Mùa mưa bão với tần suất mưa to, gió lớn thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu tới ngôi nhà của bạn. Để tránh các tác động của thời tiết khắc nghiệt mùa mưa bão, chủ nhà không thể lơ là việc chống thấm cho căn nhà của mình. Những kinh nghiệm dưới đây là gợi ý khả thi và hiệu quả để chống thấm nhà ở khi mùa mưa bão về.
Chống thấm phần mái nhà
Tuỳ từng chất liệu của mái nhà để chọn cách chống thấm phù hợp
Mái nhà là nơi có diện tích tiếp xúc trực tiếp với mưa nhiều nhất và cũng chịu tác động của gió lớn nhất. Nhất là những ngôi nhà xây lâu năm, phần mái đã giảm tuổi thọ, nguy cơ bị thấm dột lớn cho nên cần cải tạo, gia cố.
Phần mái nhà bị dột cần được trám bít, che lại hoặc gia cố bằng các vật liệu thích hợp. Với những ngôi nhà được lợp bằng tôn thì nên sử dụng ke chống bão, vật liệu này nhằm gia cố mái tôn, chịu đựng được sức gió giật cấp 10-12.
Các máng xối thoát nước cần căn chỉnh sao cho khớp với phần mái, nếu máng nhỏ thoát nước chậm thì nên thay bằng máng lòng sâu hoặc khoan thêm lỗ để dễ thoát nước.
Chống thấm mái bằng sơn chống thấm chuyên dụng
Sử dụng ke chống bão mái tôn đề phòng bung mái gây thấm dột
Gia cố mái nhà bằng bao cát cũng cần đúng cách
Chống thấm trần nhà
Nếu quan sát thấy trần nhà bị ố vàng, mốc hoặc loang vệt nước thì trần nhà của bạn đã bị thấm. Để chống thấm, tránh bị dột khi mưa to, cần xử lý bề mặt trần nhà. Nếu ở mức độ nhẹ thì chỉ cần quét sơn chống thấm. Tuy nhiên nếu trần bị thấm nước nhiều đến mức bị dột thì cần xử lý tại chỗ thấm.
Cách làm hiệu quả và nhanh chóng được nhiều người áp dụng để chống thấm trần nhà khi bị dột đó là: làm sạch chỗ bị thấm, sau đó phủ bề mặt bằng các vật liệu đặc hiệu như sợi thuỷ tinh, keo chống thấm và cuối cùng là trám xi măng lại.
Trần nhà bị ố vàng, bong tróc cần được xử lý khi mùa mưa bão về để tránh dột
Không chỉ vậy, chống thấm cần thực hiện từ trên sàn mái mới đạt hiệu quả cao
Hoàn tất các bước chống thấm cho khu vực sàn mái/ trần nhà
Chống thấm tại các khung cửa sổ
Cửa sổ cũng là nơi có nguy cơ bị thấm cao do tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài mà không có vật gì che chắn. Nếu thấy các hiện tượng rỉ nước vào trong dù cửa đóng, ố vàng phần tường tiếp giáp khung cửa thì cửa sổ của nhà bạn đã bị hỏng chức năng chống thấm hoặc bị hở nên nước hắt vào trong.
Khu vực cửa sổ bị nước thấm
Đối với hệ cửa bằng nhôm kính, có mấy cách chống thấm sau:
Dùng màng sơn chống thấm: Cách này thường dùng cho khung cửa có tường ngoài dán vật liệu trang trí. Bạn nên sử dụng màng sơn chống thấm (thường là hóa chất Lemax AC) để quét lên khe nối của các khối trang trí, nhằm ngăn nước mưa ngấm từ các khe này sang khe giữa khung cửa và tường.
Dùng silic hữu cơ: Cách này dùng trong trường hợp khe hở giữa cửa lớn. Bạn cần trộn xi măng và chất chống thấm để bịt lỗ hở, sau đó quét silic hữu cơ lên để hoàn tất.
