Bao Huynh WaterColor Atelier: Không gian sống xanh mát giữa lòng làng chài Cửa Đại

    25/07/2024 20:002.819 lượt xem
    • Tên ngôi nhà
      Bao Huynh WaterColor Atelier
    • Năm hoàn thành
      2023
    • Thiết kế
      Chong Chóng Architure
    • Chụp ảnh
      SuKha_Studio

    Thông tin về công trình

    - Tên công trình: Bao Huynh WaterColor Atelier

    - Địa điểm: Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam

    - Diện tích khu đất(m2): 161m2

    - Đơn vị thiết kế kiến trúc – nội thất: Chong Chóng Architure

    - Kiến trúc sư chủ trì: Nguyễn Văn Chương

    - Team thiết kế kiến trúc – nội thất: Ái Trân, Văn Trọng, Bùi Cường, Việt Hoàng, Trường Thành

    - Đơn vị thiết kế - thi công cảnh quan: Minh Trí

    - Kết cấu và Cơ điện: Minh Lam

    - Năm hoàn thành: 2023

    - Chủ đầu tư: Bảo Huỳnh

    - Nhà cung cấp sản phẩm: ROLAN, ZENTO, ANFACO, LG, INAX, SAMSUNG

    - Vật liệu sử dụng: Bê tông mài, Trần bê tông , Terrazzo , Gỗ tự nhiên, gạch không nung, Mái ngói.

    - Người chụp ảnh: SuKha_Studio

    - Chi phí: 2 tỷ 1

     

    Thuyết minh về công trình

    Khu đất với diện tích rộng 161m2 nằm sâu trong con hẻm chỉ rộng hơn 1m, nằm giữa làng chài ven biển Cửa Đại, với mật độ dân cư cao, vật liệu công trình xung quanh chủ yếu là mái tôn và rất ít mảng cây xanh. Mặt tiền khu đất hơn 16m, lại nhìn về hướng Tây cũng là hướng mở của công trình, Nên gần mặt tiền công trình tiếp xúc trực tiếp với nắng hướng Tây.

    Công trình là một tổ hợp bao gồm không gian ở của gia đình cụ thể là Bố mẹ đã đến tuổi nghỉ ngơi, kết hợp với Xưởng Vẽ của anh Bảo là họa sĩ trẻ. Với 2 không gian động và tĩnh xen kẽ nhau. Qua trao đổi với anh Bảo thời gian đầu lúc còn đang trong giai đoạn lên ý tưởng cho ngôi nhà: Anh mong nhất được có một không gian sống nhẹ nhàng, bình yên cho ba mẹ khi tuổi già về. Ngoài ra cũng vừa là không gian tĩnh lặng, yên bình ở quê để theo đuổi đam mê hội họa của mình.

     

     

     

     

     

     

     

     

    Với một kinh phí thi công không quá lớn nên việc sử dụng vật liệu phải được nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng nhất là việc sử dụng có sẵn tại địa phương. Ngoài ra việc bố trí công năng cần phải cẩn trọng ở các không gian, và trong từng không gian đó phải thật sự đa năng từ kiến trúc đến nội thất.

    Với một họa sĩ trẻ như anh Bảo:  ánh sáng, nhiệt độ, cảm xúc, tinh thần là chất xúc tác quan trọng để tạo nên chất cảm trong từng tác phẩm nghệ thuật. Với không gian Xưởng Vẽ ở tầng 2 đáp ứng sát được những gì mà một người họa sĩ mong muốn.

    Xưởng Vẽ là một không gian đa năng: dùng để Vẽ, dạy vẽ offline, online, triển lãm nhỏ, đọc sách và đôi khi sẽ là nơi vui chơi của các bạn nhỏ trong xóm. Tất cả các nội thất trong không gian này được thay đổi một cách linh hoạt, nhanh chóng để đáp ứng được các nhu cầu trên.

     

     

    Ngoài ra không gian vẽ được kết nối với 3 không gian khác nhau:

    1. Phòng ngủ bởi một cánh cửa ẩn trong kệ sách gần như rất khó nhận ra. Giúp tạo tính riêng tư cho không gian nghỉ ngơi của anh họa sĩ.

    2. Kết nối trực tiếp với khu vườn phía trước. Khu vườn này vừa là lớp rèm tự nhiên che nắng hướng Tây, vừa là máy lọc không khí giúp cho không khí bên trong được trong lành, vừa giúp giảm tiếng ồn và tầm nhìn từ ngoài vào ngôi nhà. Để đảm bảo được sự thư giãn, thoải mái và tinh thần sáng tạo cho các bạn học vẽ và người họa sĩ.

