Châu Âu, với bề dày lịch sử đầy biến động, là cái nôi sản sinh ra rất nhiều trường phái nghệ thuật nổi tiếng: từ Gothic bí ẩn, Phục Hưng cổ điển đến Baroque mãnh liệt. Mỗi phong cách đều là hình ảnh của châu Âu một thời đại. Vậy, phong cách Baroque là “gương mặt” nào của châu Âu?
Kiến trúc Baroque và lịch sử châu Âu
Theo các tài liệu lịch sử, sau khi thời kì Phục Hưng suy thoái vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, một phong cách đã xuất hiện và thay thế rất nhanh ở thời điểm này, đó chính là Baroque.
Phong cách Baroque với những bức tranh trần lớn
Baroque xuất phát ở Ý và được xây dựng trên nền tảng của kiến trúc Phục Hưng thể hiện sự chiến thắng của Giáo hội Công giáo với hình dáng, hoạ tiết mới lạ, ánh sáng và bóng tối được thể hiện với một cường độ mạnh mẽ tạo ấn tượng với thị giác. Ở Tây Ban Nha, “baroque” có nghĩa là một viên ngọc trai hình dạng kỳ lạ, nhưng ở Ý nó lại thể hiện một nhóm tương đối nhỏ với ít sự ảnh hưởng đến xã hội. Phong cách “lây lan” một cách nhanh chóng không chỉ trong kiến trúc mà còn ở thời trang, điêu khắc, âm nhạc… trở thành đại diện cho văn hoá Châu Âu thời kì này.
Vào những thế kỷ trước, phong cách này được ứng dụng chủ yếu cho kiến trúc nhà thờ và có sự phóng khoáng hơn so với thời kì Phục Hưng.
Nếu kiến trúc Phục Hưng thu hút sự giàu có và quyền lực, thể hiện sự pha trộn của thế tục và tôn giáo của các đấng tối cao châu Âu, thì Baroque lại là đại diện của Giáo hội Công giáo. Phong cách và các họa tiết trang trí Baroque tạo cảm giác dễ tiếp cận hơn, lại có chức năng như một lời tuyên thệ rõ ràng của Giáo hội Công giáo về sự giàu có và quyền lực bậc nhất.
Đặc trưng kiến trúc Baroque
Đặc trưng của kiến trúc Baroque là sức mạnh của nhà thờ và chính quyền chuyên chế, gắn liền với cuộc chiến tôn giáo. Trong thời đại của Baroque, kiến trúc trở nên phức tạp và cầu kỳ hơn trong các nhà thờ.
Nếu đặc điểm kiến trúc thời kỳ Phục Hưng khá cứng nhắc vì thừa hưởng từ Hi Lạp và La Mã cổ đại thì với Baroque hoàn toàn ngược lại. Phong cách này đặc trưng bởi các họa tiết trang trí công phu, lộng lẫy, tái hiện khung cảnh thoát tục và gợi cảm hứng về đấng siêu phàm. Đại diện bởi những đặc điểm sau:
Sử dụng ánh sáng mạnh mẽ, tương phản
Kiến trúc Baroque không mô tả phong cách sống của người dân tại thời đại đó. Tuy nhiên, nó gắn bó chặt chẽ với phong trào phản cải cách, cuộc chiến tôn giáo nên nó thể hiện ánh sáng và sự tương phản mạnh như một cách tái khẳng định vào đức tin Công giáo như một lời đáp trả đối với cải cách Tin Lành.
Sử dụng ánh sáng tương phản như ở nhà thờ Weltenburg.
Khi ứng dụng phong cách này vào công trình nhà ở, cách lấy sáng có phần dịu dàng hơn
Sử dụng các hình oval cho các tòa nhà
Oval là hình chủ đạo đặc trưng của kiến trúc Baroque, nó xuất hiện hầu như ở tất cả mọi nơi, từ nét uốn lượn của những dày tường dài đến các góc nhỏ khuất trên trần. Hình dạng này đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết và cầu kỳ nhất định.
Yếu tố này không được sử dụng nhiều trong kiến trúc nhà ở vì phần lớn là nhà chung cư, không thiết kế được loại trần oval.
