7 bước đơn giản có ngay một khu vườn trên sân thượng lợi ích đủ đường

    Cập nhật ngày 26/08/2019, lúc 06:0019.461 lượt xem

    Những mảng xanh mát đang ngày một hiếm dần trong các đô thị đang trên đà phát triển. Ý tưởng về một khu vườn nhỏ trên mái hoặc sân thượng có thể là giải pháp giúp đem màu xanh tới các ngôi nhà. Vậy, làm thế nào để bạn có một khu vườn nhỏ xinh ngay trên chính mái nhà của mình?

    1. Lợi ích của vườn trên mái nhà 

    Có khá nhiều lợi ích khi bạn sở hữu một khu vườn nhỏ trên mái nhà và các kiến trúc sư đã chỉ ra những lợi ích chính sau đây: 

    Tiết kiệm chi phí

    Một khu vườn nhỏ trên mái là biện pháp chống nóng đô thị khá hiệu quả. Cây xanh giúp giảm quá trình hấp thụ nhiệt giúp ngôi nhà luôn được mát mẻ nhờ đó giảm chi phí tiêu thụ điện.


    Khu vườn trên mái nhà là ý tưởng làm mát nhà không tồi.

    Lọc không khí

    Cây xanh góp phần làm sạch bầu không khí ô nhiễm của thành phố, giảm lượng không khí độc hại trong sinh hoạt hàng ngày của các gia đình.


    Không gian xanh góp phần làm không khí trong lành hơn.

    Giảm lưu lượng nước mưa

    Thảm cây xanh được xây dựng trên mái có khả năng thấm nước mưa tới 80% nhờ đó giảm áp lực cho hệ thống thoát nước mưa, tăng độ bền của hệ thống này.


    Vườn trên mái cũng là phương án giảm áp lực cho hệ thống thoát nước vào mùa mưa.

    Giảm tiếng ồn

    Theo các nghiên cứu, một vườn cây nhỏ trên mái đóng vai trò như bức tường xanh cản tiếng ồn lên tới 8 decibel từ bên ngoài.

    2. Phương pháp thi công vườn trên mái nhà

    Có 2 phương pháp thi công vườn trên mái nhà đang được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Tuỳ vào điều kiện và chi phí, bạn có thể lựa chọn phương án thi công phù hợp nhất với căn nhà của mình.

    Phương án thi công thông thường 

    Với phương án này, bạn cần chuẩn bị các lớp nền và đất thật tốt để cây cối có thể sinh trưởng bình thường như ở dưới mặt đất. Về đất, cần có đầy đủ 6 lớp như sau: 

    • Lớp thứ nhất: lớp sàn bê tông sân thượng của mái nhà.
    • Lớp 2: lớp sơn chống thấm để nước không ngấm xuống tầng dưới gây ngấm nước vào tường. Với lớp này, bạn có thể tự mua sơn về sơn với chi phí khoảng từ 230,000 đến 280,000đ/m2.
    • Lớp 3: lớp Drain Cell giúp thoát nước, không gây ngập úng cho các cây trồng. Chi phí dành cho lớp này từ 350,000 đến 380,000đ/m2.

    Các tầng đất của phương án thi công truyền thống

    • Lớp 4: lớp vải địa kỹ thuật. Nhiệm vụ của lớp này là ngăn cho tầng đất cát phía trên không rơi xuống lớp thoát nước. Chi phí khoảng từ 15,000 đến 20,000đ/m2.
    • Lớp 5: lớp cát sông ngăn nhằm không cho đất sét bịt kín các lỗ thoát nước của vải địa.
    • Lớp 6: lớp đất trồng. Độ dày hay mỏng của lớp này tùy theo loại cây trồng bạn muốn trồng. Công thức lớp này thường chia theo tỷ lệ 2:2:1 (2 phần đất, 2 phần cát sông, 1 phần hỗn hợp tro trấu, xơ dừa đã hoại mục).
    • Lớp 7: là các loại cây trồng theo sở thích của bạn.

