Không đơn giản là không gian để ở, Architecture Paradigm đã đưa ra một giải pháp hoàn hảo để biến bốn bức tường thành “thực thể sống”.
Ngôi nhà “kì lạ” khi có thể “hít thở” không khí bằng lớp áo gạch nung và những khoảng thở
Nằm tại thành phố Mysuru, một trong những thành phố lớn thứ 3 thuộc tỉnh Karnataka, Ấn Độ, Brick House là ngôi nhà gạch nổi bật trên con đường chính của thành phố. Ngay từ vẻ ngoài, sự khác lạ, gần gũi, hiện đại nhưng truyền thống của nó đã thu hút mọi ánh nhìn. Các kiến trúc sư bắt đầu công trình này từ một ý tưởng: tạo nên một thế giới riêng trong chung, thân mật trong kiểu cách, đóng trong mở. Với những cặp phạm trù tưởng như đối nghịch ấy, họ đã khéo léo lồng ghép chúng với nhau một cách hòa hợp.
Ngôi nhà được xây theo hình chữ L với cách tổ chức không gian mở - đóng nhịp nhàng
Theo quy hoạch chung của thành phố, ngôi nhà có kích thước khá vuông vắn với diện tích không hề nhỏ: 15 x 24m, tương đương 360m2 mặt sàn. Kiến trúc sư chính của dự án quyết định thiết kế mặt bằng theo hình chữ L. Với thiết kế này ngôi nhà có đến 7 khoảng thở riêng với cây xanh, nước và thảm cỏ.
Ốc đảo xanh mát giữa oi bức mùa hè Ấn Độ
Mysuru nơi ngôi nhà cư ngụ là vùng đất có thời tiết đặc trưng với ba mùa: mùa hè, mùa đông, mùa mưa. Vào mùa hè, nhiệt độ vùng lên tới 40 độ, còn vào mùa đông nhiệt độ là 16 – 35 độ C. Thời tiết nắng nóng, khiến không khí tại Ấn Độ như “quánh” lại. Cảm giác bỏng rát luôn ám ảnh những người dân vùng Văn minh sông Hằng. Cũng chính vì vậy mà KTS muốn mang đến một cuộc sống tươi mát hơn cho 4 thành viên của gia chủ. Một không gian sống thực sự như ốc đảo xanh giữa sa mạc khô cằn.
Ngôi nhà gạch như ốc đảo xanh giữa sa mạc khô cằn
Ý tưởng đầu tiên là đặt cạnh ngắn của ngôi nhà hình chữ L theo trục Đông Tây. Đây cũng chính là trục mặt tiền tiếp giáp với con đường chính. Cạnh dài của ngôi nhà đặt theo hướng Nam Bắc và không gian sinh hoạt riêng được đặt tại đây. Cách bố trí này giúp các căn phòng chính mát mẻ, tránh ánh sáng mặt trời trức tiếp từ hướng Tây.
Mặt tiền của ngôi nhà được đặt theo hướng Đông Tây với nhiều khoảng thở, không gian sinh hoạt chính được đặt theo hướng Nam Bắc nhằm hạn chế ánh sáng của mặt trời
Với hình chữ L, lợi thế đầu tiên phải kể đến là nó tạo ra những khoảng trống lý tưởng để KTS thiết kế những khoảng sân trong. Không chỉ một mà là 7. Ngôi nhà có một khoảng sân bê tông cùng mạch cỏ xanh làm gara, một khoảng đệm từ lối vào chính, một khoang thở bên hông ngôi nhà, một không gian mở trong phòng ngủ chính, một sàn gạch, một hồ nước ở khoảng giữa và một sân sau với vườn cây xanh mát. (xem thêm mặt bằng nhà cuối bài viết)
Những khoảng sân nhỏ xuất hiện đan xen với không gian sống để tạo nên sự mát mẻ, yên bình
Một khoảng thở nhỏ phía trước ngôi nhà, bên trong phòng ngủ chính
Toàn bộ không gian tiếp khách được bố trí cạnh ngắn Đông Tây. Ở đó KTS cho thiết kế một phòng khách lịch sự để tiếp những vị khách xã giao. Họ sẽ được gia chủ đón tiếp nồng nhiệt bằng những khoảng sân xanh mát với cây và nước. Một không gian yên tĩnh, riêng tư, tách biệt với khối không gian sinh hoạt chung nằm trên cạnh dài Nam Bắc của ngôi nhà.