Mái vòm hình quả lê
Kiến trúc Roman nổi bật với cấu trúc mái vòm tròn, Gothic lại có mái vòm nhọn thì điểm đặc biệt trong mái vòm của kiến trúc Baroque là hình quả lê.
Hình dạng mái vòm ở Bayern, cộng hòa Séc, Ba Lan và Baroque Ukraina.
Hoa văn màu sắc phong phú, đắp nổi
Hoa văn và màu sắc của phong cách Baroque khá phong phú thường được mạ vàng, thạch cao hoặc vữa, đá cẩm thạch hoặc giả hoàn thiện hoặc nội thất đắp nổi (khá phổ biến vào cuối giai đoạn này).
Một số đặc điểm khác
Bên cạnh những đặc điểm lớn nêu trên, kiến trúc Baroque còn được biết đến với những đặc điểm: cột có kích thước lớn, chồng cao 2 tầng, cửa sổ lớn hình chữ nhật, cửa sổ nhỏ hơn hình vòm hoặc nửa vòm; các yếu tố kiến trúc không hoàn chỉnh, thống nhất và theo cảm hứng của nghệ sĩ; tranh trần lớn; thiết kế với các phần nhô cao hướng về tâm ở mặt ngoài…
Cửa sổ và cửa ra vào hình vòm hoặc nửa vòm là đặc trưng của kiến trúc Baroque.
Kiến trúc Baroque tại Việt Nam
Tại Việt Nam cũng có du nhập và chịu ảnh hưởng của kiến trúc Baroque nhờ những người truyền đạo vào thế kỷ 16, kiến trúc này thể hiện rõ nét nhất ở Nhà thờ Chính Tòa Bắc Ninh.
Nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh ấn tượng với một phong cách kiến trúc Baroque không lẫn lộn.
Kiến trúc Baroque đem đến cho ngôi Thánh đường hơn 120 tuổi sức sống mạnh mẽ, thể hiện qua hệ thống âm thanh và ánh sáng. Hệ thống cửa sổ và cửa ra vào được bố trí hợp lý, kích thước vừa phải, tạo thành hệ thống thông gió hiệu quả, mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
Với một diện tích khiêm tốn, nhưng dù đứng ở vị trí nào trong lòng nhà thờ, ta đều có cảm giác không gian dường như sâu hơn, dài hơn, rộng hơn so với diện tích thực tế. Mỗi khi bước chân vào sảnh đường nguyện cầu, các con chiên sẽ cảm thấy như lạc vào một thế giới huyền nhiệm đầy âm hưởng thánh thiêng.
Hệ thống trần gỗ lớn đồng bộ, xuyên suốt, cùng không gian kiến trúc hợp lý tạo nên một âm thanh có sắc thái riêng vừa ấm áp lại trong trẻo.
Với sự biến đổi không ngừng của kiến trúc, phong cách Baroque dần được ứng dụng vào các công trình nhà ở. Bớt một phần lộng lẫy, nhiều hơn tính tiện nghi cho người dùng, những công trình mang phong cách này gây ấn tượng bởi nét giao thoa hài hòa giữa tính nghệ thuật và dân dụng.
Kiến trúc Baroque ngày càng đến gần với đời sống thường nhật hơn.
Phong cách này là một gợi ý thú vị cho những gia chủ chuộng phong cách sang trọng, cổ điển
Các ô cửa kính nghệ thuật tận dụng được tối đa ánh sáng tự nhiên ban ngày, cùng hệ thống đèn chiếu buổi tối càng làm sáng rõ vẻ đẹp của kiến trúc.
Kiến trúc Baroque trong một căn phòng khách.
Là một phần của lịch sử Châu Âu mạnh mẽ và mãnh liệt, kiến trúc Baroque chính là sự quyết liệt và phóng khoáng của dân chúng tôn giáo châu Âu đầu thế kỷ 17. Kiến trúc Baroque, mặc dù nổi bật trong những công trình nhà thờ và đề cao sức mạnh tôn giáo, nhưng hiện nay rất nhiều loại hình công trình áp dụng nó như một phong cách thiết kế thông dụng. Baroque đã dần đi vào đời sống của người dân kể cả những người không theo Đạo.
Bài viết: Nga An