Vì coi chó mèo như những người bạn, người thân nên nhiều gia chủ phải chuyển nhà liên tục để có thể tiếp tục nuôi các con thú cưng của mình.
Trải nghiệm bài viết và hình ảnh mượt mà hơn với ứng dụng Happynest tại đây. |
Phải tìm phòng trọ rộng hơn để có không gian cho mèo
Chị Lại Thị Cẩm Hồng (23 tuổi, ở Q.Phú Nhuận) nuôi mèo từ năm cuối đại học khi chị ở ghép với 1 người tại phòng trọ bé xíu ở lầu 2. Việc nuôi mèo như này khá bất tiện: "Lúc đi vắng, con mèo thường cào nát cái mặt gối vì ở nhà cả ngày không có ai chơi cùng, nó bị stress. Ban đêm, con mèo lén nhảy ra khỏi phòng xuống cầu thang. Vì ở chung với mọi người trong nhà nguyên căn, con mèo hay tiểu bậy nên bị phàn nàn rất nhiều", chị Vân kể lại.
>>> Xem thêm: Nếu bạn yêu thú cưng và nhà đẹp, đừng bỏ qua 15 ý tưởng đem lại sự thoải mái cho thú cưng mà vẫn thỏa mãn thị giác này
Vì "thương như con đẻ" nên chị không thể bỏ được chú mèo của mình. Tốt nghiệp đại học, chị có việc làm, kinh tế khá hơn nên chuyển qua ở ghép chung cư để có không gian rộng rãi, dù tiền thuê khá cao.
Nuôi chó mèo khi ở chung cư hoặc đi thuê nhà trọ không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ
"Chung cư có phòng riêng, phòng cũng rộng rãi nên con mèo bớt bị stress, không quậy phá đồ đạc. Hai người ở cùng phòng cũng thích mèo. Chung cư mình ở có những quy định riêng với người nuôi thú cưng như: rọ mõm khi xuống không gian sinh hoạt chung, giữ vệ sinh sạch sẽ, tiêm phòng dại, không gây ồn…", chị chia sẻ.
Một trường hợp khác là chị Đ.T.H.H (25 tuổi, ở Q.3) đang nuôi một chú mèo Anh lông ngắn hơn một năm nay. Trước đây, chị ở phòng trọ, không có không gian phù hợp nên không dám nuôi. "Sau khi chuyển qua chung cư mình thấy có nhiều diện tích và không gian hơn so với ở trọ để sinh hoạt và nhận nuôi mèo, thỏa mãn sở thích của mình. Mặc dù không phải chuyển nhà chỉ để nuôi chó mèo nhưng việc chuyển sang nơi có không gian rộng lớn mới dám nhận nuôi chúng", chị nói.
Nhiều lần chuyển nhà vì những rắc rối xung quanh việc nuôi thú cưng
Trước đây khi còn là sinh viên, chị Hoàng Phương Th. (27 tuổi, ở chung cư Homeland 2, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cùng gia đình chị gái ở trọ, thuê nhà nguyên căn với một nhóm bạn yêu chó mèo. Thời điểm đó, nhà nào cũng nuôi chó và gia đình chị nuôi 1 con Alaska và 1 con Husky.
"Về sau, mọi người đều có những thay đổi về kế hoạch, công việc nên lần lượt phải chuyển đi. Gia đình mình không thể cáng đáng được tiền thuê ngôi nhà đó, nên đã lần lượt chuyển liên tiếp đến 2 chỗ ở mới", chị chia sẻ.
>>> Xem thêm: Ngôi nhà 90m2 lệch tầng của chàng trai yêu mèo: ''Ghi điểm'' nhờ khoảng cầu thang độc đáo trong không gian hiện đại
Việc tìm nhà với chị chưa bao giờ dễ dàng khi 2 chú chó ngày càng lớn, không có gia đình nào nhận cho thuê. Hiếm lắm mới tìm được căn phòng trọ dù giá không phải rẻ so với chất lượng nhưng được nuôi chó nên chị đành chấp nhận.
"Sau đó, do bất tiện về mặt không gian, mình tiếp tục phải tìm thuê một nơi khác rộng hơn, dạng chung cư mini. Tuy nhiên, vì 2 chú chó có kích cỡ "quá khủng" nên không thể thích nghi được", chị chia sẻ. Những chú chó lớn cần có không gian để chúng thoải mái. Việc nuôi nhốt lâu khiến chúng bị trầm cảm, thường xuyên cắn phá đồ đạc trong nhà. Điều này khiến chị Th. bị stress rất nhiều.
Đối với động vật có kích cỡ lớn, việc thường xuyên bị nhốt ở nhà có thể khiến chúng hung bạo hơn
Trong hoàn cảnh có thể nói như bước đường cùng, chị đã vận động anh chị chuyển ra khu vực ngoại thành, tìm một căn hộ với chi phí hợp lý và tìm công việc ở khu vực gần đó.
"Dù mọi chuyện đến nay có phần ổn định và bớt căng thẳng hơn nhưng mình biết đây vẫn chưa phải là phương án cố định. Những người xa quê lên thành phố lập nghiệp còn nuôi những chú cún như vậy quả thực là vấn đề nan giải. Ai cũng nói với mình chỉ có "điên" mới nuôi chúng trong hoàn cảnh ấy. Nhưng có lẽ chỉ có những người yêu chó mới hiểu, khi mình nuôi và chăm sóc, mình đã coi chúng như những đứa con, những người thân của mình. Chỉ mong rằng, những ai nghe câu chuyện của mình sẽ có những lựa chọn kỹ càng trước khi quyết định nuôi một bé cún nào đó", chị bộc bạch.
Hiện nay, có một số tòa nhà chung cư không cho phép nuôi chó, mèo hoặc bạn phải trả phí mới cho phép nuôi và phải tuân thủ nghiêm ngặt theo những quy định từ ban quản lý tòa nhà. Một số chung cư thì giới hạn số lượng chó, mèo, hay trọng lượng cơ thể của chúng. Chính bởi vậy, khi định nuôi chó, mèo tại chung cư hoặc những nhà trọ, gia chủ cần lựa chọn chủng loại phù hợp.
Nếu bạn nuôi chó, mèo trong chung cư, cần phải đảm bảo chó của bạn không gây hại đến người khác
Ngoài ra, khi nuôi chó, mèo trong chung cư, bạn tuyệt đối đừng để thú cưng của mình chạy nhảy lung tung sang các căn hộ kế bên. Nếu là giống chó, mèo dữ, bạn cần thiết phải đeo thêm rọ mõm để tránh việc chúng tấn công người khác. Đồng thời, bạn cũng nên đưa thú cưng của bạn đến phòng khám thú y để thăm khám thường xuyên.
>>> Xem thêm: Cải tạo căn hộ 10 năm tuổi, diện tích 99m2 dành cho 2 người lớn và 3 chú mèo
Nguồn: Thanhnien
Quan điểm của bạn về vấn đề trên như thế nào? Chia sẻ ngay ý kiến của bạn tại đây để kết nối với cộng đồng yêu nhà đẹp trên nền tảng Happynest nhé. Nếu đây là lần đầu bạn đăng bài, hãy tham khảo trước tài liệu này để hiểu rõ hơn về các thể loại bài đăng, tips giúp bài đăng được duyệt nhanh và thu hút sự chú ý nhất từ cộng đồng. Mọi thắc mắc về việc đăng bài hoặc chỉnh sửa bài, xin vui lòng liên hệ địa chỉ email info@happynest.vn, hoặc phản hồi trực tiếp qua fanpage Happynest để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời. |