Một trong số những khía cạnh cốt yếu nhất trong thiết kế nội thất chính là ánh sáng - yếu tố có thể tạo ra (hoặc cũng có thể phá vỡ) không gian bố trí nội thất với bất kỳ kích thước hay vật liệu nào. Ánh sáng trở nên đặc biệt quan trọng trong những không gian chật hẹp hay đông đúc, có thể giúp chúng ta cảm thấy rộng hơn, thoáng đãng hơn trong khi sự thật là diện tích vẫn không hề thay đổi. Ngược lại, việc thiết kế ánh sáng không tốt có thể khiến những không gian rộng rãi dường như bị nhỏ hẹp lại, chật chội hơn so với diện tích thực.
Để không gian nội thất được chiếu sáng hợp lý và tạo cảm giác rộng thoáng, các kiến trúc sư có thể dựa vào rất nhiều phương pháp quen thuộc để tận dụng tối ưu không gian. Từ việc thiết kế chính xác các mảng sáng tối, đặt các loại ánh sáng ở các vị trí phù hợp nhất, hòa hợp với các yếu tố khác để tất cả tạo nên tổ hợp ánh sáng hiệu quả, có tính thẩm mỹ cao. Dưới đây là gợi ý 10 cách thiết kế ánh sáng giúp “mở rộng” không gian nhà ở hiệu quả, gia chủ có thể tham khảo và áp dụng.
1. Sử dụng nhiều nguồn sáng đa dạng
Nhiều căn hộ chung cư thường mắc phải sai lầm khi chỉ chiếu sáng phòng với một cái đèn trần duy nhất ở giữa. Loại đèn này kiến các góc tường bị sấp bóng, ánh sáng trong phòng không đồng đều tạo cảm giác phòng bị chật hơn và thậm chí còn gây căng thẳng cho mắt. Thay vì chỉ sử dụng một đèn trần, các gia chủ nên dùng nhiều nguồn ánh sáng đa dạng, phân bổ khắp cả phòng. Chức năng, kích thước và thiết kế của từng căn phòng sẽ cần những kiểu đèn được bố trí với cường độ sáng khác nhau.
Nên bố trí nhiều nguồn sáng khác nhau trong 1 căn phòng để đạt được hiệu quả chiếu sáng tốt nhất
2. Bố trí ánh sáng ở các khu vực góc khuất, góc tường, góc nhà
Bóng tối thường gây ra cảm giác không gian chật hẹp hơn, trong khi ánh sáng giúp chúng ta cảm thấy rộng rãi hơn. Khi các góc nhà, góc tường bị khuất bóng, căn phòng dường như bị thu hẹp lại. Đèn ở các góc, dù là đèn trần hay đèn cây, cũng sẽ giúp đảm bảo toàn bộ mặt sàn của phòng được chiếu sáng, ít nhất cũng giúp ta luôn cảm nhận được diện tích thực của căn phòng.
Bất cứ góc tường, góc khuất nào cũng cần được chiếu sáng để không gian luôn rộng mở trong tầm mắt
3. Thiết kế các lớp ánh sáng
Đèn chiếu sáng trong góc hay đèn trần thường được xếp vào loại “chiếu sáng chung”. Tuy nhiên, những người thiết kế thường áp dụng 3 loại chiếu sáng khác nhau: chiếu sáng chung, chiếu sáng điểm và chiếu sáng nền. Nguồn chiếu sáng chung sẽ giúp căn phòng có độ sáng tốt, những nguồn chiếu sáng điểm lại giúp chúng ta nhìn rõ hơn vào các chi tiết đáng quan tâm cụ thể như bàn học hay bàn bếp. Còn chiếu sáng nền có chức năng trang trí nhiều hơn. Chiếu sáng từng lớp theo cách này giúp đảm bảo tất cả các nhu cầu về ánh sáng đều được đáp ứng. Do đó, khi phân bổ các nguồn sáng trong phòng, các kiến trúc sư và gia chủ nên tính toán cả 3 lớp ánh sáng này. Ví dụ như chiếu sáng điểm bao gồm chiếu dưới tủ bếp hay đèn trang trí trong phòng tắm. Chiếu sáng nền có thể là ánh sáng từ nến, đèn âm tường, âm trần hoặc đèn cây, đèn đứng trang trí.
