Cúng bái lễ tạ sau khi xây sửa nhà là một nghi thức quan trọng trong văn hóa tâm linh. Dưới đây là những thông tin hướng dẫn gia chủ sắm lễ và văn khấn sau khi sửa nhà đúng cách.
*Tham khảo Hướng dẫn đăng bài trên website Happynest tại đây để kết nối với cộng đồng Happynest nhé.
Ý nghĩa của việc cúng sửa nhà
Nhiều người cho rằng chỉ nhà mới cần cúng bái, nhưng thực tế khi sửa nhà cũng cần có nghi thức tâm linh nhằm thể hiện lòng kính trọng dành cho các vị thần linh và tổ tiên.
Theo quan niệm dân gian từ xa xưa, mỗi ngôi nhà đều có thần linh, thổ địa bảo hộ. Khi có sự thay đổi về ngôi nhà như sửa chữa, xây dựng thì cần thông báo và xin phép các vị thần. Ngoài ra, việc cúng sửa nhà còn là cách gia chủ bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, đồng thời cầu mong sự bình an, may mắn đến với các thành viên trong gia đình trong ngôi nhà mới.
Ngoài ra, việc sửa chữa, xây dựng nhà cửa không chỉ đơn thuần là thay đổi về mặt vật chất mà còn ảnh hưởng đến năng lượng trong ngôi nhà. Bởi vậy, nghi thức cúng lễ tạ sau khi sửa nhà để thông báo những sự thay đổi với thần linh và gia tiên nhằm mong cầu sự chấp nhận và phù hộ để mọi việc diễn ra thuận lợi, an lành.
Sửa nhà là đại sự nên việc cúng sửa nhà là việc quan trọng cần báo cáo với các bậc thần linh và tổ tiên
Lưu ý khi sắm lễ và chuẩn bị lễ cúng sửa nhà
Sắm lễ cúng sửa nhà sẽ có sự khác biệt ở một số địa phương với phong tục tập quán khác nhau. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho nghi lễ cúng sửa nhà được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo và tận tâm nhất, gia chủ không nên bỏ qua những lễ vật cơ bản sau:
- 1 chén gạo, 1 chén muối 1 chén nước, 1 chén rượu trắng, 1 chén đựng trà khô
- Bánh bao 5 chiếc
- 1 đĩa ngũ quả.
- 1 bình hoa (nên chọn hoa cúc vàng hoặc hoa ngũ sắc)
- 1 đĩa bánh kẹo, trầu cau, thuốc
- 1 bó hương (nhang)
- 1 đĩa xôi, 2 bát chè ngọt
- 2 cây đèn cầy
- 5 đinh tiền lễ
Lễ cúng sửa nhà cần được chuẩn bị đúng, đủ và thành tâm
Ngoài việc sắm sửa lễ vật, gia chủ cũng cần chọn ngày giờ hoàng đạo để làm lễ. Ngày giờ hoàng đạo thường là những ngày tốt, giờ đẹp theo lịch âm. Việc chọn ngày giờ đẹp có thể cần nhờ đến sự tư vấn của các thầy phong thủy hoặc những người có kinh nghiệm để đảm bảo việc làm lễ được đúng với văn hóa tâm linh cùng với sự suôn sẻ, may mắn.
Lễ cúng sửa nhà thường được tiến hành tại khu vực chính của ngôi nhà, nơi đặt bàn thờ gia tiên hoặc nơi gia chủ dự định sửa chữa. Bàn thờ và lễ vật cần được sắp đặt sao cho trang nghiêm, sạch sẽ, thể hiện sự kính trọng và thành tâm.
>>> Xem thêm: Sửa nhà có cần xem ngày không? Giải đáp chi tiết từ A - Z
1. Văn khấn lễ tạ sau khi sửa nhà
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, người chủ lễ nên ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng, mang một thái độ thành tâm. Lời khấn cần được thể hiện rõ ràng, chân thành, bày tỏ sự kính trọng đối với thần linh và tổ tiên. Dưới đây là nội dung văn khấn lễ tạ sau sửa nhà.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
- Con lạy chín phương Trời, con lạy mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Ngài đương niên Thái Tuế Chí Đức Tôn Thần
- Con kính lạy Ngài Thành Hoàng Bản Thổ chư vị đại vương
- Con kính lạy đức Hoàng Thiên Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Bản gia Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
- Con kính lạy nhị thập tứ khí thần quan, 24 long mạch thần quan, 24 địa mạch quan cùng nhị thập bát tinh tú thần quang.
- Con kính lạy Thanh Long Bạch Hổ, Thổ Trạch, Thổ Khảm, Thổ Bá, Thổ Hầu, Thổ Tử, Thổ Tôn Thân Quan.
- Con kính lạy hội đồng Gia Tiên nội ngoại họ ……..gia cùng phần âm khuất mày khuất mặt hiện tiền nơi đây.
Tên con là:………...........................................................Sinh năm: .........................
Cùng các các thành viên gia đình: (Họ tên......................... Năm sinh......................)
Hôm nay, ngày...... Tháng ..... năm..... (Âm lịch) Tại địa chỉ:................................
Nhân ngày lành tháng tốt, chúng con nhất tâm xin phép làm lễ Tạ ơn sau khi đã hoàn thiện tu tạo sửa chữa nhà cửa, kính cẩn sắm biện hương hoa đăng trà quả thực lòng thành tấu lên các chư vị Phật Thánh cùng Gia tiên họ.......
Chúng con kính mời ngài Kim Niên Đương Cai Quản Thái Tuế Chí Đức Tôn Thần, Bản Cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương, ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần Quân, ngài Bản gia Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần. Các ngài Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức chính thần, các chư vị Tôn Thần cai quản trong xứ này. Cúi xin các ngài nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật. Chúng con nhờ có duyên lành mà đến an cư lạc nghiệp xứ này, nay việc tu tạo sửa chữa đã xong nhà tươi cảnh đẹp, chúng con đội ơn các ngài đã che chở để việc sửa chữa hanh thông thuận lợi. Chúng con cầu xin các Ngài che chở, hộ mệnh hộ trạch, căn nhà từ nay sinh khí tràn đầy người tươi cảnh ấm, cho gia đình chúng con cư ngụ nơi đây phong thủy yên lành, sức khỏe dồi dào, tài lộc vượng tiến.
Chúng con kính mời các các cụ Hội đồng Gia tiên nội ngoại họ………………. nghe lời khẩn cầu của con cháu hiển linh, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật, nay việc sửa chữa tu tạo đã xong chúng con sắm lễ tỏ lòng hiếu kính ơn sâu cảm tạ, cầu xin Gia tiên phù hộ cho con cháu gia đạo hưng vượng con cháu thêm công thêm việc để công thành danh toại, có quý nhân phù trợ, bốn mùa không tai ách, tám tiết được điềm lành tiếp ứng, công việc được thuận may mọi nhẽ.
Tín chủ con lại kính mời vong linh Ông bà Tiền chủ, Hậu chủ ở trong nhà này đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho gia chung chúng con được vạn sự tốt lành, tâm cầu sở đắc, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì. Toàn thể gia đình chúng con thành kính cảm tạ!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
>>> Xem thêm: Sửa nhà có cần xem tuổi không? Cách chọn tuổi sửa nhà hợp phong thủy?
Với những bước chuẩn bị và kiến thức cơ bản trên, gia chủ sẽ có thể vận dụng hữu ích khi làm lễ tạ sau khi sửa nhà của mình.
Tổng hợp
*Để lại thông tin trong box dưới đây nếu bạn có nhu cầu tìm kiếm đơn vị thiết kế - thi công nhà ở nhé.