Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới nóng ẩm với lượng ánh sáng mặt trời rất lớn. Với vị trí như vậy, sử dụng pin năng lượng mặt trời là một giải pháp tiết kiệm và thay thế năng lượng truyền thống rất tốt. Và trong thực tế, rất nhiều công trình đã áp dụng giải pháp này. Nhưng với những công trình nhỏ, cụ thể là nhà ống của hộ gia đình thì lắp đặt và sử dụng sao để hiệu quả?
Sử dụng năng lượng từ pin mặt trời đang là giải pháp được nhiều hộ gia đình áp dụng
Lựa chọn loại pin mặt trời nào thì phù hợp?
Không phải lúc nào lắp pin mặt trời cũng tiết kiệm chi phí như mong đợi. Bởi nhiều gia chủ vì không tính toán kỹ, chi phí đầu tư ban đầu quá lớn mà chi phí tiết kiệm điện năng hàng tháng sau khi lắp pin mặt trời chẳng là bao. Điều đó gây ra tình trạng lãng phí.
Khi dùng pin năng lượng mặt trời, gia chủ cần lựa chọn loại pin sao cho phù hợp
Hiện nay, việc ứng dụng dùng điện năng từ pin mặt trời có 3 cách:
Điện năng lượng mặt trời hòa lưới. Với loại này, người dùng có thể bán điện mặt trời dư thừa cho công ty điện.
Điện năng lượng mặt trời độc lập. Hệ thống pin sẽ có bộ dự trữ để gia chủ sử dụng khi không có ánh nắng mặt trời
Điện năng lượng mặt trời kết hợp cả hòa lưới và độc lập
Các tấm pin năng lượng mặt trời được chia thành khá nhiều loại
Việc dùng điện mặt trời độc lập là không nên. Bởi chi phí đầu tư ban đầu của giải pháp này rất tốn kém mà kết quả thu được không tương xứng. Để có thể sạc được đầy hệ thống ắc quy lưu trữ cần 14 – 16 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, tuổi thọ của ắc quy thường không dài, thường thì sau 1000 lần sạc-xả sẽ phải thay mới. Mà hộ gia đình thì chỉ tiêu thụ điện nhiều vào buổi tối. Về cơ bản, giải pháp dùng điện mặt trời độc lập phù hợp với các cao ốc văn phòng, khách sạn, siêu thị hay trung tâm thương mại mà thôi.
Việc dùng điện năng lượng mặt trời độc lập phù hợp với những nơi tiêu thụ điện phần lớn vào buổi sáng
Chính vì thế, lựa chọn dùng điện hòa lưới hoặc kết hợp là hợp lý. Và để tiết kiệm, các hộ gia đình cũng không nên lắp công suất quá lớn gây lãng phí. Theo nhiều chuyên gia phân tích thì một hộ gia đình chỉ nên lắp hệ thống điện mặt trời 1-3kWp, chi phí đầu tư tối thiểu vào khoảng 25 triệu đồng cho diện tích lắp đặt pin chừng 5m2. Nếu lắp như vậy, một ngày có thể tiết kiệm từ 4 đến 5 số điện.
Hộ gia đình chỉ nên chọn loại có công suất vừa phải
Lưu ý trong quá trình lắp đặt pin năng lượng mặt trời
Pin năng lượng mặt trời có thể giúp tiết kiệm năng lượng tiêu thụ tốt, làm tăng giá trị công trình. Tuy nhiên, việc lắp cần phải tính toán ngay từ đầu. Nó sẽ tác động tới hướng, hình khối và mặt bằng của nhà. Pin cần được lắp đặt ở vị trí có nhiều bức xạ mặt trời và lượng bức xạ đó được kéo dài lâu nhất. Thêm vào đó, vị trí này cũng tránh bị khuất bởi bóng cây hoặc bóng râm của những tòa nhà cao hơn.
Các tấm pin năng lượng mặt trời cần được lắp đặt ở vị trí có nhiều ánh nắng nhất
Tấm pin mặt trời được đặt ở trên mái nhà để tránh bóng râm
Thông thường, các tấm pin sẽ được lắp ở mái nhà, tường nhà hoặc các tấm chắn nắng. Trong đó, mái nhà là vị trí lắp đặt phổ biến nhất, việc lắp trên tường nhà chỉ phù hợp với những ngôi nhà cao tầng và tấm pin có thể di động thay vì cố định.
Hệ thống pin mặt trời thường hoạt động liên tục vào buổi sáng – chiều nên rất cần có thông gió sau để pin có thể hoạt động mượt mà, đều đặn. Trong quá trình dùng, gia chủ nên bảo dưỡng, vệ sinh pin định kỳ để đảm bảo tuổi thọ của pin.
Pin có thể lắp trên tường nhà nhưng thường chỉ áp dụng với các căn hộ, nhà cao tầng
Ngoài ra, pin cũng có thể lắp ở trên mái che
Gia chủ có thể lựa chọn lắp cố định tấm pin hoặc cách lắp di chuyển linh hoạt
Để tăng tuổi thọ, các tấm pin cần được bảo dưỡng và vệ sinh định kỳ
Về cơ bản, việc lắp pin năng lượng mặt trời cho nhà ống ở các thành phố, đô thị là giải pháp hiệu quả. Nhưng thay vì kỳ vọng sử dụng hoàn toàn nguồn điện mặt trời thì gia chủ chỉ nên đặt mục tiêu làm sao để giảm được nhiều hóa đơn tiền điện nhất. Có như vậy, gia chủ mới cân bằng được chi phí đầu tư ban đầu, giảm chi phí sinh hoạt hiệu quả.
Bài viết: Thu Hằng