Ngôi nhà 66.5 m2 ở Kawasaki, Nhật Bản là một đặc trưng của kiểu nhà "hình lươn" ở xứ mặt trời mọc với kích thước chiều rộng chỉ 5m. KTS đã khéo léo đưa phương án xây nhà dựa trên hai yếu tố cơ bản: bố cục đường chéo và chơi màu sắc để giúp ngôi nhà có một không gian sống tràn ngập ánh sáng.
Ở Nhật Bản, những ngôi nhà với kích thước chiều rộng chỉ 5m được coi là kiểu nhà “hình lươn" và rất khó để thiết kế những không gian sống phù hợp với thói quen sinh hoạt của người dân xứ mặt trời mọc. Không chỉ thế, cái khó của ngôi nhà ở Kawasaki còn nằm ở việc ba mặt bên của ngôi nhà sẽ bị bịt kín bởi những ngôi nhà khác cũng sắp được xây dựng lên. Làm cách nào để có một không gian sống hợp lý và đầy đủ ánh sáng cho gia đình ba người là một bài toán khó. Tuy nhiên bài toán khó đến mấy vẫn được kiến trúc sư hoá giải bởi 6 thủ thuật thiết kế sau đây:
Ngôi nhà với bố cục theo đường chéo
Trong một hình tam giác vuông thì đường chéo là cạnh dài nhất so với hai cạnh bên còn lại. Đó là lý do vì sao kiến trúc sư một trí một đường chéo theo hướng Đông Nam của ngôi nhà để mang lại ánh sáng nhiều hơn so với mặt tiền hướng Đông chỉ có chiều rộng 5m.
Toàn cảnh bố cục đường chéo đặc biệt của ngôi nhà
Thông thường, ban công sẽ được đặt ở phía mặt tiền ngôi nhà để tận dụng diện tích công cộng. Tuy nhiên độ hẹp của mặt tiền khiến ngôi nhà chỉ được chiếu sáng ở phía hiên ngoài, ánh sáng rất khó đi vào hết chiều dọc của căn nhà. Bằng việc cắt một đường chéo và mở ban công ở phía Đông Nam, ngôi nhà vẫn có một khoảng không thiên nhiên hợp lý mà không làm phiền đến diện tích xây dựng của ngôi nhà sát vách.
Phân chia không gian sử dụng theo màu sắc
Trắng là màu sắc chủ đạo của căn nhà. Tường sơn màu trắng kết hợp cửa kính sẽ khiến mức độ phản chiếu ánh sáng trong nhà tốt hơn. Tuy nhiên, với từng không gian sử dụng cụ thể, các căn phòng sẽ được sơn bằng những màu khác biệt để tự tạo cho mình một ranh giới phân chia tách biệt.
Màu xanh cho không gian đọc sách, màu vàng nổi bật bên chiếc đàn organ trắng
Phễu ánh sáng chiếu từ tầng cao nhất
Nhìn từ phía ngoài, ngôi nhà trông có vẻ như cao ba tầng nhưng thực chất không gian bên trong có đến bốn tầng. Tầng một là không gian của khu vực đỗ xe và phòng tắm. Tầng hai là khu vực giải trí với ban công, không gian đọc sách, không gian chơi nhạc. Tầng ba là nhà bếp và nhà vệ sinh. Tầng bốn là phòng ngủ dành cho bố mẹ và con gái.
Ban công và không gian thư giãn đầy thi vị ở tầng 2
Phễu ánh sáng được thiết kế để nối ánh sáng từ cửa sổ kính tầng bốn xuống khu vực nhà bếp ở tầng ba. Lại một lần nữa, bố cục xây dựng ngôi nhà theo đường chéo vẫn giúp đảm bảo các tầng luôn được chiếu sáng dù các ngôi nhà lân cận sẽ mọc lên trong nay mai.
Kệ bếp được lát gạch xanh nhạt - cùng tông màu với khu vực cầu thang giúp ngăn cách không gian ăn uống và nhà bếp
Sử dụng thêm ánh sáng nhân tạo
Không gian ăn uống - bếp núc chính là nơi sinh hoạt chính, gắn kết các thành viên trong gia đình. Đó là lý do vì sao một dải đèn chạy dọc hết chiều dài căn phòng giúp khuếch tán ánh sáng khiến căn phòng trở nên lung linh hơn vào buổi tối.
Không gian nhà bếp với hệ thống đèn chiếu sáng ấn tượng
Không chỉ có thế, tay vịn cầu thang cũng có đèn LED tích hợp. Khi trời tối bên ngoài, ánh đèn sẽ nhẹ nhàng chiếu sáng không gian bên trong.
Không gian hẹp của cầu thang không hề khó khăn khi đi lại vào buổi tối
Khoảng trống giữa các bậc cầu thang
Cầu thang trong ngôi nhà không phải kiểu bậc đúc liền nguyên khối mà giữa các xung nhịp là khoảng trống giúp ánh sáng có thể đi xuyên dọc từ ngoài vào trong.
Chất liệu bậc cầu thang được chế tạo từ tro tamo
Khoảng trống rộng rãi giữa các cọc đỡ lan can
Các cọc đỡ đỡ lan can được đặt cách nhau để tránh làm cản trở ánh sáng. Khoảng cách lớn giữa các cọc đỡ không còn là vấn đề bởi người con gái trong gia đình đã lớn, không còn quá bé nhỏ để sợ nguy hiểm. Hành lang là khoảng đệm ngăn cách giữa hai phòng ngủ được bố trí ở hai đầu ngôi nhà.
Phòng ngủ của con gái với tông màu xanh-hồng trẻ trung
6 thủ thuật thiết kế thông minh trên không chỉ là giải pháp hữu ích cho ngôi nhà “hình lươn" ở Kawasaki mà còn có thể được áp dụng rất hiệu quả đối với kiểu nhà ống phổ biến ở Việt Nam.
Thông tin công trình:
Tên công trình: House in Kawasaki
Đơn vị thiết kế/thi công: Mukoyama Architectural Design Studio
Địa điểm: Kawasaki, Nhật Bản
Diện tích: 66.5 m2
Năm hoàn thành: 2015
Hình ảnh: Koji Fujii
Người viết: Tùng Dương