hề mất đi nét truyền thống trên phố Triệu Việt Vương

    30/05/2017 04:1611.233 lượt xem

    Đi dọc con phố Triệu Việt Vương, mùi hương cà phê xen lẫn trong bầu không khí trong lành của con phố cũ tạo nên nét đặc trưng cho cuộc sống nơi đây. Và giữa guồng quay tấp nập đời thường trên con phố ấy lại có một ngôi nhà mới được hoàn thành mang dáng vẻ hoài niệm về một Hà Nội xưa.

    So với những ngôi nhà hiện đại xung quanh, ngôi nhà “hoài cổ” có chiều cao khiêm tốn hơn rất nhiều. Nhưng nếu để ý, ngôi nhà ấy lại nổi bật hơn tất cả và khiến bất cứ ai thoạt nhìn cũng phải giật mình bởi tưởng như mình đang nhìn thấy hình ảnh ngôi nhà mái ngói trong những bức tranh sơn dầu vẽ về Hà Nội của những năm 60 – 70.


    Ngôi nhà mới mang nét đẹp hoài cổ giữa phố cũ Hà Nội

    Chủ nhân của ngôi nhà là một người phụ nữ thành đạt. Nhưng tuổi thơ cô lại trải qua những khó khăn vất vả để mưu sinh. Lúc ấy gia đình chưa có điều kiện, khi ấy Hà Nội cũng chưa sầm uất như bây giờ, cô và anh chị em của mình thường sinh hoạt, vui chơi ngay dưới tán cây bưởi trong vườn nhà. Cái mùi hương thơm mát của hoa bưởi, quyện lẫn mùi ẩm đặc trưng của những ngôi nhà gỗ cũ, lẩn khuất trong từng viên gạch ngói, rồi bỗng thoát ra ngoài, hòa cùng phong vị đặc trưng của đất trời để tạo thành một ấn tượng sâu đậm trong lòng cô. Một người con gái Hà thành xưa.

    Những kỉ niệm đó được cất giấu trong lòng người con gái. Cho đến khi cô có đủ điều kiện để xây dựng một ngôi nhà riêng cho mình. Cô quyết định đem tất cả nỗi niềm ấp ủ bấy lâu nay chia sẻ với kiến trúc sư để họ có thể chắp bút viết nên câu chuyện của cô, tái hiện lại tuổi thơ cô.


    Một không gian sống an bình, đơn giản, một vẻ đẹp từ vật liệu tự nhiên

    Kiến trúc sư nhận thấy sự tương đồng giữa nét đẹp cổ của ngôi nhà Việt với triết lí Wabisabi của Nhật Bản. Đó là sự chấp nhận vẻ đẹp không hoàn hảo, vô thường, vẻ đẹp của tính nguyên vẹn đơn sơ theo cách mà tự nhiên, vạn vật vận hành được bắt nguồn từ đạo Phật. Nên khi bắt đầu thiết kế, ý niệm đầu tiên trong anh là tái hiện vẻ đẹp xưa của nhà mái ngói kết hợp với sự tươi mới, tính đơn giản, tĩnh lặng một cách mộc mạc của triết lý Wabisabi. Chúng được thể hiện rõ nét qua cách chọn gam màu nâu trầm, cách sử dụng nội thất gỗ và cách đưa thiên nhiên cây cỏ vào giữa không gian nhà.


    Cách bài trí mộc mạc theo triết lý wabisabi: tôn thờ những sự thực đơn giản của cuộc sống

    Triết lí này được duy trì xuyên suốt toàn bộ không gian sống. Bắt đầu từ hình thái bên ngoài, căn nhà đã toát lên vẻ hoài cổ qua lớp mái ngói nâu trầm, lớp tường gạch mộc. Ngược lại, khung cửa uốn cách tân cùng kính chịu lực trở thành yếu tố thực tại, mang lại cho ngôi nhà một góc hiện đại và sang trọng.

    Bên trong căn nhà, nội thất gỗ được tận dụng tối đa để đẩy cảm xúc của gia chủ trở về những năm xưa cũ. Nhưng cái hoài niệm ấy lại được kiến trúc sư khéo léo neo lại bằng sự tính toán của mình sao cho nỗi “nhớ nhung” vẫn phải hòa với nét hiện đại trong nhịp sống mới.