Nếu xuất hiện khe hở giữa khung cửa và tường: Cần đục phần vữa bị bong mục ra, chèn sợi bitum vào trong khe, sau đó trám chặt bằng vữa xi măng. Nếu muốn xử lý nhanh trong khi mưa bão, có thể dùng keo chống thấm. Cách trám bít khe hở này được áp dụng cho hệ cửa nhôm kính hay gỗ đều được.
Đối với hệ cửa bằng gỗ, có thể dùng gioăng để bít các khe giữa cánh cửa và khung. Trong trường hợp gỗ bị thấm thì quét sơn chống thấm lên bề mặt cửa là giải pháp nhanh chóng và hiệu quả.
Dùng keo nở chống thấm bít khe hở giữa tường và khung cửa
Chống thấm bằng cách bịt các khe hở giữa phần nhôm và kính bằng vật liệu chuyên dụng
Chống thấm do nứt lở tường
Nứt tường mà không được xử lý trong mùa mưa bão thì khả năng nước chảy vào nhà, làm hư hại đồ nội thất rất cao. Thấm do nứt tường dễ khắc phục cho nên bạn cần làm ngay trước khi mưa bão tới.
Nếu tường bị nứt kết cấu thì nên dùng keo chống thấm đặc hiệu bơm đầy, sau đó phủ một lớp chống thấm gốc xi măng, cuối cùng trát vữa và sơn hoàn thiện.
Nếu tường bị nứt thông thường, chỉ cần trát bằng lớp chống thấm chuyên dụng và quét sơn chống thấm.
Nên chống thấm khi tường mới bị nứt, tránh để nứt thành rãnh to sẽ khó xử lý, hiệu quả thấp
Kinh nghiệm chọn chất chống thấm
Việc chống thấm hiệu quả nhất vẫn là làm lúc khi ngôi nhà đang xây dựng, lúc bê tông chưa khô hẳn. Lúc đó các chất chống thấm sẽ có thời gian và điều kiện phù hợp để liên kết bám sâu, sau này rất ít bị thấm. Nếu không ưu tiên việc chống thấm khi xây nhà, về sau việc khắc phục sửa chữa vừa khó khăn, vừa không đạt hiệu quả lâu dài.
Lựa chọn vật liệu chống thấm phù hợp sẽ mang đến diện mạo mới cho ngôi nhà của bạn
Các kiến trúc sư dày kinh nghiệm và những nhà thi công lâu năm đã đúc rút kinh nghiệm chọn chất liệu chống thấm như sau:
- Chọn vật liệu chống thấm và các chất hóa học liên kết từ các thương hiệu uy tín có công nghệ tiên tiến.
- Chất chống thấm có 2 dạng chính nước và bột, hãy tìm ra nguyên nhân nhà thấm dột sau đó mới chọn vật liệu phù hợp.
- Chống thấm sàn nhà vệ sinh hay sân thượng bằng chất chống thấm sàn dạng dẻo, phủ lên bề mặt trước khi lát gạch.
- Sơn chống thấm cần sơn ngay khi hoàn thiện và tuỳ từng bề mặt sẽ có sơn đúng loại.
- Với những vách tường cần thẩm mỹ cao: chọn hỗn hợp chống thấm khô nhanh. Với tường không cần thẩm mỹ cao: chọn sơn nước gốc xi măng.
- Đối với các trường hợp sửa chữa, cải tạo chống thấm: Luôn luôn làm sạch bề mặt, cạo hết lớp vữa mục sau đó mới thi công.
- Nên chọn thợ có kinh nghiệm, có chuyên môn chống thấm để biết cách chọn chất chống thấm, kỹ thuật chống thấm, tránh làm chỗ này nhưng lại hỏng chỗ khác vừa tốn kém vừa mất thời gian.
Chúc các chủ nhà thông thái sẽ tìm được những người thợ tốt cùng đồng hành, làm nên ngôi nhà bền đẹp cho tổ ấm của mình!