Không gian bừng sáng và rộng thoáng hơn nhờ việc thiết kế đầy đủ tích hợp cả 3 lớp ánh sáng
4. Thêm ánh sáng từ đèn âm tường, âm trần
Đèn âm có ý nghĩa rất quan trọng bởi chúng thực sự giúp không gian trở nên rộng hơn. Đèn âm là đèn được thiết kế, lắp đặt trực tiếp vào trong tường, trần nhà hoặc các bề mặt khác, chúng tạo ra thêm ánh sáng mà không mất chút diện tích lắp đặt nào. Những loại đèn này vô cùng hữu ích trong những căn phòng trần thấp, bởi đèn treo hay đèn không âm sẽ tạo cảm giác làm giảm chiều cao của trần. Bằng cách sử dụng đèn âm, kiến trúc sư và các gia chủ sẽ giúp tăng độ rộng thoáng của không gian, tạo ra sự khác biệt lớn trong các căn phòng nhỏ.
Đèn âm trần, âm tường không chỉ giúp không gian như cao, sâu hơn mà còn làm tăng tính thẩm mỹ cho căn phòng
5. “Rửa” tường bằng ánh sáng
“Rửa” tường bằng ánh sáng có nghĩa là hướng ánh sáng rọi thẳng vào các bức tường trong phòng, hay nói một cách khác là chúng ta đang cố gắng xóa mờ đi những bức tường ngăn, giới hạn căn phòng để không gian rộng thoáng hơn. Cách này cũng được sử dụng để hướng ánh nhìn vào các điểm nhấn đặc biệt trong thiết kế, ví dụ như các tác phẩm tranh nghệ thuật hay kiến trúc. Đèn âm tường cũng là một cách để làm bừng sáng bức tường vô cùng hiệu quả. Một cách khác là lắp đặt hệ thống đèn rọi để điều chỉnh sáng chiếu vào tường một cách thủ công.
Thiết kế ánh sáng “xóa bỏ” các bức tường ngăn giúp không gian rộng ra trông thấy
6. Sử dụng đèn treo thả từ trần nhà
Việc điều hướng ánh nhìn không chỉ áp dụng khi chiếu sáng tường mà còn cần dùng để làm nổi bật trần nhà cao. Đèn treo thả sẽ thu hút sự chú ý lên phía trần nhà và do đó khiến khoảng không gian trần nhà như cao hơn. Đồ nội thất cao, kệ cao và đèn chiếu thẳng đứng cũng có thể dùng để ghi dấu độ cao của căn nhà.
Đèn treo thả không chỉ giúp độ cao trần như tăng lên mà còn tô điểm cho không gian thêm sang trọng
7. Thiết kế đèn chiếu sáng cao và đèn chiếu sáng sâu
Như đã nhắc đến ở trên, đèn chiếu cao có thể được dùng để làm nổi bật độ cao của trần nhà hoặc làm trần nhà thấp trở nên cao hơn. Trong khi đó, chiếu sáng sâu bao gồm việc thêm đèn phía sau những đồ nội thất như tủ, hốc tường, màn hình hay các phần bảng, khung thông tin khác. Cách này không chỉ tạo ra ảo giác về chiều sâu, giúp không gian rộng hơn mà còn như được thiết kế một cách phức tạp hơn.
Mở rộng không gian cả về chiều cao, chiều sâu nhờ hệ thống đèn chiếu thích hợp
8. Lắp đặt đèn rọi
Đèn chiếu rọi là một cách thức khác dùng cho những điểm cần quan sát gần và làm nổi bật. Những chiếc đèn này tích hợp nhiều điểm ưu việt như: nhỏ gọn, tiết kiệm không gian, linh hoạt, dễ dàng di chuyển. Đó là lý do tại sao chúng có thể đáp ứng cả yêu cầu chiếu sáng điểm và chiếu sáng chung, giúp căn phòng tràn ngập ánh sáng nếu chúng được bố trí một cách hợp lý.