    3. Phòng kho bằng cầu thang được dấu một cách khéo léo và tinh tế.

    Không gian chung ở tầng trệt: Đây là một không gian có tính kết nối cao giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè, thầy trò. Không gian là một sự kết nối giữa Phòng khách và Phòng bếp có tính linh hoạt cao, các vật dụng nội thất: bếp đảo, bàn ăn có thể mở rộng hoặc di chuyển cho phù hợp với mục đích sử dụng khác nhau.

    Kế tiếp là phòng ngủ bố mẹ với vật liệu và bố trí tối giản. điểm chú ý về vật liệu sàn được sử dụng bằng sàn tre thân thiện với con người và môi trường. Bao quanh phòng ngủ là các khoản lùi vào, chúng tôi tạo nên các mảng cây xanh giúp cho 2 bác có thêm không gian thư giãn. Phía trước phòng ngủ là một hiên nhà và vườn rau.

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    Với điều kiện khắc nghiệt ở miền Trung với nắng nóng mùa hè - nhất là mùa gió Lào, hay mưa gió vào mùa Đông. Đặc biệt là vào tháng 10 – 11 hàng năm, Miền Trung sẽ đón những cơn bão lũ thì việc công trình phải thích nghi với môi trường thời tiết khắc nghiệt là rất quan trọng nên Kiến trúc sư đưa ra các giải pháp như sau:

    Mùa nắng:

    - Đối lưu không khí trong và ngoài nhà.

    - Ngoài nhà: khoảng lùi được tạo ra và hình thành những điểm đón gió và thoát gió.

    - Trong nhà: Các mảng cửa kính, cửa hất được tận dụng tối đa ở các điểm lùi công trình nhằm mục đích lấy không khí tươi và thoát khi nóng trên mái. 

    - Tạo nhiều mảng cây xanh theo phương ngang và phương đứng cho công trình ngoài chức năng giảm bức xạ nhiệt, từ đó góp phần giảm nhiệt độ trong công trình xuống ở mức hợp lí, giảm tiêu thụ điện năng. Những mảng xanh này có thêm chức năng giảm nhiệt độ, lọc không khí, tiếng ồn, tầm nhìn từ bên ngoài vào công trình.

    Mùa bão:

    - Mái bê tông kết hợp ngói để chống mưa bão cũng như đem lại tính bền vững cho công trình. Giảm chi phí bảo trì sau thiên tai.

    - Hệ thống thoát nước mưa nhằm đáp ứng lưu lượng mưa lớn ở miền Trung xuống dưới lòng đất nhằm giải quyết bài toán “Thoát nước đô thị” và “Tài nguyên nước”

    - Hệ thống cửa được bố trí lùi sâu trong nhà và có thể đóng mở linh hoạt.

     

     

     

     

    Vật liệu: gần như các vật liệu được tối giản hóa và giữ bề mặt thô nguyên bản nhất có thể. Nhằm mục đích tiết kiệm và hạn chế sử dụng các vật liệu hoàn thiện khác đắp thêm vào.

    - Bê tông mài, Trần Bê tông : là vật liệu của kết cấu nên việc sử dụng nó giúp công trình không có thêm tải trọng, và rất dễ vệ sinh. 

    - Đá Mài, đá rửa: Là vật liệu địa phương có tính thẩm mỹ cao, bền vững và dễ vệ sinh.

    - Gỗ địa phương: Gỗ sầu đâu được trồng và khai thác khá phổ biến ở địa phương giúp cho việc sử dụng đem lại kinh tế và thân thiện. 

    - Gạch không nung: Là loại gạch có độ bền và khả năng chịu lực cao, đặc biệt là có tính thân thiện với môi trường góp phần thúc đẩy xây dựng xanh.

    Tóm lại: tổng thể công trình vừa là một điểm nhấn xanh cho làng chài, vừa là một góc nhìn thú vị cho bà con sống xung quanh mỗi khi đi ngang, giúp cho con hẻm thêm phần sinh động và nhiều câu chuyện để kể hơn. Bên cạnh đó, bà con trong hẻm cũng cảm thấy nhẹ nhàng và kết nối nhiều hơn với gia đình chủ nhà, từ đó hình thành mối liên kết làng xã. Không những thế, công trình cũng tạo ra mối liên kết giữa 2 thế hệ vốn đã xa cách nhiều năm, giữa thầy trò, bạn bè và mọi người lại với nhau.

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0