    Góc nhỏ nghỉ ngơi thư giãn mang màu của thời gian nhưng vẫn đậm chất hiện đại


    Cánh cửa lùa trong gian nhà sau như tái hiện lại cả một miền kí ức của gia chủ về ngôi nhà xưa


    Nội thất gỗ được ưa chuộng vì sự mộc mạc, gần gũi của mình

    Căn nhà 110m2 được chia thành hai khối không gian liên thông bằng khoảng sân nhỏ. Nơi mà kiến trúc sư dày công thiết kế tái hiện lại khu vườn xưa với cây bưởi sau nhà. Trong nhịp sống tấp nập có phần vật chất và tranh thủ thì “tấc đất là tấc vàng”, việc hy sinh để tạo một khoảng giếng trời thông tầng như thế thì không phải ai cũng có thể chấp nhận. Nhưng chủ nhà không những đồng ý mà còn bị thuyết phục và hào hứng ngay từ cái lần đầu tiên khi nhìn bản phác thảo. Với chị, khoảng không gian ấy vô cùng ý nghĩa, nó như một phần của cái cũ, cái truyền thống mà chị đã trải qua.


    Phòng khách mang vẻ hoài niệm ở bộ bàn ghế gỗ…


    Và mang nét đẹp hiện đại của những món đồ phụ trợ như đèn chiếu sáng, tường gạch thô


    Không gian liên thông hai khối nhà là khoảng thông tầng với vườn sân nhỏ


    Cây bưởi được trồng trong sân nhà cùng bàn ăn ngoài trời thi vị cho gia chủ


    Không phải ai cũng sẵn sàng dành “tấc vàng” cho khoảng thông tầng như vậy


    Bàn ăn ngoài trời giúp cuộc sống hàng ngày đong đầy thêm cảm xúc

    Không sử dụng thủ pháp thông thường, kiến trúc sư của công trình muốn tạo nên thật nhiều cảm xúc liên kết giữa ngôi nhà và những con người sống bên trong nó. Họ đã dùng phương pháp thay đổi thiết diện của mặt phẳng, áp dụng giải pháp lệch tầng cho ngôi nhà. Chúng tạo nên sự thú vị khi hai không gian được kết nối với nhau bằng hàng lang dốc nhẹ như cây cầu nhỏ băng ngang qua khu thông tầng.


    Hành lang được đánh dốc để tạo sự không hoàn hảo cho công trình.


    Cũng với con đường dốc đó mà con người cảm nhận sự thú vị của cuộc sống hàng ngày.


    Khối nhà bên trong được thiết kế thêm mành chắn gỗ cách điệu tạo điểm nhấn thú vị cho thị giác

    Sử dụng gam màu trung tính cùng vật liệu thô mộc như: gạch cũ, bê tông mài và gỗ để tạo nên sự kết hợp không thể tuyệt vời hơn. Thông qua những loại vật liệu thô cứng, vô tri, vô giác, người ta đã kể một câu chuyện cũ kĩ của ngôi nhà bằng một màu hiện đại.


    Khu vực bếp mộc mạc, nhìn ra phía vườn cây xanh mướt bên ngoài


    Phòng ngủ chính được bài trí đơn giản để gia chủ cảm nhận sự chậm rãi, từ tốn của không gian sống họ tạo nên.


    Khu vực vệ sinh cũng không quá phô trương mà vô cùng giản đơn.

    Ngôi nhà “hoài niệm” trên phố Triệu Việt Vương, Hà Nội đã tái hiện lại một phần nào đó nếp sống và hình ảnh những ngôi nhà cổ nằm san sát nhau với mái ngói nâu sầm. Nó không chỉ là câu chuyện hoài niệm của một gia chủ, mà nó còn là sự nhắc nhớ chúng ta về ý nghĩa của không gian sống: Ngôi nhà không đơn thuần chỉ là chốn che mưa che gió mà nó phải là một phần kí ức, kỉ niệm đẹp của mỗi người. Bởi chỉ có những điều đẹp đẽ mới khiến chúng ta cảm nhận được niềm hạnh phúc bình dị giữa chốn đời đầy nghiệt ngã.

    Đơn vị thiết kế: Lê House
    Địa điểm xây dựng: 97 Triệu Việt Vương, Hà Nội
    Năm thiết kế: tháng 04-2015
    Năm hoàn thành: tháng 02-2017
    Diện tích xây dựng: 110 m2
    Diện tích sử dụng: 433 m2 (diện tích khu đất: 5x22m)
    Photo: Hoàng Lê

    Bài viết: Phạm Anh

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0