Thu hút sự chú ý và làm nổi bật các chi tiết đặc biệt trong căn phòng nhờ ánh sáng từ đèn rọi
9. Bổ sung gương hoặc các vật liệu phản chiếu khác
Sử dụng gương là cách vô cùng phổ biến giúp căn phòng cảm giác như rộng ra, bởi gương giúp nhân đôi không gian trong tầm mắt. Chúng phản chiếu ánh sáng, tăng cường độ sáng một cách tự nhiên và giảm bớt bóng tối. Gương càng lớn thì hiệu ứng càng rõ rệt. Tuy nhiên, sử dụng các vật liệu phản chiếu khác, không phải gương, cũng có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn. Ví dụ, các bề mặt bóng như sàn nhà được vệ sinh bóng loáng hay những vật dụng bằng thủy tinh cũng giúp phản chiếu ánh sáng, tăng độ sáng và điều chuyển ánh sáng phủ khắp căn phòng.
Các vật liệu có tính chất phản phản chiếu giúp không gian như được “nhân đôi”
10. Sử dụng nội thất và tường sáng màu
Cuối cùng, đồ nội thất và những bức tường sáng màu có vai trò rất quan trọng giúp duy trì độ sáng và sự phản chiếu được tạo ra bởi tất cả các mẹo thiết kế ở trên. Việc này giúp ích rất nhiều trong việc tăng cường hiệu quả của các nguồn sáng, trong khi tường, nội thất tối màu có thể hấp thụ độ sáng tăng thêm do việc phân bổ ánh sáng và các yếu tố phản chiếu.
Những gam màu sáng có vai trò rất quan trọng giúp làm tăng hiệu quả chiếu sáng mở rộng không gian
Có rất nhiều ví dụ tiêu biểu cho việc thiết kế ánh sáng hợp lý đã áp dụng một số mẹo nhỏ này và đạt được hiệu quả rất tốt, một số ví dụ còn áp dụng hầu hết các lưu ý trên. Công trình Dengshikou Hutong Residence ở Trung Quốc đã sử dụng những bức tường trắng trơn, nội thất sáng màu, đèn treo thả giúp làm nổi bật độ cao trần, đèn chiếu từ trên cao làm bừng sáng các bức tường, đèn chiếu sáng điểm dùng cho giường, tủ,... Không gian tích hợp nhiều phương thức chiếu sáng khác nhau như được mở rộng ra trông thấy. Một công trình tiêu biểu khác là căn hộ 22m2 ở Đài Loan, không gian chật hẹp được cải thiện rộng thoáng hơn nhờ tường sơn trắng, đèn chiếu sáng điểm, đèn âm tường và khéo léo bố trí ánh sáng tự nhiên. Mỗi không gian yêu cầu một hệ thống chiếu sáng khác nhau, những người thiết kế nên xem xét tất cả các lưu ý ở trên, nhưng phải chọn ra những phương thức phù hợp nhất với không gian và thiết kế của công trình.
Nguồn: Archdaily
Biên dịch: Thu Phương
Xem thêm:
- 1. Nhà Mệ Loan - Ngôi nhà đẹp ''lạ'' với 5 khoảng sân đón nắng trong con hẻm nhỏ chỉ rộng 1m
- 2. Cải tạo nhà phố đã nhuốm màu thời gian thành căn nhà 4 tầng hiện đại, sáng thoáng
- 3. L House - Nhà trong hẻm tràn ngập ánh sáng tự nhiên, là tổ ấm thân thương của gia đình 4 người tại Hà Nội
- 4. Không chỉ ấn tượng với mặt tiền gạch thô, nhà phố HIA sau cải tạo còn ghi điểm bởi không gian xanh thoáng sáng
- 5. Vợ chồng mới cưới lựa chọn cuộc sống an yên, bình lặng nơi thôn quê trong căn nhà vườn xinh đẹp, an yên