    Phương án thi công áp dụng công nghệ GTC của Singapore

    So với phương án thi công thông dụng, phương án này gồm nhiều lớp hơn và việc chuẩn bị cũng tốn chi phí hơn. Tuy nhiên, năng suất cây trồng tốt của bạn sẽ được đảm bảo hơn. Phương án này cần chuẩn bị 9 yếu tố, bao gồm:

    • Lớp RC Floor slab là sàn bê tông tầng thượng của gia đình bạn.
    • Lớp waterproofing là lớp chống thấm để nước không thấm xuống tầng dưới nhà.
    • Lớp protection: đây là lớp vữa bảo vệ 2 lớp dưới tránh khỏi sự phá huỷ của nước và các vi sinh vật trong đất.
    • Lớp versicell: bao gồm vỉ thoát nước & chống ngập úng mái sân vườn. Vỉ thoát nước thường được làm bằng nhựa cứng, có thể chịu tải trọng cao, có ngàm âm dương theo cả hai chiều ngang và đứng nên dễ dàng lắp trên bề mặt sàn và tường. Versicell được ứng dụng cho mái sân vườn có khu vui chơi, bồn hoa, sân thượng trồng cây, khu thể dục thể thao, tầng hầm, tường chắn đất và cả đường xá, vỉa hè, lối đi… Chi phí cho lớp này rơi vào khoảng 2,5kg/m2.

    Các tầng đất của phương án thi công áp dụng công nghệ GTC

    • Lớp geotextile là lớp vải địa kỹ thuật - một loại chất liệu được chế tạo từ những sản phẩm phụ của dầu mỏ, có sức chịu kéo, độ dãn, độ bền cao, có tính thấm, khi sử dụng lót trong đất nó có khả năng phân cách, lọc, bảo vệ, gia cường và thoát nước, ngăn cho tầng đất, cát phía trên không rơi xuống các lỗ thoát nước của Versicell gây nghẽn hệ thống thoát nước.
    • Lớp sand là lớp cát sông lọc lại phần đất sét, ngăn không cho đất sét bịt kín các lỗ thoát nước của vải địa nhờ đó, nước thoát tốt hơn, tránh gây ngập úng.
    • Lớp soil là lớp đất trồng. Lớp này phụ thuộc vào nhu cầu trồng loại cây gì để xác định độ dày mỏng khác nhau. 
    • Lớp big trees là lớp cây trồng. Tuỳ vào điều kiện khí hậu, ánh sáng và thiết kế sân vườn, bạn có thể lựa chọn các loại cây trồng phù hợp cho lớp này.
    • Lớp drain pipe là hệ thống ống thoát nước, đảm bảo cây trồng không bị ngập úng nếu trời mưa lớn nhiều ngày.

    3. Những lưu ý khi thi công vườn trên mái nhà

    Xây dựng một khu vườn trên sân thượng có rất nhiều điểm khác so với mặt đất, do đó, bạn cần đảm bảo các yếu tố sau để tránh xảy ra những vấn đề không đáng có liên quan đến kết cấu ngôi nhà của mình. 

    • Kiểm tra các quy định kỹ thuật xây dựng, đặc biệt là khả năng chịu tải. Đất và chậu trồng cây nặng và sẽ nặng hơn khi được tưới nước hay khi cây phát triển. Bạn cũng cần kiểm tra thêm giới hạn chiều cao, quy định phòng cháy chữa cháy, khả năng chống thấm và những quy định khác.

    Đất và cây sẽ ngày một nặng hơn, bạn cần kiểm tra khả năng chịu tải của mái. (Công trình 204 House)

    • Hệ thống nước: các cây trồng trên sân thượng thường cần nhiều nước và bạn nên thiết lập một hệ thống tưới tự động ngay trên sân thượng để đỡ tốn công chăm sóc.

    Vườn cây trên mái có thể là nguồn cung cấp rau sạch cho cả gia đình.

    • Ánh sáng: sân thượng có thể bị che phủ bởi bóng của các tòa nhà cao tầng khác làm cây không đủ ánh sáng phát triển, hoặc diện tích tiếp xúc ánh sáng lớn có thể khiến cây bị cháy, nóng. Bạn cần tính toán thật kỹ để lựa chọn loại cây và phương án chống nắng thích hợp.
    • Nhiệt độ: Ngoài nhiệt độ cây trồng nhận được trực tiếp từ Mặt Trời còn có nhiệt độ môi trường bị phản xạ từ bề mặt mái nhà, các tòa nhà xung quanh… Bạn nên cân nhắc sử dụng các loại mái che hạn chế nắng nếu nhiệt độ quá cao.

    Bạn cần có phương án chống nắng và chống gió cho cây trồng.

    • Gió: Bạn nên cân nhắc xây dựng một số loại tường hay hàng rào để hạn chế gió làm táp vườn cây của bạn, đặc biệt với những tòa nhà cao tầng.

    Với những thông tin được cung cấp ở trên, hy vọng bạn sẽ có những chuẩn bị tốt nhất cho khu vườn trên mái sắp tới của mình. Chúc bạn thành công! 

    Bài viết: Nga An

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0