Phòng khách đơn giản nhưng lịch sự mở ra một khoảng xanh bao quanh tạo cảm giác thoải mái cho khách đến chơi
Tuy rất riêng tư nhưng cũng không quá tách rời với tổng thể chung của ngôi nhà
Dành cho những sinh hoạt thường nhật hàng ngày của gia đình nhỏ, phòng sinh hoạt chính, bếp, phòng ăn, phòng ngủ master cùng các không gian phụ được tổ chức trên cạnh dài của ngôi nhà chữ L ở cả hai tầng lầu.
Phòng ăn, phòng sinh hoạt chung hoàn toàn thông nhau tạo nên không gian rộng rãi
Mọi không gian đều nhìn ra khoảng xanh bên ngoài
Nếu như tầng một phòng ngủ master là không gian lớn nhất thì tại tầng hai khoảng thông tầng trở thành khoảng không gian chính. Nhờ vậy mà ánh sáng từ mái cùng không khí trong lành dễ dàng len sâu xuống tầng một, đảm bảo một môi trường sống mạnh khỏe cho mọi thành viên trong gia đình.
Phòng ngủ master với tông màu đỏ của những món đồ nội thất bằng vải dệt truyền thống Ấn Độ
Khoảng thông tầng trên tầng hai giúp ánh sáng trần dễ dàng len sâu vào bên trong căn nhà
Toàn bộ ngôi nhà được sắp xếp tinh tế đảm bảo được tính chung, riêng, sự kín đáo nhưng phóng khoáng, sự cởi mở nhưng ý nhị qua từng góc không gian. Một minh chứng hoàn hảo cho việc kết hợp những cặp phạm trù tưởng trái ngược nhưng lại có quan hệ tương hỗ mạnh mẽ.
Vật liệu không mới nhưng vẫn tạo được tính riêng
Không chỉ có cách tổ chức không gian làm nổi bật lên ý tưởng thiết kế của KTS, vật liệu sử dụng trong toàn bộ công trình cũng là minh chứng mạnh mẽ cho quan điểm thiết kế ấy. Đó là sự giao thoa giữa những nguyên vật liệu hiện đại như thép nhẹ, bê tông cốt thép, kính với những vật liệu truyền thống như gạch nung và gỗ.
Cầu thang bê bông và sắt thanh tạo nên tính hiện đại cho không gian
Kính giúp ánh sáng dễ dàng hắt vào không gian bên trong
Gạch và gỗ lại mang nét truyền thống, ấm áp cho ngôi nhà
Những vật liệu tưởng như không mới nhưng lại được khai thác rất riêng để tạo nên một không gian sống linh hoạt với nhiều trạng thái: gần gũi những sang trọng, thân thiện nhưng cũng lạnh lùng… Bằng cách này, KTS thực sự biến ngôi nhà thành một vật có tri giác, có “cảm giác” như một thành viên của gia đình vậy.
Gạch, kính, sắt được kết hợp với nhau để tạo nên tính riêng độc đáo cho công trình
Để thiết kế nên một ngôi nhà có thể không khó nhưng để tạo nên một không gian như một “thực thể sống” biết “cảm nhận”, biết “hít thở”, có tính cách lại là việc hoàn toàn khác. Quá trình ấy đòi hỏi KTS phải có sự thấu hiểu bản địa, thấu hiểu cuộc sống thường nhất, thấu hiểu nhu cầu của chủ đầu tư và thấu hiểu chính bản thân mình. Brick House là minh chứng cho sự hiểu sâu sắc trên từng yếu tố của người làm kiến trúc.
Thông tin dự án
Văn phòng kiến trúc: Architecture Paradigm
Địa chỉ: Mysuru, Karnataka, India
Kiến trúc sư chủ trì: Vimal Jain, Sandeep J., Manoj Ladhad, Senthil Kumar, Anirudh
Diện tích: 325.0 m2
Năm hoàn thành: 2016
Nhiếp ảnh: Anand Jaju
Nội thất: Saint Gobain, Jaquar
Bài viết: Phạm Anh